Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net




GÓP PHẦN NGHIÊN CỨU VỀ TRƯƠNG VĨNH KÝ  (1837-1898)

Nguyên Vũ    

  © 2002, 2010 by Chieu N. Vu. All Rights Reserved





        Trương Vĩnh Ký (1837-1898)
( ảnh cuả virtualarchivist.wordpress.com - VNVH sưu tầm )


   L.T.G.: Tôi vốn không chuyên biệt về khía cạnh chính trị  trong giai đoạn Pháp thuộc. Lại không định viết tiểu sử các tác nhân, ngoại trừ tập Nhân Vật Chí (ký tên Chính Ðạo) ghi chép vắn tắt dài theo hơn phần tư thế kỷ nghiên cứu vừa qua (đã tái bản, có bổ sung năm 1997). Những tài liệu phát hiện về Petrus Key cũng như các tác nhân lịch sử cận và hiện đại thường rất tình cờ. Với ước muốn dùng các thay đổi văn hóa và xã hội để giải thích chiến thắng của người Cộng Sản năm 1975, ngoài những vấn đề ngoại giao, chính trị, kinh tế, không thể không nghiên cứu thêm các tôn giáo và ý thức hệ tại Việt Nam trước năm 1945. Bởi vậy, năm 1996, khi tìm đọc các tài liệu về Giám mục Dominico Lefèbvre, vô tình bắt gặp lá thư thủ bút của Petrus Key vào cuối tháng 3/1859 để tự tiến thân với các quan tướng Pháp. Khi đọc tư liệu của Trung tá Hải quân Henri Rieunier, cựu chánh văn phòng của Jean Bernard Jauréguiberry, cũng người cầm đầu phái bộ Pháp của “Cochinchine” [Nam Kỳ] bên cạnh sứ đoàn Phan Thanh Giản năm 1863, mới xác tín rằng Petrus Key, thông ngôn hạng nhất của Soái phủ Sài Gòn, là thông ngôn của phái bộ Pháp, dưới quyền Gabriel Aubaret, mà không phải của sứ đoàn Việt như thường huyễn truyền (thông ngôn của triều Nguyễn là hai người khác, kể cả một linh mục Việt, Nguyễn Hoằng). Khi đọc tư liệu văn khố Hội truyền giáo hải ngoại, mới biết chính sách mua trẻ mồ côi để tăng số giáo dân và thày kẻ giảng (thí dụ như Lettre commune năm 1858), và từ đó hiểu tại sao những Petrus Key và Ngô Ðình Khả v.. v... bỗng dưng trở thành các “chú” của nhà Chúa Blời. Ðọc tư liệu Joseph Page và Jauréguiberry mới rõ nghị quyết của Ủy Ban Cochinchine năm 1857 yêu cầu sử dụng “thày kẻ giảng và 600,000 giáo dân Ki-tô làm nòng cốt” cho “tân trào” bảo hộ Pháp. Ðọc tài liệu trường Collège général de Pinang [Ðại chủng viện Pinang] mới rõ chương trình huấn luyện các thày kẻ giảng bản xứ, và đại cương về các chủng sinh [Nên không thể không đặt câu hỏi Petrus Key tốt nghiệp trường Pinang chưa mà không được thụ phong linh mục hay thày kẻ giảng ở Pinang, đã phải vội vã “cưỡi ngựa”, vượt sông vượt biển về Cái Nhum chờ đón những sứ giả “Moises và Jacobs” mà “Thiên chúa” gửi sang “giải phóng” giáo dân Việt năm 1858? Phải chăng vì Lefèbvre (người ngày đêm trông đợi binh thuyền Pháp tới đòi vua Tự Ðức nợ máu) đã được thông báo về Nghị quyết 1857 của Ủy Ban Cochinchine, yêu cầu thiết lập một tân trào với các thày kẻ giảng làm trụ cốt và sự trợ giúp của 600,000 giáo dân?].

   Công bố những tài liệu mới phát hiện này hay không, chúng vẫn nằm ở đó, thu thập bụi thời gian và  chờ ngày bị mục nát, nếu chưa được những người nghiên cứu khác tìm đọc. Nhưng tôi đã quyết định công bố tất cả các sử  liệu tìm được suốt hơn 30 năm qua, dưới sự hướng dẫn của ánh sáng lương tâm nghề nghiệp. Sự thực nhiều khi khiến đau lòng, nhưng hậu thế Việt Nam xứng đáng và có quyền được hiểu biết những sự thực ấy. Họ có đọc chăng, suy nghĩ gì, đó là quyền của họ. Gần trọn nửa đời bị bưng tai, bịt mắt tại Việt Nam, thấy xà cừ mà tưởng lầm là bạc–nửa đời trăn trở dưới vực thẳm giữa những triền đá dựng đứng, dốc ngược của sự ngu dốt sặc sỡ và lừa dối hào nhoáng–khiến tôi không-thể-không công bố chúng. Thứ bóng tối kinh hoàng nhất là bóng tối của sự ngu dốt, khiến nhân diện nhợt nhạt, trí tuệ hôn ám. Nỗi hổ nhục sâu cay nhất, nói theo Socratus (470-399 TTL), là cứ tưởng mình “biết rồi!” những điều mình thực sự chẳng biết gì cả. (Xem Nguyên Vũ, Paris: Xuân 1996, Houston: Văn Hóa, 1997; và, Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập, Houston: Văn Hóa, 1999-2000)

   Ðã hẳn tôi hiểu rất rõ rằng công bố các tư liệu văn khố mới phát hiện không có nghĩa tất cả những người đương thời sẵn sàng chấp nhận sự thực ấy. Vì như tôi đã nhắc đó đây, cảm nhận về lịch sử (a perception of history) thường ảnh hưởng đám đông hơn chính sự thực lịch sử. Ðó là nỗi buồn riêng mình mình biết của người còn giữ được sự lương thiện trí thức. Hoặc, nói theo sách vở cổ thời Tây phương, đó là hớp độc dược mà Socratus phải nuốt qua cuống họng vì tội “làm ung hoại tuổi trẻ”, hay con thuyền chở chàng “nô lệ” Plato (427-347 TTL); nhưng nhất định không thể là lời xin lỗi nghẹn ngào, ứa nước mắt của Galliléo Galiéli (1564-1642) về việc phát hiện ra rằng trái đất quay quanh mặt trời, mà không phải mặt trời quay quanh trái đất như Giáo Hội dạy bảo, và đã trở thành một thứ “kinh điển đã thiết lập” [establsihed literature]. Hoặc, nói theo ngôn ngữ hiện đại, là nỗi buồn đứt ruột của những nhà y học đã tìm cách tái tạo [cloning] được một bào thai sơ khai, nhưng đang chịu đủ thứ búa rìu dư luận (như bị kết án là kiêu ngạo, không tin ở Thượng đế, thiếu đạo đức, không chấp nhận và thách thức thuyết sáng tạo của đạo Ki-tô); có thể bị luật pháp ngăn cấm. Nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nghe lời ong tiếng ve về những tài liệu lịch sử mới phát hiện đó, như muốn “bêu xấu,” hay “nói xấu,” làm giảm uy tín các “lãnh tụ” dưới thời Pháp thuộc, hoặc chính những người đang cai trị ở Việt Nam. Cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy xuất hiện các “tác phẩm” của bầy cuồng tín tôn giáo và ý thức hệ, nhắm hạ nhục và nguyền rủa, vu cáo những người tìm sự thực.

   Người trí thức lương thiện, dĩ nhiên, luôn ấm như  Xuân mà lạnh như Thu trước lời lăng mạ, hay mưu mô chồn cáo của loài tinh tinh, và ngay cả  bạo lực. Hành trình vào tri thức và chân lý phải trả giá rất đắt. Hình ảnh của Promotheus bị kền kền moi gan, móc mắt suốt 13 kiếp trên đỉnh núi Olympia vì dám “đánh cắp lửa trời,” soi sáng cho trần gian, là cái giá phải trả ấy. Và, dĩ nhiên, núi lên càng cao, càng lạnh. Tìm hiểu và công bố những tội ác xâm phạm nhân quyền của quốc dân Việt là điều không một người Việt nào có thể xao lãng; bất kể cái giá phải trả!

   Trong tập Các vua cuối nhà Nguyễn, tập I, ký tên thực Vũ Ngự Chiêu, tôi đã trình bày trường hợp Petrus Key khá đầy đủ. Dựa trên tài liệu văn khố mà không phải những tác phẩm và nguồn tin đã xuất bản suốt hơn trăm năm qua (thường chỉ sao chép lại những lỗi lầm của người đi trước, rồi thêm thắt chỗ này, chỗ nọ, tự nhận của mình), tôi nghĩ những gì viết về Petrus Key đã tạm đủ. Petrus Key, trong dòng lịch sử quốc dân, chỉ là một tác nhân bản xứ phụ thuộc (thày kẻ giảng bỏ tu, làm thông ngôn và công tác văn hóa) trong chính sách xâm lăng và cai trị Việt Nam của người Pháp (1858-1945, 1945-1955). Sự khác biệt giữa những Petrus Key, Trần Bá Lộc, Lê Hoan, Ngô Ðình Khả, Nguyễn Hữu Bài, v.. v... chỉ là vấn đề lượng hơn phẩm, về hình thức [pathos] hơn thực chất [ethos]. Những lời đả kích, chụp mũ quàng xiên nhắm vào những người nghiên cứu sử nào đủ biến đen thành trắng? Phấn son nào đủ tô hồng, chuốt lục cho những khuôn mặt không thể chuốt lục, tô hồng? Dẫu vậy, người học sử nghiêm túc thường cố tránh phê bình, đánh giá trong các nghiên cứu của mình, chỉ nỗ lực tái dựng sự kiện lịch sử, một cách trung thực tối đa, với những tài liệu có trong tay. Phán xét là của hậu thế. Nên, tôi đã chỉ dùng một thuật ngữ phi-chính-trị để mô tả họ: Thành phần trung gian bản xứ. Thuật ngữ này có thể dùng chung cho bất cứ một xã hội bị ngoại bang đô hộ hay chiếm đóng nào, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào.

   Sở  dĩ trong tâm bút Ngàn Năm Soi Mặt phải trở lại vấn đề Petrus Key vì hai lý do. Trước khi hoàn tất bộ Các vua cuối nhà Nguyễn, trong tập tâm bút Paris: Xuân 1996 (1997) ký tên Nguyên Vũ, tôi đã công bố một tài liệu then chốt trong cuộc đời sự nghiệp chính trị (và từ đó, văn học) của Petrus Key. Ðó là lá thư Petrus Key viết cho Hải quân Trung tá Jauréguiberry vào cuối tháng 3/1859, do Phụ tá Giám mục Borelle chuyển giao, tự tiến thân để làm thông ngôn cho Pháp, hoặc do tự nguyện, hoặc theo lời xúi dục của các bề trên, hoặc cả hai. Bức thư này đã được in lại phần nào trong nguyệt san Quốc Dân (xuất bản tại Houston) năm 1996 và tập Hồ Chí Minh, 1892-1969, tập I (1997, tr. 68). Có người không được đọc số báo hay tập sách trên, hoặc tảng lờ phóng ảnh tài liệu trong đó, đặt câu hỏi thực chăng có lá thư “nói xấu” Petrus Ký ấy. Một câu hỏi đầy khôi hài. Vì trong cuốn Paris: Xuân 1996, tôi trưng dẫn xuất xứ khá rõ ràng: Ðó là tư liệu của Jauréguiberry, hiện cất giữ trong Văn khố sử học Hải quân Pháp [Service historique de la Marine] tại Château de Vincennes. (Xem thêm Vũ Ngự Chiêu, Các vua, tập I, tr. 110, 130chú32, 297) Muốn biết tài liệu trên có thực hay chăng, một người trí thức lương thiện chỉ cần đến Château de Vincennes, hoặc nhờ thân hữu ở Paris kiểm chứng giùm. Vì chắc chắn không một nhà nghiên cứu nào có thể cho in lại toàn bộ những tư liệu văn khố mình phát hiện.

   Nhưng như trên đã nói, cảm nhận về lịch sử  thường có tính cách thuyết phục hơn chính sự  thực lịch sử. Người ta thường chỉ thích đọc và “khám phá” những gì mình tin là sự thực hơn chính sự thực. Bản thân tôi vẫn chưa quên được sự phản kháng từ chính nội tâm mình khi tìm thấy tập hồ sơ xin nhập học Trường Thuộc Ðịa (Ecole coloniale) Pháp, theo lối cổng hậu, của Nguyễn Tất Thành vào tháng 9/1911; hồ sơ hoạt động cho tình báo Liên Sô Nga, Trung Cộng, và tình báo Mỹ của Lin, Hồ Quang hay Lucius; hoặc công trình của Quân ủy Trung Cộng, cùng các Tướng Trần Canh, Vi Quốc Thanh, “hóa phép” Võ Nguyên Giáp thành một danh tướng; hồ sơ về việc Phạm Văn Ðồng nhìn nhận lãnh hải mới do Trung Cộng vẽ ra năm 1958 để có quân viện đánh chiếm miền Nam và 300,000 cố vấn Trung Cộng, v.. v... Hoặc, tài liệu lần đầu tiên tiết lộ về cuộc đảo chính cung đình không đổ máu ngày 2/5/1933; cuộc từ chức ngày 18/7/1933 của Ngô Ðình Diệm (1897-1963) cùng âm mưu của các phe Ki-tô giáo chống lại kế hoạch “đại cải cách” của Toàn quyền Pierre Pasquier; lá thư đề ngày 21/8/1944, trong đó Giám mục Ngô Ðình Thục (1897-1984) xin Toàn quyền Jean Decoux nghĩ tới công lao hãn mã của cha mình, Ngô Ðình Khả (như đã đào mả “rebelle“ [ngụy hay giặc] Phan Ðình Phùng ở Tây Bắc Quảng-Bình năm 1896), mà nương tay với Ngô Ðình Khôi, Ngô Ðình Diệm; hay việc Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Khôi thú nhận với Paul Arnoux, Tổng Giám đốc Cảnh Sát Ðông Dương, rằng chế độ Bảo hộ Pháp là “bát cơm” [bol de riz] dòng họ Ngô. Từ thái độ phản kháng âm thầm ấy–giống như hình ảnh một tù nhân bị giam giữ trong hang tối quá lâu, thường quáng mắt khi đột ngột bị lôi kéo ra ngoài trời rực nắng– đến sự rẫy rụa, hò hét giận dữ là lẽ tự nhiên. Hơn nữa, sau gần hai thế kỷ bị bưng tai, bịt mắt và tẩy não bằng truyền đơn khẩu hiệu, trí óc nhiều người đã được điều kiện hóa trong khuôn khổ các truyền đơn khẩu hiệu ấy. Nên chỉ có trắng và đen. Có đạo và ngoại đạo. Thù và bạn. Cộng Sản và Quốc Gia. Yêu nước và Việt gian. Ta và địch. Phe ta và phe địch. Ta phải trường tồn, hay đẹp, địch phải xấu xa, cần bị tiêu diệt. Không còn một khoảng trống nào cho lẽ phải, hay sự suy lý vượt lên trên những dấu mốc nhị nguyên sỉn tanh dấu máu hận thù ấy. Con người bị hạ thấp xuống đâu đó gần con vật thí nghiệm của Pavlov. Chỉ cần một tiếng chuông gióng lên thôi đã có những biến chứng sinh học.

   Bởi thế, tôi chỉ cười, khi có người tung tin rằng các tài liệu tôi tìm thấy là “giả mạo,”  hay “sai lầm,” hoặc việc công bố có “dụng tâm” nếu không phải “có thiên kiến.” Là người nghiên cứu sử chuyên nghiệp, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẵn sàng ghi nhận những sai lầm, nếu có, của mình. Sai lầm nếu có trên, chỉ thuần do kỹ thuật, hoặc do tôi chưa có dịp tham khảo đầy đủ tư liệu, mà chẳng bao giờ do tiên kiến “xây dựng kỳ đài lịch sử” tưởng niệm, vinh danh, hay “đào mộ” vùi chôn một tác nhân nào. Hơn nữa, được huấn luyện chuyên nghiệp khá cao về sử học, tôi hiểu được tầm quan trọng của sự khách quan cũng như lương tâm nghề nghiệp. Nên tôi đã im lặng, cười, trước luận điệu chỉ trích hàm hồ, vì tự hiểu riêng mình nhất thời khó đủ sức lay chuyển, nói chi đập phá những kiến thức giả ngụy do các tài liệu tuyên truyền mạo danh là “sử”–Những tài liệu tuyên truyền viết từ những chân trụ đồng hoang tưởng chơm chởm giáo mác của Mã Viện; từ “boong” chiến hạm hay nhìn nhắm dài theo nòng những khẩu đại bác đen bóng của các thế lực thực dân; được “vẩy nước thánh” với những lời cầu nguyện trên những cây thập tự giá, hay, những tiếng “rao giảng” “thánh chiến,” “nghĩa vụ quốc tế” của những kẻ cuồng tín; hoặc, lanh lảnh tiếng reo hò, chiêng khua, trống gõ đệm nhịp cho các cánh tay giơ cao ngọn giáo, lưỡi mác của người bản xứ để tự ca ngợi sự vĩ đại của các chiến công “châu chấu đá voi.”

   Như  tôi đã cười, im lặng, khi một cháu bé 10-12 tuổi, con bà bạn mới từ Việt Nam qua Mỹ định cư, chỉ vào hình bìa tập Hồ Chí Minh, 1892-1969 bảo tôi “Bác sai rồi, cụ Hồ sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 mới đúng!” Bị nhồi sọ  từ nhỏ những “sự thực giả ngụy,” đệm nhịp bằng những bài đồng ca như “đêm qua em nằm mơ thấy .... ,“ phản ứng của cháu con bà bạn dễ hiểu thôi! Giận, trách mới thực là sai lầm. Tôi tin rằng mai này khi lớn khôn lên, được đọc sách sử thế giới, cháu sẽ mỉm cười nghĩ đến chuyện cũ.

   Như tôi đã cười, im lặng, khi thấy các tác giả tập Vàng Trong Lửa trong nước cho rằng Nguyễn Thế Anh và tôi–qua tập Một Ngôi Trường Khác Cho Nguyễn Tất Thành–“không hiểu nổi hành trình tìm đường cứu nước” của cậu Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh sau này. Một câu phê bình thuần túy để phê bình, hay chỉ với mục đích giới thiệu tựa sách của Nguyễn Thế Anh và tôi?

   Và, như tôi cũng đã chỉ im lặng, cười, chẳng bận tâm đối đáp với vài ba kẻ cóp nhặt các tư  liệu tôi đã sưu khảo được sau ba thập niên làm việc tại các văn khố, chép vào sách họ, tự xưng đã tham khảo các tài liệu văn khố trên. Rồi “bí ẩn” rông càn về tục kị húy, cuộc đảo chính không đổ máu ngày 2/5/1933, cao giọng cung văn những thành phần trung gian bản xứ theo đạo Ki-tô, v.. v.. (Nhưng vì là của giả, trộm cắp vặt, vẫn không che dấu nổi sự dốt nát). Lại còn cao giọng vu cáo tôi là “phịa” ra những tư liệu đã phá vỡ thứ kiến thức ao tù, ruộng cạn, và/hay đạp đổ loại niềm tin kiểu bình nước cạn, mặn chát tại các góc tối tăm của Nguyên Hồng trong Những nhân vật ấy đã sống với tôi.

   Tôi không có và không muốn phí thì giờ với loại chuyên viên ziết sử, hay côn-đồ-văn-hóa, chẳng những thiếu kiến thức sử học, mà còn hàm hồ đầy tư tâm. Nhưng thái độ của tôi hẳn đã khác nếu lời cáo buộc trên do một người học sử chuyên nghiệp đưa ra. Tôi sẵn sàng tranh luận, trong nguyên tắc và lý lẽ tối thiểu của một cuộc tranh luận sử học: Muốn có một nhận định nào về tư liệu sử học, cần trình bày rõ sự đúng/sai của tư liệu ấy, và trưng dẫn những bằng chứng khả tín cần thiết để tán đồng hay phản đối. 

   Từ  ngày ra hải ngoại, tôi chọn cho mình ba bút hiệu. Tên thực, Vũ Ngự Chiêu, ký dưới các biên khảo sử học. Chính Ðạo để viết những nghiên cứu nhẹ tính chất kỹ thuật hơn. Và, Nguyên Vũ, như một nối dài của nghề nghiệp sáng tác cũ, từ quê nhà. Các tác phẩm ký tên Nguyên Vũ thường là tư duy của tác giả về người, việc và vật phải gặp gỡ, chứng kiến, đầy tính cách cá nhân. Ba bút hiệu trên liên hệ với nhau, và chắc hẳn luôn luôn lấy sự thực làm đường đi, dù có dị biệt về phân loại của các tác phẩm. Những tác giả thận trọng thường phân biệt kỹ càng khi trích dẫn tác phẩm của tôi. Nhưng có người cố tình nối ba bút hiệu làm một, như “sử gia” Nguyên Vũ, cho mục tiêu nào đó.

   Cũng nên thêm về hai chữ “sử gia” trong ngoặc kép trên. Theo tiêu chuẩn quốc tế, hoặc ít nữa ở Mỹ và Pháp, sử gia (historian) là người có bằng Tiến sĩ về ngành sử học rồi tiếp tục nghiên cứu hoặc giảng dạy ngành này. Nó là một học vị không thể tự xưng hay phong cho một ai đó theo ý thích riêng của mình. Chẳng hiểu người viết hai chữ “sử gia” Nguyên Vũ có hàm ý gì? Tôi không có bằng Tiến sĩ Sử học chăng? Hay tôi không tiếp tục nghiên cứu và viết sử suốt 25 năm qua, sau ngày tốt nghiệp? Cách nào đi nữa, cũng chẳng đáng quan tâm. Tôi vẫn nghĩ danh chỉ là khách của thực, và thường muốn tự coi mình như một người học sử. Tước vị sử gia hay những bằng cấp với tôi thật vô nghĩa, dù chúng là những tấm thông hành giúp tiến xa hơn trên hành trình vào tri thức.

   Trở  lại với những chi tiết viết về Petrus Key trong tập  Paris: Xuân 1996. Do lỗi kỹ thuật, khi đánh máy (trang 70, dòng 7) mất hàng chữ “thập niên 1920, chế độ Bảo hộ Pháp, và rồi,” nên chỉ còn “từ năm 1946, chính phủ Nam Kỳ Tự trị của Y sĩ Nguyễn Văn Thinh đã lấy tên Petrus Ký đặt tên trường trung học bản xứ lớn nhất Sài Gòn.” Giáo sư Trần Thượng Thủ, nguyên giáo chức trường Petrus Ký, ở Houston, và Y sĩ Trần Ngươn Phiêu từ miền Tây Bắc Texas đã nhắc tôi lỗi kỹ thuật này sau khi sách ra đời. Xin cảm tạ, và nhân đây xin độc giả đã mua sách sửa lại giúp.

   Ngoài ra, trong sơ thảo Các vua cuối nhà Nguyễn, tập I, tôi đã sử dụng tài liệu của các nhà truyền giáo nên những đoạn nói về vụ án Hoàng tôn Ðán không được nhất quán (tr. 52, 57). Khi nói về cuộc nổi dạy của “Lê Văn” Khôi tôi còn ghi lại lỗi lầm của một số tác giả đi trước, rằng Khôi là “con nuôi của Lê Văn Duyệt” (tr. 81, chú 23). Tên thực của cố Trường, Th. Le Grand de la Liraye, đã viết không nhất quán (thiếu chữ “La”; tr. 169, dòng 12, tr. 172, dòng 16,21,24). Nay muốn mượn chương viết về Petrus Key, công bố rõ sai lầm của mình. Mong độc giả đã có trong tay tập I Các vua cuối nhà Nguyễn (ấn bản 1999 mà chưa kịp có phần Ðính chính) lượng tình sửa giúp [Xem đoạn dưới].

   Cuối năm 2004, nhân dịp về Việt Nam nghiên cứu về  khía cạnh pháp luật của chiến lược đổi mới, tôi cũng may mắn được tham khảo thêm tại các văn khố quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, và tìm ra một số tài liệu giúp minh xác hơn những điêu đã viết. Xin đa tạ Hội đồng học bổng Fulbright, thuộc Bộ Ngoại Giao Liên bang Mỹ, và Trung tâm William Joiner Center, tại Ðại học Massachusetts-Boston, cùng Khoa Lịch Sử, Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh, cùng quí vị Giám đốc và nhân viên các văn khố tại Việt Nam đã giúp tôi cơ hội tu chỉnh lại bài viết ít năm trước.

   Nhưng chỉ riêng tôi chịu trách nhiệm những thiếu sót khó tránh trong chương sách này. 

   Ða tạ.



 
     Petrus Key, sau này đổi thành Petrus Trương Vĩnh Ký, P.J.B. Trương Vĩnh Ký, Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký, hay Petrus Ký, thường được coi như một đại văn hào của miền Nam dưới thời Pháp thuộc. Có người xưng tụng Petrus Key như “đại ái quốc,” “đại học giả,” “bác học,” thông thạo tới “26 thứ tiếng.” (Xem, chẳng hạn, Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký [Con người và sự thật], Sài Gòn: 1993, tr. 7) Dưới thời Pháp thuộc, rồi Cộng Hòa Nam Kỳ Quốc, Quốc Gia Việt Nam, và Việt Nam Cộng Hòa, người ta lấy tên Petrus Key (Ký) đặt cho trường trung học công lập lớn nhất ở Sài Gòn, đúc tượng để ghi công lao, v.. v... danh nhân này. Với chương trình giáo dục nhiều hạn chế (nhắm mục đích ngu dân), được đặt tên cho trường công lập lớn nhất miền Nam là vinh dự không nhỏ; vì nơi đây chỉ có con ông cháu cha cùng những học sinh xuất sắc được thu nhận, qua các kỳ thi tuyển khó khăn.

   Thực chất, trước năm 1975, chúng ta biết rất ít về  Petrus Key. Hầu hết chi tiết về gia đình, thân thế và hoạt động chính trị của Petrus Key đều chịu ảnh hưởng chung của hai trào lưu trong nước: ÐóÔ là “cung văn” và “đào mộ.” Tuy nhiên, đã hơn 100 năm qua sau ngày Petrus Key nằm xuống, xúc động về lập trường chính trị hợp tác-kháng chiến, đạo-ngoại đạo, hay yêu-ghét đã lắng dịu, đủ để các nhà nghiên cứu tái dựng lại vai trò Petrus Key trong lịch sử. 

   Petrus Key hay Petrus Ký?

   Trước hết, cần minh định tại sao tôi dùng tên “Petrus Key”  mà không “Petrus Ký” trong bài viết này.

   Như  chúng ta đã biết, các tài liệu viết về Trương Vĩnh Ký thường đặt trước tên ông một bí danh Latin khác là Petrus, Pétrus, hoặc kèm cả tên thánh “J.B.” tức Jean-Baptiste [Gioan Bao-xi-ta]. Người Pháp, khi viết về Petrus Key, thường ghi Pétrus Ký hay Petrus Ký. Ðây có thể do cách gọi đặt tên trước họ theo kiểu Âu Mỹ, nhưng lược bỏ những chữ “J.B. Trương Vĩnh.” Cách gọi tên này còn hàm ý ông ta theo đạo Ki-tô. Petrus Ký cũng có thể tiêu biểu thói quen gọi tên kép quen thuộc tại miền Nam, như “Paulus [San],” “Simon Của,” “André Ðôn,” “Raymond Khánh,” v.. v.... Nhưng tài liệu do tôi phát hiện năm 1996 cho thấy năm 1859, người mà chúng ta sau này biết là Trương Vĩnh Ký tự xưng, được đặt hay tự đặt cho mình tên “Petrus Key,” không có ba chữ Trương Vĩnh Ký kèm theo tên Petrus Key. Cho tới năm 1863, tài liệu Soái phủ Pháp vẫn ghi “Petrus Key,” trong khi phần Hán tự ghi thêm là Trương Vĩnh Ký. (Xem Chính Ðạo, Hồ Chí Minh, 1892-1969, tập I: 1892-1924, tr. 68; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập I, tr. 297)

   Sử  dụng tên Petrus Key, như thế, trước hết không những chính xác hơn tên Petrus Ký hoặc Pétrus Ký, mà còn tôn trọng ý nguyện của ông ta. Thứ nữa, dùng tên Petrus Key còn có hàm ý kêu gọi những nỗ lực nghiên cứu thêm về gia thế ông. Các nhà “Petrus Key học” tương lai nên tìm hiểu, một cách rõ ràng chính xác mà đừng suy đoán vu vơ, là tại sao Petrus Key sau này tự khai (hoặc lấy lại) tên Trương Vĩnh Ký? Phải chăng “Trương Vĩnh Ký” chỉ là tên Việt hóa của Petrus Key, cho những mục tiêu nào đó (như bỏ tu, lấy vợ, trở lại xã hội)? Hay, Petrus Key đơn giản chỉ là bí danh đầu tiên của “Trương Vĩnh Ký,” như chúng ta thường hiểu?

   Khi đã lớn tuổi, Petrus Key còn dùng tên hiệu “Sĩ  Tải” Trương Vĩnh Ký. (Xem hình ở đầu bài; Nguyễn Văn Trung, Trương Vĩnh Ký Nhà văn hóa [Hà Nội: 1993], bìa sau). Tuy nhiên, hầu hết các sách của Petrus Key vẫn đề “P.J.B. Truong Vinh Ky.”

       [Xem, chẳng hạn, Cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse-Cochinchine, par P.J.B. Truong Vinh Ky, 1ère édition, Saigon, Impr. du Gouvernement, 1875-1877 [1879?]; hiện tàng trữ tại Thư Viện Quốc Gia Pháp, Paris, với danh số [cote] LK10-102 (1); nhưng tập II đóng lên trước tập I. Ngoài ra, còn có 27 cuốn khác; kể cả 2 bản Abrégé de grammaire annamite (1867, 1924), 1 bản Grammaire de la langue annamite (1883), 1 bản Cours pratique de langue annamite (1868), 2 bản Mẹo luật dạy học tiếng Pha-lang-sa: tóm lại văn vắn để dạy học trò mới nhập trường (1867, 1872), 1 bản Dictionnaire francais-annamite (1878), 2 bản Petit dictionnaire francais-annamite (1884, 1920), 2 bản Poème Kim Vân Kiều truyện (1875, 1889), 1 bản Lục vân tiên truyện (1897), 1 bản Lục súc tranh công (1887), 1 bản Poèmes populaires annamites (1889), 1 bản Huấn mông khúc ca: sách dạy trẻ nhỏ học chữ nhu (1884), 1 bản Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca (1884), 1 bản Voyage au Tonking en 1876 (1881). Tác giả cảm tạ Luật sư Trần Thanh Hiệp đã cung cấp bản danh sách trên, cũng như đã ưu ái giúp kiểm lại những chi tiết cần tra cứu khi sách được hiệu đính lần chót vào tháng 12/2001. Gia đình của tác giả, vào tháng 1/2002, cũng tìm được một bản phóng ảnh tập II cuốn Cours d’histoire annamite.]

   Vì  Petrus Key là người của hai nền văn hóa–đúng hơn, hai nền văn hóa rưỡi, tức thần quyền Ki-tô Vatican, văn hóa thuộc địa/bảo hộ Pháp, và văn hóa Trung cổ Việt đang suy thoái–gọi Petrus Key bằng bất cứ tên nào đều có thể chấp nhận được. Nhưng để tôn trọng tâm nguyện của Petrus Key [Trương Vĩnh Ký], xuyên suốt bài viết này tôi sẽ dùng tên Petrus Key hay Trương Vĩnh Ký, hoặc “P.J.B. Truong Vinh Ky” mà không ghi “Petrus Ký” hoặc “Pétrus Ký”. Với ai đó, cái tên “Petrus Key” có thể hơi “lạ,” nhưng cách ghi này chỉ là nguyên tắc thông thường thôi. Nên trả lại cho Cesar những gì của Cesar, vật hoàn cố chủ, theo đúng nghĩa đen của chữ.

Sơ  Lược về những tài liệu

giúp nghiên cứu Petrus Key:

   Cho tới hiện nay, quan điểm và mục tiêu chính trị giai đoạn vẫn ảnh hưởng mạnh trên hầu hết các tác phẩm viết về Petrus Key.

   Khối văn chương “cung văn” [hagiographies] có bốn nguồn chính: tài liệu truyền giáo, các tác giả Pháp, cựu học sinh hay giáo chức trường Petrus Ký, và những người muốn mượn tên tuổi Petrus Key làm hậu thuẫn chính trị.

   Về  tài liệu truyền giáo, tiêu biểu có Pierre Khorat với bài “Les personalités annamites catholiques [Những nhân vật An-nam-mít có đạo Ki-tô]” trong cuốn  Annales de la Société des Missions Etrangères [Niên giám Hội truyền giáo hải ngoại] năm 1913 (tr. 243-49). Trong bài này, Khorat ca ngợi Petrus Key như một trong bốn giáo dân Ki-tô góp công lớn trong việc thiết lập nền bảo hộ Pháp, bên cạnh Linh mục Trần Lục (Père Six, cánh tay bản xứ của Giám mục Paul Puginier, người tự nhận là cầm đầu hệ thống tình báo dân gian), Huyện Sỹ Lê Phát Ðạt (ông ngoại cựu Hoàng hậu Nam Phương), và Tổng đốc Trần Bá Lộc (cấp chỉ huy quân sự bản xứ lừng danh từ Nam Kỳ ra tới Bình Thuận trong các chiến dịch bình định của quân viễn chinh Pháp).

   Vài tác giả Pháp cũng viết về Petrus Key như Henri Cordier (“Pétrus Truong Vinh Ky;” T’oung Pao, Séries II, 1 (1900), tr. 261-8) để tưởng nhớ ông, và đặc biệt là Jean Bouchot, một viên chức quản thủ văn khố [archivist]. Bouchot bỏ ra một thời gian dài thu thập tư liệu của gia đình Petrus Key hầu viết tiểu sử ông (Petrus J. B. Truong Vinh Ky, 1837-1898, (Saigon: Paulus Cua, 1927), v.. v... Ðây quả là vinh dự cá nhân cho Petrus Key. Nhưng, đồng thời, những tư liệu trên cũng hùng hồn chứng minh vai trò trung gian bản xứ ngoại hạng mà Petrus Key thủ diễn trong cuộc xâm lăng và bình định xứ Nam Kỳ của Pháp, cũng như mở rộng cuộc xâm lăng ra Bắc và Trung Kỳ (1859-1886), hay sát nhập nước Ai Lao vào Liên bang Ðông Dương thuộc Pháp (1893).

   Cựu học sinh và giáo chức trường Petrus Ký lên tới hàng chục ngàn người, gồm nhiều khoa bảng và viên chức cao cấp từ thời Pháp thuộc tới Việt Nam Cộng Hòa, và rồi chủ nghĩa xã hội hiện nay. Một số người này không thể không viết tốt về  nhân vật đã được đặt tên cho ngôi trường thuở ấu thời và thanh thiếu niên của họ. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,” như một nhà thơ từng viết. (Xem, chẳng hạn, Nguyễn Thanh Liêm, Trường trung học Pétrus Ký và nền giáo dục phổ thông Việt Nam [n.d.]) Một số tác giả miền Nam còn mang tâm trạng “tôn sùng vĩ nhân” bản xứ. Trường hợp tiêu biểu nhất là hai tác giả Viên Ðài & Nguyễn Ðồng, qua bài “Nhân ngày giỗ thứ 60 P.J.B. Trương Vĩnh Ký: Người đã mở đầu một kỷ nguyên văn học Việt Nam mới” (Bách Khoa [Saigon], số 40, [1/9/1958], tr. 43-57). Rất tiếc chẳng những không giúp được gì cho sự hiểu biết thêm về cá nhân Petrus Key hay sự triển biến tư tưởng ông ta, hai tác giả trên chỉ đóng góp được một phụ bản chữ ký của “P. Trương Vĩnh Ký” vào ngày 23/7/1872, và bản danh sách 127 [trong số “143”?] tác phẩm mà hai tác giả đoán rằng Petrus Key đã biên soạn. (Ibid., 40:54) Còn lại, thuần những dữ kiện mờ tối, cần kiểm chứng và truy cứu thêm mà Bouchot và các tác giả khác đã ghi từ năm 1927. (Xem phần dưới)

   Ðáng quan tâm hơn nữa là đôi ba người không những chỉ coi như “chân lý” các dữ kiện “cung văn” kiểu Petrus Key thông hiểu “26 thứ tiếng,” Petrus Key là nhà “đại ái quốc,” (Pierre Vieillard, “Un grand patriote Pétrus Ký;” France-Asie, ngày 15/2 & 15/3/1947), Petrus Key tượng trưng cho tình thần bất khuất, nhìn xa thấy rộng, “muốn tự trị” của xứ Nam Kỳ lục tỉnh, v.. v..., mà còn ra công bảo vệ thứ “chân lý giả ngụy” này bằng mọi giá. (Nguyễn Văn Trấn, 1993)

       [Một tác giả trong nước, mới đây còn tiểu thuyết hóa cuộc đời Petrus Key, hết lời cung văn cho việc hợp tác với quân viễn chinh Pháp, coi đó là một hành động yêu nước. Theo đúng thủ thuật cung văn quen thuộc của các chế độ chuyên chính, và được sự cổ võ của vài ba nhân vật quyền thế như Sáu Dân Võ Văn Kiệt, tác giả này cho Petrus Key từ thuở lên bốn, lên năm đã đọc tứ thư, ngũ kinh (chỉ dành cho những khóa sinh chuẩn bị thi Hương hay thi Hội); đọc Thánh kinh (Bible) viết bằng tiếng Latin từ lúc chưa đầy tám, chín tuổi, dù ngay đến các giáo sĩ Pháp cũng rất ít khi, nếu chẳng phải chẳng bao giờ được quyền mang theo Thánh kinh đi giảng đạo (họ chỉ mang theo sách giảng tám ngày, sách lễ và đại loại); tảng lờ hoặc không biết đến những báo cáo do đích tay Petrus Key viết trình lên thượng cấp người Pháp; bịa đặt ra những cảnh giáo dân Ki-tô bị quan quân đập chết bằng vồ, con nít bị xé xác làm nhiều mảnh trong các chiến dịch bài đạo của vua Minh Mạng, v.. v... (dưới dạng ngủ mơ); có lẽ với mục đích bảo vệ quyết định của Sáu Dân thay tên đường Thái Văn Lung bằng Alexandre de Rhodes, rồi cho lập trường trung học tư (dân lập) Petrus Ký. Loại phóng bút hoang tưởng này bất chấp những sự thực lịch sử như Việt Nam, đặc biệt là đất Ðà Nẵng/Hội An, đã dung chứa hàng trăm giáo sĩ và giáo dân Nhật trốn chạy cuộc thảm sát Ki-tô ở Nhật trong giai đoạn 1597-1624; mở rộng vòng tay đón nhận những giáo sĩ Ki-tô “Hòa Lan” đầu tiên như Francesco Buzomi (Italia), Diego Carvalho (người Portugal), Antonio Diaz (người Espania), cùng hai người Nhật Joseph và Paul từ ngày 18/1/1615; rồi đến các giáo sĩ Andrea Fernandez (Portugal, 1615), Francisco Mareto (Portugal), Francesco di Pina (Italia, 1617), Christoforo Borri (Italia, 1618); và cho phép họ mang thông ngôn đi hỏi người Việt, “Con Gnoo muon bau lom laom Hoa laom chỉa?” (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hòa Lan chưa?) (Hồng Lam & Léopold Cadière, Lịch sử đạo Thiên chúa ở Việt Nam [Huế: Ðại Việt, 1944], tr. 169-75 [Việt ngữ]). Tại Ðàng Ngoài, chúa Trịnh cũng vậy. Trên thực tế, vua chúa Việt không hề tắm máu giáo dân Ki-tô như vua chúa Nhật, mà thường chỉ trừng trị hàng giáo sĩ hay giáo mục bản xứ. Cổ nhân thường dạy “Dậu đổ, bìm leo,” là vậy!] 

   Trong số người muốn dùng Petrus Key để bày tỏ quan điểm chính trị có các ông Hồ Hữu Tường và Nguyễn Văn “Bảy” Trấn, cựu đao thủ phủ đất Chợ Ðệm trong hai năm 1945-1946.

   Qua bài “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký: Từ người trí thức tới kẻ sĩ phu” đọc tại Sài Gòn và đăng lại trên báo Bách Khoa năm 1974, Hồ Hữu Tường đưa ra những biện hộ tương đối ôn hòa nhất, dù ông Tường chẳng sử dụng được một tài liệu nào mới, và dữ kiện đưa ra thường không đúng sự thực. (Hồ Hữu Tường, “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký hay là hóa trình từ người trí thức đến kẻ sĩ phu;” Bách Khoa (Sài Gòn), M [1974], tr. 15-22) Gần 20 năm sau, trong tập Trương Vĩnh Ký in năm 1993, ông “Bảy” Trấn giải thích rằng chữ “người Pháp” (mà Petrus Key cổ võ thúc dục người Việt phải đưa cả hai tay ra mà bám chặt lấy để đứng lên) trong thư từ hay báo cáo Petrus Key viết cho các viên chức Pháp phải hiểu rộng thành “Tây phương.” (Trương Vĩnh Ký, 1993, tr. 17; Báo cáo ngày 28/4/1876, P. Truong Vinh Ky gửi Amiral Duperré). Lối giải thích quá rộng rãi này, dù với hàm ý gì đi nữa, có thể khiến ông Petrus Key phải dơ tay phản kháng từ đáy mồ. (Vì Petrus Key rất hãnh diện được làm thần dân của một quốc gia mới là nước Pháp; Xem, Cours d’histoire annamite, tập II [1879?], tr. 252, 278) Tác giả Nguyễn Thanh Liêm, vào khoảng năm 1995, thì trích dẫn lại hầu hết những lời xưng tụng nhà giáo dục Petrus Key mà không kiểm chứng mức độ khả tín của tư liệu, và nhất là quên đi khía cạnh chính trị của nền giáo dục thuộc địa ấy. (Nguyễn Thanh Liêm, op. cit., tr. 11-22) 

   Dĩ  nhiên, nhiều cựu học sinh trường Petrus Ký biết rất rõ vai trò đích thực của Petrus Key cũng như  khả năng ngôn ngữ và vai trò “văn hóa”  của ông, nhưng họ đã chọn thái độ im lặng. Chẳng ai muốn khuấy bùn làm đục nước ao. Khả năng và tinh thần yêu nước của các cựu học sinh trường Petrus Ký chẳng liên quan gì tới vai trò lịch sử hay tài năng của Petrus Key, một cá nhân đã được chính quyền Bảo hộ đặt làm tên trường học của họ (và họ không có một lựa chọn nào hơn phải chấp nhận). Họ phân biệt rõ ràng giữa “tinh thần trường Petrus Ký” và “tinh thần Petrus Key.” Hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn, cựu giáo chức và học sinh trường Petrus Ký đã đổ máu hay hy sinh mạng sống trong cuộc đấu tranh kháng Pháp, giành độc lập, giương danh quốc dân và đất nước Việt trên thế giới, hoàn toàn trái ngược với lời hô hào hãy đồng hóa quyền lợi của người An-nam-mít với quyền lợi Ðại Pháp mà Petrus Key đề xướng–hai thứ quyền lợi khác nhau như nước với lửa. 

   Cũng có tác giả nghiêng về khuynh hướng “đào mộ,” thích gọi Petrus Key bằng những tiếng xúc phạm nặng nề như “Việt gian,” “tay sai đắc lực cho thực dân Pháp,” v.. v... Từ thập niên 1960, tại miền Bắc đã công khai dùng tiếng này. (Xem Tô Minh Trung, “Trương Vĩnh Ký: tên tay sai đắc lực đầu tiên của chủ nghĩa thực dân Pháp trong lịch sử ta;” Nghiên cứu lịch sử (Hà Nội), Bộ 65, số 2 (1964), tr. 43-6; Mẫn Quốc, “Trương Vĩnh Ký: một nhà bác học trứ danh đã ngang nhiên đóng vai đặc vụ tình báo, làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp;” NCLS, Bộ 60, số 3, 35-8) Tại miền Nam, một số tác giả cũng đặt lại vai trò Petrus Key trong lịch sử. Tiêu biểu nhất có những bài viết trên bán nguyệt san Bách Khoa của Nguyễn Sinh Duy [8/1974] và Phạm Long Ðiền [11/1974]. Hai tác giả Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Ðiền đã trả lời khá xuất sắc cung văn của ông Hồ Hữu Tường về Petrus Key. 

   Vào thập niên 1990, con người và tác phẩm Petrus Key lại  được đem ra mổ xẻ. Phần vì có thêm những tư liệu mới. Phần vì có nỗ lực chính trị để thiết lập một trường trung học dân lập (tư thục) mang tên Petrus Ký tại Sài Gòn. Ngoài ra, còn âm mưu bành trướng ảnh hưởng của một thiểu số giáo mục và giáo dân Ki-tô tham vọng. Tôi không theo dõi kỹ những cuộc tranh luận này vì vài lý do.

   Trước hết, tôi không nuôi tham vọng làm một “nhà Petrus Key học.” Những tư liệu tìm được về Petrus Key chỉ rất tình cờ. Hơn nữa, vai trò lịch sử của Petrus Key đã được xác định, từ lâu: một trong những khai quốc công thần của nền bảo hộ Pháp; nhưng vẫn chỉ là một thành phần trung gian bản xứ “được khai hóa.” (Chỉ cần nhìn vào hàng huy chương trong di ảnh Petrus Key đủ chứng minh điều này: Nào là Bắc đẩu Bội tinh, Long Khánh Bội tinh, v.. v...)

   Thứ  hai, tôi hiểu rằng với các sử quan Cộng Sản, nghiên cứu sử học thường chỉ nhằm phục vụ mục tiêu chính trị giai đoạn của Ðảng Cộng Sản và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Những kết luận lớn và nhỏ của các sử quan (chưa hẳn đã là sử gia) trong nước, bởi thế, chẳng nên bận tâm. Vì chúng sẽ được thay đổi hay bỏ quên khi cần. Chỉ so sánh những tài liệu sử quan Cộng Sản viết về Trung Quốc trong thập niên 1950 và 1960, với những gì họ công bố từ năm 1980 tới 1990, rồi những gì họ đang viết vào đầu thế kỷ XXI (và ngược lại) đủ hiểu thân phận và nỗi buồn của người nghiên cứu còn đôi chút lương thiện trí thức tại quốc nội. Nói cách khác, kết luận của những buổi hội thảo về Petrus Key ra sao đi nữa chẳng đóng góp gì nhiều cho kiến thức sử học.

   Tuy nhiên, một trường hợp đặc biệt cần ghi nhận. Ðó là trường hợp cuốn Trương Vĩnh Ký: Nhà văn hóa của Nguyễn Văn Trung (Hà Nội [?]: Nhà văn, 1993). Một thời, nhóm Giáo sư Trung (trí thức Ki-tô tiến bộ) đả kích cả hai ông Petrus Key và Phạm Quỳnh khá nặng. Nhưng trong tập sách mới trên, ông Trung tự nhận đã thay đổi quan điểm. (Ibid., tr. 49, 137) Sự thay đổi này có lẽ do mục đích chính trị giai đoạn hơn văn hóa. Trước hết, Giáo sư Trung ra công sưu tập được một số tư liệu nguyên bản của Petrus Key tại Sài Gòn và Hà Nội–như danh sách 141 tác phẩm do chính Petrus Key tự liệt kê vào năm 1892 (Ibid., tr. 109-131), danh sách 7 ngoại ngữ Petrus Key từng học hỏi ghi trong hồ sơ cá nhân ông (anglais, francais, espagnol, italien, malais, cambodgien, latin; Ibid., tr. 138), hay phân tích khá kỹ lưỡng tờ học báo ít người chú ý, tức nguyệt san Miscellanées ou Lectures instructives pour les élèves des écoles primaires, communales, cantonales et les familles (Thống Loại Khóa Trình) trong hai năm 1888-1889 (loại tài liệu dạy trong bộ môn khoa học, hay cách trí thường thức dùng cho các trường tiểu học, trường làng, trường tổng và gia đình). Ông Trung cũng tham khảo dăm bài viết về Petrus Key của một số tác giả, như Lê Thanh, Nguyễn Văn Tố, và một cây bút ít ai biết như Pierre Vieillard [Villard?], v.. v... Nhưng vì mục đích “kéo” Petrus Key về với văn hóa Việt Nam, ông Trung mất đi thế đứng trung dung của người nghiên cứu, để lộ vài kẽ hở kỹ thuật. Một trong những nhược điểm này là ông Trung tránh phân tích nội dung một số tác phẩm của Petrus Key như bộ Bài giảng sử An-Nam-mít, v.. v... Giáo sư Trung chỉ ghi nhận sơ sài rằng ông Petrus Key đả kích các vua Nguyễn một cách “nghiêm khắc.” Thực ra, trong tập “giáo khoa sử” trên, Petrus Key không những chỉ “nghiêm khắc” với các vua nhà Nguyễn mà còn bịa đặt ra, hoặc sao chép lại những lời bịa đặt của người khác, cho mục đích chính trị nhất thời. Thí dụ như không hề có việc ông Nguyễn Văn Thành [mà Petrus Key viết thành Nguyễn Văn Thiềng] làm “vice-roi” [Phó vương] miền Bắc, bị vua Minh Mạng hại chết (Tome II:260); hay việc Minh Mạng giết hai con Hoàng tử Cảnh và chị dâu sau khi khiến chị dâu góa bị mang thai.(Tome II:259-60; xem thêm phần dưới) Hai Hoàng tử của vua Thiệu Trị không phải là “Hoàng Bảo” và “Hoàng Nhậm”; tên đệm của họ là “Hường.” Từ thời điểm này nhìn lại những lời bịa đặt, chỉ trích đầy sai lầm về dữ kiện ấy chẳng xứng đáng chút nào với lời “cung văn” của ông Nguyễn Văn Tố như “science, conscience, modestie” [khoa học, lương tâm, khiêm tốn]. (“Pétrus Ký (1873-1898); Bulletin de la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin [BSEMT, Thành tích biểu Hội Truyền bá chữ quốc ngữ Bắc Kỳ], Tome XVII, Nos. 1-2, Janvier-Juin 1937; dẫn trong Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 49, 197-98. Tại Thư viện Quốc Gia Pháp có tựa sách này, nhưng hiện nay không được phép tham khảo vì đã “không sử dụng được”) [Xem thêm phần sau]. Và dĩ nhiên, khó thể giúp xếp loại Petrus Key là “sử gia trung thực và có lương tâm” [historien fidèle et consciencieux] như ông ta tự nhận (Tome II:251), hay được “cung văn”.( Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr. 45)

   Ông Trung còn tránh đề cập đến khía cạnh “tài tử” trên lãnh vực ngôn ngữ học của Petrus Key; hoặc đúng hơn, chưa phân biệt rõ ràng khía cạnh “thực dụng” của khả năng ngoại ngữ (thông ngôn, giáo viên dạy tiếng Việt và Pháp) và “lý thuyết” ngôn ngữ học mà Petrus Key không hoặc chưa có dịp thảo luận. Tôi nghĩ những ghi chép vỏn vẹn 1, 2, 3 hay 5, 10 trang về một ngôn ngữ chưa đủ phản ảnh, hay chưa đủ số lượng tư liệu để lượng giá, khả năng hiểu biết của tác giả về ngôn ngữ ấy. Và, gọi là “tác phẩm” thì hơi quá đáng.

   Hơn nữa, ông Trung cố lý luận rằng Giáo sư trường Thông ngôn và rồi Tập sự Hành chính (hay, “Hậu bổ” nếu muốn) đã trở thành một nhà ngôn ngữ học–có lẽ do những chữ linguiste hay philologue ghi trong hồ sơ cá nhân Petrus Key–dù chính ông chưa được đọc những tựa sách như Essai sur la similitude des langues et des écritures orientales [Bàn về sự tương đồng trong các ngôn ngữ và cách viết Ðông phương]; Analyse comparée des principales langues du monde [Phân tích tỉ đối các ngôn ngữ chính trên thế giới]; Etude sans titre sur les langues de la Pennisule indochinoise [Nghiên cứu không có tựa đề về các ngôn ngữ ở bán đảo Ðông Dương]; Etude comparée sur les langues, les écritures, les croyances et les moeurs de l’Indochine [Nghiên cứu tỉ đối về ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng và phong tục Ðông Dương]; Combinaisons des systèmes conventionnels des écritures idéographiques, hiérogliphiques, phonétiques et alphabétiques [Sự phối hợp những hệ thống qui ước về các lối chữ viết hội ý, ký hiệu (giống như chữ cổ Ê-gípt), ghi âm và bằng mẫu tự La-tin]; hay Etude comparée des écritures et des langues des trois branches linguistiques [Nghiên cứu tỉ đối về ba ngành ngôn ngữ học].

   Chưa một ai cho biết mỗi cuốn trong 6 tựa sách trên dày bao nhiêu trang, nội dung ra sao. Cuốn Essai sur la similitude des langues et des écritures orientales [Bàn về sự tương đồng trong các ngôn ngữ và cách viết Ðông phương] còn dưới dạng bản thảo, được Giáo sư Elucian Luro nhắc đến năm 1872, và in lại trong Thành tích biểu Hội Giáo dục Ðông Dương (BSEI, tome XV, No. 1-2, 1er & 2è trimestre 1940, tr. 73). Bản thảo Analyse comparée des principales langues du monde [Phân tích tỉ đối các ngôn ngữ chính trên thế giới] do ông Nguyễn Văn Tố nhắc đến năm 1937 trong Thành tích biểu Hội Truyền bá Quốc Ngữ Bắc Kỳ (BSEMT, tome XVII, No. 1-2, Janvier-Juin 1937, tr. 37). Bản thảo Etude sans titre sur les langues de la Pennisule indochinoise [Nghiên cứu không có tựa đề về các ngôn ngữ ở bán đảo Ðông Dương] do ông Lê Thanh nhắc đến trong cuốn Trương Vĩnh Ký, in tại Hà Nội năm 1941. (Có lẽ là tập ghi chép 33 trang trao tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn năm 1958). Tương tự, ba bản thảo Etude comparée sur les langues, les écritures, les croyances et les moeurs de l’ờIndochine [Nghiên cứu tỉ đối về ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng và phong tục Ðông Dương]; Combinaisons des systèmes conventionnels des écritures idéographiques, hiérogliphiques, phonétiques et alpha-bétiques [Sự phối hợp những hệ thống qui ước về các lối chữ viết hội ý, ký hiệu (giống như chữ cổ Ê-gípt), ghi âm và bằng mẫu tự Latin]; và Etude comparée des écritures et des langues des trois branches linguistiques [Nghiên cứu tỉ đối về ba ngành ngôn ngữ học] chỉ thấy ghi trong thư mục chép tay của Petrus Key năm 1892, nhưng chưa ai được tham khảo. Hình dạng sách hay bản thảo chưa hề thấy, nội dung sách hay bản thảo chưa được đọc mà cứ nhắm mắt lại khen nức nở, sợ có thái quá chăng?

   Ðoạn nói về “Nghiên cứu nguồn gốc chữ viết Việt Nam” của Petrus Key, ông Trung dẫn hai cuốn Sách mẹo Annam, Abrégé grammaire annamite (1867, 1924) và Ecriture en Annam [Chữ viết ở An-Nam] để giới thiệu “thuyết” của Petrus Key rằng “chữ cổ Việt” vốn “ghi âm” [phonétique] hơn “tượng hình.” Lời võ đoán này chẳng dựa trên bằng chứng cụ thể nào ngoài câu tuyên bố vu vơ như dấu khắc tìm thấy trên đá núi Dahia. (Trương Vĩnh Ký, Sách mẹo An-Nam, Abrégé grammaire annamite, [Sai Gon, 1867], phần mở đầu; và “écriture en Annam;” BSEI, année 1888, 1er semestre, tr. 5; dẫn trong Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 143-4) Sợ rằng đây chỉ là thứ lập luận . . . “mua vui cũng được một và trống canh!” Chưa một tài liệu nào, kể cả các bộ cổ sử nặng mang tính cách dựng quốc thống của Ngô Sĩ Liên hay di tích khảo cổ, cho phép tuyên bố nước cổ Việt đã có chữ viết giống như những nét khắc trên đá “ở đỉnh núi Dahia?” Dựa vào những câu phụ chú hoang tưởng [exotic] của những học giả người Hán khi chú giải các cổ thư như Kinh Thư và Sử Ký về sứ nước Việt Thường tiến cống rùa vàng (đời vua Nghiêu, 2356-2255 TTL) hay chim trĩ trắng (năm thứ sáu đời Chu Thành vương, 1115-1079 TTL), “chín lần” hay “ba lần” thông ngôn mới hiểu được nhau, để đoan chắc hoặc phóng tưởng rằng người cổ Việt đã có chữ viết từ thế kỷ thứ V TTL (?) sợ rằng lối suy luận ấy chẳng “science, conscience, modestie” chút nào! Nó là một thứ võ đoán, trong nhiều võ đoán khác của Petrus Key rải rác trong các sách còn lưu giữ được, tương tự như lời phán “con nít từ nách chui ra.”

       [Trước ông Petrus Key hơn bảy trăm năm, Cheng Ch'iao (Trịnh Tiều, 1104-1162) dựa theo huyền thoại sứ Việt Thường (có  người ước đoán từ Nghệ An tới Quảng Bình, Quảng Trị hiện nay) đến cống Chu Thành Vương (1115-1079 TTL) một con chim trĩ trắng (Shu (Waltham), tr. 199-200; Cương Mục [Sài Gòn], 1965, II:29-31) để tán vào tập sách T'ung chih [Thông chí] của mình rằng sứ Việt Thường đã qua tới Trung nguyên vào đời vua Ðường-Nghiêu (2356-2256 TTL), cống “con rùa ngàn năm trên lưng có chữ khoa đẩu.” Rồi ghi thêm rằng vua Nghiêu dùng loại chữ ấy để soạn “lịch rùa!” (Cương Mục [Sài Gòn], 1965, II:28-9). Hơn trăm năm sau nữa, khi dùng Kinh Thư để viết Thông Giám Tiền Biên–tức phần Tiền Biên cho cuốn Tư trị Thông Giám của Tư Mã Quang (1019-1086)–Kim Lý Tường (1232-1303) vẫn giữ chi tiết “rùa thần” nhưng loại bỏ các chi tiết chữ “khoa đẩu” và “lịch rùa” của Trịnh Tiều trong sách Thông chí. Hiện nay, tài liệu khảo cổ tiết lộ chữ “giáp cốt” (tức chữ viết trên mai rùa và xương thú) xuất hiện vào khoảng giữa đời nhà Thương-Ân, tức sau triều Bàn Canh. [Xem thêm bài Tư liệu lịch sử]

   May mắn là thời gian Petrus Key còn sống, những di tích khảo cổ chưa được phát hiện, bằng không có  thể sẽ có những loại lý luận kiểu  “hoa văn [hình khắc] trên trống đồng Ðông Sơn”  là “chữ cổ Việt theo dạng ghi âm!” 

   Mới  đây, tại hải ngoại, nhờ tư liệu văn khố  mới phát hiện và có điều kiện nghiên cứu tác phẩm cùng sách báo nguyên bản, các nhà nghiên cứu  đã tái dựng gần đúng sự thực hơn về Petrus Key cùng nhiều tác nhân thời Pháp xâm chiếm Ðại Nam. Sử dụng nhiều loại tài liệu, kể cả một số tư liệu văn khố do tôi sưu tập, Giáo sư Quang khẳng định ông Petrus Key không yêu nước. (Ngược lại, Giáo sư Hứa Hoành, cựu giảng viên trường Võ bị Ðà Lạt, tác giả nhiều biên khảo về miền Nam, dù sử dụng phần tư liệu tương tự, lại kết luận Petrus Key chưa hẳn đã là Việt gian, mà còn yêu nước).

   Tóm lại, trước năm 1996, chúng ta biết rất ít về  Petrus Key ngoài những huyền thoại, cung văn tức tài liệu truyền đơn, khẩu hiệu. Ðã gọi là cung văn thì dĩ nhiên cái gì Petrus Key cũng tốt cũng hay. Những người chê trách thì–ngoại trừ các ông Nguyễn Sinh Duy, Nguyễn Ðắc Xuân, hay Nguyễn Mạnh Quang–chỉ sử dụng tư liệu cũ và giải thích theo lòng yêu ghét hay quan điểm chính trị giai đoạn của họ.

   Nhưng hiện nay, văn khố thuộc địa Pháp cũng như Hội truyền giáo Paris đã mở ra cho giới nghiên cứu, đa số những điều người Pháp viết về “công ơn khai hóa” của họ tại Ðông Dương bắt đầu bị sự thực lịch sử đào thải dần. Những cung văn về các nhà đại ái quốc của tân trào bảo hộ Pháp như Petrus Key hay Hiệp sĩ Vatican Nguyễn Hữu Bài, Trần Bá Lộc, Ngô Ðình Khả, Ngô Ðình Diệm, v.. v... cũng chịu chung số phận khó tránh. Những tài liệu văn khố mới được công bố này rất khả tín [authentique], và không ai, nếu có đủ lý trí để suy xét và sự lương thiện trí thức tối thiểu, có thể bài bác. Vậy mà, thật đáng buồn, đôi ba người vốn chẳng có bao lăm kiến thức sử học, lại đầy tư tâm, tìm cách bênh vực Petrus Key bằng mọi giá, nhắm mắt lại mà đả kích những tác giả công bố các tư liệu mới về thông-ngôn-gia chính ngạch (chữ linguiste trong thế kỷ XIX chỉ có nghĩa thông ngôn) kiêm học giả miền Nam này!  

Thuở  thiếu thời của Petrus Key:

   Những tư liệu về thuở thiếu thời của Petrus Key đầy chi tiết trái ngược nhau.

   Năm 1958, Viên Ðài & Nguyễn Ðồng cho rằng thân phụ Trương Vĩnh Ký là “Lãnh binh Truơng Chánh Thi,” (Bách Khoa [Saigon], số 40, [1/9/1958], tr. 43) chết năm 1845 trong khi tùng sự ở Nam Vang (Ibid., tr. 43); năm 1846 mẹ (Nguyễn Thị Châu) ủy thác cho một giáo sĩ người Pháp có tên Việt là “cố Long” (Ibid., tr. 44); năm 1847, Tự Ðức lên ngôi, cấm đạo gắt gao phải chạy sang Cao Miên (Ibid., tr. 44); năm 11 tuổi nói được 5 thứ tiếng (Ibid., tr. 44); năm 1852 được cố Long hướng dẫn sang Ðại chủng viện Pinang, và ghé qua Sài Gòn gặp mẹ được vài giờ (Ibid., tr. 44); tại Pinang học tiếng Anh, Nhật, Ấn (Ibid., tr. 45); năm 1858 mẹ chết, về Cái Mơn thọ tang; ngày 28/12/1860, được Giám mục Lefèbvre giới thiệu “giúp việc cho Ðại úy thủy quân” [sic] Jauréguiberry (Ibid., tr. 45). (Ðại tá J. D’Ariès được lệnh thay Trung tá Jauréguiberry từ tháng 2/1860; chính thức bàn giao vào tháng 4/1860]; Vũ Ngự Chiêu, Các vua, I:124)

   Mười sáu năm sau, nhà chính khách tự nhận là “Ðệ tứ Cộng Sản” (Trotskyite) Hồ Hữu Tường, cho rằng Petrus Key sinh trong một gia đình “công giáo” (Bách Khoa; N [404], 5/9/1974, tr.17), cha là “lãnh binh Trương Chánh Thi,” mẹ là Nguyễn Thị Châu (Ibid., tr. 17). Năm 1847, được một linh mục nhận nuôi (Ibid., tr. 17). Sau khi học tại các trường đạo, Petrus Key nói thông thạo “10 thứ tiếng khác nhau”: La-tinh, Pháp ngữ, Anh ngữ, Y pha nho, Hoa ngữ, Mã lai, Ấn độ ngữ, Nhật ngữ. (Ibid., tr.17,18) Năm 1858, mẹ chết; Petrus Key được phép về thọ tang mẹ (Ibid., tr.18). Ngày 20/12/1860, khi người Pháp khánh thành trường Thông ngôn; Petrus Key đứng đầu trường này.( Ibid., tr.18)

   Năm 1974, Phạm Long Ðiền, qua bài “Trương Vĩnh Ký  trong quĩ đạo xâm lăng văn hóa của thực dân Pháp”  (Bách Khoa Q [1974], tr. 45-54; & R [1974], tr. 32-42) cung cấp một niên biểu khác: Năm 1842, khi mới 5 tuổi, Petrus Key đã theo Linh mục Tám của vùng Cái Mơn (Bách Khoa Q [1974], tr.47); bốn năm sau, 1846, theo Cố Long, một Linh mục người Pháp (Ibid., tr.47); hai năm sau nữa, 1848, Cố Long đưa qua Pinhalu, Miên (Ibid., tr. 47); năm 1850, qua Pinang, học trường Dulama (Ibid., tr. 47); năm 1857, nghe mẹ từ trần, rời Pinang về Nam Kỳ (Ibid., tr. 47-8); hai năm sau, được Giám mục Lefèbvre giới thiệu cho người Pháp. Rồi năm 1861, Cố Doan [Ðoan] làm mai cho lấy vợ, Vương Thị Thọ, con Vương Tấn Nguơn, Hương chủ làng Nhơn gian, Chợ Quán.

   Khoảng giữa thập niên 1990, tại hải ngoại, Nguyễn Thanh Liêm cũng chép lại gần như nguyên văn các chi tiết trên. Nào là “lãnh binh Trương Chánh Thi dưới thời Minh Mạng,” “chết năm [1845] trong khi đang đồn trú tại Nam Vang” (tr. 12); thuở nhỏ Petrus Key học chữ Nho với thày “đồ Học,” được “cụ Tám” xin mang về nuôi; rồi theo cố Long, cố Hòa học tiếng Latin và chữ Việt mới (tr. 12); năm 1848 qua học ở Miên, rồi qua Pinang; năm 1858, mẹ chết, về nước. (tr. 13)

   Trong nước, năm 1993, Nguyễn Văn Trấn hầu như chỉ  lập lại những lỗi lầm của người đi trước. Theo ông Trấn, Petrus Key sinh ngày 16-12-1837 tại Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre). (Trấn, 1993, tr. 9) Cha là võ quan dưới hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị, “làm sứ thần bên cạnh vua Cao Miên, đóng quân ở phụ cận Nam Vang,” chẳng may chết vì “ma thiêng nước độc” khi Petrus Key mới có 3 tuổi. (sic) (Vua Miên Ang Chan chết cuối năm 1834, từ 1834 tới 1841 chỉ có quận chúa Ang May) Hai năm sau, Petrus Key học với một ông đồ. Năm 1846 được một giáo mục An Nam là “cố Tám” từng chịu ơn ông Trương Chánh Thi ghé nhà, xin mang đi nuôi ăn học. Cố Tám chết, một linh mục Pháp là cố Long đưa Petrus Key lên Nam Vang, cho vào trường “Pô-nhia Lư” [Pinhalu] của cố Hòa (Belleveaux).( tr.9-10) Năm 1851, khi Petrus Key đã 14 tuổi, cố Long đưa sang Pinang học “Séminaire général des missions étrangères en Extrême-Orient”. Năm 1852, làm tu sinh ở Pinang. Trường này có hơn 300 học sinh, nhờ vậy Petrus Key học được tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hindu (tr. 12). Năm 1859, mãn khóa 8 năm ở Pinang, “im lặng” về nước. Năm này, Pháp đã chiếm Ðà Nẵng, mẹ đã chết.( tr. 13) Dạy học ở Cái Nhum, rồi trốn lên Sài Gòn, ở chung với Lefèbvre.( tr. 16) Tháng 12/1859, trở thành thông ngôn của “quan ba hải quân” (sic) Jauréguiberry.( tr. 17) Năm 1863 được Phan Thanh Giản xin làm thông ngôn cho sứ đoàn qua Pháp.( tr.24)

   Khối văn chương được nhiều người nhìn nhận [established] về  Petrus Key này có vẻ bất ổn. Chúng ta thử  lược duyệt từng chi tiết từ phụ thân Petrus Key tới những đặc tính khác của ông.

Có  Chăng Một “Lãnh Binh”

Trương Chánh Thi?

   Ðúng ngày Thanksgiving 2000, một ông bạn già điện thoại hỏi: “Có chăng một ông Lãnh binh Trương Chánh Thi?” Trương Chánh Thi là người được ghi chép như thân phụ ông Petrus Key.

   Tôi không dám trả lời ngay, hẹn xin trả lời sau khi đọc lại hồ sơ. 

   A. Theo một tài liệu, năm 1891, Petrus Key viết cuốn  Généalogie de la Famille de P. Truong Vinh Ky tức Gia phả nhà Trương Vĩnh Ký. Bouchot và nhiều tác giả đã nhắc đến tập này. Tôi chưa đọc nên không dám có ý kiến. Nhưng tôi nghĩ Petrus Key, có lẽ không nói cha ông là Lãnh binh, mà chỉ ghi cha mình là “võ quan.” Ngoài ra, thủ bút của ông còn ghi “Trương Vĩnh Thế, thày Bửu đỡ đầu, Trương Thị Gia, Bà Se Si La [hay Se Di La] đỡ đầu, Trương Vĩnh Nhi, Mr. Galy đỡ đầu.” (Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 62) Không rõ Trương Vĩnh Thế, Trương Thị Gia hay Trương Vĩnh Nhi là ai, liên hệ với Petrus Key ra sao. Kết luận duy nhất là trong họ Trương, ngoài Petrus Key, còn có ba người khác được Hội truyền giáo nuôi. 

   B. Tác giả Henri Cordier, trong bài tưởng niệm Petrus Key đăng trên T’oung Pao (Séries II, I, 1900, tr. 261-8), không cung cấp nhiều chi tiết về cha mẹ Petrus Key. Tương tự, tác giả Pierre Khorat, trong bài viết về 4 nhân vật Ki-tô bản xứ nổi danh Ðông Dương trên tờ Annales de la Société des Missions Etrangères năm 1913, cũng chỉ đề cập sơ sài về gia đình Petrus Key (tr. 243-9). 

   C. Học giả Milton E. Osborne, người nghiên cứu khá  kỹ lưỡng về Trương Vĩnh Ký, từng sử dụng các tư liệu gia đình họ Trương cũng như hồ  sơ Petrus Key trong văn khố Pháp tại Sài Gòn để soạn bộ The French in Cochinchina and Cambodia: Rule and Response, 1859-1905 [Người Pháp ở Nam Kỳ và Cao Miên: Cai trị và Phản ứng, 1859-1905], chỉ ghi một cách mơ hồ rằng cha Petrus Key là võ quan, chết khi cậu mới 9 (chín) tuổi, tức vào năm 1846. Osborne suy đoán rằng cha Petrus Key là giáo dân Ki-tô, nhưng chức võ quan của ông ta đã bảo vệ được gia đình trong cuộc bài đạo Ki-tô. (Osborne 1969:95) Khoảng 30 năm sau, hai ông Nguyễn Văn Trấn và Nguyễn Văn Trung đều ghi nhận cha ông Petrus Key chỉ là “võ quan.” (Lại có tác giả cho rằng cha Petrus Key chỉ theo đạo sau khi lấy vợ đạo gốc). 

   D. Người đầu tiên nêu lên chi tiết “lãnh binh Trương Chánh Thi” mà tôi được biết là hai ông Viên Ðài và Nguyễn Ðồng, trên Bách Khoa số 40 (1/9/1959) (tr. 43). Chẳng hiểu hai tác giả này đã dựa theo sách nào, hay tự tìm được chi tiết “lãnh binh Trương Chánh Thi.”

   Ông Hồ Hữu Tường lập lại chi tiết trên; nhưng vì tác giả Phi Lạc Sang Tàu không phải là nhà khảo cứu chuyên nghiệp, lại không nói rõ lấy tài liệu từ đâu, chẳng nên chú ý lắm. Mới đây, có tác giả ở hải ngoại và trong nước lập lại chi tiết này.

   Nguyễn Thanh Liêm thì ghi “lãnh binh Trương Chánh Thi”  thời Minh Mạng, chết tại Nam Vang năm 1845.

   Tóm lại, theo các tài liệu hiện hữu, ông Trương Chánh Thi là một võ quan và có thể đã lên tới chức lãnh binh, ông ta theo đạo Ki-tô, và chết vào ba thời điểm: 1840, 1845 hay 1846. 

   E. Cũng may, khi soạn bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1883-1945 (gồm 3 tập, đã xuất bản năm 1999-2000) tôi ghi chép khá đầy đủ về bang giao Việt Nam-Kampuchea (Chân Lạp) và những cuộc binh biến ở “Trấn Tây thành.” Theo sự hiểu biết của tôi, bộ Ðại Nam Thực Lục Chính Biên [ÐNTLCB] thời Minh Mạng (1820-1841) và Thiệu Trị (1841-1847) không hề nhắc đến tên “Trương Chánh Thi.” Tôi còn kiểm lại cả ba bản “Sách Dẫn” của bộ ÐNTLCB (trong tập 22 và 26) mà không thấy tên này. Riêng Châu bản triều Minh Mạng thì tôi mới chỉ được đọc bản Mục Lục, tập II, do Trần Kính Hòa dịch, Ðại học Huế xuất bản năm 1962. Cũng không thấy tên Trương Chánh Thi, dĩ nhiên.

   Ðể bảo đảm hơn cho câu trả lời của mình, tôi tìm đọc những người mang họ Trương ở miền Nam có dính líu đến Kampuchea (đổi tên thành Cao Man dưới thời vua Thiệu Trị) hoặc xuất hiện tại Gia định thành.

   1. Có ông “Trương Văn Thi” nào đó, nhưng ông ta là con cụ Trương Minh Giảng, một đại thần từng Bảo hộ Chân Lạp khá lâu, trước khi cai quản “Trấn tây Thành” (tức Kampuchea Chân Lạp trong thời gian bị nhà Nguyễn chiếm đóng) và đã từ trần khi triệt thoái về tới An Giang vào tháng Chín Tân Sửu [15/10-12/11/1841] vì buồn bực và xấu hổ. (ÐNTLCB, 23:351-52) Con cụ Giảng là Trương Văn Thi bị rút hàm thất phẩm. Dòng dõi cụ Giảng có Trương Minh Ký tự nhận là học trò Petrus Key. Tôi chưa hề nghe ai nói Petrus Key có họ hàng với cụ Trương Minh Giảng. Như thế, cái tên Trương Văn Thi có thể gạch bỏ trong việc truy tìm tông tích phụ thân ông Petrus Key.

   2. Lại có một ông “Trương Minh Lượng” (cùng họ Trương). Ông này làm quyền tri huyện Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long. Tháng Năm năm Ðinh Dậu [3/6-2/7/1837] Tri huyện Lượng tra tấn người đến chết, phải trốn chạy về Gia Ðịnh. (ÐNTLCB, 19:136-37) Không ai nói thân phụ ông Petrus Key là sát nhân. Hơn nữa, chữ “Minh” và “Chánh”, cũng như “Thi” và “Lượng” khác nhau quá xa, không sử quan nào lẫn lộn được. (Ngoại trừ trường hợp sau này ông Trương Chánh Thi đổi tên)

   3. Lại có Lãnh binh thủy sư Trương Cầm, phụ thân lãnh tụ nghĩa quân Trương [Công] Ðịnh ở Gia Ðịnh trong giai đoạn 1861-1864. Phó lãnh binh Ðịnh, tự xưng Bình Tây Sát Tả Ðại tướng quân, chắc không liên hệ gì đến Petrus Key, người thích gọi những lãnh tụ kháng Pháp như Trương Ðịnh, Thiên hộ Võ Văn Dương, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Tán Thuật, Phan Ðình Phùng, v.. v... là rebelles (phiến loạn).

   4. Tri phủ An Biên là Trương Công Bình tử trận vào tháng 9 Ất Tÿ [1845]. Tên ông này cũng nên gạch bỏ vì Tri phủ là một chức quan văn trung cấp [lục-ngũ phẩm].

   5. Có một Lãnh binh họ Trương từng lập công lớn  ở Trấn Tây trong cuộc hành quân tái chiếm đất Chân Lạp năm 1845 (tháng 9 Ất Tÿ), nhưng tên ông ta là Trương Tiến. Lãnh binh Trương Tiến an toàn về nước, và tháng 8/1947, vua Thiệu Trị cho khắc tên Lãnh binh Tiến lên một trong 12 khẩu thần công mới đúc xong để tuyên dương công trạng cùng những Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, v.. v... (ÐNTLCB, 25:347, 26:341) Chẳng hiểu ông Trương Tiến này liên hệ gì đến Trương Chánh Thi hay chăng? Tôi nghĩ là không. Ông Thi đã chết năm 1840, 1845 hoặc 1846!

   6. Trong số những người chết trận năm 1845 trên  đất Chân Lạp người ta thấy có Phó vệ úy  Trương Lý. (ÐNTLCB, 25:293) Ông Trương Lý này liên hệ gì đến Trương Chánh Thi? Có lẽ cũng không. Hai chữ “Lý” và “Thi” khác nhau xa, khó thể lẫn lộn. Hơn nữa, con ông Trương Lý được tập ấm làm Cẩm y vệ, trong khi con ông Trương Chánh Thi, nếu quả có nhân vật này, làm con nuôi các giáo mục.

   7. Lại có tên Trương Trịnh bị giết ở Vĩnh Long vào tháng 10 năm Bính Ngọ [19/11-17/12/1846]. (ÐNTLCB, 26:165-6) Tôi nghĩ Trương Trịnh không phải là thân phụ ông Petrus Key, vì y là một tướng cướp.

   F. Người bạn già nói ông Trương Chánh Thi làm quan dưới hai triều Minh Mạng (1820-1841) và Thiệu Trị (1841-1847), nhưng lại bảo ông Thi chết “năm 1840” [khác với đa số tài liệu khác, ghi ông Thi chết năm 1845 hoặc 1846]. (Chi tiết này giống trong sách của Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr. 9). Nếu thế ông Trương Chánh Thi chắc chắn không thể phục vụ triều Thiệu Trị: Vua Thiệu Trị lên ngôi ngày 20 tháng Giêng Tân Sửu, tương đương với ngày 11/2/1841. Vua Minh Mạng chết trước đó gần một tháng vào buổi chiều ngày 28 tháng Chạp Canh Tý (20/1/1841) (nghĩa là không thể chết vì té ngựa trong dịp lễ diễn binh thọ ngũ tuần như Linh mục Léon Pagès và các nhà truyền giáo Ki-tô Vatican truyền tụng, vì đại lễ ngũ tuần đã chấm dứt hơn nửa năm trước).

   Cách nào đi nữa, không có tên Trương Chánh Thi dưới hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị. 

   G. Ông bạn già còn nói ông Trương Chánh Thi làm quan đến chức Lãnh binh ở Nam Vang, đại diện triều Nguyễn bên cạnh vua Chân Lạp (Kampuchea).

   1. Lãnh binh là chức võ quan khá to. Thông thường Lãnh binh cầm đầu binh đội (biền binh) của một tỉnh, quan tước thường là Chánh hoặc Tòng Tam phẩm, hoặc có thể lên tới tòng nhị phẩm (Thanh-Nghệ). Dưới triều Minh Mạng, tháng sáu nhuận năm Ất Mùi [26/7- 23/8/ 1935], vua ra dụ định rõ việc bổ nhiệm các lãnh binh và phó lãnh binh như sau: 9 tỉnh to, quân lính nhiều (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Ðịnh, Nghệ An, Hà Nội, Nam Ðịnh, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây và Trấn Tây) đặt một lãnh binh và một phó lãnh binh. 12 tỉnh trung bình (Bình Ðịnh, Bình Thuận, Vĩnh Long, An Giang), hoặc gần kinh kỳ hay ở những chỗ hiểm yếu (Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoa, Ninh Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn và Hà Tiên) chỉ đặt một lãnh binh quan. 9 tỉnh nhỏ mà quân số ít (Phú Yên, Khánh Hòa, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Quảng Yên, Cao Bằng) thì đặt một phó lãnh binh quan. Tỉnh nào có nhiều lính thủy (Nghệ An, Thanh Hoa, Nam Ðịnh, Hà Nội) thì đặt một thủy sư phó lãnh binh quan, dùng quan tòng tam phẩm. (ÐNTL,CB, II, 17:20-22) Lãnh binh đều được ghi chép trong sử, vì sử ghi chép rõ sự thuyên chuyển, thăng cấp, giáng cấp của họ. Dưới thời Thiệu Trị, lãnh binh và phó lãnh binh còn được ban phát bài ngà có khắc tên. Không được sử quan ghi tên, ông Trương Chánh Thi khó thể mang quân chức Lãnh binh. (Năm 1835, tác vi phó lãnh binh thành Trấn Tây, trật tam phẩm, là Nguyễn Văn Tình; ÐNTL,CB, II, 17:21) 

   2. Tại Kampuchea ngày nay (Chân Lạp), từ năm 1837, Minh Mạng đã quyết định “đặt vào bản đồ” Việt Nam sau cuộc nổi loạn của giáo dân Ki-tô và lính Hồi Lương, Bình Thuận năm 1833-1835. Tháng Mười Ðinh Dậu [29/10-27/11/1837], triều đình Huế chia “Trấn Tây Thành” làm 4 phủ. Hai phủ lớn Hải Tây, Hải đông, đặt một tuyên phủ sứ (tam phẩm), 1 lãnh binh (tòng tam phẩm), thuộc viên, 1 cơ lính lấy từ Gia Ðịnh, Vĩnh Long. Phủ Sơn Ðịnh [Sơn Bốc cũ], lấy phủ Mỹ Lâm [Ca Lâm cũ], và 5 huyện khác, đặt nửa cơ lính Phủ Quảng Biên, vẫn giữ án phủ sứ như cũ, thêm một phòng thủ úy, nửa cơ lính trích từ Hà Tiên. Ngoài ra, cử thêm 20 đường quan tại 6 bộ đi làm tri huyện ở Trấn Tây. (ÐNTLCB, II, 19:257-61) [Theo lời đề nghị của nhóm Trương Minh Giảng, Phạm Hữu Tâm, Trương Ðăng Quế, Nguyễn Công Hoán, Hà Duy Phiên, Nguyễn Trung Mậu, Hà [Tôn] Quyền].

   Ngoài ra còn có ba cơ “An Man” tại Nam Vang, gồm hầu hết người Chàm, mỗi cơ chỉ có 6, 7 cán bộ người Việt, kể cả một thông ngôn. (Theo ÐNTLCB, vào tháng Một Mậu Tuất [17/12/1838-14/1/1839], ba cơ An Man ở Trấn Tây phần đông là người Chàm Ðồ bà ở nhờ đất Chân Lạp. Hết lòng trung thành với nhà Nguyễn, nên bị thổ dân ghét. Vua mật dụ cho Trương Minh Giảng cân nhắc họ; 20:262-65) 

   3. Hơn nữa, nói đến chức vụ “đại diện triều Nguyễn bên vua Chân Lạp,” thì phải xác định vua nào? Quốc vương Ang Chan [Nặc ông Chăn] (1805-1834) hay Nữ chúa Ang May [Ngọc Vân quận chúa] (1835-1837), con gái và người kế vị Ang Chan năm 1835? Tôi đọc khá kỹ Ðại Nam Thực Lục Chính Biên hai triều Nặc Chăn và Ngọc Vân, không thấy có ông Lãnh binh người Việt nào họ Trương ở Nam Vang hay Trấn Tây Thành trước năm 1842.

   . 5/10/1841: Phong suất đội cơ An Man Trấn Tây là Lâm Mục lên chức chánh đội trưởng. (23:341-342)

   Ngay cả đến giai đoạn ngắn ngủi của Ang Duong [Nặc Ong Giun] hay Ang Em [Nặc Yểm] trong hai năm 1845-1846 cũng vậy.

   Như  thế, ít nữa theo sử quan nhà Nguyễn, không hề có Lãnh binh Trương Chánh Thi, mà cũng chẳng có “thừa biện” Trương Chánh Thi bên cạnh vua Chân Lạp. (Ông Nguyễn Văn Trấn cũng nhắc đến chi tiết “sứ thần” này)

   4. Người Khmer thì không biết dùng giấy mực như  người Việt nên dĩ nhiên không thể ghi tên  “Lãnh binh, đại diện triều Nguyễn” Trương Chánh Thi. Sau này, các học giả Pháp giúp triều đình “Cambodge” viết lại lịch sử, nhưng cũng không thấy nhắc đến “thừa biện, lãnh binh” Trương Chánh Thi. Còn “sứ thần” bên cạnh vua Miên có lẽ chỉ nằm trong trí tưởng tượng của những người kể chuyện cổ tích.

   Lướt qua sử liệu triều Nguyễn, ta thấy ngay đến các Cai đội, quản cơ, đội trưởng hay Phó Lãnh binh còn  được nêu tên. Nếu quả thực có “Lãnh binh” Trương Chánh Thi, lại là thứ lãnh binh vì nước bỏ mình trên đất Kampuchea, hẳn không thể lọt sổ. 

   Như  thế, ông “Lãnh binh” Trương Chánh Thi không hiện hữu. Phụ thân Petrus Key, nếu quả thực mang tên Trương Chánh Thi, có thể là võ quan cấp nhỏ (cử nhân võ vào thời Thiệu Trị chỉ được hàm Chánh hoặc Tùng lục phẩm), và nếu quả từng phục vụ ở Trấn Tây, trong đạo binh An Man, thì có lẽ là người gốc Chàm, gốc Hoa, hay giữ chức thư lại, thông ngôn (giống như đoạn đầu hoạn lộ của Petrus Key với đạo quân viễn chinh Pháp sau này). (Một giáo chức miền Nam, ông Trần Thượng Thủ, nghĩ rằng Petrus Key có thể là người gốc Hoa, vì họ Trương rất phổ thông trong giới người Hoa tại miền Nam)

   Ðáng lưu ý thêm rằng trong thư ra mắt Trung tá Hải quân Jauréguiberry vào tháng 3/1859, Petrus Key chỉ ký tên Petrus Key mà không có tên Việt “Trương Vĩnh Ký” đi kèm như ông thường dùng sau này. Trong thư ra mắt một cấp chỉ huy Pháp (Grand Chef et vous tous)– để xin việc làm, kiểu “cover letter” ở Mỹ, như ai đó lý luận–mà không ghi thêm tên thực Trương Vĩnh Ký là việc hơi khác thường. Có thể vì một lý do nào chưa biết, như muốn dấu bí mật đề phòng trường hợp thư bị lọt vào tay quan quân nhà Nguyễn? Nhưng cũng có thể vì ngày ấy Petrus Key chỉ biết mình có cái tên độc nhất và vỏn vẹn hai chữ Petrus Key. Cách nào đi nữa, bốn năm sau mới thấy chính thức xuất hiện thêm tên Trương Vĩnh Ký. Và, từ đó, cái tên Trương Chánh Thi, Nguyễn Thị Châu, v.. v.... Nói cách khác, không thể không tự hỏi và cần tìm hiểu những cái tên “Trương Vĩnh Ký” và “Trương Chánh Thi” xuất hiện từ thời điểm nào? Một trong những cách kiểm chứng khả tín nhất là viết thư cho Collège général de Pinang, xin một bản sao thông tín bạ (học bạ) của Petrus Key tại đây. Việc này xin dành cho các nhà “Petrus Key học.”

   Nói cách khác, nhân vật “Trương Chánh Thi,” “lãnh binh, thừa biện bên cạnh quốc vương Chân Lạp” hay “sứ thần” ở gần Nam Vang chỉ hiện hữu trong trí tưởng của người đã công bố. Cũng tương tự như huyền thoại ông Bùi Viện  “từng qua Mỹ, được Tổng thống Ulysse Grant tiếp kiến” huyễn truyền ở Việt Nam bấy lâu và được lập lại trong hồi ký của ông Bùi Diễm. (Xem Vũ Ngự Chiêu, “Nguyễn Ái Quốc: Người Việt đầu tiên đến Mỹ?;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 93, 94 (2007); Robert H. Miller, trong cuốn The United States and Vietnam, 1787-1941 (Washington, DC: NDU, 1990), tr. 274-5n1). Hay, việc cụ Phan Châu Trinh bị “nhốt chung” với Nguyễn “Ô Pháp” tức Ái Quốc “ở ngục Santé,” cùng những lời tuyên bố chẳng chút nào hợp với khẩu khí của nhà chính trị cải lương họ Phan. Ðó là chưa kể những “bí ẩn lịch sử” như phụ thân cụ Phan Bội Châu đã phải đổi tên “Sang” của cụ thành “Châu” vì “sợ phạm húy vua Duy Tân [Vĩnh San]” trước ngày ông vua này ra đời cả chục năm! (Xem Nguyễn Mạnh Quang, Thực chất Giáo hội La Mã, II:695-700; Chính Ðạo, Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, tập I (ấn bản 1997); hoặc Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1883-1945, tập II & III (ấn bản 2000))

   Ðáng buồn là những công trình “ziết sử” hay “bí ẩn” lịch sử loại này không thiếu trong khối “nghiên cứu văn” Việt Nam. 

Tại sao Petrus Key

làm con nuôi các cố đạo?

   Duyệt xét các cung văn về Petrus Key, một vấn đề khiến người học sử không thể không thắc mắc: Ðó là, tại sao bà Nguyễn Thị Châu trao Petrus Key cho các cố đạo nuôi?

   Trước khi đi sâu vào vấn đề này, cần xác định vài thời điểm. Trước hết, ông Petrus Key bắt đầu đi “trọ học” hay vào nhà chúa Bl’ời hoặc tiểu chủng viện từ bao giờ? Thứ hai, phụ thân Petrus Key thực sự chết ngày nào? Cả hai câu hỏi trên đều chưa có đáp án rõ ràng.

   Người nói bà Nguyễn Thị Châu trao Petrus Key, lúc mới 5 tuổi, cho giáo mục Tám, và rồi sau khi ông này chết, giáo sĩ Pháp có tên Việt là cố Long nuôi. Như thế, từ năm 1842 Petrus Key đã xa mẹ. Nhưng cũng có tác giả ghi Petrus Key chỉ được các cố đạo nuôi từ năm 1846, khi đã 9 tuổi.

   Về  ngày phụ thân Petrus Key từ trần cũng vậy. Người ghi năm 1845, người ghi năm 1846, lại cũng có người ghi năm 1840. Các nhà Petrus Key học tương lai cần giải quyết hai vấn đề tiên thiên trên trước khi bàn về  những chi tiết khác.

   Hai vấn đề thời điểm Petrus Key được giao cho các cố đạo nuôi, và ngày phụ thân ông từ trần rất quan trọng trong việc tìm hiểu tại sao bà Nguyễn Thị Châu, thân mẫu ông Petrus Key, gửi hay giao bán con cho các nhà truyền giáo. Nếu việc gửi gấm hay giao bán này xảy ra trước ngày ông Thi chết, sẽ nẩy sinh câu hỏi khác: Phụ thân ông Petrus Key có được thông báo, và đồng ý chăng, hay bà Châu đã tự ý quyết định? Nếu phụ thân Petrus Key chết trước ngày cậu được gủi cho các giáo sĩ nuôi, vấn đề trở thành đơn giản hơn; vì mọi quyết định đều do bà Nguyễn Thị Châu.

   Câu hỏi thứ nhất khá phức tạp, đòi hỏi việc tìm tòi vết tích ông Trương Chánh Thi. Câu hỏi thứ hai hạn chế trong ba giả thiết cơ bản: (1) bà  Châu là người đạo gốc muốn gửi con cho các giáo sĩ dạy bảo để sau này có chức, có phận (như thày kẻ giảng, giáo mục); (2) bà Châu vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải giao Petrus Key cho các giáo sĩ nuôi; và, (3) vì hoàn cảnh khó khăn, bà Châu đã cải đạo, đồng thời giao con cho nhà chúa Bl’ời.

   Trước hết, chưa tài liệu nào cho phép khẳng định ông bà Trương Chánh Thi-Nguyễn Thị Châu là tín đồ Ki-tô giáo (khai sinh, giấy chứng nhận rửa tội, gia phả, người thân, v.. v...). Hy vọng những chuyên viên gia phả học, như quí ông Vũ Hiệp, v.. v... sẽ giúp khẳng định có hay không tư liệu hộ tịch của gia đình ông Trương Chánh Thi.

   Nếu bà Nguyễn Thị Châu không là tín đồ Ki-tô, việc giao con cho các cố đạo nuôi thường xảy ra trong trường hợp bất khả kháng nào đó. Nên nhớ  thời gian này, vua Thiệu Trị và Tự Ðức đang thi hành chính sách cấm đạo. Gửi con cho các nhà truyền giáo nuôi là một việc làm nguy hiểm đến tính mạng như không. Cũng không một bà mẹ thương con nào nghĩ rằng thày kẻ giảng, hay giáo mục là người có chức, có phận trong một chế độ áp dụng chính sách bài Ki-tô. Vì càng có chức phận trong đạo, càng bị hình phạt nặng nề; nhẹ thì khắc chữ lên mặt, lên trán, tập trung để giáo hóa; nặng thì có thể lên tới án lưu đầy, tử hình. Trong số những hoàn cảnh bất khả kháng, có hai trường hợp đáng suy nghĩ: Thứ nhất, bà Châu quá nghèo khổ, đành giao cho con cho các giáo mục nuôi cho bớt gánh nặng. Hoặc, thứ hai, bà Châu đã “bán” con cho các giáo sĩ, và bản thân có thể cũng theo đạo, để được giúp đỡ về phương diện kinh tế.

   Vào giữa thế kỷ XIX, “bán con” là một hủ tục quen thuộc tại Ðại Nam (cũng như  Trung Hoa). Cho đến thập niên 1940, tức khoảng 100 năm sau ngày Petrus Key làm con nuôi các cố đạo, vẫn còn tục lệ bán con nói trên.

   Trong khi đó, vì chính sách bài đạo của nhà Nguyễn, các giáo sĩ Ki-tô tìm đủ cách để gia tăng số tín đồ. Trong kế hoạch gia tăng giáo dân trên có việc dùng tài lợi mua chuộc, nuôi dưỡng trẻ  mồ côi, và mua con nít của những gia đình Lương nghèo khổ (như ăn mày) để huấn luyện làm thày kẻ giảng, và nếu đứa trẻ thông minh, có thể huấn luyện làm giáo mục bản xứ. Tại Cao Miên, số tiền các giáo sĩ bỏ ra để “rửa tội” cho mỗi người ngoại đạo lên tới hơn 100 quan vào năm 1858. Cũng năm này, tại các giáo phận, đại đa số những trẻ em được rửa tội đều đã sắp chết. Số trẻ em mồ côi hoặc con nhà nghèo bán cho các nhà tu hàng năm cũng khá quan trọng. (Xem Phụ Bản 2) Ða số “các chú” trong các “nhà Chúa Bl’ời” đều là cô nhi hay con nhà nghèo được giáo sĩ bỏ tiền ra mua về.

   Thêm vào đó, từ năm 1840 tới 1845, tình hình Gia Ðịnh thành cực kỳ bất an. Loạn “Thổ dạy”  lan tràn khắp nơi. Vùng Cái Mơn của gia đình Petrus Key là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Phụ thân Petrus Key, nếu quả thực là một võ quan nhỏ, lương bổng chẳng bao lăm (khoảng trên dưới 3 quan tiền, 3 phương gạo một tháng). Một khi từ trần, thân mẫu ông có thể gặp nhiều khó khăn về sinh kế. (Theo một nhân chứng Mỹ, Thiếu tá John White của Hải quân Mỹ, người đã sống tại Gia Ðịnh thành gần 4 tháng cuối năm 1819, đầu năm 1820, vợ con các quan chức nhỏ đều buôn bán phụ giúp ngân sách gia đình, và được trọng đãi hơn phụ nữ người Hoa)

   Cả  hai điều kiện khách quan và chủ quan, cung cũng như cầu, đều mở cửa cho những người cha mẹ  nghèo giao bán con cho các cố đạo nuôi. Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, chú bé  Petrus Key có nhiều phần trăm thuộc vào đa số  “các chú” nói trên. (Hy vọng trong một tương lai gần, sẽ có được đầy đủ lý lịch và thông tín bạ của Petrus Key tại trường Collège général de Pinang) 

   Petrus Key và Ngoại Ngữ:

   Không ai có thể phủ nhận được một điều là Petrus Key thuộc hạng thông ngôn tài giỏi của người Pháp trong giai đoạn xâm phạm Ðại Nam. Mặc dù không có dịp làm giàu, nhưng Petrus Key trở thành một biểu tượng của giới tân học bản xứ, và thuộc hạng quan to, chức lớn.

   Vì  thành đạt này, những người ngưỡng mộ Petrus Key đã vẽ chân cho rắn đến nhiều khi phi-nhân-hóa ông. Người đọc sách sử không thể không tự hỏi thực chăng chú bé 11 tuổi Trương Vĩnh Ký nói thông thạo “5 thứ tiếng,” và sau này thông thạo tới “26 thứ tiếng?” Thực chăng ông Petrus Key xứng danh là một nhà ngôn ngữ học (linguist), hay chỉ là một thông ngôn (interpreter hay translator) xuất sắc? (Cũng nên thêm rằng tiếng “linguiste” vào thời gian này không có nghĩa là nhà ngôn ngữ học mà chỉ dùng theo nghĩa hạn hẹp là một người biết tiếng “Ô Lan” tức Âu châu. Trong số những “linguistes” mà Thiếu tá White sử dụng năm 1819 có Pasquale, một người Tagal lập nghiệp ở Sài Gòn, nói tiếng Portugal, có vợ Việt, thuộc giới làm áp phe với các tàu buôn ngoại quốc; Linh mục Antonio gốc Italia; Mariano; Linh mục Joseph, Vincente) 

   1. Khái niệm về sự thông thạo một ngoại ngữ:

   Theo Nguyễn Văn Trung, hồ sơ cá nhân Petrus Key tại soái phủ Sài Gòn ghi vào giữa thập niên 1870, ông biết 7 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Tây Ban Nha (Espagnol), I-ta-lia, Malay, Chân Lạp (Miên) và Latin. (Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 138, note)

   Ðây có lẽ do Petrus Key tự khai hơn đã có một cuộc trắc nghiệm chính thức. Ngoài ra, không thấy hai thứ chữ Hán-Việt và Nôm.

   Số  ngoại ngữ này có thể tạm chấp nhận  được. Nhưng thật khó để tin Petrus Key thông thạo tới “15 sinh ngữ, tử ngữ Âu châu và  11 sinh ngữ Á châu” như một ông Pierre Vieillard nào đó đã viết năm 1947. (Pierre Vieillard, “Un grand patriote Pétrus Ký;” France-Asie, số 15/2 và 15/3/1947; dẫn trong Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 138) 

   a. Thời gian huấn luyện cần thiết:

   Cá  nhân tôi, trong thời gian chuẩn bị chương trình Sử Ðông Nam Á, từng học thêm hai ngoại ngữ Indonesian và Thái tại Athens (Ohio) và Madison (Wisconsin). Dù qua lớp “intensive course” (khóa cấp tốc, tức dồn hết thì giờ trong ngày để học một sinh ngữ), thường thường cần từ 10 tuần tới 9 tháng để có thể nói, đọc và viết một cách tạm đủ dùng, tức get around như chào hỏi thông thường, đi chợ, hỏi đường xe cộ, đọc vài tin báo đơn giản. Sau đó, cần sử dụng ngôn ngữ trên qua các buổi nói chuyện với người bản xứ, đọc sách báo, v.. v... trong vài ba năm mới tiến đến mức trung bình.

   Muốn thành thạo được 26 thứ tiếng, Petrus Key phải bỏ ra ít nhất 20, 21 năm huấn luyện liên lũy, đó là chưa kể thời gian cần thiết để trau dồi thêm tại các xã hội ngoại quốc trên cùng sách báo  địa phương. Nhưng, thực tế, Petrus Key chỉ theo học các trường đạo từ khoảng năm 1842 tới 1858. (Thời gian huấn luyện ở Penang thông thường kéo dài 3 năm). Suốt 15 hay 16 năm trên, cách nào để ông thông thạo 26 thứ tiếng khi không có những lớp huấn luyện chuyên môn? Tại các trường đạo ở Cái Mơn, Cao Miên, hay Pinang, các giáo sĩ chỉ dạy ba thứ ngôn ngữ chính: Pháp, Việt và Latin. Muốn thông thạo “23” thứ tiếng khác, sợ rằng chẳng những không đủ thời gian luyện tập, mà còn thiếu giáo sư huấn luyện, và cũng không có đủ số 23 sinh ngữ hay tử ngữ khác mà học. Ngoài ra, trong số 127 [141, hay 143] “tác phẩm” của ông phải có dấu vết việc học tập các ngoại ngữ này. (Năm 1888, thư viện Nam kỳ chỉ có 88 cuốn sách của Petrus Key. Năm 1898, trong số sách tồn kho bà quả phụ Petrus Key yêu cầu Pháp tiêu thụ giúp chỉ có 23 (hai mươi ba) tựa sách) Nhưng chưa một nhà nghiên cứu nào, ở ngoại quốc hay trong nước, liệt kê và dẫn chứng đầy đủ 26 thứ tiếng mà Petrus Key học tập hay thông thạo. Ngay đến việc “10 thứ tiếng” mà ông Hồ Hữu Tường nêu lên, hay “15 thứ tiếng” mà ông Nguyễn Thanh Liêm đề cập cũng không liệt kê và chứng minh được đầy đủ. Và, Petrus Key, chẳng hiểu có khiêm tốn hay chăng, cũng chỉ ghi trong hồ sơ cá nhân mình biết hoặc đã học 7 (bảy) ngoại ngữ. (Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 138, note) Rất tiếc tôi không rõ Petrus Key có tự khai trình độ đọc, viết và nói của mình hay chăng (như fair [vừa phải], good [khá] hay excellent [thông thạo như người bản xứ]). 

   b. Khả năng hấp thụ ngôn ngữ:

   Các nhà ngôn ngữ học huấn luyện chúng tôi cho biết người cực kỳ thông minh chỉ có thể thông thạo được 5 hay 6 thứ tiếng là cùng. Có nhà thông thái, như Giáo sư John Dower, lập gia đình với một phụ nữ Nhật, bỏ ra hơn 20 năm nghiên cứu về lịch sử Nhật, nhưng tâm sự với tôi là ông chưa dám tuyên bố thông thạo tiếng Nhật. Nhiều học giả ngoại quốc ở Mỹ hai, ba chục năm mà nói và viết tiếng Anh vẫn chưa hết dấu vết ngoại quốc.

   Chưa hề có ai không từng được luyện nói mà có  thể nói một ngoại ngữ “thông thạo”; chưa học văn phạm một ngôn ngữ mà có thể  đọc hiểu hoặc viết một cách tường tận. Cho dẫu những người có trí nhớ phi thường, đến độ “graphic memory” [trí nhớ như in], mà không được huấn luyện cũng đành khoanh tay; giỏi lắm, lõm bõm vài ba chữ, vài câu làm duyên. 

   c. Phương pháp huấn luyện:

   Vào hạ bán thế kỷ XIX, các phương pháp dạy ngoại ngữ còn đặt nặng vào phương pháp đọc-học, tức học viên phải học thuộc lòng từng chữ, từng câu, từng đoạn, và ngoẹo đầu ngoẹo cổ tụng đọc như các học viên của các tu viện Islam mà ai có dịp theo dõi thời sự về phong trào Taliban ở Afghanistan mới đây từng chứng kiến. Thời đó chưa có các phương tiện luyện âm (audio), luyện hình (flash cards hay visual) hiện nay. Bởi vậy, muốn thông thạo (tức nói, đọc và viết) một ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ không dễ. Mặc dù người Pháp đã biết cách sử dụng những phụ tá người bản xứ–tức các répétiteurs người bản xứ trong các lớp học ngoại ngữ–dẫu có thứ trí nhớ phi thường, học viên chỉ có thể đọc thông thạo một ngoại ngữ, nhưng chưa hẳn đã viết rành mạch và nói trôi chảy. Trường hợp các sứ giả Việt phải bút đàm với quan chức Trung Quốc, hay cụ Phan Bội Châu mượn giấy mực “nói chuyện” với Lương Khải Siêu trên đất Nhật–dù cụ Châu từng đậu giải nguyên trường Nghệ và vào Huế tọa giám chờ ngày thi Tiến sĩ–chỉ là vài thí dụ cụ thể. Những di dân Việt trên thế giới có lẽ từng tri nghiệm điều này bằng chính bản thân mình hơn phần tư thế kỷ qua. (Theo Tổng trú sứ Pierre Rheinart, Linh mục Nguyễn Hoằng, một trong hai thông ngôn chính thức của vua Tự Ðức tại Ty Thương Bạc, là người biết được 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nho và chữ Việt mới) 

   d. Huấn luyện viên:

   Các nhà truyền giáo thường được coi như những chuyên viên về ngôn ngữ. Nhờ lãnh thổ hoạt  động bao trùm hoàn cầu, các chủng viện qui tụ số  huấn luyện viên ngôn ngữ khá hùng hậu.

   Tuy nhiên, tại đại chủng viện Pinang không có đủ  số chuyên viên để dạy bảo Petrus Key 26 thứ tiếng. Chương trình huấn luyện cũng không đòi hỏi học sinh phải biết nhiều ngoại ngữ, và trên thực tế các học viên chỉ được dạy bảo ba thứ tiếng: Pháp, Latin và chữ Việt sử dụng mẫu tự Latin. 

   2. Ngoại ngữ Petrus Key thông thạo:

   Song song với danh sách số 7 ngoại ngữ liệt kê  trong hồ sơ cá nhân Petrus Key, một trong những nguồn tài liệu để tìm hiểu số ngoại ngữ  mà Petrus Key thông thạo là chương trình huấn luyện của Collège général de Pinang tức Ðại Chủng viện Pinang mà cậu thanh niên Petrus Key theo học từ khoảng 1855 tới 1858.

   Theo tài liệu Hội truyền giáo Hải ngoại, trường này dạy  hai thứ tiếng chính: PhápViệt (sử dụng mẫu tự Latin, tức quốc ngữ hiện nay). Ngoài ra, học viên còn được học triết lý Greek (Hy Lạp), thần học và cổ ngữ Latin.

   Chữ  Việt và Pháp có thể Petrus Key đã bắt  đầu học từ thời ở với “cụ  Tám” ở Cái Mơn, hay cố Long, cố Hòa, và tiểu chủng viện Pinhalu (Cao Miên). Như thế, vào năm 1855-1858, Petrus Key có thể thông thạo hai thứ tiếng Pháp và Việt ngữ mới, với trình độ một học sinh Trung học. Cổ ngữ La-tinh là tiếng thứ ba cậu thanh niên Petrus Key được huấn luyện tại Ðại Chủng viện Pinang (tức bậc trung học đệ nhất cấp). Mặc dù phần lớn các học viên chỉ cần biết nói vài ba câu Latin để làm lễ phép bí tích hay rửa tội đã đủ, nhưng Petrus Key có thể thành thạo vì thông tín bạ của Petrus Key chứng tỏ cậu là một học viên xuất sắc. (Tuy nhiên, muốn tốt nghiệp đại chủng viện thường đòi hỏi phải có lòng phục tùng tuyệt đối). [Năm 1858, theo Phó Giám mục Borelle, “chú Ký” cùng một chú khác về tới Cái Mơn; “chú” thứ hai này bị trục xuất khỏi Pinang vì lý do hạnh kiểm, và trở thành một tay cờ bạc, trộm cắp. “Chú Ký” thì được tiến cử cho Pháp làm thông ngôn]

   Vì  Pinang nằm trong một thuộc địa của Bri-tên, Petrus Key và đồng song có thể được học thêm một số chữ và thành ngữ tiếng Anh cổ thời. Trong thư viết vào tháng 3/1859 gửi Hải quân Trung tá Jauréguiberry, Petrus Key trích một câu ngạn ngữ: “The wearer knows very well where the shoe pincheth” [Kẻ đi giày mới biết chỗ nào xiết thốn]. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:130chú 32) Nhưng khả năng “nói và viết” tiếng Anh thì cần đặt dấu hỏi. Một dấu hỏi rất lớn. Những ai từng sống ở Mỹ, Os-tră-lia, Canada, hay Bri-tên có thể nghiệm chứng điều này. Dù ra sức học tập từ 5 tới 10 năm, cũng chỉ đủ khả năng nói và đọc, viết tiếng Anh qua loa thôi. Khả năng nói tiếng Anh của Petrus Key, theo ông Nguyễn Văn Tố, được một người Anh ghi nhận là “nói với tôi bằng một thứ tiếng Anh rất thành thạo, hơi pha giọng Pháp.” (Nguyễn Văn Tố, 1937, tr. 37, dẫn trong Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 139) Tiếng Anh phát âm bằng mũi, tiếng Pháp phát âm bằng cuống họng; bảo một người nói tiếng Anh rất thành thạo, nhưng pha giọng Pháp, khó thể là một lời khen. Giống như có người đến Mỹ, muốn ăn thịt bò nướng [beefsteak], lại nói thành muốn ăn thứ “gậy đánh bò” (khô bò) [beef-stick]! Ðó là chưa nói đến cuốn tự điển loại bỏ túi từ tiếng Pháp qua tiếng Anh, ấn bản năm 1812 của Thomas Nugent tìm thấy trong di vật của Petrus Key và được đem ra triển lãm năm 1933. Một người thông thạo tiếng Anh, nói chi một nhà ngôn ngữ học, ít khi dùng tự điển bỏ túi. Có lẽ đây chỉ là món quà ai đó tặng cho Petrus Key.

   Pinang [đảo Dừa] là một hòn đảo nằm về phía Tây của bán đảo Mã Lai, nơi người Hoa và  thổ dân Mã Lai sống bằng kỹ nghệ khai thác mỏ kẽm. Sau 5 năm sống tại đây, Petrus Key có thể học thêm ít tiếng Malay (Mã lai), như apa ká-pà? [ông mạnh giỏi?], Bay bay sájà [Tốt, tốt lắm!]. Sau này, học thêm để soạn những câu đàm thoại đơn giản; nhưng cũng có thể chỉ phiên dịch từ một tác phẩm ngoại quốc nào đó. Có lẽ vì thế, hồ sơ cá nhân ghi Petrus Ký biết tiếng Malay. Rất tiếc tôi chưa có dịp nghiên cứu các sách viết về tiếng Malay do Petrus Key soạn (nếu có) nên chưa thể thẩm định giá trị các sách trên, và từ đó khả năng hiểu biết tiếng Malay của ông. Hy vọng sẽ có một nhà ngôn ngữ học, hay Ðông Nam Á học nào tìm đọc các tác phẩm trên.

   Vì  đa số học viên tại Pinang từ 1852 tới năm 1857 là người Việt (117 người năm 1857), cơ hội  để Petrus Key học thêm ngoại ngữ từ bạn  đồng song rất hiếm. Ða số học viên không-phải-người-Việt đến từ Xiêm, Trung Hoa, hoặc Lào. Nhờ vậy, Petrus Key có thể nói được ít thổ âm của người Hoa (kiểu nị hảo búa hảo [ông/bà khỏe không?], chịa muối [ăn cháo], chịa mừng [ăn cơm]), hay ít tiếng thông dụng Thái (Xiêm) và Lào (kiểu tham ngan yù thí nải? [làm việc ở đâu?], pop-căn-mày! [hẹn gặp lại]). Trong danh sách các tác phẩm của Petrus Key đăng trên Bách Khoa, về gần cuối đời ông, người ta thấy liệt kê những cuốn Cours de langue malaise (1893), Vocabulaire francais-malais (1894), Cours de langue laotienne (1894), Vocabulaire laotien-francais (1894), Guide de la conversation laotienne-francaise (1894), Cours de siamois (1889), Vocabulaire francaise-siamois (1894), Guide de la conversation siamoise-francaise (1894). Nhưng chẳng hiểu có ai đã thấy tận mắt những tập sách này hay chưa? Chữ viết Thái (Xiêm) dựa theo tiếng Sanskrit và Pali, không dễ nhớ. Ông Petrus Key đã viết bằng chữ Thái nguyên gốc hay dựa theo lối phiên âm theo kiểu ghi âm của các nhà ngôn ngữ học ngoại quốc? Và những “tác phẩm” này–theo Giáo sư Trương Bửu Lâm, Giám đốc Viện Khảo Cổ Sài Gòn–thường chỉ dài khoảng từ một, hai trang tới vài chục trang là cùng. Tổng cộng những trang bút tích của Petrus Key về “ngôn ngữ Ðông Dương” chỉ có 33 trang. (Xem thêm bảng liệt kê các tác phẩm của Petrus Key mà ông Trương Vĩnh Tống gửi tặng Viện Khảo Cổ Sài Gòn trong Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 88-98) Và cũng nên ghi thêm nhu cầu tiếng Thái hoặc Lào vào thời gian này; vì Lào mới bị sát nhập vào Liên bang Ðông Dương.

   Về  tiếng Miến Ðiện [Myanmar], đây là một sinh ngữ rất khó học cho người ngoại quốc. Trên thế giới hiện nay chỉ có khoảng 100 học giả không-phải-người-Miến thông thạo tiếng Miến. Chẳng hiểu Petrus Key học tiếng Miến từ bao giờ mà trong năm 1892, ông đã soạn được ba bộ sách dạy tiếng Miến: Cours de langue birmane, Vocabulaire francais-birman, Guide de la conversation birman[e]-francais[e]. Năm 1892, Petrus Key cho biết đã hoàn tất bản thảo “autographiés” [in thạch bản]; (Nguyễn Văn Trung, op. cit., tr. 126). nhưng chẳng hiểu có ai đã thấy tận mắt những tập sách hay bản thảo này được ấn loát năm 1894 như Bách Khoa công bố? Sách dày bao nhiêu trang? Nội dung ra sao? Sử dụng chữ Miến chính gốc, hay loại chữ Miến đã phiên âm theo Tây phương?

   Chưa  được tham khảo các tác phẩm trên, nên tôi chưa thể có ý kiến. Nhưng tưởng cũng cần nêu lên 2 nhận xét sơ khởi nhỏ:

   (1) Nếu tin được bảng liệt kê trong Bách Khoa đã  đề cập, chỉ trong năm 1894, Petrus Key hoàn tất bản thảo hoặc cho ra đời tới 43 tác phẩm, kể cả  bộ tự điển Pháp-Việt lớn, tự điển tam ngữ Hán-Pháp-Việt, cùng một tập Nhân vật chí các triều đại Việt. Như thế, Petrus Key, ở tuổi 56-57, cứ khoảng 10 ngày hoàn tất một tác phẩm (bản thảo). Không rõ mỗi tác phẩm dày bao nhiêu trang, nhưng nếu trung bình mỗi nghiên cứu khoảng 100 trang, chỉ ngồi chép lại thôi cũng khó thực hiện nổi 43 cuốn, cho dẫu đã làm việc nhiều năm. Còn những ghi chú một vài trang, chép từ một cuốn tự điển hay một biên khảo của các tác giả ngoại quốc nào đó (như nhiều tác giả Việt thường làm), mà tôn xưng thành “tác phẩm” thì sợ rằng cung văn quá đáng.

   (2) Thứ hai, mặc dù năm 1892, Petrus Key nhắc đến ba [3] tựa tự điển Pháp-Việt lớn, tự điển tam ngữ Hán-Pháp-Việt, và tập Nhân vật chí các triều đại Việt, nhưng danh sách do Giáo sư Trương Bửu Lâm thành lập tại Viện Khảo Cổ Sài Gòn năm 1958 không thấy các tựa sách này. Thư viện Quốc Gia Pháp (Francois Mitterrand) thì chỉ có tập Tự điển Pháp-Việt in năm 1878, và tập Tự điển Pháp-Việt nhỏ, ấn bản năm 1884 và 1920. Văn khố Kho Lưu trữ Quốc Gia II tại Sài Gòn cho biết Petrus còn hoàn tất bộ tự điển Annamite-francais [Việt-Pháp]. Chưa ai tìm thấy hai tập tự điển tam ngữ Hán-Pháp-Việt, và tập Nhân vật chí các triều đại Việt. Sách bị tuyệt bản chăng? Hay chưa hề ra đời? Hy vọng các nhà ngôn ngữ học hoặc Ðông Nam Á học tìm ra và làm việc trên các tác phẩm này, nếu có, để xác định công trình của Petrus Key.

   “Hoa ngữ,” chắc Petrus Ký chỉ học thêm sau này, vì những năm đầu chiếm đóng Sài Gòn, soái phủ Pháp vẫn phải trông cậy ở các tay “nho” Tôn Thọ “Ba” Tường, Trần Tử Ca hay Hiếu. Và ngay chính Petrus Key cũng trông cậy ở “Ba” Tường” mỗi khi đụng chạm đến chữ Nho (Hán-Việt). Có thể ông Petrus Key đã được học một số chữ Hán-Việt (nghĩa là chữ Trung Quốc đọc theo lối người Việt) hồi nhỏ, rồi sau đó mới tự học thêm cả chữ Hán-Việt và Nôm trong thập niên 1860. Mãi tới năm 1875-1876, mới thấy Petrus Key bắt đầu viết về cách học chữ Hán (đọc theo kiểu người Việt), cho học sinh lớp đồng ấu. Cũng từ thời gian này người ta không thấy tên nửa Latin, nửa Anh ngữ “Petrus Key” nữa, mà xuất hiện tên “Sĩ Tải” Trương Vĩnh Ký. Tại thư viện Francois Mitterand (Paris) thấy có tập Huấn mông khúc ca: Sách dạy trẻ nhỏ học chữ Nhu (1884), Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca (1884), Ðại Nam cuốc sử ký diễn ca của Lê Ngô Cát (1875). Rồi năm 1888, Petrus Key được giao phụ trách dạy hai lớp chữ Nho và chữ Miên. Và năm 1896, Petrus Key yêu cầu Pháp mua ủng hộ 2,000 cuốn Minh Tâm Bửu Giám [Le précieux miroir du coeur].

   “Ấn độ ngữ” có tới hàng trăm thứ tiếng (dialects) khác nhau, và nguyên những loại tiếng chính của Liên bang India [Ấn độ] đã có tới bốn năm thứ (Hindu, Urdu, Tamil, Sanskrit, Pali, v.. v...). Bảo Petrus Key biết nói “Ấn độ ngữ” chẳng hiểu ông Hồ Hữu Tường và các tác giả khác muốn nói ông Petrus Key lưu loát cả trăm thứ tiếng trên, hay loại ngôn ngữ đặc thù nào (thí dụ như tiếng Hindu hay tiếng nói của dân Chettya, tức Chà và xét-ti, chuyên môn gác cổng tư dinh quan lớn Pháp, làm mã tà, mật thám, gác tù hay cho vay lời cắt cổ ở Sài Gòn?) (Xem Hồ Hữu Tường, “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký;” Bách Khoa (Sài Gòn), M [1974], tr. 15-22)

   Danh sách các tác phẩm của Petrus Key trong Bách Khoa liệt kê  năm 1894 ông Petrus Key hoàn tất 8 tác phẩm Cours de langue tamoule, Guide de conversation tamoul[e]-francais[e], Cours de langue indoustane, Vocabulaire francais-indoustan, Guide de la conversation indoustan[e]-francais[e], Cours de ciampois, Vocabulaire francais-ciampois, Guide de la conversation ciampoise-francaise. Những tựa sách này được chính tay Petrus Key ghi là “autographiés” [in thạch bản] năm 1892. Nhưng chưa thấy ai cho biết tác phẩm này hiện tàng trữ ở đâu, và cũng chưa ai phân tích nội dung các tác phẩm trên. Ðặt vấn đề triệt để hơn, thực chăng những tác phẩm này hiện hữu? Câu trả lời xin dành cho những nhà Petrus Key học. (Tưởng nên lập lại, trong mục “Ecritures et langues indochinoises” [chữ viết và tiếng nói Ðông Dương], Viện Khảo Cổ Sài Gòn chỉ ghi 33 trang bút tích của Petrus Key về chữ Nôm, Quốc ngữ, Trung Quốc [viết và nói], Miên, Xiêm, Chiêm Thành, Lào và Mã Lai; Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 95).

   (Có  lẽ Petrus Key học được tiếng Miên ở  đất Miên (kiểu tâu tê? [đi đâu thế?], tâu sa [đi chợ]) [từ nhỏ ở Vĩnh Long và Miên, nên năm 1888, khi đang đảm nhiệm việc dạy tiếng Miên tại trường Chasseloup Laubat, Petrus Key viết thư xin thêm một phụ tá người Miên để giúp học sinh luyện giọng]).

   Tiếng Y pha nho [Spanish hay Espagnol], không hiểu Petrus Key học  ở đâu; nhưng chắc chắn bản dịch thư vua Tự  Ðức gửi Nữ hoàng Espania là bằng tiếng Pháp, có ký tên Trương Vĩnh Ký. Khi ra thông dịch ở  Huế năm 1870, thì Petrus Key vẫn dịch bằng tiếng Pháp. Và nếu biết loại tiếng Y pha nho, hẳn Petrus Key đã viết một cuốn sách dạy đàm thoại, làm một cuốn tự điển kiểu bỏ túi hay những “notes” vài ba trang như tất cả những loại ngôn ngữ Petrus Key đã tự học. Hoặc trong tủ sách gia đình phải có tự điển và văn phạm về loại chữ này. Chỉ hơi ngạc nhiên là theo tài liệu văn khố Pháp, hồ sơ cá nhân Petrus Key tại Soái phủ Sài Gòn năm 1872, 1874, 1875 ghi rằng Petrus Key biết tiếng Espania. (Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 138, note) Ðây có lẽ do Petrus Key tự khai (vì từng theo viên chức Pháp tháp tùng sứ đoàn Phan Thanh Giản tới Madrid ít tuần) hơn đã qua một cuộc trắc nghiệm chính thức.

   “Nhật ngữ” thì khó tin, nếu chẳng phải hoang tưởng. Hồ sơ cá nhân Petrus Key thuộc Nha Nội chính Soái phủ Sài Gòn không ghi ông biết tiếng Nhật. (Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 138, note) Kho sách gia đình mang ra bán năm 1898 hay đấu xảo năm 1933 cũng không thấy có tự điển, sách dạy văn phạm hay bất cứ dấu vết (như ghi chú, v.. v... ) nào về ngoại ngữ này. Người đầu tiên ghi Petrus Key “nói” thạo tiếng Nhật là Pierre Vieillard vào năm 1947. Theo tài liệu tôi được tham khảo, các nhà truyền giáo không dạy tiếng Nhật ở Collège général de Pinang, và cũng chẳng có dấu vết nào của chủng sinh Nhật tại đây. Sau khi người sáng lập dòng Tên (Jesuites) là Francois Xavier đến Nhật giảng đạo, triều đình Nhật đi đến kết luận rằng Ki-tô giáo nguy hiểm cho chế độ, nên trục xuất tất cả các nhà truyền giáo Tây phương và ra lệnh cấm đạo. Giáo dân Ki-tô đầu tiên bị giết năm 1597. Khi giáo sĩ và giáo dân nổi loạn, các lãnh chúa Nhật bèn xuống tay mạnh. Vào năm 1613-1615, một số giáo sĩ Tây phương và giáo dân Nhật sống sót phải chạy trốn tới Philippines và Hội An [Faifo] lập nghiệp. Tới năm 1624, không còn một tín đồ Ki-tô hay nhà truyền giáo nào trên đất Phù Tang. (Hồng Lam & Léopold Cadière, Lịch sử đạo Thiên chúa ở Việt Nam [Huế: Ðại Việt thiện bản, 1944], tr. 167 [phần tiếng Việt]) Bởi thế, Hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp không có nhu cầu dạy và học tiếng Nhật. Hơn nữa, Petrus Key tự liệt kê đã xuất bản sách dạy tiếng Xiêm, Miên vào cuối thập niên 1880, rồi từ năm 1893 sách dạy tiếng Lào, Malay, Tamoule (Tamil?), Miến Ðiện, Ciampois (Chàm) mà chẳng thấy cuốn dạy đàm thoại Nhật ngữ hay danh từ Nhật nào. (Nếu có biết tiếng Nhật, thì có lẽ chỉ dăm tiếng chào hỏi làm vui; kiểu Ohio!)

   Tóm lại, khi trong tuổi thanh xuân, Petrus Key có thể  biết được năm, sáu thứ tiếng. Sau này, Petrus Key nghiên cứu thêm chữ Hán và chữ Nôm, và  có thể biết (đọc, viết hoặc nói) được 7, 8 thứ tiếng là cùng. (Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 138) Nhưng nếu nói thông thạo, thì chỉ khoảng 3, 4 thứ tiếng (Pháp, Việt, Việt Hán và chữ Nôm). Chỉ ngần ấy đã đủ là một học giả trong thế kỷ XIX và XX!

   Ðáng lưu ý nhất trong số tác phẩm của Petrus Key là các cuốn Mẹo luật dạy tiếng Pha-lang-sa: tóm lại vắn vắn để dạy học trò mới nhập trường (1872), và Abrégé de grammaire annamite [Sách mẹo An-Nam] (1867, 1924). Ðây không phải là những nghiên cứu nghiêm túc thuộc lãnh vực ngôn ngữ học, mà chỉ là những bài giảng dạy trong lớp cho các học sinh mới khai tâm. Phần văn phạm tiếng Pháp là tổng hợp kiến thức của tác giả “tóm lại vắn vắn để dạy học trò mới nhập trường.” Phần văn phạm tiếng Việt mới ít nhiều có sự đóng góp của ông, trong nỗ lực đưa chữ Việt mới (dựa trên mẫu tự Latin) từ khuôn viên các chủng viện ra ngoài xã hội, hầu thay thế hẳn chữ Hán-Việt. Sách lược này do Hội truyền giáo đề ra, nhưng các viên chức bảo hộ Pháp cực lực chống đối, nhấn mạnh vào việc dạy chữ Pháp.

   Thêm nữa, vì Petrus Key là một trong những người bản xứ tiên phong học hỏi rồi giảng dạy hai thứ  tiếng này ở Sài Gòn, hai tác phẩm trên của ông chỉ có giá trị lịch sử, giống như các tác phẩm đương thời của Hùinh Tịnh Paulus Của, v.. v... Gọi chúng bằng những đại ngôn như “sách nghiên cứu về ngôn ngữ học” sợ rằng không chỉnh.

   Ðó là chưa kể “thuyết” của Petrus Key in ở phần mở đầu cuốn Abrégé de grammaire annamite [Sách mẹo An-Nam] (1867, 1924), rằng người Việt đã có chữ viết kiểu “ghi âm” từ thế kỷ thứ V TTL–một lời võ đoán không có bằng chứng khả tín nào để yểm trợ.[ Xem đoạn sau]

   Ngoài ra, tiếng Pháp hay tiếng Việt là hai sinh ngữ, luôn luôn biến đổi về từ ngữ, thành ngữ, cũng như cách cấu trúc. Các sách về văn phạm của Petrus Key hầu như chẳng còn ảnh hưởng nào với quốc ngữ, và cũng không thể sử dụng cho “học trò mới nhập trường” Pháp ngữ hiện nay.

   Những “tác phẩm” dài vài trang (không quá vài chục trang) ghi vắn tắt về sử ký và địa dư của Petrus Key thì hầu như chẳng còn chút giá trị nào; ngoại trừ ở thời điểm khai sinh của chúng, để nạp cho cấp chỉ huy quân sự Pháp, hay huấn luyện viên chức Pháp-Việt. Ngay đến cuốn Cours d’histoire annamite [Bài giảng sử An-nam-nít] của Petrus Key, gồm 2 tập, do chính quyền Pháp in trong khoảng 1875-1877 [1879?] (hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp và Sài Gòn) thì không những thiếu phương pháp biên soạn, mà còn nhiều sai lầm về dữ kiện, với những lời phê bình võ đoán, khó thể coi là một bộ thông sử nghiêm túc. [Xem phần sau] 

“Tham Chánh” trong Tân Trào

   Trước năm 1996, nhiều người tin rằng Petrus Key chỉ bắt  đầu làm thông ngôn cho Pháp từ ngày 20/12/1860. Lá  thư viết vào cuối tháng 3/1859 gửi Trung tá Jauréguiberry và một số tư liệu khác do tôi phát hiện trong dịp làm việc tại Văn Khố Hải Quân Pháp tại Chateau de Vincennes năm 1996 không những phủ nhận niềm tin này mà còn khiến chúng ta phải xét lại đoạn đời “tham chánh” của Petrus Key dưới một ánh sáng khác.

   Trước hết, đừng quên nghị quyết của Ủy Ban Cochinchine vào tháng 5/1857. Theo tinh thần Nghị quyết này, Pháp cần biểu dương lực lượng ở Ðại Nam, thiết lập một tân trào với nòng cốt là “các thày kẻ giảng, với sự ủng hộ của 600,000 giáo dân Ki-tô.” (SHM [Vincennes], GG2-44, carton 3, GG2-99, carton 2; Nguyên Vũ, Paris Xuân 1996, tr. 213; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:74) Petrus Key rời Pinang vào năm 1857 hoặc 1858, trở lại Cái Mơn của Linh mục Borrelle (Giám mục Lefèbvre đang ở Chợ Quán để cố vấn cho quan Tướng Pháp), và chờ đợi để phục vụ “những nhà giải phóng được Thiên Chúa gửi xuống cứu độ giáo dân An Nam.” Vì Trung tá Jauréguiberry không tin tưởng Lefèbvre và từng lên án Lefèbvre phá hoại việc thương thuyết một hòa ước, nên Petrus Key chưa được trọng dụng ngay. Nhưng Petrus Key vẫn được làm thông ngôn ở Chợ Quán, với lương 20 đồng một tháng. Trong một phiếu trình lên Rigault de Genouilly, Jauréguiberry cho biết một thông ngôn tên “Petrus” phải uống thuốc quinine để chữa trị bệnh sốt rét, và ông ta định đưa “Petrus” ra Ðà Nẵng để thẩm vấn các quan viên Việt bị Pháp bắt giữ. Tháng 6/1859, Petrus Key tháp tùng Linh mục Legrand de la Liraye (cố Trường) ra Ðà Nẵng làm thông ngôn cho Louis Jules Lafont, tùy viên của Rigault de Genouilly, khi thương thuyết với Nguyễn Tri Phương về việc ký Hiệp định nhưng không thành công. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:106-7) Từ sau ngày này, Petrus Key trở lại Sài Gòn, tiếp tục làm việc cho ban thông dịch của Jauréguiberry (dưới quyền Cố Trường, tức Th. Le Grand de la Liraye).

   Sau khi Ðại tá J. d’Ariès [Dariès] thay Jauréguiberry làm chỉ huy trưởng Sài Gòn vào mùa Xuân 1860, Petrus Key tiếp tục “tham chánh” với chức vụ thông ngôn. Nhưng d’Ariès chẳng mấy thiện cảm với Petrus Key vì tính hạnh cũng như việc Petrus Key đòi lương quá cao (110 đồng một tháng vào tháng 5/1861; so với lương xã trưởng 21 đồng, thông ngôn thường là 20 đồng, nho 7 đồng, và cảnh sát 3 đồng vào năm 1859). Nếu tin được d’Ariès, Petrus Key từng bị sa thải khỏi Nha nội chính [hay Nội trị] vì kiêu ngạo và không biết tự khép mình trong khuôn khổ (thư ngày 21 và 28/5/1861 gửi Léonard Charner). Tuy nhiên, vì cần thông ngôn, các viên chức Pháp vẫn phải trông cậy ở các cố đạo và thày kẻ giảng bỏ tu mà họ chẳng trọng vọng hay kính phục gì. [Một Ðề đốc Pháp sau này nhận xét, “những cái tên Latin của chúng trình ra sự lường bịp, man trá và tham nhũng đặc thù Á đông.” (Pallu de la Barrière 1888:158)]

   Các tư liệu văn khố Pháp không cho biết rõ vai trò của Petrus Key trong cuộc thương thuyết Hiệp ước cắt ba tỉnh miền Ðông Nam Kỳ cho Pháp năm 1862. Không rõ Petrus Key giữ nhiệm vụ gì khi theo Thiếu tá Charles Simon ra Huế vào tháng 4/1862, chỉ biết sứ mệnh chính của Simon là thuyết phục triều Nguyễn về tối hậu thư của Thống đốc Louis Bonard (11/1861-4/1863): Ký hòa ước hay sẽ mất luôn Bắc Kỳ vào tay “Lê Duy Minh [Pedro Tạ Văn Phụng].” Cũng nên thêm rằng theo các Giáo sĩ, quan tướng Pháp đã gạt bỏ các giáo sĩ và nhóm thày kẻ giảng thông ngôn [như Petrus Key, Nguyễn Trường Tộ, v.. v..] trong đợt thương thuyết cuối cùng; và phải sử dụng người Hoa thông dịch để bảo mật và tránh sự phá phách của các cố đạo. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:149-50. Tôi chưa được đọc báo cáo ngày 22/4/1862 của Petrus Key, dẫn trong Nguyễn Văn Trung, 1993:75)

   Vì  thế, Petrus Key được cử qua dạy tại trường Thông Ngôn mà không làm việc trực tiếp với cựu Linh mục Théophile Legrand de la Liraye (cố Trường) hay Gabriel Aubaret, một chuyên viên Hán ngữ, nữa. 

Petrus Key và Sứ Ðoàn

Phan Thanh Giản (1863-1864)

   Trong tâm bút Paris: Xuân 1996, tôi còn công bố tài liệu về việc năm 1863, khi phái đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp xin điều đình việc chuộc lại ba tỉnh miền Ðông Nam Kỳ, ông Petrus Key là thành viên của phái bộ hướng dẫn Pháp, do Trung tá Henri Rieunier cầm đầu, mà không phải là thông ngôn của sứ đoàn nhà Nguyễn. Một phóng ảnh đã được in lại trong cuốn Hồ Chí Minh, 1892-1969, tập I (1997, tr. 68), và Các vua cuối nhà Nguyễn, tập I (1999, tr. 297).

   Cho tới năm 1996, nhiều người vẫn tin rằng năm 1863 “Phan Thanh Giản yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho phái đoàn đi Paris và Madrid.” (Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr. 24) Thực ra, chi tiết ông Petrus Key thuộc phái bộ Pháp tháp tùng sứ đoàn Phan Thanh Giản đã được công bố bằng Pháp ngữ từ năm 1919 và rồi Việt ngữ mới ở Sài Gòn từ năm 1960.

   Từ  năm 1919 và 1921, tờ Bulletin de Amis du Vieux Hue (BAVH, Thành tích biểu của Hội Những nguòi bạn của cố đô Huế) đã có những loạt bài dịch tập Nhu Tây sứ trình nhật ký của Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ. Các tài liệu này đều xác nhận thông ngôn chính của sứ đoàn Nguyễn là Linh mục Nguyễn Hoằng. Petrus Key và Tôn Thọ Tường là phụ tá của Trung tá Aubaret, thông dịch viên chính thức cho sứ đoàn Phan Thanh Giản trong thời gian tại Paris và Madrid. Năm 1918-1919, Cửu phẩm Ngô Ðình Diệm (1897-1963) tại Tân Thơ Viện Huế dịch và giới thiệu một phần báo cáo Phan Thanh Giản-Phạm Phú Thứ. Hai năm sau, Trần Xuân Toạn và Nguyễn Ðình Hoè dịch thêm phần còn lại, đăng trên BAVH năm 1921. (Xem, “L’Ambassade de Phan Thanh Gian,” traduit par Trần Xuân Toạn et Nguyễn Ðình Hòe; BAVH (1921), pp. 147-187, 243-281; hay A. Delvaux, BAVH (1926), pp. 69-80).

   Báo Văn Ðàn [của nhóm Tinh Việt Văn Ðoàn?] từng đăng bản dịch “Tây Hành Nhật Ký” [Nhật ký đi Tây] của cụ Phạm Phú Thứ, một phó sứ của Phan Thanh Giản, đã trình lên vua Tự Ðức ngày 31/3/1864. Theo tài liệu này:

       Ngày 1-2/7/1863, triều đình bổ sung danh sách phái bộ, thêm hai người thông ngôn [một người tên Nguyễn Văn Trường bị chết dọc đường]. Về phía Pháp, bổ  sung thêm 4 người, trong đó có Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn, Tôn Thọ Tường làm ký lục. (Hải Ngọc sao lục, in lại trong Phạm Phú Thú với tư tưởng canh tân [Ðà Nẵng: 1995], tr. 166-67). 

   Thập niên 1970, Nguyễn Huy Oanh cũng trình làng một biên khảo khá ông phu về Phan Thanh Giản, tổng hợp được hầu hết các tài liệu đã xuất bản về Phan Thanh Giản. Ngoài một số văn bản Hán ngữ giá trị từ Nguyễn Triều Châu Bản, được Pierre Daudin và Lê Văn Phúc (tức Lê Thọ Xuân) sưu tập từ thập niên 1940, Nguyễn Huy Oanh cũng dịch đăng nguyên văn danh sách hai phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Soái phủ Sài Gòn, có nhiệm vụ hướng dẫn và giúp đỡ sứ đoàn Việt.

   Không được đọc các tài liệu trên, hoặc đọc mà  không hiểu, cho tới năm 2001, tại hải ngoại vẫn có  người cả đoan rằng chính sứ thần Phan Thanh Giản  đích thân xin ông Petrus Key tham gia sứ đoàn Nguyễn, và nhắm mắt lại “phán” rằng tài liệu văn khố tôi công bố là “sai lầm.” Tôi không nêu tên những người này, vì không cần thiết. Ðiều đáng nói ở đây là sự phản ứng do tư tâm và cảm tính trên, dù dễ hiểu, nhưng không thể chấp nhận được ở những người từng tốt nghiệp Ðại học. Trước hết, những người này chưa từng nghiên cứu về sử, và kiến thức sử chỉ là tổng hợp những tư liệu đầy rẫy sai lầm của các tác giả và nhà truyền giáo trước đây (như không một giáo dân nào tiếp tay Francis Garnier trong cuộc đánh chiếm Hà Nội và Bắc Kỳ năm 1873 [sic]). Thứ hai, do một nguyên nhân thầm kín nào đó, họ mất đi sự lương thiện tối thiểu cần thiết của người trí thức và người cầm bút trong một cuộc tranh luận: Muốn chỉ trích hay đả phá một phát hiện lịch sử nào, cần trưng dẫn những tài liệu rõ ràng, hiển nhiên (thí dụ như trong trường hợp này, văn thư của Phan Thanh Giản gửi các quan tướng Pháp, hoặc trình báo lên vua Tự Ðức về việc xin đích danh Petrus Key, hay ban khen của Tự Ðức sau khi hoàn tất sứ mệnh). Ví thử kiến thức có bị ô nhiễm vì những sách báo cũ từ trước đến nay kiểu Petrus Key làm thông ngôn trong phái đoàn Phan Thanh Giản, hay “đích thân Phan Thanh Giản xin Petrus Key đi làm thông ngôn,” thì cũng cần vận dụng khả năng suy luận để tự hỏi tại sao trong số những người qua Pháp làm thông ngôn lại có thêm những Petrus [San], Ba Tường, Hiếu, Trần Văn Luông [Long], Simon Của, v.. v... mà sử sách cũ, ngoại trừ tư liệu của Phạm Phú Thứ, không hề chép đến? Và, cũng nên tự hỏi, chẳng lẽ Rieunier hay Aubaret “sai lầm” khi làm báo cáo xin lập phái đoàn thông ngôn qua Pháp năm 1863? Hoặc, nếu có cơ hội, nên dò hỏi xem quốc sử nhà Nguyễn có ghi chép gì về việc này hay chăng. Ðó là sự thận trọng tối thiểu cần thiết của người trí thức để tránh mắc phải lỗi lầm hồ đồ. Thứ ba, vì tư tâm, họ đã chỉ đọc sử và phản ứng về những phát hiện tư liệu mới theo quan điểm cá nhân hay lập trường tôn giáo hoặc chính trị, đưa ra những cảm nhận không những chỉ thiếu lý lẽ và những lời hô hoán, rẫy rụa của người bị giam hãm trong hầm tối đã lâu bỗng dưng bị đưa ra trước bầu trời rực nắng.

   Vì  tập đi sứ của Phạm Phú Thứ chưa  được phiên dịch toàn bộ ra Việt ngữ mới, chỉ  thấy có tên Aubaret là người thường xuyên liên lạc với phái bộ Việt. Ðiều này có nghĩa, khi về tới Pháp, Rieunier được chính thức nghỉ phép, và phái đoàn thông dịch do Aubaret cầm đầu, với các phụ tá người Việt như Petrus Key, “Ba” Tường, v.. v..., giữ việc liên lạc giữa Bộ Ngoại Giao Pháp và sứ đoàn. Chi tiết sứ bộ Việt từ Marseille qua Madrid phải giảm bớt 5 người để nhường chỗ cho Aubaret, Petrus Key, Ba Tường cùng hai người khác của soái phủ Sài Gòn cũng là một bằng chứng cho thấy sự khác biệt nhau giữa hai sứ đoàn Huế và soái phủ Pháp tại Sài Gòn. (Sứ đoàn Nguyễn phải rút lại còn 20 người để khỏi chật chội; Trần Xuân Toạn 1921:279). Ngoài ra, tên Trương Vĩnh Ký còn xuất hiện trong nhật ký của Phạm Phú Thứ khi sứ đoàn được chính phủ Espania mời đến thăm Roma một tuần, từ ngày 1 tới ngày 7/12/1863: Ngày 2/12/1863, theo Phan Phú Thứ, “Phái bộ đưa Trương Vĩnh Ký vào thăm thành Roma và gặp Giáo hoàng.” (Ibid., tr. 175)

   Cách nào đi nữa, cần khẳng định rằng “Những người An-nam-mít ở Nam Kỳ thuộc Pháp đi qua Pháp cùng với sứ đoàn của vua Tự Ðức [Annamites de la Cochinchine francaise allant en France avec l’ambassade du Roi Tu Duc],” trong phái đoàn Rieunier, gồm có nhất đẳng thông ngôn Petrus Key Trương Vĩnh Ký, Giáo sư trường thông ngôn Pháp; đệ nhị đẳng thông ngôn Petrus [San]; hai nho (lettré) Tôn Thọ “Ba” Tường (Phủ Tân Bình), và Hiếu (nho thuộc Bộ Tổng Tham mưu); hai học sinh trường Giám mục d’Adran, Trần Văn Luông [Long], con Trần Tử Ca, và Simon Của. Ngoài ra, còn 3 người hầu, kể cả Pedro Trần Quang Diệu. Họ không thuộc sứ đoàn Phan Thanh Giản (Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua, tập I, tr. 161, 163-4, 186chú49; Chính Ðạo, Hồ Chí Minh, tập I, tr. 68)

       21/6/1863: Phan Thanh Giản vào chào từ biệt Tự Ðức. Hiệp biện đại học sĩ Giản làm Chánh sứ qua Pháp (để đáp lễ việc Bonard tới Huế và quà tặng của Napolén III). Cùng đi có Phạm Phú Thứ, Tả Tham tri Bộ Lại, làm Phó sứ; Ngụy Khắc Ðản, án sát Quảng Nam (gốc Nghệ An), làm Bồi sứ, và hơn 50 tùy tùng.

       Mục  đích chính là điều đình sửa lại Hòa ước 5/6/1862, nhất là chuộc lại ba tỉnh miền Ðông theo kiểu Bri-tên đối xử với nhà Thanh. (Danh sách sứ đoàn trong Oanh, 1971:175-76)

       Khoản 2: Hạn chế số cố đạo là 15 người để dễ kiểm soát;

       Khoản 3: Lấy lại ba tỉnh miền Ðông sau khi trả tiền bồi thường chiến phí (indemnities) [chịu cắt nhượng thành Sài Gòn, Ðịnh Tường, Thủ Dầu Một và  Côn Lôn theo kiểu Bri-tên và nhà Thanh]; “nếu có  phải bù thêm số bạc nhiều ít bao nhiêu, nước tôi cũng yên lòng lo liệu chu thỏa.” [22-3]

       Khoản 4: Xin bỏ đoạn muốn cắt đất hay giảng hòa với nước khác phải có sự chấp thuận của Pháp; [23]

       Khoản 6: Xin bỏ điều kiện đặt lãnh sự quán  ở kinh đô. [24-5]

       Khoản 8: Xin kéo dài thời hạn trả tiền bồi thường chiến phí [4 triệu Mỹ Kim] thành 20 năm; [25] (ÐNTLCB, IV, 30:22-4).

       Theo Phan Thanh Giản, “chỉ biết hết lòng, hết sức mà  thôi;” chưa biết kết quả ra sao. Nếu thất bại, hy vọng vẫn tạo được cảm tình trong những liên hệ tương lai.” [30:25]

       Tự  Ðức ứa nước mắt nhắn nhủ phải hết sức. Không nên tin cậy bọn thông ngôn. Ðưng quì lạy khi triều kiến, mà áp dụng theo lệ Tây phương. (ÐNTLCB, IV, 30:21-5)

       22/6/1863: Phan Thanh Giản (Hiệp biện Ðại học sĩ) xuống tàu Echo vào Sài Gòn. (Ngô Ðình Diệm, “L’Ambassade de Phan Thanh Gian (1863-1864); BAVH, Vol VI, No. 1bis & 2 (Avril-June 1919), tr. 161).

       25/6/1863: Sứ đoàn Phan Thanh Giản tới Sài Gòn. (Ibid., tr.25) [Xem 4/7/1863]

       26/6/1863: Rieunier tới thăm sứ đoàn Phan Thanh Giản. Cho biết sẽ tháp tùng phái đoàn qua Pháp để hướng dẫn. Ba chánh phó sứ phải trả tiền vé tàu 536 đồng [piastre] mỗi người; 10 quan tùy tùng 241 đồng mỗi người; những người còn lại 121 đồng. Tiền hành lý hết 2,250 đồng. Tiền chi phí xe lửa là 1,000 đồng. Tổng số chi phí là 13,980 đồng. Mỗi đồng tương đương với 7 đồng 2 phân. (Ngô Ðình Diệm, 1919, tr. 167)

       Mấy ngày sau, Phan Thanh Giản chọn Linh mục Nguyễn Hoằng làm thông ngôn. Thông ngôn thứ hai là Nguyễn Văn Trường, bị chết dọc đường. (Ngô Ðình Diệm, 1919, tr. 170, 185)

       1/7/1863: Petrus “Key” Trương Vĩnh Ký, thông ngôn hạng nhất, và 3 người Việt khác, kể cả Tôn Thọ Tường, nho sĩ hạng nhất, được cử tháp tùng phái đoàn Pháp, do Hải quân Trung tá Henri Rieunier (Lý A Nhi) hướng dẫn.

       Gabriel Aubaret [A Bá Lý] cũng có mặt với phương vị  thông ngôn. (Danh sách chính thức phái đoàn thông ngôn gồm Petrus Key & Petrus [Nguyễn Văn] San, giáo sư trường Thông ngôn; hai “nho [lettrés]” (Ba [Tôn Thọ] Tường, Phủ Tân-bình, và [Quan Văn] Hiếu; hai học sinh trường Mgr D'Adran là Trần Văn Lương, con Huyện Ca, và Simon Của; cùng 3 người hầu, kể cả Pedro (Trần Quang Diêu); SHM (Vincennes), GG2 198, carton 1. Xem thêm Oanh 1974:174-92; Osborne 1969:6).

       2/7/1863 [17/5 Quí Hợi]: SÀI GÒN: De la Grandière mời sứ đoàn dự dạ tiệc. Giới thiệu phái đoàn Rieunier, với Trương Vĩnh Ký, [Paulus] San, Tôn Thọ Tường, Quan Văn Hiệu [Hiếu]. (Ngô Ðình Diệm, “L’Ambassade de Phan Thanh Gian (1863-1864); BAVH, Vol VI, No. 1bis & 2 (Avril-June 1919), tr. 171).

       4/7/1863 [19/5 Quí Hợi]: Tàu Européen nhổ neo ra khơi, mang theo sứ đoàn Phan Thanh Giản. 

    [Tiện  đây, cũng cần bác bỏ ngay “huyền thoại” Phan Thanh Giản cầm  đầu sứ đoàn của vua Minh Mạng qua Pháp năm 1839-1840? Theo Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện (truyện Phan Thanh Giản) cũng như Ðại Nam Thực Lục, Chính Biên, phái  đoàn này chỉ có hai quan Nguyễn là Tư vụ Trần Viết Xương và thư lại Tôn Thất Thường (hay Liễu), cùng hai thông ngôn. Họ dùng tàu của triều đình qua Giang-lưu-ba [Djakarta] vào tháng 10 Kỷ Hợi, tức trong khoảng 6/11-5/12/1839, trên tàu Thụy Long của Tham tri Ðào Trí Phú. Từ Djakarta, sứ đoàn đáp tàu Tây phương để qua Âu châu quan sát, ghi chép cẩn thận mọi sự mọi việc để về báo cáo, và mua hàng hóa. (ÐNTLCB, II, 21:230-31) Thời gian này, Phan Thanh Giản ở trong nội địa Ðại Nam, và không thể theo phái đoàn trên. Tài liệu các nhà truyền giáo mà tôi có cơ hội tham khảo thì chỉ ghi nhận là khi tới Paris vào cuối năm 1840, sứ đoàn Nguyễn còn ba [3] người. (Lettre Commune (Paris), 16/4/1841). Không thấy nêu tên thành viên sứ đoàn. [Xem thêm A. Delvaux, “L’Ambassade de Minh Mang a Louis Philippe, 1839 à 1841;” BAVH (10-12/1928), pp. 257-64]

Ðào Tạo Thông Ngôn

   Từ  Pháp trở về, Petrus Key vẫn tiếp tục nghề thông ngôn cho Soái phủ Pháp (vì tiền bạc, dĩ nhiên, nhưng cũng vì lập trường đồng hóa quyền lợi cá  nhân với quyền lợi nước Pháp ở Ðại Nam). Nhưng vai trò Petrus Key ngày một thăng tiến. Năm 1866, theo một tác giả, Petrus Key được cử làm Giám đốc trường thông ngôn (Collège des Interprètes). (Phạm Long Ðiền, “Những khám phá mới về Gia Ðịnh Báo;” Bách Khoa M [số 403] (1974), tr. 33-37; N [số. 404] (1974), tr. 23-30). Làm việc tại đây khoảng 2 năm, ngày 2/11/1868, Petrus Key xin từ chức vì đụng chạm với Giám đốc Sở Nội chính là Paulin Vial. (Ibid., tr. 34)

   Trường Thông Ngôn này, tưởng nên thêm, nhằm đào tạo thông ngôn cho các địa phương. Ngoài việc giúp các đạo quân viễn chinh Pháp (như thông dịch, thu lượm tin tức tình báo, v.. v... ) họ còn có nhiệm vụ truyền bá chữ “quốc ngữ mới.”

   Triều  đình Huế cũng lựa chọn một số thiếu niên thông minh gửi vào Sài Gòn cho Petrus Key huấn luyện. Và đây là lần đầu tiên tên Petrus Key, đúng hơn, Trương Vĩnh Ký, được ghi chép trong Ðại Nam Thực Lục, Chính Biên. (Xem thêm Châu bản Tự Ðức, ngày 1/12 TÐ XXII, CB 337, tờ 185-188; LTTƯ 2)

Nhà  Báo

   Ngày 16/9/1869, XLTV Thống đốc Sài Gòn là Ðề đốc Maurice G. H. Ohier (4/1868-12/1869) ký Nghị định số 298 bổ nhiệm Petrus Key làm “Chánh tổng tài” [Chủ biên] Gia Ðịnh Báo. (Phạm Long Ðiền, “Gia Ðịnh Báo;” Bách Khoa M [số 403], 1974, tr. 34-5) Tuần báo này xuất bản năm 1865, phát không trong các làng mạc để phổ biến chính sách của Pháp. (Ibid., tr. 36; Courrier de Saigon, số 7, 5/4/1865) Báo xuất bản tới cuối năm 1909, và đình bản từ ngày 1/1/1910. Trong số những Chủ biên cuối cùng có Diệp Văn Cương (21/5/1908-18/9/1908). (Lê Văn Cẩn, “Góp ý với ông Phạm Long Ðiền về Gia định báo;” Bách Khoa, số P, 1974, tr. 73-4) Thư viện Quốc Gia Pháp có một sưu tập khá đầy đủ tựa báo này, từ năm 1866. (Năm 2000, chỉ còn từ năm 1867)

   Trong khi trông coi tờ Gia Ðịnh Báo, năm 1872, Petrus Key được Thống đốc Jules Dupré (4/1871-3/1874) thăng lên hàm tri huyện hạng nhất. (BK, N, tr. 20) Ít lâu sau, khi Elucian Luro thành lập trường Tập sự Hành chánh thuộc địa [Collège des Stagiaires], Petrus Key được điều về đây dạy tiếng Việt và những môn liên hệ đến lịch sử, phong tục, địa lý cho các viên chức Pháp-Việt.

   Năm 1888, Petrus Key (lúc này đổi tên thành Petrus J.B. Trương Vĩnh Ký) xuất bản một tờ học báo lấy tên  Miscellanées ou Lectures instructives pour les élèves des écoles primaires, communales, cantonales et les familles (Thông Loại Khóa Trình). Báo ra hàng tháng, từ tháng 1/1888 tới tháng 10/1889, được 18 số. (Nguyễn Văn Trung, 1993:169-205)

Chuyến  Ði Bắc Kỳ Năm 1876 [Ất Hợi]

   Năm 1876, Petrus Key được soái phủ Sài Gòn cử ra Bắc thi hành một nhiệm vụ bí mật. Ngày 28/4/1876, Petrus Key viết một báo cáo khá dài cho Ðô đốc [Charles Duperré, 12/1874-10/1877] qua trung gian Regnault de Premesnil [Chánh văn phòng của Duperré].” (Bouchot, pp. 34-41). Theo học giả Osborne, báo cáo này có thể tìm thấy trong Bảo tàng viện Petrus Key ở Sài Gòn. Năm 1881, Petrus Key cũng viết lại bằng tiếng Việt, cho in dưới tựa Voyage au Tonking en 1876 - Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi. Tuy nhiên, phần báo cáo chính trị bị cắt bỏ, mãi sau ngày Petrus Key chết mới được công bố. (Tựa sách này lưu trữ trong thư viện Mitterand, Paris; và dịch qua Anh ngữ, với tựa P.J.B. Truong Vinh Ky, Voyage to Tonking in the Year At Hoi (1876), trans. by P. J. Honey (London: 1982).

   Chuyến  đi bí mật của Petrus Key này khiến có người kết  án Petrus Key “làm gián điệp” cho Pháp. Nhưng có thể đây chỉ là một chuyến du khảo miền Bắc, sau khi triều Huế đã ký Hiệp ước Giáp Tuất (15/3/1874) nhượng đứt sáu tỉnh miền Nam cho Pháp. Không hiểu chuyến đi này liên hệ gì đến lời phản kháng mạnh mẽ của Giám mục Paul Puginier và giới giáo sĩ về việc mà họ gọi là sự phản bội của ông Paul Philastre hay dự án ép triều Nguyễn tu chính Hòa ước 1874 của Duperré hay chăng? (Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:244-8) Trong chuyến đi năm 1876, Petrus Key được tiếp xúc rất nhiều người. Thoạt tiên là Lãnh sự Hải Phòng, tức Y sĩ Hải quân Louis Turc, một cựu Ðốc lý Sài Gòn. Rồi đến Tổng đốc Hải Yên Phạm Phú Thứ, người từng biết Petrus Key khi qua Pháp năm 1863-1864. Linh mục Trần Lục, Chánh xứ Phát Diệm, cánh tay bản xứ của Giám mục Puginier–người tuyển mộ cho Francis Garnier từ 12,000 tới 14,000 lính đánh thuê trong cuộc xâm chiếm Bắc Kỳ năm 1873, mà đa số là giáo dân Ki-tô như Hồ Văn Vạn, Phạm Quang Diệu, Nguyễn Quí Cát, Lê Văn Tốn, Nguyễn Tích, v.. v... (ÐNTLCB, IV, 33:83-5; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:225-226)–cũng dẫn Petrus Key tới tận Thanh Hóa, Ninh Bình, Kẻ Sở. Thông điệp, hay lời khuyên của Petrus Key với các giới chức Việt là hãy hợp tác chân thành với người Pháp, đưa cả hai tay mà nắm lấy họ. Nguyên văn như sau:

       Thưa quí ngài, tôi trả lời . . . . quí Ngài chỉ cần có lòng tin tưởng ở các đồng minh đáng kính của chúng ta [tức người Pháp] và nương tựa hết sức vào họ để mà tự đứng dậy, nhưng cần thẳng thắn, không một hậu ý, không có những mưu mẹo bí mật, đưa cả hai tay cho họ mà không chỉ đưa ra một tay, tay kia dấu lại.

       (Nguyên văn: “Messieurs, ai-je repliqué, . . . . vous n’avez qu’à avoir confiance en vos illustres alliés [les Francais] et à vous appuyer sincèrement sur eux pour vous relever, mais franchement, sans arrière-pensée, sans secret combinaison, leur donner les deux mains et non pas en livrer une et réserver l’autre;” Báo cáo ngày 28/4/1876, P. Truong Vinh Ky gửi Duperré. Phạm Thế Ngữ chỉ dịch lại một phần báo cáo trên, [Phạm Thế Ngữ, tr. 72] nên chỉ hiểu “một nửa” quan điểm chính trị của Petrus Key. Nguyễn Văn Trấn cũng lược dịch phần nào; Trấn 1993, tr. 40-1). 

   Trọng tâm báo cáo chính trị của Petrus Key là cả người Bắc kỳ lẫn Pháp đều hưởng lợi nếu Pháp bành trướng ảnh hưởng ra miền Bắc. (Truong Vinh Ky, Voyage to Tonking, 1982:122-25). Vấn đề cần tra cứu thêm là liên hệ giữa Petrus Key với nhóm Paulus Thy, tức Lê Bá Ðỉnh, và Constantin, Pène, v.. v... trong âm mưu biến thông ngôn Lê Bá Ðinh (Paulus Thy) thành Lê Gia Hưng, con cháu nhà Lê, sẽ khởi nghĩa ngày 6/11/1879 với niên hiệu Ứng Thuận–mà triều đình Huế, vì lý do riêng, cho là “những lới nói vu vơ của Mô-răng,” rồi cách chức Phú Thứ vì tội “hoang báo” và dung dưỡng cho thuộc hạ chở gạo tư về Quảng Nam. (CAOM (Aix), Indochine AF, 14/A 30(31); GGI, d. 11939; ÐNTLCB, IV, 34:262, 35:13, 88; Nguyen The Anh, 1992:39-40. Xem thêm đoạn nói về “Ẩn sĩ ở Huế” infra)

   Petrus Key cũng nêu lên tình trạng Lương-Giáo nghi ngờ, thù  hận lẫn nhau, và tiết lộ nhiều giáo mục bản xứ đã hành động quá đáng trong lúc trả  thù, báo oán (tức vụ Văn thân nổi dạy và vụ  nổi loạn của Hồ Văn Vạn cùng nhóm lính đánh thuê cũ của Garnier). Ðiều này chứng tỏ quan điểm tôn giáo của Petrus Key đã rộng rãi hơn 18 năm trước, hoặc các giáo mục giáo dân miền Bắc dưới trướng Puginier còn bảo thủ và quá khích hơn cả Petrus Key.

   Ðáng lưu ý và cần nhấn mạnh rằng Petrus Key, với phương vị một đặc sứ của Pháp, gốc nước Nam Kỳ thuộc Pháp, dùng những tiếng như “rebelles” [ngụy, tức giặc hay làm loạn] để diễn tả các tổ chức và cá nhân kháng Pháp ở miền Bắc. Và đây không phải là lần đầu hay cuối cùng. [Người học sử Việt không thể không nghĩ đến Lê Tắc với những tiếng như “bạn nghịch,” “phản,” hay “yêu đảng” trong An Nam Chí Lược hơn 500 năm trước khi nói về Hai Bà Trưng, v.. v...]

   Chẳng hiểu Duperré, lúc ấy đang nghỉ phép ở  Paris, nhận được báo cáo của Petrus Key ngày nào. Chỉ biết ngày 1/6/1876, khi Duperré sắp lên đường trở lại Ðông Dương, Bộ trưởng Hải Quân & Thuộc Ðịa chỉ thị là không được can thiệp vào Bắc Kỳ và phải ngăn cản các giáo sĩ làm loạn hay khôi phục nhà Lê. (AMAE (Paris), Documents Diplomatiques, I, tr. 55-7; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, I:248)

   Những ai còn hoài nghi về lập trường chính trị của Petrus Key không thể không đọc báo cáo này. Nó  bộc lộ rõ ràng quyết tâm của Petrus Key: phục vụ Pháp, không một chút hậu ý. Lập trường này  đã nhiều lần được Petrus Key viết thành văn. Thư gửi Paulin Vial ngày 3/10/1868 chỉ là một thí dụ ngoài báo cáo năm 1876 vừa lược dẫn. Cho đến lúc gần cuối đời, Petrus Key vẫn không thay đổi lập trường: Ông muốn dạy dỗ cho các thế hệ thanh thiếu niên Việt “đưa cả hai tay nắm lấy người Pháp mà đứng lên.” 

“Ẩn sĩ” ở Huế (1886)

   Thời gian làm việc tại Viện Cơ Mật Huế năm 1886 có  lẽ là giai đoạn vàng son nhất của Petrus Key.

   Ý định đưa Petrus Key ra Huế để lập một hạt nhân những người đồng hóa quyền lợi bản thân với quyền lợi Ðại Pháp đã được nghiên cứu ở Paris từ năm 1885, sau biến cố đêm mồng 4 rạng ngày 5/7/1885 ở Huế, tức Phụ chính Tôn Thất Thuyết tấn công quân Pháp, đưa ấu vương Hàm Nghi (1885-1888) đi kháng chiến. Ngày 28/10/1885, Bộ trưởng chiến tranh Pháp là Tướng Boulanger đề cử Petrus Key với Tướng Roussel de Courcy để phụ giúp Ðồng Khánh (1885-1889)–người được Giám mục Caspar và Puginier ủng hộ lên làm vua để “phục hưng dòng chính thống” và biến Hàm Nghi thành một “chú bé chạy trốn lang thang”, hầu lấy đi uy thế của phong trào Cần Vương [Giúp vua]. Tuy nhiên, de Courcy không muốn sử dụng Petrus Key, người mà theo ông ta từng dính líu vào vụ giặc biển Tạ Văn Phụng ở Bắc Kỳ (1861-1865), và chủ trương Pháp nên rút bỏ Bắc Kỳ gạo, tập trung giữ vùng Bắc Kỳ biển trong hai năm 1879-1880 của Linh mục Peine [Pène?] Siéfert. (SHAT [Vincennes], 10H xxx) Nhưng khi de Courcy xin hồi hương, và Paul Bert được cử làm Tổng Trú Sứ Ðại Nam, cả Petrus Key lẫn Peine-Siéfert đều được trọng dụng. Ngày 12/4/1886, Bert cử Petrus Key vào làm việc trong Viện Cơ Mật Huế. Trong gần nửa năm tại Huế, “ẩn sĩ” Petrus Key và Linh mục Peine-Seifert là cặp bài trùng gây nên nhiều chống đối trong giới quan lại. Linh mục Nguyễn Hoàng [Hoằng], người lo việc thông ngôn khá lâu ở triều đình, bị đuổi ra Thanh Hóa, rồi chết ở đây.

   Theo tài liệu quốc sử Nguyễn, tháng 3 Bính Tuất [4/4-3/5/1886], Ðồng Khánh phong “ẩn sĩ” Petrus Key [lúc này đã lấy tên Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký] làm Hàn Lâm Thị  giảng học sĩ [tòng tứ phẩm].( ÐNTL,CB, 37:148) Hai tháng sau, Petrus Key được thêm chức Tham tá Cơ Mật Viện cùng với Thị giảng Nguyễn Trọng Tạo. Tháng 8 Bính Tuất [29/8-27/9/1886], Soái phủ Sài Gòn tăng cường thêm cho nhóm thông ngôn miền Nam Diệp Văn Cương và Trương Vĩnh Thế (có họ với Petrus Key). Ðồng Khánh phong cho họ chức Hàn Lâm Viện kiểm thảo [tòng thất phẩm].( ÐNTL,CB, 37:196-197)

   Nhiệm vụ chính của Petrus Key trong giai đoạn này là nắm gọn vua Ðồng Khánh–dạy bảo vua phải biết đưa hai tay ra nắm lấy người Pháp, và lựa chọn vào Viện Cơ Mật những người đồng hóa quyền lợi bản thân với quyền lợi nước Pháp. Ngoài ra, Tổng trú sứ Bert muốn Petrus Key khuyên dụ Ðồng Khánh ký một qui ước tách biệt Bắc Kỳ khỏi Huế, thành lập chức Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ, có toàn quyền thay mặt triều đình xử lý mọi việc. (Dụ ngày 3/6/1886) Nguyễn Hữu Ðộ được cử vào chức vụ này. Ðổi lại, Bert chính thức hủy bỏ Qui ước 30/7/1885, tức qui ước đặt phần lãnh thổ còn lại của Ðại Nam dưới chế độ quân quản Pháp, và cho phép 12 tỉnh An-Nam được nhiều quyền tự trị hơn. (ÐNTL,CB, 37:108; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập II. Xem thêm thư ngày 25/9/1886, Bert gửi Petrus Key; Trấn, 1993, tr. 83-84). Việc sử dụng Hoàng Kế Viêm, một lão tướng trụ cột của nhà Nguyễn tại Bắc Kỳ trước năm 1883, để “an phủ” [chiêu hồi] các lực lượng Cần Vương là một thành quả khác của Petrus Key.

   Tuy nhiên, chủ trương đứng ngoài cuộc tranh chấp Giáo-Lương của Bert và Petrus Key không được sự tán thưởng của giới giáo sĩ. Giáo sĩ và giáo dân bất chấp lệnh “an phủ” của Bert, tiếp tục bắt giết các thủ lĩnh Cần Vương về hàng, kể cả thày dạy cũ của Ðồng Khánh là Trần Văn Dữ. Thư ngày 5/10/1886 mà Petrus Key gửi cho Bert phần nào phản ảnh sứ mệnh khó khăn của mình. (Xem thêm thư ngày 19/1/1887, Petrus Key gửi Noel Pardon; Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr. 96-98; Osborne 1969:134-35)

   Dẫu vậy, Bert vẫn đề nghị Paris ban thưởng cho Petrus Key một tấm Ðệầ Ngũ Ðẳng Bắc đẩu Bội tinh, loại huân chương cao quí của nước Pháp mà rất ít người, kể cả sĩ quan và viên chức Pháp, được phong tặng. (Thư ngày 25/9/1886, Bert gửi Petrus Key; Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr. 83-84) Trong số rất hiếm người Việt được ân thưởng Bắc đẩu Bội Tinh còn có Huyện Sỹ, Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Trần Lục, Ngô Ðình Khả, Nguyễn Hữu Bài, v.. v.... Không hề vào sinh ra tử, chỉ với số vốn liếng chữ Pháp và Latin hấp thụ được từ trường Collège général de Pinang và ngòi bút của mình, Petrus Key đã cấy xuống hạt mầm của kế hoạch tách hẳn Bắc Kỳ khỏi An-Nam mà đến năm 1897 người Pháp mới thực hiện được qua nhóm Nguyễn Thân-Ngô Ðình Khả. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, II:542-43)

   Cái chết đột ngột của Bert vào tháng 11/1886 chấm dứt vĩnh viễn vai trò chính trị của Petrus Key tại Huế. Nhưng giai đoạn ngắn ngủi mà Petrus Key làm “ẩn sĩ” ở kinh đô lưu lại những kỷ niệm chẳng mấy tốt đẹp. Sau này, ngày 10/4/1892, Phủ Phụ Chính của Thành Thái (1889-1907) gửi công văn cho Jean de Lanessan yêu cầu Toàn quyền Pháp đừng bao giờ gửi ra Trung Kỳ những nhân vật như Petrus Key, Diệp Văn Cương, thông phán Nguyễn Trọng Tạo hay ký lục Lê Duy Hinh, v.. v... (Người dịch thư này từ Hán ngữ qua Pháp ngữ là Ngô Ðình Khả; Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, II:534, 593chú 43).

   Mùa Xuân năm 1888, Petrus Key lại có dịp tiếp tay Pháp mở  rộng biên giới Ðông Dương. Tháng 4/1888, Petrus Key qua Bangkok để thi hành một sứ mệnh đặc biệt. Trong báo cáo vào tháng 5/1888, Petrus Key yêu cầu người Pháp khuyến khích triều Nguyễn tuyên bố các xứ Nam Chưởng [Luang Prabang], Vạn Tượng [Viêng Chăn], v.. v... vốn là chư hầu của Ðại Nam, ba năm cống hiến một lần, hầu chống lại đòi hỏi lãnh thổ của Xiêm La. (Bouchot, tr. 91-97; bản dịch “Những năm cuối cùng của cuộc đời Pétrus Ký” của Tân Văn Hồng; Nguyễn Thanh Liêm, op. cit., tr. 107-11) Cũng trong thời gian này, Toàn quyền Pháp cho lệnh triều Ðồng Khánh lục lọi văn khố, tìm bất cứ tài liệu nào về chủ quyền của Ðại Nam trên đất Lào. Nhờ vậy, Lào được sát nhập vào Ðông Dương như “xứ” (pays) thứ năm. Tháng 7/1893, Pháp gửi chiến hạm ngược sông Chaophraya lên Bangkok, uy hiếp chính phủ Chulalongkorn (1868-1910). May mắn cho Chulalongkorn, vì cả Bri-tên và Pháp muốn duy trì Xiêm La (Syam) như một trái độn, nên năm 1896, hai bên ký Hiệp ước tôn trọng chủ quyền của Xiêm. Ðổi lại, Xiêm La nhìn nhận biên giới hiện nay.

   Tóm lại, thời gian ở Huế nói riêng, và suốt gần 40 năm phục vụ chế độ Bảo hộ Pháp, Petrus Key luôn luôn bày tỏ một lòng yêu nước nồng nàn. Nhưng là lòng yêu nước Pháp, tổ quốc mới của ông. 

Petrus Key và Vụ án

Tống Thị  Quyên-Hoàng tôn Ðán

   Mới  đây khi hiệu đính hai cuốn Việt Nam Niên Biểu, Tập II-A: Các tôn giáo và II-B: Các tổ chức chính trị (đang in) tôi có dịp duyệt xét lại vài chi tiết trong tập Cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse-Cochinchine [Bài giảng sử ký An-nam-mít dùng cho các trường ở Nam Kỳ thấp] (2 tập, Sài Gòn: 1875-1877[1879]) của Petrus Key.

       [Trọn bộ sách này hiện lưu giữ tại Thư viện Quốc Gia Pháp (Mitterand) ở quận XIII, Paris. Hơn 10 năm trước, tôi chỉ ghi chép những nét chính; năm 2001 nhờ Luật sư Trần Thanh Hiệp làm giúp phóng ảnh, nhưng sách đã quá cũ, nên Luật sư Hiệp đã ưu ái chép giúp lại những trang cần thiết, từ trang 257 tới 261, vừa đủ sử dụng cho phần này. Ðầu năm 2002, cháu Vũ Thái Dũng tìm được bản sao không toàn vẹn của tập II từ Sài Gòn. Ðọc kỹ những trang chót, tôi nghĩ tập này phải in năm 1879, không phải 1877 như đã ghi ở đầu sách]

   Trong tập Cours d’histoire annamite nói trên, Petrus Key thuật lại rằng theo lời đồn vua Minh Mạng “đi lại” với chị dâu góa (tức Tống Thị Quyên, vợ Hoàng tử Cảnh), khi chị có thai, bèn kết tội lăng chạ và ghép án tử hình, chết chung với hai đứa con trai [Hoàng tôn Ðán tức Mỹ Ðường, và Mỹ Thùy]. Lại còn phụ chú rằng vua cho chọn “tam ban triều điển”: tự tử bằng thuốc độc, thắt cổ, hoặc dao găm.

       [Nguyên văn: Son frère Cảnh était mort, laissant deux fils; leur perte fut résolu. Minh Mang, dit-on, eut des relations avec la veuve de son frère et la rendit enceinte. Quand la grossesse fut apparante, il l’ờa condamné à mort pour inceste, elle et ses deux fils, ses deux propres neveux. Il leur accorda cependant la faveur de choix du genre de mort.( 1)

       ___

       1. Cette faveur, appelé tam ban triều  điển, consiste à envoyer au condamné  priviligé trois engins de destruction: (1) trois mètres de soie rose pour s’étrangler ou se prendre; (2) un verre de poison pour boire; (3) un sabre pour se couper la gorge. (II:259-60)] 

   Petrus Key nhận xét rằng đây là một “tội ác”  vì Minh Mạng là người có bản chất “ác độc, lạnh lẽo, tối tăm và gian xảo” [nature méchante, froide, sombre et fausse].( II:260)

   Mặc dù Trần Trọng Kim đã bài bác tin đồn (dit-on) này (VNSL, II:187), một số nhà truyền giáo vẫn sao chép lại, và dời ngày Hoàng tôn Ðán bị giết từ 1824 tới 1835. (Xem, Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử [1965], I:300-1). Năm 1993, ông “Bảy” Trấn cũng lập lại nguyên vẹn chi tiết “loạn luân” và “giết người bịt miệng” trong một biên khảo về Petrus Ký. (1993, tr. 51).

   Trước hết, phải khẳng định: Theo Ðại Nam Thực Lục, Chính BiênÐại Nam Chính Biên Liệt Truyện, của Quốc sử quán triều Nguyễn chỉ có Tống Thị Quyên, vợ góa Hoàng tử Cảnh, bị dìm nước chết trong năm Giáp Thân (1824). Người thi hành bản án này là Tổng trấn Gia Ðịnh thành Lê Văn Duyệt (cũng người được các giáo sĩ và Petrus Key mô tả như chống lại vua Minh Mạng, ủng hộ Hoàng tôn Ðán, những lời võ đoán trái ngược với sử nhà Nguyễn), mới từ thành Phiên An (Sài Gòn) ra Huế dự thượng thọ của Hoàng Thái hậu (mẹ sinh Minh Mạng). Hoàng tôn Ðán [Mỹ Ðường] bị phế làm thứ dân, dời nhà khỏi Hoàng thành từ tháng 12 Giáp Thân [19/1-17/2/1825], và cấm không được vào chầu. (ÐNTL,CB, II, 7:104-5; ÐNLT, CB q. 2 (truyện Anh Duệ Hoàng thái tử) & 23 (truyện Lê Văn Duyệt hạ) [1993], II:49, 396 [Việt ngữ]). Ðán bị đặt trong tình trạng giám sát thường xuyên, và năm 1849 mới chết giữa lúc kinh đô bị bệnh thời khí. (ÐNTL,CB, q. 2 [1993], II:52-4). Nói cách khác, Minh Mạng không “thủ tiêu” Ðán như Petrus Key và các giáo sĩ tung tin đồn. Em Ðán là Thái Bình Công Mỹ Thùy chết “bệnh” năm 1826 [tháng Bảy Bính Tuất, 4/8-1/9/1826], khi đang bị quân lính kiện. (ÐNTL,CB, II, 8:76) Tháng Tám Bính Tuất [9/1826], Minh Mạng cho Lệ Chung, con Mỹ Ðường, mới 6 tuổi, được tước Ứng Hòa hầu để giữ hương hỏa Thái tử Cảnh. (ÐNTL,CB, II, 8:97)

   Khi sơ thảo cuốn Các vua cuối nhà Nguyễn, tôi đã sử dụng tài liệu của các nhà truyền giáo. Nay xin viết rõ lại, và hy vọng độc giả chưa có phần “Ðính chính” sửa chữa giúp ấn bản năm 1999 (tập I) như sau:

    tr. 52, dòng 8-9: “Việc Minh Mạng giết chết mẹ ruột  Ðán là Tống Thị Quyên rồi biếm Mỹ Ðường làm thường dân vào năm 1824 . . . .”

    tr. 57, dòng 17-19: “Bởi thế  sau khi giết Tống thị (vợ  Cảnh) và biếm Hoàng tôn  Ðán làm thường dân, ngày 12/2/1825, vua mật chỉ  cho Tổng Ðốc Quảng Nam:” 

   Vụ  án Nguyễn Văn Thành (1758-1817)

   Nhân  đây cũng bàn thêm việc liên quan giữa vụ án Nguyễn Văn Thành cùng cuộc tranh chấp ngôi vua giữa Hoàng tôn Ðán (?-1849, cháu đích tôn Gia Long) và Hoàng tử Ðảm (1791-1841, Hoàng tử thứ tư), tức vua Minh Mạng.

   Petrus Key và các giáo sĩ chép rằng “Nguyễn Văn Thiềng” [Thành] “Phó vương (Vice Roi) ở Bắc Kỳ” bị Minh Mạng (1820-1841) giết vì một bức thơ giả mang dấu ấn của Thiềng. Lê Văn Duyệt “ngán ngẫm” trước cảnh này, xin vào Gia Ðịnh đánh giặc. (Cours d’histoire annamite, 1877[?],tome II, tr. 261; Trấn 1993, tr. 51-2).

   Câu chuyện “cổ tích” mà Petrus Key chép bằng tiếng “Pha Lang Sa” để “kiếng” cho “học trò các trường đất Nam kì” trên (Xem thư ngày 25/2/1875 của P.J. Truong Vinh Ky, ở phần đầu tập I, Cours d’histoire annamite; Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr. 32), dĩ nhiên, khác xa với sử liệu Nguyễn. Cuộc thanh trừng phe ủng hộ Hoàng tôn Ðán (như cha con Nguyễn Văn Thành) xảy ra dưới triều Gia Long (1802-1820). Lê Văn Duyệt (1754-1832), Phạm Ðăng Hưng và Nguyễn Hữu Nghi thủ diễn vai trò quan trọng trong cuộc thanh trừng này. Ba năm sau, khi vua Gia Long từ trần, Ðông Cung Thái tử Ðảm lên nối ngôi, tức vua Minh Mạng (1820-1841). Hai người được Gia Long chọn để nhận di chiếu là Phạm Ðăng Hưng (nhạc phụ của Thiệu Trị, 1841-1847) và Lê Văn Duyệt. Sau khi lên ngôi, để thưởng công cho Lê Văn Duyệt, Minh Mạng cử Tả quân Duyệt làm Tổng trấn Gia Ðịnh lần thứ hai từ tháng 5 Canh Thìn (11/6-9/7/1820).

   Petrus Key và các giáo sĩ, với thành kiến tiên thiên là  các vua nhà Nguyễn thuộc loại “ác quỉ,”  muốn hậu thế tin rằng Minh Mạng muốn tru diệt công thần, dòng dõi họ Lê và tất cả những người chống đối để bảo vệ ngôi báu. Bởi thế, Petrus Key cho Lê Văn Duyệt “chứng kiến tận mắt” cảnh Minh Mạng bầy kế lấy trộm ấn “Phó vương (Vice Roi) Bắc Kỳ” của Chưởng Trung quân “Nguyễn Văn Thiềng” [Thành] rồi viết ra một thư giả nhân danh Thiềng và các con kêu gọi dân chúng làm loạn, hầu lấy cớ giết hại cả hai cha con “Thiềng.” Phần Lê Văn Duyệt, nhờ may mắn hơn, tìm thấy kẻ ăn trộm ấn của mình nên thoát chết, chỉ bị gửi vào Gia định thành để dẹp loạn. (Cours d’ờhistoire annamite, 1877 [?],II:260-1; Trấn 1993, tr. 51-2)

   Trong hơn một trang “sử” nhằm chứng minh “bản chất gian ác” của vua Minh Mạng trên chỉ có một nửa sự kiện xảy ra, đó là việc Tả quân Duyệt bị mất trộm ấn năm 1816. Còn lại, hoàn toàn sai lạc.

   1. Thứ nhất, khi xảy ra vụ án Nguyễn Văn Thành (kéo dài từ năm 1815 tới 1817), Minh Mạng chưa lên làm vua. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập I, tr. 83n38)

   2. Thứ hai, Nguyễn Văn Thành hay Lê Văn Duyệt chẳng bao giờ được tước “Vice Roi” [Phó vương] (ngay từ năm 1886, Paul Bert đã từng chất vấn Petrus Key về việc này). (Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr. 72-3)

   3. Thứ ba, Nguyễn Văn Thành, cựu Tổng trấn Bắc thành, đã rời Hà Nội từ năm 1810, sau khi mang quan tài mẹ về Huế chôn cất. Sau đó được giao việc biên soạn Bộ luật Gia Long, và rồi giữ chức Chưởng Trung quân, tức cầm đầu quân đội. Như thế, không thể có việc Nguyễn Văn Thành bị trộm ấn tín “Vice Roi” để đóng vào lá thư giả kêu gọi làm loạn nào đó.

   4. Thứ tư, theo sử nhà Nguyễn, vụ án Nguyễn Văn Thành khởi sự từ một bài thơ của con Nguyễn Văn Thành, tức Cử nhân Nguyễn Văn Thuyên (khóa 1813). Sau đó, đến việc Lê Duy Hoán khai rằng từng nhận được thơ Thuyên xúi làm loạn. Lê Văn Duyệt chứng kiến tận mắt vụ án này không phải trong cảnh đồng hội, đồng thuyền với Nguyễn Văn Thành, mà là người chủ chốt (cùng với Phạm Ðăng Hưng và Nguyễn Hữu Nghi) buộc Nguyễn Văn Thành vào tội chết. [Xem phần sau]

   5. Thứ năm, việc mất ấn Tả quân (mà không phải ấn “Vice Roi”) của Lê Văn Duyệt năm 1816 có liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Thành. Người ăn cắp ấn, một tên Hựu nào đó, khai rằng Nguyễn Văn Thành xúi y làm bậy; Lê Văn Duyệt tâu lên Gia Long, nhưng vua bỏ qua vì không đủ chứng cớ. (ÐNTL,CB, I, 4:302)

   6. Thứ sáu, sau khi kết thúc vụ án Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt được cử ra vùng Nghệ An-Hà Tĩnh dẹp giặc, không được trở lại Gia Ðịnh thành như Petrus Key viết. Chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhân vẫn giữ ấn Tổng trấn Gia Ðịnh. (ÐNTL,CB, I, 4:391) Sau đó, đến lượt Nguyễn Huỳnh Ðức, và rồi khi Ðức chết bệnh, Nguyễn Văn Nhân lại làm Tổng trấn cho tới mùa Hè 1820.

   7. Thứ bảy, tháng 1/1820, khi vua Gia Long ốm nặng, Phạm Ðăng Hưng và Lê Văn Duyệt được đón nhận di chiếu lập Thái tử Ðảm lên ngôi, tức vua Minh Mạng. Lê Văn Duyệt còn được giao nắm ngũ quân thần sách để bảo đảm an ninh kinh thành. (ÐNTL,CB, I, 4:398)

   8. Thứ tám, sau ngày Minh Mạng lên ngôi, Lê Văn Duyệt mới được cử làm Tổng trấn Gia Ðịnh lần thứ hai từ tháng 5 Canh Thìn [11/6-9/7/1820], với toàn quyền hành động để đương đầu với loạn Sư Kế ở Chân Lạp. 

   Ðưa ra 8 lỗi lầm của Petrus Key trong hai trang thông sử (đúng hơn cổ tích) bằng tiếng Pháp, chúng tôi không muốn “đạp một cánh cửa mở rộng để bước vào nhà.” Chẳng một người học sử nào dám tự hào mình không phạm lỗi lầm về kỹ thuật hoặc dữ kiện. Hơn nữa, hơn một trăm năm trước, Petrus Key không có khoảng cách thời gian vừa phải như chúng ta để sưu tra và so sánh các tư liệu. Petrus Key cũng không phải là một sử gia chuyên nghiệp (dù Petrus Key tự xưng là “historien fidèle et consciencieux”), và chỉ viết những bài giảng “sử” trên do nhu cầu giảng dạy tiếng Pháp và tuyên dương công ơn nước Pháp tại Nam Kỳ.

   Sở  dĩ phải lạm bàn về sự sai lầm của Petrus Key vì đây không phải là những sai lầm thuần kỹ thuật hoặc thiếu tư liệu (chỉ nội tập II đã có vài trăm lỗi kỹ thuật về ngày tháng, sử kiện), mà đôi chỗ đã sai lầm đầy chủ ý. Petrus Key chép việc “Minh Mạng” ám hại công thần hoặc nhà vua thông dâm với chị dâu và giết hại hai cháu ruột, chỉ nhắm mục đích chứng minh hoặc tố cáo bản chất gian ác (sa nature perverse) của ông vua thứ hai triều Nguyễn, người nổi danh là đàn áp Ki-tô giáo. (II:260)

   Ðể tìm hiểu sự thù ghét giữa Minh Mạng và các nhà truyền giáo, cần lược duyệt lại giai đoạn từ khi nhà Tây Sơn (1778-1802) tiêu diệt chúa Nguyễn (1600-1777), làm chủ  Ðàng Trong.

   Sau khi hai chúa Nguyễn cuối cùng bị Tây Sơn giết hại ở Gia Ðịnh, từ năm 1777 hoặc 1780, Pierre Pigneau de Béhaine (Bá Ða Lộc) đã quyết định ủng hộ Hoàng thân Nguyễn Chủng (Noãn tức Anh) chống lại nhà Tây Sơn. Mặc dù không ưa đạo Ki-tô, sau khi Pigneau de Béhaine chết (1799), Gia Long vẫn cho các giáo sĩ tự do hoạt động. Nhưng giáo sĩ Pháp chưa thỏa mãn. Ra công vận động, giúp tài lực (cho Nguyễn Chủng vay 270,000 đồng Mexico), nhân lực (tuyển mộ lính đánh thuê Tây phương, đặc biệt là Pháp), và khí giới cùng tàu chiến đưa Nguyễn Chủng lên ngôi, họ muốn vua Gia Long phải trả ơn bằng cách trọng đãi giáo dân Ki-tô. Nhưng vừa lên ngôi chưa đầy hai năm, ngày 4/3/1804 (tháng Giêng Giáp Tí, 11/2-11/3/1804), từ Thanh Hoa, Gia Long ban chỉ dụ không được sửa chữa nhà thờ, chùa chiền v.. v.. nếu không được phép của các quan địa phương. Nếu vi phạm, xã trưởng phải bị đầy đi xứ xa, dân thì sung làm dịch phu, nhẹ thì đánh roi hay trượng, “để bớt tổn phí cho dân, mà giữ phong tục thuần hậu.” (ÐNTLCB, I, 3:162-69) Vua cũng ra Dụ chê bai thuyết thiên đường, địa ngục, nước phép của Ki-tô giáo:

       “Lại như đạo Gia tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết thiên đường địa ngục khiến kẻ ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. Từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Gia tô đổ nát thì phải trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm.” (ÐNTL,CB, 3:168-69. Theo các giáo sĩ, vua cấm cả sửa chữa nhà thờ; Louvet, La Cochinchine religieuse, II:16-9; Huồn 1965, I:267-68). 

   Thất vọng về Gia Long, các giáo sĩ nuôi tham vọng đầu tư vào con Thái tử Cảnh (đã chết vì bệnh đậu mùa năm 1801), tức Hoàng tôn Ðán (Mỹ Ðường), và công khai chống lại Hoàng tử Ðảm (tức Hiệu), người được sự yểm trợ của phe nho sĩ bảo thủ trong triều (như Phạm Ðăng Hưng, Thượng thư Bộ Lễ).

   Trong số những người ủng hộ Hoàng tôn Ðán có  Nguyễn Văn Thành. Nguyễn Văn Thành gốc Thừa Thiên, sau tổ tiên rời vào Gia Ðịnh. Trước theo cha chống Tây Sơn ở Sông Cầu, rồi theo Nguyễn Chủng qua Xiêm La, giúp quân Xiêm đánh thắng Miến Ðiện. (ÐNTC,CB ghi Thành không qua Xiêm La lần thứ nhất, trốn tránh trong dân gian, khi Nguyễn Chủng đưa quân Xiêm về mới ra tòng quân). Năm 1802, sau khi nhà Tây Sơn bị diệt, đứng đầu sổ công thần, được phong chức Tổng trấn Bắc thành. Năm 1810, nhân mẹ chết, mang quan tài về Huế, được giao soạn lại luật pháp (tức Luật Gia Long, nhưng sau bị lấy tên ra), rồi nắm giữ binh lực (Chưởng Trung quân).

   Quyền cao, chức trọng, Nguyễn Văn Thành không lo bảo vệ  tính mạng, lại xen vào việc phế lập, từ năm 1805 nhiều lần xin vua lập Thái tử, và nhấn mạnh vào vấn đề chính thống, tức muốn lập dòng trưởng. Gia Long chưa có quyết định dứt khoát vì chính phi (Tống Thị Lan, mẹ Thái tử Cảnh) còn sống, và vua nghi ngờ Nguyễn Văn Thành có dụng tâm. Một lần vua giận nói:

       Hắn muốn dựng vua nhỏ để dễ khống chế, ngày sau có thể chẹt họng, vỗ lưng chăng. Ta há tối tăm lầm lẫn, không biết đắn đo nên chẳng, vội nghe lời hắn mà không vì xã tắc chọn người sao? 

   Từ  đó hễ vào chầu là Nguyễn Văn Thành chỉ  xin dựng Thái tử. Vua nín lặng. Nguyễn Văn Thành biết vua không vừa ý, lòng sinh ngờ sợ.

   Số  phận của Nguyễn Văn Thành và nhóm phò Hoàng tôn  Ðán bắt đầu xuống dốc từ sau cái chết của Hoàng hậu Tống Thị Lan vào tháng Tháng Hai Giáp Tuất [20/2-20/3/1814]. Gia Long cho Hoàng tử Ðảm làm chủ  tế với danh vị con nuôi của Tống Hoàng hậu. Nguyễn Văn Thành cực lực phản đối, nêu lý do Hoàng tôn Ðán (cháu đích tôn, thuộc dòng trưởng) làm chủ tế mới phải đạo. Gia Long không đổi ý, nói con theo mệnh cha để tế mẹ là việc danh chính, ngôn thuận, có gì mà không nên. Nguyễn Văn Thành có ý không bằng lòng. (ÐNTLCB, I, 4:213-14; ÐNCBLT, II, q. 21; 1993, II:368-69)

   Tháng Sáu Ất Hợi [7/7/1815], Gia Long gọi Lê Văn Duyệt về kinh, tạm giao cho Trương Tấn Bửu quyền Tổng trấn Gia Ðịnh. (Tháng Giêng Bính Tý [29/1-27/2/1816], Tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Huỳnh Ðức chính thức thay Duyệt làm Tổng trấn Gia Ðịnh; ÐNTLCB, I, 4:252, 270) Chuyến hồi kinh này của Lê Văn Duyệt có lẽ để đối phó với phe Nguyễn Văn Thành. (Ðiều này chứng tỏ Lê Văn Duyệt không cùng phe với Thành như các giáo sĩ đồn đại, và Petrus Key trung thành ghi vào tập bài giảng cổ tích của mình)

   Nguyên có người hào khách cũ của con Nguyễn Văn Thành, tức Cử nhân Thuyên, là Nguyễn Trương Hiệu tố  cáo với Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Hữu Nghi rằng Thuyên chiêu mộ tân khách, âm mưu làm loạn. Theo Hiệu, Thuyên từng sai Hiệu mang thơ mời gọi bọn Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Ðức Nhuận ở vùng Nghệ An, lời lẽ rất bội nghịch.

    Thơ  rằng:

    Văn  đạo Ái châu đa tuấn kiệt

    [Nghe nói  đất Ái châu nhiều tuấn kiệt]

    Hư  hoài trắc tịch dục cầu ti

    [Ta để dành chiếu trống bên cạnh đợi chờ]

    Vô  tâm cửu bảo Kinh sơn phác

    [Vô  tâm ôm mãi ngọc Kinh sơn]

    Thiện tướng phưong tri Ký bắc kỳ

    [Tướng tài mới biết ngựa ký đất bắc]

    U cốc hữu hương thiên lý viễn

    [Hương thơm trong u cốc cũng lan ra ngàn dặm]

    Cao cương minh phượng cửu cao tri

    [Phượng gáy trên gò cao vang chín chằm]

    Thử  hồi nhuợc đắc trung sơn tể

    [Ví  thử tìm được tay tể [tướng] trong hang núi]

    Tá  ngã kinh luân chuyển hóa ky.

    [Giúp ta ra tay chuyển cơ trời] 

   Nghi bèn khuyên Hiệu mang bài thơ tố cáo với Lê  Văn Duyệt. Vốn không ưa Nguyễn Văn Thành từ lâu, Lê Văn Duyệt mang bài thơ nạp lên vua Gia Long, nhưng vua chưa muốn tra cứu. Tay chân Lê Văn Duyệt bèn xúi Hiệu dùng bài thơ trên làm tiền Thuyên. Thuyên phải ký giấy nợ với Hiệu. Có lần Hiệu còn chặn đường Nguyễn Văn Thành đưa giấy nợ của Thuyên đòi tiền. Nguyễn Văn Thành bèn cho bắt cả Hiệu và Thuyên, giao sang phủ Quảng Ðức tra hỏi, rồi đích thân trình bày sự việc lên Gia Long. Vua cho đình thần bàn nghị. Hiệu viện dẫn một môn khách khác của Thuyên là Ðỗ Văn Chương làm chứng, nhưng Chương đã bỏ vào Gia Ðịnh. Tháng Chạp Ất Hợi [30/12/1815-28/1/1816], vua tạm tha Thuyên, và cho lệnh bắt Chương về Huế đối chất. (ÐNTLCB, I,4:267-9) Tháng Hai Bính Tý [28/2-28/3/1816], Ký lục Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa dâng sớ hạch tội Nguyễn Văn Thành, nhưng Tham tri Hình bộ Võ Trinh bênh vực, nên vua tạm gác. (ÐNTLCB I, 4:275-76) Dẫu vậy Gia Long bắt đầu chán ghét Nguyễn Văn Thành. Sau lễ Nam Giao, không cho vào chầu nữa. Hai người trong phe Nguyễn Văn Thành là Tham tri bộ Hình Võ Trinh và Chưởng cơ Tống Phước Ngoạn cũng bị hạ ngục vì tội xúi người “làm chứng gian” rằng Hiệu vốn là tịch sĩ của Nguyễn Hữu Nghi, với ý bênh vực Thuyên. (ÐNTLCB I, 4:277)

   Qua tháng Ba Bính Tý [29/3-26/4/1816], Gia Long quyết định lập Ðảm làm Ðông cung Thái tử. (ÐNTLCB I, 4:278-80) Tháng Tư Bính Tý [27/4/1816], Phạm Ðăng Hưng hỏi cung Ðỗ Văn Chương, Chương xác nhận lời khai của Hiệu, nhưng Thuyên chưa chịu nhận tội. Vua bèn giao Thuyên cho Lê Văn Duyệt tra hỏi, Thuyên mới chịu nhận. Nguyễn Văn Thành cũng dâng sớ xin chịu tội. Vua bèn hạ lệnh tống giam Thuyên vào ngục, nhưng chỉ thu ấn Chưởng Trung quân của Thành. Chưởng Hữu quân Nguyễn Văn Nhân–có con gái là vợ Thái tử Ðảm–tạm lãnh ấn Chưởng Trung quân, cho đến ngày Trương Tấn Bửu thay Thành. (ÐNTLCB I, 4:283-84, 300)

   Sau khi Ðảm được cử làm Thái tử (ngày 5/7/1816; ÐNTLCB, I, 4:288), triều đình bắt đầu luận tội hai cha con Nguyễn Văn Thành. (ÐNTL,CB, I, 4:292-93)

   Tháng Mười Bính Tý [19/11-18/12/1816], bỗng xảy ra vụ  Lê Văn Duyệt bị mất ấn Tả quân. Thủ  phạm ăn cắp ấn tự nhận do Nguyễn Văn Thành xúi bẩy. Vua không tin. (ÐNTLCB, I, 4:302)

   Tháng Một Bính Tý [19/12/1816-16/1/1817], Gia Long cho lệnh bắt Lê Duy Hoán vì tội mưu phản. Khi bị dẫn giải về Huế, quan chức Bộ Hình lấy cung thêm. Hoán khai rằng Thuyên từng gửi thư cho Hoán, xúi làm phản. (ÐNTLCB, I, 4: 304-5, 319). Thuyên cố chối tội, nhưng Lê Văn Duyệt làm cho Thuyên phải nhận. Tháng Năm Ðinh Sửu [15/6-13/7/1817], Gia Long tống giam Nguyễn Văn Thành và các con. Mặc dù quyết không nhận tội, Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc tự tử, chỉ để lại một tờ biểu minh oan, có câu “sớm rèn, tối đúc, đặt thành sự cực ác cho cha con tôi, không biết tố cáo vào đâu được, chỉ chết đi mà thôi.” Ðọc xong tờ biểu, Gia Long òa khóc, dụ rằng: “Văn Thành từ lúc trẻ theo trẫm vất vả, có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được, ấy là trẫm kém đức.”( ÐNTLCB, I, 4:321; ÐNCBLT, II, 1993, II:371) Rồi cho chôn cất tử tế. Thuyên và Lê Duy Hoán bị làm án chém. Hiệu được thưởng 500 quan tiền. (ÐNTLCB, I 4:321-22; ÐNCBLT, q.21; QTCBTY 1971:92). Các con Nguyễn Văn Thành đều được tha. Riêng Nguyễn Văn Hàm sau theo Bế Văn Cận tức Nguyễn Hựu [“Lê Văn”] Khôi làm loạn, chỉ huy lực lượng Ki-tô giáo ở Phiên An (Sài Gòn). Vì thế con cháu Nguyễn Văn Thành đều bị truy giết. Mãi tới năm 1848, Vũ Xuân Cẩn dâng sớ xin truy xét công trạng Nguyễn Văn Thành; nên Tự Ðức (1848-1883) cho con là Loại làm chủ quân Cai đội. (ÐNTLCB, IV, 27:76-7,119-20)

   Tóm lại, những vụ án Nguyễn Văn Thành hay Tống Thị  Quyên-Mỹ Ðường chỉ là cái cớ cho các giáo sĩ đả kích vua Minh Mạng, bất chấp sự thực. Từ năm 1816, sau khi Gia Long chọn Hoàng tử Ðảm làm Thái tử, các giáo sĩ và giáo dân công khai chống lại quyết định này. Không những tung tin Gia Long giết Hoàng tử Cảnh (như lời chứng của Giám mục Francois Pellerin trước Ủy Ban Cochinchine ở Paris vào tháng 5/1857), họ còn cáo buộc Minh Mạng (Hoàng tử Ðảm) đã “soán ngôi” của cháu. Cái chết của cha con Nguyễn Văn Thành năm 1817 được bịa đặt ra là xảy ra dưới triều Minh Mạng. Cuộc thảm sát Tống thị Quyên, vợ Cảnh, năm 1824 và biếm Mỹ Ðường (Hoàng tôn Ðán) thành thường dân vào đầu năm 1825 vì tội “thông gian với mẹ đẻ”–cùng cái chết của Mỹ Thùy, con thứ hai Thái tử Cảnh, vào tháng 8/1826 [tháng Bảy Bính Tuất]–lập tức trở thành thứ “bí ẩn cung đình” là Minh Mạng “đi lại” với chị dâu góa, rồi khi chị dâu mang thai, bèn “giết chị dâu và hai cháu” để che dấu tội loạn luân! Vì không có bằng chứng, lại lẫn lộn về ngày tháng, sự kiện, các giáo sĩ và Petrus Key chỉ việc thêm vào “theo lời đồn” (dit-on) là tự cảm thấy phủi sạch tay trách nhiệm!

   Trang bị bằng các Thánh lệnh đi xâm chiếm và cải  đạo các vùng đất “mọi rợ” chưa nằm trong tay hay chưa được một quân vương Ki-tô nào tự nhận là sở hữu, các giáo sĩ Pháp nghĩ đến việc dùng võ lực lật đổ nhà Nguyễn. Năm 1833, nhân dịp Nguyễn Hựu (“Lê Văn”) Khôi nổi dạy ở miền Nam, Linh mục Joseph Marchand [Mã Song hay Du], vì lý do nào đó, cũng “có mặt” trong thành Phiên An, với khoảng 100 giáo dân Ki-tô, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Hàm (con Nguyễn văn Thành).

   Khôi, theo Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, tên thật Bế Văn Cận, nguyên là con một thổ tù đất Cao Bằng. (Xin xem thêm ÐNCBLT, truyện Nông Văn Vân, vì hình như có sự trùng hợp hai tên Bế Văn Cận). Khi mộ quân đánh dẹp ở Nghệ An, Khôi được cho mang họ Nguyễn Hựu. Năm 1820, theo Tổng đốc Duyệt vào Gia Ðịnh thành, được trọng dụng. Tám năm sau, lên tới chức Phó vệ úy vệ Minh Nghĩa. Sau khi Tổng đốc Duyệt chết năm 1832, Tổng đốc An-Biên Nguyễn Văn Quế và Bố chính Bạch Văn Nguyên đàn hịch tội Khôi là đã lợi dụng binh quyền khai thác gỗ làm của tư. Ngày 6/7/1833 (18/5 Quí Tị) Khôi cùng đồng đảng trong các cơ binh Bắc thuận và Hồi lương nổi lên giết Bố chính Nguyên, chiếm thành Phiên-An, rồi giết luôn Tổng đốc Quế. Sau đó, đánh chiếm khắp 6 tỉnh miền Nam. Trước hết, nêu danh nghĩa phò Lê, rồi tuyên bố trả thù cho Lê Văn Duyệt. Giáo dân Ki-tô tham gia cuộc nổi dạy gửi đại diện qua gặp Giám mục Taberd, lúc ấy đang ẩn náu ở Chantabun (Xiêm La), yêu cầu vận động Xiêm và các nước Tây Âu tiếp sức. Họ còn định giương cờ Constantine (có hình chữ thập) để biểu lộ tinh thần “thập tự quân (crusade)” của cuộc nổi dạy, nhưng Marchand không đồng ý. Quan quân nhà Nguyễn bắt được sứ đoàn này, với tang chứng rõ ràng.

   Vì  đã có mật ước với Khôi, đầu năm 1834 Xiêm La nêu danh nghĩa phò trợ Khôi, phái 5 đạo quân xâm phạm vùng Hà Tiên, Châu Ðốc của Việt Nam, đồng thời tiến đánh Chân Lạp và Lào, theo thế trong công ngoại kích. Nhờ một số danh tướng như Nguyễn Xuân, Trương Minh Giảng, v.. v..., và nhất là Thái Công Triều, một phản tướng mới xin qui phục triều đình, quan quân Nguyễn đẩy lui được giặc Xiêm. Nhưng dù Khôi chết vì bệnh phù thủng năm 1834, mãi hơn một năm sau quân Nguyễn mới tái chiếm được Phiên An ngày 8/9/1835 (16/7 Ất Mùi). Quan quân giết chết tại trận 559 người, kể cả ba con của Khôi. Trong số 1,278 người bị bắt có Nguyễn Văn Trắm, Marchand và Phó tế Nguyễn Văn Phúc [Phước], cai quản họ đạo Chợ Quán, cùng gần 100 giáo dân. Ðược hỏa tốc báo tin ngày 13/9, Minh Mạng cho lệnh “đào mả Khôi, đâm nát xương cốt rồi chia ném vào nhà cầu 6 tỉnh, thịt cắt thành từng miếng cho chó ăn(?),đầu lâu đóng hòm gửi về kinh cùng 6 trọng phạm [Marchand, Nguyễn Văn Trắm, Lê Bá Minh, Ðỗ Văn Dự, Lưu Tín, và “Lê Văn” Viên, con Khôi, mới 7 tuổi].” Tất cả các phạm nhân trong thành Phiên An và tòng phạm, “không cứ già trẻ trai gái ở vài dặm ngoài thành đều chém ngay, rồi đào một hố to [ở Chí Hòa] vất thây lấp đất, chồng đá làm gò dựng bia khắc “nơi bọn nghịch tặc bị giết để tỏ lòng quốc pháp,” sau thường gọi là “Mả Ngụy.” Trên đường giải giao ra Huế, Trắm tìm được cách móc cổ tự tử. Marchand và bốn người khác bị kết án lăng trì [xẻo từng miếng thịt cho tới chết]. Minh Mạng cũng xuống lệnh thẳng tay giết hại giáo mục Ki-tô từ ngày Khôi nổi loạn và bắt được mật thư xin cầu viện nước Xiêm.

   Muốn lợi dụng cuộc làm loạn của Khôi để loại bỏ  thế lực “đuôi to khó vẫy” của Lê Văn Duyệt, (ÐNCBLT, 21:137-38) từ năm 1833, Minh Mạng đã đổi Khôi sang họ Lê để tiện việc trừng phạt như phá bỏ mộ bia Tả quân Duyệt, bắt giam cả con nuôi (Lê Văn Yên) và họ hàng Lê Văn Duyệt. Con cháu Ðán (tức Mỹ Ðường) lại bị xóa tên trong sổ tôn thất. Theo quốc sử nhà Nguyễn, mãi tới đầu đời Tự Ðức (1848) Tả quân Duyệt mới được xóa bỏ mọi tội trạng. (ÐNCBLT, q. 23 [Lê Văn Duyệt, hạ], (1993), 2:402-5; q. 45 [truyện các nghịch thần], (1993), 4:475-98; ÐNTL,CB, II, 2:213-16, 238-44, 266, 273, 278, 286-88, 317-18, 335-38, 396, 401; 13:16-8, 25-6, 107-15; 16:205, 158-63, 168, 265-66, 271-72, 322; và 17:46-56,154-56).

   Tài liệu các nhà truyền giáo trình bày khác với quốc sử Nguyễn: Khôi nổi loạn ngày 18/5/1833 (sic); quân Nguyễn hạ thành Phiên An ngày 8/9/1835; Minh Mạng cho lệnh xử tử 1,940 người, kể cả 64 “giặc” Ki-tô, chôn chung vào một Mả Ngụy. Marchand bị đóng cũi giải về Huế cùng 4 người khác. Marchand bị giết ngày 30/11/1835; vì các tướng giặc bị bắt khai rằng Khôi định nổi lên để lập Hoàng tôn Ðán làm vua, nên Minh Mạng “chắc chắn” giết chết Ðán năm này. (Huồn 1965, I:299-300,311) Petrus Key thì ghi 1,137 người bị xử tử, chôn chung trong Mả Ngụy. (Cours d’histoire, II:265-6) Thành Sài Gòn do Olivier dựng lên từ thập niên 1790 cũng bị xan thành bình địa. (Ibid., II:267)

   Người đọc sử đời sau, hoặc người muốn nghiên cứu về  sự nghiệp văn học của Petrus Key, không thể không tạm ngừng ở đoạn viết về Minh Mạng này cùng bản án Hoàng tôn Ðán và Nguyễn Văn Thành để đặt câu hỏi: Tại sao?

   Một trong những câu trả lời là Petrus Key không biết gì nhiều về lịch sử thời cận đại hay hiện đại. Dăm ba trang “sử” khác để dạy cho học trò miền Nam về các vua Thiệu Trị và Tự Ðức chứng tỏ điều này. Thí dụ như Petrus Key thuật lại rằng Thiệu Trị lấy cả hai dì cháu nhà họ Phạm; cháu sinh ra “Hoàng Nhậm,” dì sinh ra “Hoàng Bảo;” sau khi Thiệu Trị chết, “Hoàng Nhậm” được lên ngôi, “Hoàng Bảo” nổi loạn, bị thắt cổ chết trong tù. Tự Ðức thừa hưởng những cơn nóng giận của cha là Thiệu Trị, và bản chất tàn bạo của ông nội, tức Minh Mạng [héritier de la colère de Thieu Tri et dont le tempérament semble plus se rapprocher de celui de Minh Mang] (Ibid., II:272-73), v.. v... Chẳng cần đợi tới năm 2010 chúng ta mới biết các con vua Thiệu Trị đều mang tên đệm Hường hay Hồng mà không phải Hoàng. (Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập I, chương I & II) Vụ án Hường Bảo cũng không đơn giản như cách diễn tả “[Hường] Bảo nổi loạn, bị thắt cổ chết trong tù.” (Ibid., II:272) Nó liên hệ chân rết đến cuộc đương đầu sắt máu giữa các giáo sĩ và triều Nguyễn từ năm 1833. Quan trọng hơn, ít nhất trong thập niên đầu tiên, ông vua trẻ tuổi, tật bệnh Tự Ðức hoàn toàn bị mẹ ruột, tức Thái hậu Từ Dụ (hay “cô Hằng gốc Gò Công” của Petrus Key [Ibid., II:272]), và các đại thần đầy quyền lực như nhóm Trương Ðăng Quế, Lâm Duy Hiệp [Thiếp], Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương khống chế.

   Ðáng lưu ý là những chi tiết của Petrus Key về Tự Ðức giống hệt lập luận các nhà truyền giáo, phần lớn dựa theo tin đồn do chính họ phao ra. Bởi thế, không thể không hoài nghi Petrus Key đã bị các giáo sĩ Pháp chi phối nặng nề, hoặc nhồi sọ; hễ đả kích được Minh Mạng và các vua nhà Nguyễn là ra tay ngay (Giống như sự trao đổi những lời nhục mạ giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản từ năm 1945 tới nay).

   Nhưng cũng có thể Petrus Key chẳng hề bận tâm đến sự thực lịch sử, góp nhặt tin đồn và dùng trí tưởng tượng của mình, hư cấu thành những truyện cổ tích bằng Pháp ngữ, nhằm phục vụ mục tiêu chính trị giai đoạn của Hội truyền giáo và Soái phủ Sài Gòn. Nên truyền đơn, khẩu hiệu được khoác cho lớp xiêm áo “histoire” [lịch sử].

   Trong thư mở đầu bằng Việt ngữ gửi các học trò đất Nam Kỳ, đề ngày 25/2/1875 ở phần  đầu tập I cuốn Cours d’histoire annamite, Petrus Key viết (bằng chữ Việt mới):

       Dùng tiếng Pha lang sa là tiếng đã rộng mà lại hay mà  chép chuyện nước ta cho anh em coi cho quen thuộc tiếng ấy, trông rằng lấy cái tiếng anh em đang lo học mà thuật lại truyện anh em đã biết thì sẽ giúp anh em cho dễ thông ý tứ léo lắt và hiểu rõ cốt cách tiếng ấy hơn. 

   Như  thế, mục đích chính của Petrus Key tự nhận chỉ là “chép chuyện nước ta” cho các học sinh luyện thêm Pháp ngữ. Nhưng thực chăng học trò Nam Kỳ ngày ấy “biết” những loại “tin đồn” mà Petrus Key “dịch” qua tiếng Pháp bàn luận sơ lược ở đoạn trên? Thực chăng học trò đất Nam Kỳ của thập niên 1870 “biết” rằng lịch sử Việt chia làm ba thời đại: (1) Từ 2874 trước năm Jesus Christ ra đời tới năm Jesus sinh ra gọi là thