Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net




Đề Mục
1- Chính Trị
2- Chính Trị Học
3- Quân Vương
    
    còn tiếp


Chính trị

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Chính trị hay Chánh trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.[1]

Mục lục


Khái niệm chính trị

Hiện nay, trên thế giới đã hình thành 4 cách hiểu khác nhau về chính trị:

1) nghệ thuật của phép cai trị
2) những công việc của chung
3) sự thỏa hiệp và đồng thuận
4) quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích
(xem Andrew Heywood, Politics (third edition), Palgrave Macmillan, New York, 2007).[cần dẫn nguồn].

Nếu quan niệm rằng chính trị chỉ là những hoạt động xoay quanh vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước thì, theo lý luận của chủ nghĩa Marx, trong xã hội cộng sản tương lai sẽ không có chính trị bởi vì lúc đó nhà nước đã tiêu vong. Nói cách khác, chính trị sẽ dần dần trở nên thừa thãi và mất hẳn trong xã hội lý tưởng của nhân loại - xã hội cộng sản.

Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó. Với cách hiểu như thế này thì dù trong xã hội cộng sản, chính trị vẫn còn tồn tại và vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng đối với từng con người cũng như toàn xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào thì cũng cần những luật lệ chung để hoạt động nhịp nhàng và khoa học, tránh tình trạng vô tình hay cố ý xâm phạm quyền lợi, lợi ích, tài sản, sức khỏe hay thậm chí tính mạng của người khác hay của cộng đồng. Một ví dụ đơn giản, xã hội dù có phát triển đến đâu thì cũng cần có luật giao thông để con người có thể lưu thông một cách trật tự và hiệu quả. Hay, con người không thể sống trong một xã hội mà tình trạng an ninh không đảm bảo (cướp bóc, khủng bố chẳng hạn) do thiếu luật lệ. Mặc dù phần lớn xã hội hiện nay trên thế giới không tránh khỏi các hiện tượng cướp bóc và khủng bố nhưng phải thừa nhận rằng pháp luật đã góp phần ngăn chặn đáng kể những hành vi bất lương đó.

Còn Khoa học chính trị (các nghiên cứu về chính trị) là ngành học thuật nghiên cứu về chế độ chính trị, hành vi chính trị; miêu tả và phân tích các hệ thống chính trị và các ứng xử chính trị; nghiên cứu về việc giành quyền lực và sử dụng quyền lực.

Các lĩnh vực của khoa học chính trị bao gồm: lý thuyết chính trị, triết học chính trị (tìm kiếm các nhân tố cơ bản cho chính trị), giáo dục công dân, các hệ thống chính trị của các quốc gia, phân tích chính trị, phát triển chính trị, quan hệ quốc tế, chính sách ngoại giao, quân sự và pháp luật.

Trạng thái tự nhiên

Trong tác phẩm Chính trị, Aristotle đã khẳng định, con người theo bản năng tự nhiên đã có tính chính trị.

Trong ấn phẩm Leviathan vào năm 1651, Thomas Hobbes đã đưa ra một mô hình phát triển sớm của loài người, để hậu thuẫn cho sự tạo ra các chính thể như là bộ máy chính quyền. Hobbes đã mô tả một trạng thái tự nhiên lý tưởng, nơi mỗi người có quyền lợi như nhau với mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên và được tự do sử dụng các công cụ để khai thác các nguồn này. Ông khẳng định rằng hiện tượng đó gây ra xung khắc với mọi phía (war of all against all). Hơn nữa, ông ta giải thích rằng loài người sẵn sàng nép mình vào một khế ước xã hội và từ bỏ những quyền tuyệt đối để đổi lấy sự ổn định lâu dài.

Các tư tưởng triết học chính trị

Khổng Tử

Triết gia Khổng Tử (551-471 TCN) là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên có cách tiếp cận riêng đến Học thuyết chính trị. Căn bản trong học thuyết của ông là "quân tử (người cầm quyền) nên học tự kỷ luật, nên cai trị người dân của mình bằng chính gương của mình, và nên đối xử với họ bằng tình thương và sự quan tâm." [2] Niềm tin chính trị của ông gắn chặt với luân thường đạo lýđạo đức cá nhân. Ông cho rằng chỉ những người quân tử liêm khiết và tuân theo đạo của người quân tử thì mới được cầm quyền, và những tư cách của những nhân vật đó phải kiên định với địa vị trong xã hội. Ông ta cũng nói rằng "Triều đại tốt cốt ở vua làm tròn bổn phận của vua, bề tôi làm tròn bổn phận của bề tôi, cha làm tròn bổn phận của cha, và con làm tròn bổn phận của con."[3]

 Plato

Triết gia Hy Lạp cổ đại Plato (428-328 BC) nói trong sách Nền Cộng hòa (The Republic) rằng tất cả những chế độ chính trị theo truyền thống như (dân chủ, quân chủ, chính thể đầu sỏ, chính thể hào hiệp - democracy, monarchy, oligarchy và timarchy) vốn đã đồi bại, tham nhũng và nhà nước nên được điều hành bởi tầng lớp những người cầm quyền cũng là triết gia được giáo dục tốt. Họ được đào tạo từ lúc chào đời và được chọn dựa trên năng lực: "những người có kỹ năng đặc biệt về quan sát tổng quan xã hội." [4]

Aristotle

Aristotle

Trong cuốn Chính trị của mình, triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384–322 TCN) quả quyết rằng về bản chất, con người là một động vật chính trị. Ông ta cho rằng luân thường và chính trị có liên kết chặt chẽ với nhau, và một đời sống thật sự đạo đức chỉ có thể có ở những người tham gia vào chính trị.[5]

Giống như Plato, Aristotle thấy rằng có nhiều hình thức nhà nước khác nhau, và ông cho rằng hình thức "đúng" của nhà nước có thể biến thành một hình thức nhà nước "lệch lạc", nơi mà thể chế bị mục nát. Theo ông, chế độ quân chủ, có một người cai trị, sẽ biến thành chuyên chế; chế độ quý tộc, với một nhóm nhỏ người cai trị, sẽ biến thành chính thể đầu sỏ; và xã hội có tổ chức (polity) do nhiều người dân cùng cai trị thì sẽ biến thành chế độ dân chủ.[6] Theo nghĩa này, Aristotle không dùng từ "democracy" như nghĩa hiện nay là nó mang nghĩa rộng, nhưng có nghĩa đen là do demos, hay thường dân cai trị.[6] Một cái nhìn chính xác hơn về dân chủ mà Aristotle đề cập đến chỉ là chính quyền quần chúng (ochlocracy).

Niccolò Machiavelli

Trong sách của mình, cuốn The Prince (Quân vương), nhà lý luận chính trị người Ý ở giai đoạn Phục Hưng ông Niccolò Machiavelli đề nghị một tầm nhìn thế giới về chính trị để miêu tả các phương pháp thực tế cho chế độ chuyên quyền để giành và giữ quyền lực chính trị. Ông thường được xem là người phản đối quan điểm đạo đức truyền thống đối với người cầm quyền: "đối với Machiavelli, không có nền tảng đạo đức mà ở đó phân xử sự khác nhau giữa việc sử dụng quyền lực hợp pháp hay bất hợp pháp." [7] Thuật ngữ Machiavellian (cũng có nghĩa là xảo quyệt) ra đời, đề cập đến một người thiếu đạo đức dùng các cách mánh khóe để cố thủ quyền hành. Học thuyết của ông đã được các lãnh đạo học tập và thực hành kể cả những lãnh đạo chuyên chế toàn trị như Benito MussoliniAdolf Hitler, những người đã biện hộ cho việc hành động tàn bạo của mình là cho mục đích an toàn quốc gia.[8]

Tuy nhiên, nhiều học giả đã nghi vấn quan điểm này của chủ thuyết Machiavelli, cho rằng "Machiavelli không sáng tạo ra chủ nghĩa Machiavelli", và chưa từng là một 'Machiavellian' quỷ quyệt như ông đã bị gán cho."[9] Thay vào đó, Machiavelli xem trạng thái ổn định của quốc gia là mục tiêu quan trọng hàng đầu, và tranh luận rằng theo truyền thống phẩm chất tốt được xem là khát vọng mang tính đạo đức, như tính độ lượng, đã không được ưa thích đối với người lãnh đạo và có thể dẫn đến việc mất quyền lực chính trị.

John Stuart Mill

John Stuart Mill

Vào thế kỷ 19, John Stuart Mill là người đi tiên phong trong việc dùng khái niệm tự do trong chính trị. Ông ta đã thấy được rằng dân chủ sẽ là sự phát triển chính trị chủ chốt trong thời đại ông ta[10] và, trong cuốn Bàn về tự do (On Liberty) của mình, ông đã cổ vũ cho việc bảo vệ tốt hơn các quyền cá nhân và chống lại ảnh hưởng của nhà nước và sự cầm quyền của đa số. Ông ta cho rằng tự do là quyền quan trọng nhất của loài người. [11] Một nhà bình luận cho rằng cuốn Bàn về tự do như là một lời bảo vệ hùng hồn và mạnh mẽ nhất cho chủ nghĩa tự do chúng ta có."[11] Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do ngôn luận, và tuyên bố rằng chúng ta không thể chắc chắn rằng ý kiến mà chúng ta cố gắng ngắt lời là ý kiến sai trái, và nếu chúng ta chắc chắn như vậy thì việc ngắt lời vẫn là điều sai quấy."[12]

 Karl Marx

Karl Marx là một trong số những nhà tư tưởng chính trị có ảnh hưởng trong lịch sử. Học thuyết của ông chỉ trích chủ nghĩa tư bản và ông biện luận rằng trong tương lai sẽ có "sự suy tàn không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản vì các nguyên nhân kinh tế, và được thay thế bởi chủ nghĩa xã hội."[13] Ông ta định nghĩa lịch sử có liên quan đến đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tư sản, hay giai cấp sở hữu tư liệu sản xuất, và giai cấp vô sản, hay giai cấp lao động. Cuộc đấu tranh được sự công nghiệp hóa tăng cường.[14]

Nhiều phong trào chính trị sau đó dựa trên tư tưởng của Marx, cho ra các phiên bản rất khác nhau của chủ nghĩa cộng sản; bao gồm Chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ nghĩa Mao, và Chủ nghĩa Marx tự do. Có thể nói rằng người đã người thể hiện học thuyết chủ nghĩa Marx có ảnh hưởng nhất là Lenin, người sáng lập ra Liên Xô. Ông đã sáng tạo học thuyết cách mạng dựa trên nền tảng tư tưởng Marx. Tuy nhiên, những nhà tư tưởng theo Chủ nghĩa Marx tự do đã thách thức sự diễn dịch chủ nghĩa Marx của Lenin; như trường hợp Cornelius Castoriadis, đã miêu tả nhà nước Liên Xô là một hình thức của "chủ nghĩa tư bản quan liêu" hơn là nhà nước cộng sản thực sự.[15]

 Các khái niệm

Quyền lực: Max Weber định nghĩa là khả năng áp đặt ý muốn của người này lên một người khác, trong khi Hannah Arendt nói rằng "quyền lực chính trị tương xứng với khả năng của con người không chỉ hành động mà còn hành động trong sự phối hợp"

  • Chính trị theo nghĩa chung nhất là quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp. Là một khái niệm của thượng tầng kiến trúc."

 Tài liệu tham khảo



  1. ^ Theo định nghĩa của Từ Điển Bách Khoa Việt Nam. Nguyên văn: "CHÍNH TRỊ: toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước".
  2. ^ Confucius on Politics at the Stanford Encyclopedia of Philosophy
  3. ^ Lunyu 12.11, The Analects of Confucius (available in English here)
  4. ^ p113, Plato, The Republic, translated by Desmond Lee, 1955, Penguin Classics, ISBN 0-14-044914-0
  5. ^ Aristotle's Politics at The Internet Encyclopedia of Philosophy
  6. ^ a b Aristotle's views on politics at the Stanford Encyclopedia of Philosophy
  7. ^ Machiavelli's The Prince at the Stanford Encyclopedia of Philosophy
  8. ^ Machiavelli, Niccolò, The Prince, Editor's Introduction by Angelo Codevilla, page xvii. Yale University Press, 1997.
  9. ^ Niccolo Machiavelli at the Stanford Encyclopedia of Philosophy
  10. ^ p11, Tansey, Stephen J., Politics: The Basics, 1995, London, ISBN 0-145-19199-8
  11. ^ a b Social and Political Philosophy of John Stuart Mill at the Stanford Encyclopedia of Philosophy
  12. ^ p229, Mill, John Stuart, On Liberty, ISBN 1-59986-973-X (also available online here
  13. ^ Karl Marx at the Stanford Encyclopedia of Philosophy
  14. ^ Marx, K. & Engels, F. (1848), The Communist Manifesto
  15. ^ The Strange Afterlife of Cornelius Castoriadis by Scott McLemee, Chronicle of Higher Education, March 26, 2004.
Chính Trị Học

Chính trị học hay khoa học chính trị là một ngành nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn của chính trị, miêu tả và phân tích các hệ thống chính trị và các ứng xử chính trị.

Các lĩnh vực của chính trị học bao gồm lý thuyết chính trị và triết học chính trị, giáo dục công dân (civics) và chính trị đối sánh (comparative politics), các hệ thống quốc gia, phân tích chính trị (cross-national political analysis), phát triển chính trị, quan hệ quốc tế chính sách ngoại giao, chính trịluật quốc tế, quản lý hành chính, ứng xử quản lý hành chính, luật, chính sách xã hội, v.v.. Chính trị học còn nghiên cứu các quyền lực trong quan hệ quốc tế và lý thuyết về các quyền lực lớn (Great power) và các siêu cường (Superpower).

Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%ADnh_tr%E1%BB%8B_h%E1%BB%8Dc







Chính trị/Chính trị học

Trong phần này, chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn một đề tài tham khảo.

Những họat động kinh tế đều bị phụ thuộc vào các điều kiện chính trị (vídụ như xây dựng luật, chế độ trợ cấp, các lọai thuế).Và ngược lại, sự phát triển kinh tế sẽ tác động tới những quyết định về chính trị

Bên cạng những đề tài có trong các bài giảng về chính trị học, chúng tôi muốn
làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà hiện tại đang được dư luận quan tâm trên các phương tiện truyển thông

Mục đích ở đây không phải là đưa ra một đáp án hòan hảo cho những vấn đề mà chúng tôi chỉ muốn đặt vấn đề để mọi người cùng xuy ngẫm và giúp cho bạn có cơ sở lý luận (chưa có trong chương trình học ở nhà trường) để giải quyết vấn đề. 

Thể chế Tự do - Dân chủ

Một điều chắc chắn là bạn đã từng nghe thấy khái niệm này " Thể chế tự do - dân chủ" trong các giờ học hoặc qua các phương tiện truyền thông như Interner, Radio, báo chí và v.v. Từ này trong tiếng Đức là "freiheitlich - demokratische Grundordnung  và  viết  tắt  là  FdGO".

Khái niệm này khi mới nghe thì thấy trìu tượng và hơi khó xác định. Dưới đây chúng tôi sẽ cố gắng giải thích rõ ràng hơn khái niệm này và cũng muốn nêu lên những nguyên tắc cơ bản của thể chế tự do - dân chủ.

Thể chế của CHLB Đức được quy định rõ trong Luật cơ bản là chế độ tự do, dân chủ. Nó dựa trên những nguyên tắc cấu trúc nhà nước ( đó là Tự do, Dân chủ, Nhà nước xã hội, Nhà nước pháp quyền, Nhà nước liên bang).

Ngay từ năm 1952 Tòa Hiến Pháp Liên Bang đã định nghĩa rõ như sau:

"Thể chế tự do - Dân chủ là thể chế mà trong đó mọi sự thống trị có tính chuyên chính và bạo lực đều bị lọai bỏ và thay vào đó là nền thống trị của một nhà nước pháp quyền dựa trên nền tảng quyền tự quyết của nhân dân theo nguyên tắc đa số , tự do và bình đẳng.

Những nguyên tắc cơ bản của Tự do - Dân chủ

Dưới đây là một số nguyên tắc tối thiểu của thể chế này:

  1. Tôn trọng quyền con người đã ghi cụ thể trong luật cơ bản, mà trước hết là quyền được sống và tự do phát triển của từng cá nhân con người.
  2. Quyền tối cao thuộc về nhân dân
  3. Phân chia quyền lực
  4. Trách nhiệm của chính phủ
  5. Điều hành theo pháp luật
  6. Tính độc lập của tòa án
  7. Nguyên tắc đa đảng và
  8. Quyền bình đẳng cho mọi đảng phái chính trị với quyền được thành lập và thi hành quyền đối lập theo hiến pháp.
Sự xuất hiện của nhà nước pháp quyền

Ý tưởng về một nhà nước pháp quyền đã xuất hiện vào khỏang giữa thế kỷ 18 và 19. Với tư tưởng mới này, dân chúng đã đối đầu chống lại nhà nước chuyên chế và thể chế mệnh lệnh vảo thời kỳ đó.

Một mục tiêu đã được xác định rõ ràng là phải xây dựng một nhà nước,  mà trong đó quyền tự do của từng cá nhân phải được nhà nước bảo đảm, phải có luật lệ rõ ràng, dễ hiểu và trước tòa án, các công dân phải được bảo vệ bình đẳng.

Chính nhà nước pháp quyền hiện đại ngày nay của chúng ta cũng phải đáp ứng đủ những yêu cầu, đòi hỏi trên.  Những quyền cơ bản này được cụ thể hóa trong Bộ luật cơ bản và đi vào cuộc sống thực tại.

Với Bộ luật cơ bản, việc đầu tiên nhà nước phải đảm bảo là quyền tự do triệt để, rộng rãi của mỗi con người. Mục tiêu này, nhà nước chỉ có thể đạt được thông qua những nguyên tắc bảo đảm về quyền lợi, bảo vệ về pháp luật và phân chia quyền lực (Gewaltenteilung) trong xã hội.

Nguồn: http://www.cogbyte.de/project/Nha-nuoc-phap-quyen.1285.0.html?&L=3


Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự




Là một trong những danh tác chính trị thế giới, cuốn sách này vừa tiếp nối dòng chảy liên tục của tư tưởng nhân loại về phạm trù “nhà nước”, “quyền lực” từ thời Hy Lạp - La Mã cổ đại đến thời Phục hưng, vừa góp phần tạo tiền đề trực tiếp cho trào lưu Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII và ghi dấu ấn rõ nét trong tư duy và hành động của các nhà lập quốc Mỹ sau này...

Triết gia người Anh John Locke (1632-1704) là một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây thế kỷ XVII và được xem là một trong những cội nguồn tri thức của phong trào Khai sáng của châu Âu. Cuốn sách “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của Locke là một chuyên luận về nguồn gốc, phạm vi và mục đích chân chính của chính quyền dân sự. Với tác phẩm này, Locke đã trực tiếp đưa ra học thuyết của mình về nhà nước.

Nguồn gốc của chính quyền

Những luận giải của Locke về sự ra đời của nhà nước - chính quyền gợi sự liên tưởng đến một triết gia khác của Anh là Thomas Hobbes (1588-1679). Nếu như Thomas Hobbes quan niệm “nhân chi sơ tính bản ác” thì John Locke lại cho rằng bản tính của con người được quyết định bởi lý trí và lòng bao dung. Tuy nhiên, cả hai tác giả này đều lý giải sự xuất hiện của nhà nước trên cơ sở một giao ước chung của cộng đồng - khế ước xã hội.

Đối với Hobbes, nhà nước xuất hiện do sự cạnh tranh lẫn nhau giữa con người trong cuộc chiến để sinh tồn. Trong cuộc chiến đó, mọi người đi đến chỗ ký kết kế ước xã hội để tự bảo vệ mình và thực hiện một bước chuyển từ trạng thái tự nhiên sang xã hội công dân. Trong khi đó Locke cho rằng, sự hình thành của nhà nước là nhằm mục đích giải quyết sự xung đột giữa trạng thái tự nhiên và trạng thái chiến tranh của con người. Nhà nước xuất hiện như là kết quả từ sự đồng thuận chung của mọi người để liên kết và hợp nhất trong một cộng đồng nhằm đạt được sự an ninh lớn hơn chống lại bất cứ thứ gì không thuộc về điều đó.

Quan điểm của Locke về sự ra đời của nhà nước là một đóng góp tiến bộ cho lý thuyết về khế ước xã hội. Một thế kỷ sau đó, Jean Jacques Rousseau đã nhắc lại ý tưởng này của Locke như là nội dung cốt lõi cho kiệt tác “Bàn về khế ước xã hội” của ông: “Với khế ước xã hội, con người mất đi cái tự do thiên nhiên và cái quyền hạn chế được làm những điều muốn làm mà làm được; nhưng mặt khác con người thu lại quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái mà anh ta có”. Khi gia nhập khế ước xã hội, con người từ bỏ những gì họ có trong trạng thái tự nhiên để đạt tới sự bảo toàn tốt hơn cho chính mình, sức mạnh có giới hạn của cá nhân được thay thế bởi sức mạnh chung tưởng như vô hạn của cả cộng đồng.

Với những nhận định mang tính lý luận về nguồn gốc của chính quyền, về mối quan hệ giữa xã hội dân sự và xã hội chính trị, John Locke còn được đánh giá là người khởi thảo cho học thuyết phân quyền. Trước Locke, Hobbes từng mô tả nhà nước như một con quái vật khổng lồ nắm trọn mọi quyền lực tối cao và bất khả chiến bại. Hơn thế nữa, Hobbes còn quan niệm rằng, nhân dân chuyển giao toàn bộ quyền lực cho nhà nước và bởi vậy, quyền lực nhà nước là bất khả phân.

Đến Locke, ông đã chỉ ra sự phân chia quyền lực nhà nước như một sự phân công lao động hợp lý: lập pháp là quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước và thuộc về nghị viện. Nghị viện thông qua các đạo luật, còn việc thực hiện chúng là phần việc của cơ quan hành pháp. Còn dân chúng hay cộng đồng xã hội sẽ giữ quyền phán xử trong các tranh chấp giữa bộ ba lập pháp - hành pháp - dân chúng. Điều đáng tiếc là ông chưa nhận thấy thẩm quyền tài phán lẽ ra phải thuộc về một quyền lực độc lập khác (quyền lực tư pháp) trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

Hạn chế này của Locke về sau đã được bổ khuyết bởi Montesquieu, một nhà tư tưởng Pháp thế kỷ XVIII. Ông đã kế thừa và phát triển tư tưởng của Locke lên một tầm cao mới. Montesquieu không đề cập đến quyền lực tối cao, mà chỉ ra một quyền lực có thể phân chia, một quyền lực nhà nước có kiểm soát và sự kiểm soát đó được thực hiện bằng một cơ chế mà các thành phần của nó nằm ngay chính trong cơ cấu của nhà nước, đó chính là 3 nhánh quyền lập pháp - hành pháp - tư pháp cùng cơ chế kìm chế và đối trọng.

Hạnh phúc của nhân dân là luật tối cao của mọi chính quyền

Ngạn ngữ Latinh có câu “Salus populi suprema lex”, có nghĩa là hạnh phúc của nhân dân là luật tối cao. Đó cũng chính là mục tiêu cao nhất và bất biến của mọi chính quyền chân chính. Mục đích hướng tới của việc thiết lập chính quyền không là gì khác ngoài việc bảo đảm cho mọi người dân quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu.

Trong phần lớn tác phẩm này, John Locke đã biện luận cho sự phát triển của chính quyền như là một hình thái khác của gia đình và quyền lực chính trị của quốc vương hay nhà lãnh đạo cao nhất của chính quyền được ông gán với quyền lực gia trưởng của người cha. Trách nhiệm của người cha là gìn giữ sự gắn bó của gia đình và mang lại hạnh phúc cho các thành viên của nó, còn trách nhiệm của bậc quân vương là bảo tồn chính quyền và bảo đảm hạnh phúc cho muôn dân.

Ở đây có một điều tinh tế cần lưu ý. Nếu hạnh phúc của người dân trong một chế độ nhà nước dân chủ dứt khoát phải bao hàm hai yếu tố nền tảng là quyền tự do và bình đẳng thì trách nhiệm của nhà nước chắc không thể nào khác hơn là phải ghi nhận và bảo đảm thực thi quyền tự do và bình đẳng ấy. Mọi người sinh ra đều có sự bình đẳng tự nhiên, nhưng không có nghĩa là bình đẳng tuyệt đối. Và Locke đã có lý khi thừa nhận rằng có những loại bình đẳng khác nhau tồn tại trên thực tế.

“Tuổi đời hoặc đức hạnh có thể đem lại cho nhiều người một sự ưu tiên đúng đắn. Xuất sắc về tài năng và phẩm chất có thể đặt những người khác cao hơn mức độ bình thường. Dòng dõi có thể khuất phục một số này và tạo liên kết hoặc lợi ích cho số khác. Tự nhiên đặt sự tuân thủ đối với người kia, còn người nọ thì hưởng được sự mang ơn, kính trọng”. Bởi vậy, trong mối tương quan với trách nhiệm của nhà nước thì sự bình đẳng của người dân cần được hiểu là “cái quyền ngang nhau mà mỗi người đều có đối với sự tự do đương nhiên có của mình, mà không phải khuất phục trước ý chí hay quyền uy của bất cứ ai khác”.

Sự giải thể của chính quyền

Trong cuốn sách này, Locke luôn đặt nhân dân ở vị trí trang trọng, coi đó là lực lượng quan trọng nhất trong việc giới hạn quyền lực của nhà nước, là trọng tài phân minh những tranh chấp giữa lập pháp và hành pháp cũng như giữa lập pháp, hành pháp với dân chúng. Và họ luôn nắm trong tay một đặc quyền vốn chỉ thuộc về chủ thể gốc của quyền lực nhà nước.

“Quyền lực mà mỗi cá nhân trao cho xã hội, khi anh ta gia nhập vào đó, không bao giờ quay ngược về cá nhân một lần nữa chừng nào mà xã hội vẫn còn tồn tại, mà sẽ luôn được lưu giữ tại cộng đồng”. Cũng tương tự như vậy, quyền lực mà xã hội/nhân dân trao cho nhà nước/chính quyền cũng sẽ không có sự chuyển hồi một khi chính quyền vẫn còn tồn tại.

Nói như vậy cũng là một sự hàm ý rằng quyền lực chỉ thoát ly khỏi xã hội trong một thời hạn nhất định. Mặt khác, dân chúng không chuyển giao hoàn toàn quyền tự nhiên của mình cho quyền lực tuyệt đối của nhà nước, mà bằng lý trí, họ vẫn giữ lại phần cho mình, là cái được đặt ở khối toàn thể công dân.

Với tư tưởng cách mạng, giải quyết vấn đề một cách triệt để, sẵn sàng xoá bỏ cái cũ để xây dựng cái mới một khi cái cũ đã trở nên lỗi thời, cản trở sự phát triển, không có dấu ấn của một tư tưởng thoả hiệp, nửa vời, Locke khẳng định rằng cách mạng không chỉ là quyền, mà trong một số trường hợp còn là nghĩa vụ và chủ thể của nó không phải là ai khác hơn ngoài dân chúng.

Quyền lực sẽ quay trở về với xã hội một khi chính quyền gây ra những sai lầm không thể chịu đựng được đối với người dân, phản bội những giao ước đã từng cam kết với người dân hay nói cách khác, đi ngược lại những thẩm quyền mà xã hội đã giao phó. Khi đó, người dân không còn bị ràng buộc bởi khế ước xã hội nữa và:“Nhân dân có quyền hành động với tư cách quyền lực tối cao và tự mình tiếp tục công việc lập pháp, hoặc dựng lên một hình thức chính quyền mới, hoặc vẫn theo hình thức cũ đó nhưng được đặt vào tay những con người mới, theo những gì họ cho là tốt đẹp”. Đó cũng là sự thể hiện tư duy biện chứng của Locke và các nhà lý thuyết về khế ước xã hội.



Thuật Trị Nước

Machiavel
Quân Vương
Dịch Giả: Phan Huy Chiêm







Chương 1: Phân loại Vương quốc và những phương sách để thâu chiếm Vương quốc

Tất cả những cơ cấu của lãnh đạo Quốc gia, tất cả những Thủ phủ xưa nay có quyền cai trị dân đều là những Cộng hòa Dân quốc; hoặc những Vương quốc. Trong các Vương quốc, đa số do cha truyền con nối và nắm giữ quyền thống trị được rất lâu đời, nhưng cũng có những Vương quốc khác chỉ mới gây dựng nên.
Có những Vương quốc hoàn toàn mới như xứ Milan của Sforza và Vương quốc khác vừa được sát nhập vào một Quốc gia đã có hệ thống Thế tập như trường hợp của xứ Naples đối với Vua nước Espagne (Tây Ban Nha).
Trong những xứ mới thu phục được, có nơi dân chúng đã quen sống dưới quyền lãnh đạo của nhà Vua, vị Chúa; nơi khác dân chúng lại quen hưởng một nền tự do. Những vị tân Chúa thu phục được những xứ này hoặc nhờ quân lực của ngoại bang hoặc do quân lực riêng của mình hoặc nhờ may mắn hoặc nhờ tài năng.

Chương 2 :
  Những Vương quốc Thế tập

Tôi đã gạt ra ngoài lề những xứ Cộng hòa Dân quốc mà tôi sẽ bàn kỹ ở nơi khác. Suốt ở những trang dưới, với thể văn vắn tắt, tôi sẽ trình bày lần lượt theo khuôn khổ vạch ra trong chương đầu trên đây, tôi chỉ chuyên chú đến các Vương quốc, biện luận, tìm hiểu xem những xứ ấy đã được cai trị và gìn giữ như thế nào.
Tôi có thể nói ngay rằng các Vương Quốc dưới chế độ Thế tập gần gũi với dòng giống quý tộc nhà Chúa nên công cuộc bảo tồn dễ dàng hơn là ở các xứ mới chiếm. Đấng Quân vương chỉ cần đừng làm xáo trộn, đừng thay đổi nền trật tự cũ do tiền nhân đã lập nên. Ngoài ra, khi có sự xích mích gì xảy ra thì chỉ tìm cách làm êm dịu đi thì yên việc cả. Ở đây nhà Vua chỉ cần có mức tài năng, khôn khéo bậc trung cũng giữ được địa vị của mình, trừ trường hợp bị truất phế do một lực lượng địch quân đặc biệt hùng mạnh.
Kẻ loạn thần chiếm ngôi cũng chẳng vững đâu, khi chỉ xảy một biến cố nhỏ là hắn đổ ngay để cựu Chúa có thể tái ngự lên ngai vàng.
Một tỷ dụ: ở Ý Đại Lợi, Quận công xứ Ferrare năm 1484 bị người Venitien tấn công, năm 1510 bị quân của Giáo hoàng Jules đả phá. Hai lần đều thua mà vẫn giữ nổi ngai vàng, chỉ nhờ ở mức thâm niên của Vương tộc này và cũng vì nhà Vua trị vì là do luật thiên nhiên, từ trước tới nay chưa có nhiều lý do cần thiết buộc Ngài phải làm những việc dở khiến cho dân chúng trong xứ mất lòng, tủi nhục. Như vậy chắc chắn Vua được dân mến yêu hơn những kẻ manh tâm phản loạn, nếu nhà Vua lại không có nhiều tính hư, tật xấu quá đáng cho dân phải ghét bỏ, thì tất nhiên cảm tình của dân sẽ nghiên về Ngài. Vả lại sự thâm niên và liên tục trị vì của dòng họ nhà Vua, những kỷ niệm để lại trong nước khiến cho dân tự gạt bỏ những lý do của bất cứ một sự thay đổi nào. Họ cũng thừa hiểu mỗi cuộc thay vị đổi ngôi chỉ là những viên đá đặt trước để gây nên một cuộc thay vị đổi ngôi mới khác nữa.

Chương 3 : Những Vương Quốc Hỗn Tập

Đối với một lãnh thổ mới thu phục thật là nhiều sự khó khăn. Trước hết là vì vùng đất này không phải hoàn toàn mới thành lập, mà chỉ là bộ phận, một phần đất phụ thuộc vào lãnh thổ khác. Toàn thể khu đất đai này có thể gọi là một “Vương quốc Hỗn tập”. Những sự thay đổi, xáo trộn trước đây là do ở những mối khó khăn phát sinh ở ngay nội bộ của các Vương quốc mới thành lập. Con người lúc nào cũng sẵn sàng muốn thay đổi chủ nhân, tưởng rằng sẽ gặp những điều hay hơn. Ý niệm ấy là duyên cớ thúc đẩy họ quay khí giới chống lại Chúa của họ. Họ đã nhầm, sau này kinh nghiệm sẽ cho họ biết tình trạng của họ sẽ kém sút hơn trước.
Các sự xáo trộn rối ren còn bắt nguồn ở một căn nguyên tự nhiên và thường tình nữa, khi Chúa mới nắm quyền cai trị một xứ, tránh sao khỏi gây mối hờn oán của dân xứ ấy trước những hành vi bắt buộc như việc lập các đồn binh ở khắp nơi. Thêm nữa trong giai đoạn chiếm đóng đất đai tất nhiên đã xảy ra nhiều sự hà hiếp dân chúng. Dĩ nhiên những điều đó sẽ trở nên kẻ thù đối với những người mà Chúa đã phá rối đời sống của họ. Đằng khác, đối với những kẻ đã đồng tình giúp Chúa thâm nhập vào xứ họ, Chúa không thể trìu mến và làm vui lòng họ mãi được, vì ta không sao đền đáp, tưởng thưởng hết dục vọng của họ được. Đối với họ Chúa cũng không sao dùng kế quyết liệt được vì họ vẫn là ân nhân của Chúa. Vậy khi ta muốn chiếm cứ một xứ nào, dù ta có một đạo hùng binh chăng nữa cũng vẫn cần nhất là sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân xứ đó.
Muốn chứng mình những điều này, tôi xin kể chuyện vua Louis XII. Ngài đùng đùng kéo quân chiếm cứ xứ Milan, rồi đột nhiên bị thất thủ ngay xứ ấy. Lần đầu này chỉ có đạo quân của tướng Ludovic Sfarza cũng đủ đánh bật Ngài ra khỏi xứ. Thất bại là vì nhân dân trong xứ, sau khi mở cửa thành đón rước quân nhà Vua không thấy được thỏa mãn những ước vọng chồng chất trong trí óc họ từ bao lâu nay. Thêm nữa, họ lại không chịu nổi những sự tan rã chia rẽ do tân Chúa gây nên trong xứ họ.
Một thực trạng nữa ta cần nhận rõ là một khi đã chiếm lại được những xứ dấy loạn cướp chính quyền của ta, thì sau này khó mà có kẻ lật đổ nổi ta, vì trong dịp dẹp loạn, ta đã trừng trị hết kẻ có tội; ta đã lôi ra những kẻ khả nghi, các nơi suy yếu đã được xây thành đắp lũy.
Thế cho nên ở thời kỳ xứ Milan bị Pháp đô hộ lần thứ nhất, Công tước Ludovic chỉ mới rầm rộ kéo quân hăm dọa ngoài biên giới, tức khắc là chính quyền Pháp bị sụp đổ. Đến thời kỳ đô hộ thứ hai, toàn thế giới phải liên minh lại, đoàn kết chặt chẽ mới thắng nổi, đẩy lui ra ngoài lãnh thổ Ý Đại Lợi những đạo quân chiếm đóng của Pháp vương. Đó là hậu quả của những nguyên nhân mà tôi đã trình bày ở trên.
Thế là cả hai lần nước Pháp đều bị tước mất quyền đô hộ trên xứ Milan.
Duyên cớ sự thất bại lần thứ nhất đã được trình bày rõ rệt ở trên. Bây giờ nếu muốn tìm lý do của sự thất bại lần thứ hai, trước hết ta phải trình bày ra đây những phương kế mà bất cứ vị Quân vương nào ở trường hợp tương tự, như Pháp vương, phải mang áp dụng ngõ hầu củng cố lại địa vị của mình. Thế mà Pháp vương đã bỏ qua không thi hành.
Vậy tôi nói ngay tới những xứ, những tỉnh bị chinh phục và sát nhập vào một Vương quốc cổ hơn. Ta có thể xếp làm hai loại: những xứ, tỉnh hoặc cùng một nòi giống, cùng một ngôn ngữ với Vương quốc, hoặc là khác hẳn. Nếu là trường hợp trên thì công cuộc bảo thủ là việc dễ, nhất là dân xứ, tỉnh này chưa từng được sống tự do. Muốn thôn tính chắc chắn những tỉnh, xứ này ta chỉ cần tiêu diệt hết dòng dõi cựu Chúa trị vì thời trước. Còn đối với nhân dân, nếu ta cứ để nguyên những đặc quyền cũ của họ, cho họ sinh sống với phong tục giống ta, trong cảnh thanh bình. Ví dụ như trong những xứ Bourgogne, Bretagne, Gascogne và Normandie, dân gian đã lâu dài phục tùng triều đình Pháp quốc dù là ngôn ngữ có đôi phần khác biệt, nhưng phong tục tập quán giống nhau rất dễ hòa hợp.
Kẻ đi chinh phục những xứ, tỉnh loại này, nên muốn thôn tính lâu dài cần phải lưu tâm đến hai điểm: Một là tiêu diệt dòng dối của cựu Chúa. Hai là đừng thay đổi luật pháp và thuế khóa của họ, thế rồi những lãnh thổ mới này sẽ tự khắc, trong một thời gian ngắn, hòa hợp với những phần đất cũ để trở thành một Quốc gia duy nhất và thống nhất.
Nhưng khi ta chiếm cứ những xứ của các dân tộc có ngôn ngữ, phong tục và chính thể dị đồng thì lại là chuyện khác. Đây mới thật phải trông vào sự may rủi và tài khôn khéo của ta. Một phương chước quan trọng khẩn cấp nhất là kẻ chinh phục phải đích thân di chuyển đến đóng ở ngay tại chỗ. Thế rồi công cuộc chiếm đóng sẽ trở nên lâu dài và bền vững. Xưa Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ đã có biệt tài trị vì được lâu năm trên nước Hy Lạp nhưng cũng phải áp dụng phương sách cư trú thường xuyên tại chỗ nên mới bảo vệ được đất này.
Có ở ngay tại chỗ thì mới trong thấy được những biến cố xáo trộn để sớm tìm phương giải quyết, nếu ở xa cách bức, ta chỉ được biết tới những biến cố xáo trộn khi nó đã trở nên quá trầm trọng, lúc đó đã chậm mất rồi, vô kế khả thi. Vả chăng Chúa có mặt tại chỗ, thì các Tổng bộ trưởng không dám tham nhũng quá mức, vì dân chúng có thể kêu mách với Chúa một cách dễ dàng và những ý nguyện sẽ được minh xét ngay, và cũng vì có ở gần thì dân mới biết kính sợ Chúa hoặc mến yêu Chúa nếu Chúa là người hay người tốt. Được như vậy những kẻ thù ngoại bang có muốn xâm lăng cũng phải e ngại. Kết quả chắc chắn là xứ sở khó mà bị mất, khi Chúa nhất định đích thân đóng tại nơi đây.
Một phương pháp tốt nữa là chuyển những đoàn di dân vào một vài địa điểm trong xứ để lập thành những biệt khu. Bởi dù sao ta cũng cần những lực lượng quân sự hùng mạnh và một đoàn cán bộ thân tín. Việc lập những đoàn di dân không tốn kém bao nhiều tiền của Chúa, kinh phí của việc di chuyển và định cư những di dân không đáng kể. Việc này chỉ làm thiệt hại một ít quyền lợi của một thiểu số dân không đáng kể bị bắt buộc phải nhường một phần ruộng nhà cho bọn dân mới tới. Đám dân địa phương bị thiệt hại là bọn nghèo túng, gia cư rải rác khắp nơi, nên không thể chống đối làm nguy hại gì cho Chúa được. Còn lại đa số khối dân địa phương, phần thì thấy quyền lợi mình không bị xúc phạm nên nín thinh, giữ thái độ thản nhiên, phần thì có óc cầu an tránh phạm lỗi để khỏi bị đàn áp như kẻ khác.
Tôi có thể đoán chắc là những đoàn di dân này không gây tốn kém gì, họ lại có lòng trung thanh hơn hết và họ cũng chẳng làm hại gì cho lắm đến nhân dân bản xứ.
Đến đây ta nên nhớ kỹ rằng dân chúng thường chỉ xử trí theo hai đường: hoặc là mơn trớn hoặc là chém giết bởi vì họ chỉ biết rửa những hận nhỏ mà không thể báo những thù lớn, nên khi ta muốn trị họ thì phải trị cách nào để khỏi sợ họ báo thù lại được.
Nhưng đáng lẽ lập những đoàn di dân, nếu Chúa chỉ duy trì trong xứ mới những đạo quân sĩ, Chúa sẽ phải chi phí tốn kém nhiều hơn. Bao nhiêu tài sản trong xứ phung phí hết cho các công tác xây dựng doanh trại, đến nỗi phải kết cục lợi bất cập hại. Lòng dân sẽ oán ghét vì quân sĩ di chuyển luân hồi, đồn ải xây lên đắp lại làm thiệt hại cho dân gian. Với những xáo trộn ấy, người dân nào cũng đau khổ rồi mỗi người dân trở nên một kẻ thù và tất cả tập đoàn kẻ thù có thể làm nguy hại cho Chúa. Có được tập đoàn, là vì dân bản xứ dù là kẻ bại trận nhưng họ vẫn được tự do ở lại quê nhà gần gũi sát cạnh nhau.
Vậy sau khi so sánh các kế hoạch, ta thấy cuộc xâm chiếm một đất đai bằng quân sự là vô ích. Nhưng trái lại biết áp dụng phương sách cho du nhập vào đất địch những đoàn di dân thì lại ích lợi lớn cho cuộc xâm lăng.
Như người ta thường nói, khi Chúa công chiếm cứ một tỉnh nào của một Quốc gia có tính chất dị đồng với những tỉnh cũ trong nước, Chúa công phải tìm cách nắm lấy quyền lãnh đạo và bảo trợ những lân bang hèn yếu hơn, còn đối những lân bang mạnh hơn thì phải tìm cách làm suy giảm lực lượng của họ. Thêm nữa là để ngăn cản không cho ngoại nhân hùng cường hơn mình có thể xâm nhập vào trong xứ. Sự dẫn nhập ngoại nhân vào nước xảy ra là vì có sự xích mích nội bộ, những tham vọng cá nhân quá trớn hoặc lòng sợ sệt nghi kỵ lẫn nhau. Như xưa kia người Etolien đưa người La Mã vào xâm nhập các xứ khác là đều do một bọn người bản xứ rước họ vào. Thế cho nên khi có ngoại nhân của một nước hùng cường nào vào được trong xứ, tức khắc bọn người bản xứ hèn yếu đều đổ xô theo sau. Họ bị thúc đẩy do ý chí muốn chống đối lại người lãnh đạo hiện hữu đang đè trên đầu họ đến mức là ngoại nhân thu phục bọn người ty tiện này dễ như trở bàn tay để làm hậu thuẫn cho họ lập nên một chính quyền. Ngoại nhân chỉ còn phải nghĩ tới việc kiềm chế không cho bọn tiện nhân này quá lộng quyền hoặc gây nên sức mạnh riêng. Với quyền lực trong tay, với quyền bố thí ân huệ, ngoại nhân trở nên vị trọng tài độc nhất trong nước.
Người lãnh đạo Quốc gia nếu không theo dõi điểm này, dù có địa vị rồi cũng mất ngay, hoặc được ở lại địa vị ngày nào, thì luôn luôn gặp trăm nghìn khó khăn và phiền phức.
Chỉ những người La Mã là chứng tỏ nổi rằng họ đã hiểu thấu những vấn đề trên đây. Một khi chiếm xứ nào là họ di chuyển ngay những đoàn di dân tới, dung dưỡng nâng những tốp dân hèn yếu lên mức vừa phải; không để cho quá mạnh, bọn nào quá mạnh thì phải dìm xuống bớt, và nhất thiết không cho bọn ngoại nhân hùng cường nào đặt chân xâm nhập vào xứ. Tôi muốn lấy làm tỷ dụ nước Hy Lạp khi bị người La Mã cai trị, chính quyền La Mã dung dưỡng cho người Etoliens và Achéens, làm suy nhược Đế quốc người Macédoniens, đánh đuổi Tướng Antiochus. Dù dân tộc Achéens tưởng thưởng, nhưng người La Mã cũng vẫn nhất định không để cho xứ họ mạnh hơn lên. Vua Philippe hết sức thuyết phục, kết tình thân hữu mà người La Mã vẫn dìm xuống, dù Tướng Antiochus mạnh mấy, người La Mã cũng không để cho giữ một khoảnh đất riêng nào trong xứ.


Chính quyền La Mã thật đã xử trí theo đúng đường lối của các vị Chúa đủ tài đức, không những biết nhìn rõ những biến cố xáo trộn hiện hữu mà còn tiên đoán được đi các biến cố có thể xảy ra ở tương lai để liệu bề tránh được một cách rất khôn khéo. Thật thế, nếu ta tiên đoán được những biến cố xáo trộn sẽ xảy ra, ta có thể giải quyết trước một cách dễ dàng. Nếu ta chờ cho nó tiến tới gần kề, thì phương chước nào cũng là quá chậm rồi, vì lúc đó coi như một trọng bệnh không thuốc nào chữa khỏi. Nhưng trường hợp ấy, giống như bệnh trạng của người bị chứng sốt tiêu mòn thân thể. Theo ý kiến các bác sĩ, chứng bệnh lúc khai phát rất dễ chữa khỏi nhưng lại là một bệnh rất khó tìm ra căn nguyên. Căn bệnh chưa tìm ra thì làm sao thầy thuốc chữa cho khỏi bệnh được? Sau bệnh biến chuyển đến lúc đã trở nên nặng khó mà chữa khỏi.
Việc nước cũng như vậy thôi. Người lãnh đạo có tài đức biết tiên đoán được những việc dở, khi nó xảy ra là có phương cách đối phó ngay. Nếu lại không biết nhìn trước đoán sau, để cho cơ sự nảy mọc đến mức ai ai cũng trong rõ thì lúc đó không còn phương thuốc nào cứu chữa nổi. Người La Mã thường tiên đoán được những hậu quả của các sự việc, nên luôn luôn đối phó, sửa chữa được kịp thời. Khi họ biết một tình trạng căng thẳng kéo dài thêm chỉ có lợi cho địch, thì họ không ngần ngại mở cuộc chiến tranh. Thế cho nên họ đã đột nhiên khai chiến với Philippe và Antiochus ở trên đất Hy Lạp để tránh khói lửa chiến tranh trên đất nước Ý của họ. Tuy rằng lúc ấy hai cuộc chiến tranh có thể tránh được, nhưng họ vẫn cố tình gây nên. Và họ không ưa nghe câu châm ngôn sau này mà các nhà hiền triết đương thời luôn mồm tối ngày nhắc tới: “Phải hưởng thụ những lợi điểm của thời gian”. Họ chỉ hưởng thụ những lợi điểm của giá trị và trí khôn ngoan của họ thôi, bởi vì thời gian chạy qua trước mắt có thể mang lại những điều xấu cũng như điều tốt, điều dở cũng như điều hay.
Bây giờ ta trở lại chuyện nước Pháp, xem có sự việc nào giống như trên đã xảy ra chưa. Tôi không nói tới Vua Charles VIII, chỉ đề cập tới Vua Louis XII mà người ta biết rõ kế hoạch lãnh đạo của nhà Vua đã áp dụng để bảo thủ được lâu dài những đất đai đã chiếm cứ được ở trong lãnh thổ Ý Đại Lợi. Ta sẽ thấy trên những đất đai này, nhà Vua đã làm những việc trái hẳn lại với những điều mà một Chúa công đáng lẽ phải làm trên những xứ, tỉnh mới chiếm được của một dân tộc khác.
Vua Louis XII đặt chân xâm nhập được vào đất Ý là do lòng tham vọng của dân Vénitiens muốn dựa vào sự hiện diện của nhà Vua để mong chiếm cứ lấy một nửa phần đất xứ Lombardie.
Tôi không muốn trách nhà Vua đã lợi dụng điểm này bởi vì thâm tâm nhà Vua vẫn muốn xâm nhập vào nước Ý. Nhưng khốn nỗi Tiên Hoàng Charles đã vụng xử trí nên các cỗng ngõ đều đóng chặt chặn đường vào và cũng chẳng còn có bạn hữu nào đồng minh với mình nữa. Vì vậy nên nhà Vua bắt buộc tìm cho được những mối thân hữu mới. Kế hoạch này chắc chắn mang lại thành công cho Ngài nếu Ngài không phạm một lỗi lầm nào khác.
Vậy, sau khi chiếm cứ được xứ Lombardie, Vua Louis lấy lại được uy danh mà cựu Hoàng Charles đã làm mất đi. Đô thị Gênes đầu hàng, dân Florentiens trở nên bạn đồng minh, Hầu tước Mantoue, Công tước Ferrare, Bentivogle, Bà Ford, các Vương tước Faenza, Pimini, Camerins, Piombino, Lucquois, Pisans, Grennois người người tấp nập lần lượt tới cầu xin tùng phục. Đến lúc này dân Ventiens mới tỉnh ngộ thấy cái mưu mô điên rồ của mình muốn có hai tỉnh trong xứ Lombardie, đã vô tình giúp cho Vua Louis trở nên chúa tể một phần ba đất Ý.
Kể đến đây ai cũng thấy rõ nếu Vua Louis muốn củng cố thế lực ở Ý, thì chỉ vìệc làm theo kế hoạch đã nói ở trên: chỉ cần bảo vệ che chở cho bọn chính quyền thân hữu ở các xứ, các tỉnh. Họ có số đông nhưng đều yếu hèn, kẻ thì sợ sệt Đức Giáo hoàng, kẻ thì sợ hãi dân Vénitiens, nên tất cả bọn họ phải bám chặt lấy Đức Vua. Nếu biết lợi dụng toàn bọn họ thì Vua Louis còn sợ gì ai có thể mạnh hơn được. Nhưng trái lại, khi mới đặt chân tới thành Milan, nhà Vua tức khắc giúp sức Đức Giáo hoàng Alexandre tới thu phục xứ Romagne. Vua Louis không biết rằng như vậy là tự mình làm yếu mình đi. Nhà Vua đã làm mất đi những người bạn yếu kém sẵn sàng đặt mình dưới sự che chở của nhà Vua để chống đỡ lại thế lực của Giáo hoàng. Nhờ vậy uy thế của Tòa Thánh Thiên Chúa trở nên mạnh thêm nhiều, vì thêm vào thế lực tinh thần, giờ đây Tòa Thánh còn có một thế lực đất đai lớn lao nữa.
Đã trót phạm điều lầm lỗi đầu tiên nhà Vua bắt buộc cứ phải để các biến chuyển đi theo đường lối đó. Đến nỗi về sau muốn ngăn cản bớt tham vọng của Giáo hoàng Alexandre, và sợ Giáo hoàng trở nên chúa tể xứ Toscane, nhà Vua lại phải đích thân trở lại đóng trên đất Ý. Không những đã làm cho Tòa Thánh Thiên Chúa trở nên hùng mạnh, đã vô tình trục xuất các thân hữu của mình, nhà Vua còn nhầm đến mức khi chiếm cứ xứ Naples lại cùng chia xẻ đất đai xứ này với Vua Y Pha Nho. Trước đó nhà Vua nắm trọn quyền kiểm soát Ý Đại Lợi giờ đây ông lại đưa một người khác vào cùng ngự trị. Như vậy là những kẻ có tham vọng và những kẻ bất mãn trong xứ đã có một nơi quy tụ.

Vẫn giữ được toàn cõi nước Ý dưới quyền thống trị của mình với một vị Chúa địa phương bù nhìn thì loại ngay ông này đi để đặt vào ngôi một vị Chúa khác ­ về sau chính kẻ này đã đuổi nhà Vua ra khỏi xứ!
Một điều rất thường tình và hợp với thiên nhiên là con người ai cũng có lòng ham muốn chinh phục, sẵn sàng chinh phục bất cứ lúc nào nếu họ có thể làm được. Kẻ chinh phục sẽ được tán thưởng hay ít nhất cũng sẽ không bị chê trách. Nhưng nếu không làm nổi việc này mà lại cứ cố làm, thì đó là một lỗi lầm và là một điều đáng chê trách. Ví dụ, nếu người Pháp có đủ sức xâm chiếm xứ Naples thì họ phải tự làm một mình. Nếu không thì thôi, chứ không nên chia đôi xứ ấy với một nước khác. Khi Pháp Vương chia đất xứ Lombardie với người Vénitiens, ta có thể tha thứ được là vì có thế thì người Pháp mới đặt chân vào đất nước Ý được. Nhưng đến khi chia đất xứ Naples với Tây Ban Nha thì thật đáng tội, vì lúc đó xét ra sự chia xẻ không phải là điều cần thiết.
Tóm lại Pháp vương Louis thời đó đã phạm năm điều lỗi lầm:
- Làm suy nhược thêm những bạn đồng minh yếu kém hơn mình.
- Trên đất Ý, đã làm tăng cường thêm sức mạnh của kẻ đã mạnh.
- Để cho một ngoại bang rất mạnh xâm nhập vào các xứ mới chiếm.
- Không đích thân đến trú đóng thường xuyên trên đất nước mới chiếm.
- Không cho tổ chức định cư những đoàn di dân vào các xứ mới chiếm.
Năm điều lầm lỗi đó kể ra không nguy hại lắm, ít nhất là trong thời gian Ngài còn sống, nếu Ngài không phạm một lầm lỗi thứ sáu: tước đoạt hết đất đai của người Vénitiens. Lầm lỗi là vì nếu nhà Vua đã không lỡ nâng uy quyền của Giáo hoàng lên quá cao, đã không lỡ dẫn dắt người Tây Ban Nha xâm nhập vào đất Ý, thì việc Ngài phải suy giảm bớt uy thế của dân Vénitiens là việc hợp lý và cần thiết. Nhưng nếu nhà Vua đã trót hành động như thế, không bao giờ nên làm cho dân Vénitiens quá suy nhược đi nữa. Vì nếu họ còn đủ sức mạnh như xưa, tất nhiên họ sẽ không để cho ai có thể lại xâm đoạt được xứ Lombardie bởi vì ý họ nghĩ nếu không làm chủ được xứ này thì họ không để cho người khác đặt chân tới, ngoài Pháp vương. Còn các địch thủ khác thì họ không muốn đẩy người Pháp ra để cho xứ Lombardie bị rơi vào quyền thống trị của người Vénitienes.
Tình trạng như thế ai còn dám tấn công gây hấn cùng một lúc với cả hai phía (Pháp và Vénitiens).
Nhưng nếu ai bảo rằng Pháp vương Louis đã nhượng xứ Romagne cho Giáo hoàng, xứ Naples cho Tây Ban Nha là để tránh khỏi một cuộc đại chiến, tôi trả lời tức khắc, dựa theo những lý lẽ kể trên, rằng ta không bao giờ nên tự gây ra những sự lủng củng xáo trộn để mong tránh khỏi một cuộc chiến tranh. Vì như vậy ta không thể tránh khỏi chiến tranh mà chỉ trì hoãn nó lại để rồi phải chịu nhiều thiệt hại hơn.
Nếu ai ngờ rằng Vua Pháp sở dĩ nhượng đất Romagne cho Đức Giáo hoàng là do lời hứa đổi đất lấy giấy phép của Giáo hoàng cho Ngài hủy bỏ cuộc hôn nhân cũ và xin một chức Hồng Y cho Đức Tổng giám mục xứ Rouen, thì tôi sẽ trả lời sau, khi nào tôi đề cập đến vấn đề chữ tín của các Vua Chúa.
Pháp vương Louis để mất xứ Lombardie chỉ vì không thi hành phương kế mà những kẻ khác đã áp dụng để chiếm đóng, giữ vững những đất đai được lâu đời, có được như vậy cũng chỉ là công việc hợp lý bình thường chứ chẳng phải là một sự kỳ diệu gì.
Trong lúc tôi đàm đạo ở Naples với Tổng giám mục thành Rouen, về tin Quận công xứ Valentinois - lúc đó còn được gọi là Tướng César Borgia tức là con trai của Đức Giáo hoàng Alexandre - đang kéo quân chiếm đóng xứ Romagne, Đức Tổng giám mục Rouen nói bởi tôi là dân Ý thật nên không biết chiến tranh là gì. Tôi liền trả lời: chỉ vì người Pháp ngu ngốc về chính trị quá, nếu khá thì không bao giờ họ để cho chính quyền Thiên Chúa giáo trở nên quá mạnh thế này. Ta thấy rõ ngay trước mắt là người Pháp giúp cho Giáo hoàng và Tây Ban Nha trở nên mạnh trên đất Ý tức tự họ đã gây suy sụp cho họ. Do những sự việc trên đây ta có thể lập ngay một quy thức rất đúng, không bao giờ sai hoặc rất ít khi sai: “Người nào giúp cho kẻ khác trở nên hùng cường tức là mình tự tiêu hủy mình”. Bởi vì kẻ ấy được hùng cường là nhờ ta đã mang một tài khôn khéo và sức mạnh của ta để giúp họ. Nếu cứ để yên thì kẻ ấy lúc nào cũng nơm nớp sợ tài khôn khéo và sức mạnh của ta.
...............
...............
Chương 25: Số Mệnh và Con Người

Nhiều người đã tin và luôn luôn tin, trăm sự đều do Thượng đế và số mệnh chi phối định đoạt; con người khôn ngoan đến đâu cũng không uốn nắn sửa chữa được việc đời. Nhiều người cho rằng có đổ mồ hôi khó nhọc cũng không sao chủ động các sự việc được nên đành nhắm mắt để bàn tay số mệnh dìu dắt. Ngày nay thuyết số mệnh đã trở lại ngự trị đầu óc con người, vì trong thời đại này biết bao cuộc thay đổi lớn lao đã xảy ra hằng ngày, ngoài sức ước đoán của ta. Chính tôi đôi khi cũng phải tin vào thuyết đó. Nhưng ta cần phải giữ trí xét đoán khách quan khỏi bị tắt lịm. Tôi thiết nghĩ chỉ nên tin số mệnh định đoạt một phần những công nghiệp của ta và phải dành quyền chủ động phần còn lại. Tôi ví số mệnh như những con sông, gặp mùa mưa nguồn nước chảy cuồn cuộn tràn ngập đồng ruộng, phá hủy nhà cửa cây cối, làm lở sập bờ này mang đất phù sa bồi đắp bờ bên kia. Trước dòng nước chảy ầm ầm, người người bỏ chạy, còn ai nghĩ đến việc đắp đê ngăn cản. Nước lũ có mùa, khi nước cạn dòng sông yên lặng người ta không thong dong nghĩ tới việc xây đê, đắp đập; đến khi nước dâng cao, lòng sông tràn ngập, ta sẽ bớt hãi hùng lo ngại, và tai nạn gây nên sẽ đỡ phần nào thiệt hại. Số mệnh cũng như vậy. Nơi nào không có gì cản trở chống cự được, nó sẽ ra oai dùng sức mạnh tấn công như nước lũ không đập, không đê dựng lên để ngăn cản. Nếu xét kỹ nước Ý, nơi phát khởi bao nhiêu cuộc biến đổi, ta thấy y hệt như một cánh đồng không đê, không đập. Nếu được che chở bằng một chế độ nghiêm khắc như ở các nước Đức, Pháp, Y Pha Nho, trận nước lũ đã không mang lại biết bao biến cố, biết bao sự xáo trộn rối ren cho nước Ý. Tôi chỉ cần nói thế cũng đủ cho ai muốn tìm hiểu phương cách để đương đầu với số mệnh.
Bây giờ xin vào đề tài; ta thấy có vị Vương hầu nay sướng mai khổ mà không hiểu tự nhiên như thế hay vì một duyên cớ nào. Theo ý tôi, như trên kia đã giảng giải, vị Vương hầu ấy chỉ nhắm mắt theo số mệnh, nên khi số mệnh thay chiều, vị ấy ngã theo ngay.
Tôi nghĩ rằng vị nào biết xử sự hợp thời thế sẽ được hưởng sung sướng. Còn vị nào không tiên liệu theo thời tất nhiên sẽ khổ sở. Loài người hoạt động nhằm đạt tới mục đích tối hậu là danh và lợi và đều áp dụng nhiều phương pháp khác biệt: người thận trọng, kẻ hung hăng, người này dùng bạo lực, người kia theo kỹ thuật; có kẻ thật kiên nhẫn, lại có kẻ thật nóng nảy. Bằng cách nào người ta cũng đạt tới mục đích được. Thế nhưng ta thấy hai vị Vương hầu cai trị cùng đường lối thận trọng một vị thành công, một vị lại thất bại. Có khi một vị thận trọng, một vị hung hăng, đường lối làm việc khác hẳn nhau, thế mà cả hai đều thành công. Kết quả như thế cũng bởi những việc làm có hợp hay không hợp thời cơ. Như trên tôi đã nói, có khi hai người làm việc theo phương cách khác biệt có thể cùng tới kết quả, cũng có khi hai người theo cùng một cách làm việc, nhưng một người đạt được tới mức, một người lại thất bại. Thật là cùng một “nhân” mà “quả” lại khác nhau. Nếu một Vương hầu cai trị với trí óc thận trọng kiên nhẫn mà lại gặp thời cơ, sự việc biến chuyển nhịp nhàng, tất nhiên sẽ thành công oanh liệt. Nhưng đến khi thời thế biến đổi, Ngài không biết cách thay đổi cách thức làm việc, thế nào cũng bị hủy diệt. Có những vị Vương hầu thật khôn ngoan, nhưng cố chấp, không chịu mềm dẻo uốn mình theo thời thế, hoặc nghĩ con đường đang theo đã đưa mình đến thịnh đạt, cần gì đổi sang con đường khác. Vậy người có tính quá thận trọng, đến khi cần phải táo bạo không dám làm, tất nhiên sẽ bị bại vong; nếu biết thay tính khí để gió chiều nào che chiều ấy, số mệnh cũng uốn theo mình.
Trong công cuộc điều khiển việc nước, Đức Giáo hoàng Jules II lúc nào cũng dùng chính sách mạnh mẽ, hùng hồn, rất phù hợp với thời thế, nên luôn luôn hoàn tất được công nghiệp. Tỉ dụ như cuộc chiến thắng đầu tiên chống lại xứ Boogle. Lúc sinh thời Vương tước Giovanni Bentivoglni thấy dân Vénitiens và Vua Y Pha Nho bất mãn, Ngài liền kết thân với nước Pháp, rồi tự mình mạnh dạn xuất quân mở cuộc tấn công. Thế là dân Vénitiens và dân Y Pha Nho thối lui, một đằng thì vì quá kinh sợ, một đằng thì muốn bảo tồn lãnh thổ xứ Naples. Thêm nữa, trong các hành vi bạo động, lúc nào Ngài cũng lôi kéo Pháp vương cùng làm. Vua Pháp thấy Giáo hoàng chuyển binh cũng muốn lợi dụng tình liên kết để hạ uy thế dân Vénitiens, nên không từ chối việc mang quân của mình hỗ trợ Ngài, lại sợ Ngài giận. Vì vậy Giáo hoàng Jules đã dám tiến binh như vũ bão, một việc mà chắc không vị Giáo hoàng nào dám làm trong lúc đó. Nếu chờ đến lúc các Quốc gia vững mạnh, mọi việc đều ổn định, mới dám xuất quân tiến đánh, chắc chẳng bao giờ thành công được. Khi đó, Vua Pháp đã tìm ra hàng vạn duyên cớ để từ chối sự hỗ trợ; còn về phía địch, chắc họ cũng sẽ có hàng vạn kế để thi hành khiến Ngài phải e sợ.
Tôi không kể hết các công nghiệp mà Ngài đã đạt thành công mỹ mãn, không ai có cách chứng minh ngược lại được bởi Ngài đã sớm qua đời.
Giá lúc còn sống, bỗng nhiên thời thế thay đổi đòi hỏi một sự cai trị thận trọng và mền mỏng chắc chắn sự nghiệp của Ngài sẽ suy sụp vì bản tính Ngài luôn luôn hùng hổ, không thể khác được.
Kết luận: số mệnh thay đổi, con người thì hành động cố chấp, gặp lúc hai yếu tố tương đồng hòa hợp, con người sẽ thành công mỹ mãn, gặp lúc trái ngược, con người sẽ thất bại khốn đốn. Thêm nữa, tôi còn tin rằng mạnh dạn tốt hơn thận trọng rụt rè. Số mệnh giống như người thiếu phụ; nếu muốn bắt họ phục tòng, ta phải thường cương quyết chống chọi với họ. Ta thường thấy họ dễ bị chinh phục bởi những người cư xử lạnh lùng với họ. Ta thấy số mệnh cũng như các thiếu phụ, thường quấn quít luyến ái với bọn tráng niên, vì bọn này bao giờ cũng dám mạnh dạn chỉ huy một cách hiên ngang và tàn ác.



Chương 23 : Phương Cách Tránh Nịnh Thần

Tôi không bỏ qua hay cố ý lãng quên một vấn đề quan trọng, mà các Chúa ít khi đề phòng nếu không khôn ngoan và suy xét kỹ: đó là bọn nịnh thần, triều đình nào cũng có đầy dẫy. Bản tính con người thích tâng bóc, nịnh bợ nhau, nên không ai tránh khỏi những “côn trùng dịch hạch” ấy được. Muốn chống lại nó, phải gặp điều nguy hiểm khác, là Chúa cảm thấy hình như mình bị khinh rẻ. Không có cách gì để đề phòng những lời xiểm nịnh, khác hơn là Chúa cứ chịu nghe những kẻ nói thật, và đừng tỏ ra phật ý. Nhưng khốn nỗi, nói thật quá, lại mang tội xúc phạm đến sự tôn kính đối với Chúa. Thế nên Chúa phải chọn phuơng sách thứ ba, là chọn lựa quanh mình một bọn hiền nhân, cho bọn này quyền tự do trình bày tất cả sự thật trong phạm vi những vấn đề Chúa đặt ra, tuyệt nhiên không được ra khỏi phạm vi đó. Khi ấy Chúa phải hỏi han cặn kẽ và lắng nghe ý kiến của họ. Sau đó, Chúa tự mình phán đoán theo cách riêng. Đối với từng người đã trình bày những lời khuyến cáo, Chúa phải xử sự cách nào để họ cảm thấy thoải mái, thích thú, sau khi đã được tự do đàm đạo với Chúa về một việc nào đó. Ngoài những người nói trên, Chúa không nên nghe theo một người nào khác nữa. Sau khi xét định, Ngài phải cương quyết theo đuổi công cuộc thi hành cho đến cùng. Chúa nào xử sự khác đường lối ấy, là đã bị bọn nịnh thần chôn vùi sự nghiệp. Nếu cùng một vấn đề, Chúa lại hỏi ý kiến lung tung của nhiều kẻ dị đồng, để luôn luôn thay đổi ý kiến, như thế Ngài sẽ không còn được tôn trọng.
Trên đề tài này, tôi muốn kể một tỷ dụ đương thời Dom Luca, cận thần của đương kim Hoàng đế Maximilien, đã bình phẩm Ngài rằng: Hoàng đế chẳng nghe lời khuyên của ai, Ngài cũng chẳng làm theo ý riêng của mình. Thật thế, Hoàng đế Maximilien là người rất kín đáo, không cho ai biết những dự định của Ngài và cũng chẳng hỏi ý kiến ai cả. Nhưng lúc thi hành, nếu bị bọn cận thần phản đối, Ngài bãi bỏ ngay. Cho nên hôm nay Ngài làm việc này, ngày mai lại phá bỏ, không ai hiểu Ngài muốn gì, định làm gì và không ai tin ở những quyết định của Ngài nữa.
Vậy Vương hầu lúc nào cũng nên trưng cầu các ý kiến, nhưng chỉ khi nào tự Ngài muốn hỏi chứ không do kẻ khác áp lực được. Ngài còn nên làm cho cụt hứng kẻ nào thích đưa lời khuyến cáo khi không hỏi tới. Còn về phần Ngài, chính Ngài phải thường hỏi, và phải kiên nhẫn nghe cho thấu triệt tất cả những sự thật. Đôi khi Ngài cũng tỏ vẻ phẫn nộ kẻ nào vì quá sợ sệt, không chịu nói hết lời. Nếu phê bình một Vương hầu có tiếng khôn ngoan, là nhờ những bộ óc của bọn cận thần, thì thật nhầm to. Một định luật chung bất hủ là nếu Vương hầu có trí óc u ám thì chẳng ai khuyên bảo được điều gì hay cả. Trừ khi Ngài nhất nhất ỷ lại hoàn toàn vào một cận thần khôn ngoan lỗi lạc, để y nắm trọn quyền hành cai trị. Hiện tượng này chắc chắn có, nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian; vì một cận thần như vậy sẽ dần dần truất hết quyền hành của nhà Vua trong một thời gian ngắn. Mặt khác nếu nhà Vua hỏi ý kiến lung tung nhiều người, chẳng bao giờ Ngài thấy họ gặp nhau trong sự hòa hợp cả. Vậy nhà Vua phải là người có óc xét đoán minh mẫn mới thống nhất được tư tưởng của họ. Trong đám cố vấn, người nào trong thâm tâm cũng chỉ nghĩ đến lợi riêng của mình. Nhà Vua khó lòng hoán cải và hiểu thấu được. Muốn thay đổi họ cũng chẳng tìm được ai hơn. Con người đến cùng ai cũng lộ nguyên hình với tính tình ác độc, nếu không bắt buộc họ phải làm người lương thiện hoàn hảo.
Vì thế, tôi kết luận: những lời khuyến cáo hay, của bất cứ ai, đều được thúc đẩy do trí khôn ngoan, sáng suốt của Chúa, chứ không phải nhờ những lời khuyến cáo ấy Chúa mới trở nên khôn ngoan sáng suốt.

.....
Chương 26 : Kêu Gọi Anh Hùng Cứu Nước

Sau khi cân nhắc, xét đoán tất cả các sự việc kể trên, và suy luận mọi lẽ, tôi tự hỏi ngày nay ở nước ta (Ý Đại Lợi) đã đến lúc để một tân Chúa lập nên danh vọng được chăng? Nếu tân Chúa cho đây là cơ hội để một người có trí óc khôn ngoan, có tài năng lỗi lạc nắm lấy vinh dự cho mình và mang lại quyền lợi cho nhân dân, Ngài sẽ thấy ngay trước mắt biết bao nhiêu việc thuận tiện. Thật là một dịp may hiếm có. Như trên kia tôi đã nói, phải có dân Do Thái bị làm nô lệ ở Ai Cập, giá trị của thủ lãnh Moise mới được minh xác. Dân Ba Tư có bị dân Mèdes đè nén, mới biết khí tiết anh hùng của Cyrus. Dân Athéniens có ly tán, mới biết rõ tài khôn khéo của Thèsée.
Vậy nay Tổ quốc có lâm vào cảnh tuyệt vọng, ta mới có cơ tìm được một Anh hùng Ý Đại Lợi. Cảnh nước Ý hiện nay: nhân dân bị nô lệ hơn dân Do Thái, yếu hèn hơn dân Ba Tư, ly tán hơn dân Nhã Điển, không người lãnh đạo, sống trong cảnh rối ren vô trật tư, bị hà hiếp, bóc lột, xâu xé, quân ngoại xâm tự do hoành hành, đất nước chịu biết bao nỗi đau khổ thảm thương.
Cho đến ngày này, thỉnh thoảng cũng có một vài nhân vật mang lại tia hy vọng, cho dân tin Thượng đế sai họ xuống cứu vớt non sông; nhưng chẳng may giữa đường đang hăng say hoạt động, lại bị bánh xe số mệnh đè nghiến. Đến nỗi giờ đây Tổ quốc lâm cảnh hữu thể vô hồn. Ai là người ra tay hàn gắn những vết thương đau, ai là người ra tay dẹp bọn giặc cướp hung tàn hoành hành ba tỉnh Lombardie, Naples, và Toscane, như những ung thư máu chảy không ngừng? Toàn dân tâm niệm cầu Trời mau cử một anh hùng xuất chúng hòng tiêu diệt hết bọn rợ hung tàn, hàn gắn, xoa dịu những cảnh đau thương trên đất nước. Nhân dân sẵn sàng hăng hái nếu hàng theo sau người Hùng phất cờ khởi nghĩa. Phải tìm Người Hùng đó ở đâu nếu không phải là trong dòng họ của Đức Ngài, [1] một dòng họ uy liệt đang được số mệnh ưu đãi, lại có Ngài là người tài đức? Với sự phù hộ của Thượng đế và Giáo hội (mà một người trong tộc họ đang lèo lái) chắc chắn Ngài có thể là người lãnh đạo cuộc giải phóng. Thi hành sứ mệnh thiêng liêng này cũng chẳng khó khăn gì nếu Ngài luôn đặt trước mắt tấm gương lịch sử và sự nghiệp của các tiền nhân mà tôi đã kể trong sách này. Thật vậy, những người đó toàn là nhân vật tài ba hiếm thấy. Nhưng dù sao họ cũng chỉ là người, và lại không được gặp thời cơ tốt đẹp như Đức Ngài. Công cuộc của họ đâu có hợp lý, dễ dãi như công cuộc của Đức Ngài, hơn nữa họ đâu có được Thượng đế nâng đỡ như Đức Ngài hiện giờ. Công lý tối cao đang đứng về phía Đức Ngài: “Chiến tranh rất hợp lý cho những ai lâm cảnh phải cần đến nó. Võ khí trở nên thiêng liêng khi người ta chỉ còn hy vọng ở nó”. Toàn dân cũng thành tâm, nhiệt tình, sự thành công không còn khó nữa, miễn Người Hùng cứu Quốc biết noi gương ý chí những nhân vật tôi đã nhắc tên trong sách này. Thêm nữa, giữa lúc khởi sự thi hành nhiệm vụ, Thượng đế đã ban cho nhiều điềm lạ kỳ: nước triều rút cạn, mây tan trời sáng, suối nước trong khe chảy ra, mưa nắng thuận hòa đem lại hoa mầu tươi tốt. Tất cả như đã góp phần xây đắp uy quyền cho người cứu Quốc. Ngài phải tự tay thi hành sứ mạng. Thượng đế không ôm đồm tất cả mọi việc, muốn dành phần chủ động cho người cứu Quốc để về sau hưởng lấy uy danh.
Không phải sự kỳ dị, nếu ta thấy cho đến nay không một người dân Ý nào làm nổi những việc mọi người đang mong đợi ở một vị Anh hùng thuộc dòng họ Đức Ngài. Ta thấy sau bao nhiêu biến đổi, bao nhiêu chiến cuộc, tinh thần thượng võ của quân dân Ý hầu như bị dập tắt; trạng thái ấy đã được gây nên do chế độ hủ nát của thời đại cũ, đến nay chưa người cải thiện. Người Hùng cứu Quốc nắm giữ quyền hành, nếu biết sáng lập kỷ cương mới, ban hành pháp luật mới, sẽ hưởng thụ biết bao vinh dự. Những điều đó một khi đã được xây dựng trên nền móng vững chắc huy hoàng sẽ mang uy danh lừng lẫy đến cho người cứu Quốc. Trong nước ta thiếu gì việc để cải cách, chỉ cần có đầu não hoàn hảo, chân tay thi hành cứng rắn. Thử nhìn những cuộc tranh chấp, ẩu đả lặt vặt giữa các cá nhân, ta thấy người dân ta sức lực khôn khéo thông minh có thừa; nhưng đến khi phải đương đầu với cuộc chiến đấu quy mô, tất cả đều mang bộ mặt hèn nhát thảm hại. Điều đó là do sự bất tài bất lực của cấp chỉ huy. Cũng có một số người chỉ huy hiểu biết đôi chút, nhưng không đủ cho thiên hạ phục tùng. Ai ai cũng cảm thay chưa tìm ra được người lãnh đạo có đủ tài năng đức độ nổi bật khiến tất cả phải tuân theo. Cho nên trong thời gian kéo dài 20 năm qua, một đạo quân nào gồm toàn binh sĩ bản quốc, gặp chiến cuộc là thất bại, như những trận Fornoue, Alexandrie, Capoue, Genes Agnadel, Bologne. Mestre...
Vấy nếu Đức Ngài muốn noi gương các vĩ nhân xưa, việc đầu tiên là phải thành lập ngay một quân lực thuần túy Quốc gia để làm căn bản cho tất cả các công nghiệp của mình. Như thế mình mới có được đoàn binh sĩ trung kiên, thuần nhất và hoàn hảo. Khi tư cách cá nhân của mỗi người được hoàn mỹ, tập thể sẽ trở nên hùng cường nhất là khi họ cảm thấy được lãnh đạo hẳn hòi, được Vua Chúa quý mến và dung dưỡng đầy đủ. Ta thấy rõ sự cần thiết phải thành lập ngay một binh lực theo cách trên, để giá trị dân tộc có thể đương đầu đối phó với quân xâm lăng ngoại bang. Sau đây xin nêu một tỷ dụ đoàn quân bộ binh Thụy Sĩ và Y Pha Nho nổi danh oai hùng nhưng cả hai đều có nhược điểm, nên đến khi có một đệ tam lực lượng nào tấn công, cả hai đều bị bại. Lính Y Pha Nho không bao giờ dám đương đầu với quân kỵ mã địch, và lính Thụy Sĩ rất sợ đụng độ với đoàn bộ binh nào mạnh bạo hung hăng. Do đó ta thấy quân Y Pha Nho đã thua kỵ binh Pháp, và quân Thụy Sĩ bị bộ binh Y Pha Nho đánh bại. Tuy điều này chưa có biến cố nào chứng minh rõ rệt, ta cũng thấy nhiều việc tương tự đã xảy ra trong mấy ngày ở thành Ravenne, lúc đoàn bộ binh Y Pha Nho tấn công đội quân Đức hàng ngũ chỉnh đốn, mạnh mẽ không kém gì quân Thụy Sĩ. Lính Y Pha Nho thân hình dẻo dai, tay cầm mộc, tay cầm dáo mác tung hoành trên mặt trận không ai địch nổi; nếu không có đội kỵ binh Đức kéo tới như vũ bão phản công lại, họ đã giết hết cả bọn bộ binh ấy rồi.
Sau khi biết ra các nhược điểm của hai đạo bộ binh kia, ta có thể thành lập một đạo tân binh có đủ tư cách không sợ một loại bộ binh nào khác, cũng đủ sức đương đầu với các đoàn quân kỵ mã của địch. Được như vậy là nhờ những đoàn quân hoàn toàn mới mẻ, hàng ngũ được thay đổi chỉnh đốn. Những công tác cách mạng trong cương vị này sẽ mang lại cho tân Chúa biết bao danh vọng và oai phong.
Ta không bỏ qua cơ hội này để cho Tổ quốc (nước Ý) đã đợi chờ quá lâu, nay mới thấy xuất hiện một vị cứu tinh. Tôi không thể nói sao cho đủ để bày tỏ hết lòng kính mến vô biên của toàn dân trong nước khi tiếp rước Ngài. Đất nước đã bao phen bị dày xéo dưới gót quân thù ngoại bang, đang khao khát phục thù, ấp ủ trong lòng niềm tin bất diệt với biết bao giọt lệ. Cửa nào không rộng mở đón Ngài? Dân nào dám từ nan không tuân theo mệnh lệnh? Kẻ nào dám tỏ lòng ghen tỵ? Người dân Ý nào không nghiêng mình kính cẩn trước mặt Ngài? Nền thống trị tàn khóc dã man đã làm cho toàn dân ghê tởm.
Thành khẩn xin Ngài nhận lấy sứ mệnh, cùng bầu nhiệt huyết, cùng niềm hy vọng như một Đấng Anh Hùng khai cuộc chiến đấu bảo vệ công lý. Ngài tung cờ khởi nghĩa để đưa Tổ quốc lên đường vinh quang. Dưới quyền lãnh đạo của Ngài, thơ của (Petarque) sẽ được chứng minh:

Đạo lý chống bạo tàn, võ khí sẽ sớm thành công tiêu diệt quân thù.
Trí dũng cảm từ xưa vẫn đó và còn  mãi mãi trong người dân ta.

Chú thích
[1] Laufent de Medici.

-----------------  HẾT -------------

Nguồn: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0ntn0nqn31n343tq83a3q3m3237n1n4n


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Binh Pháp Tôn Tử
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Lấy Nhân Tâm làm phương tiện, dụng Dân Tâm làm kế sách " An Dân - Lạc Quốc" là kim chỉ nam của thể chế Dân Chủ Văn Hiến.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt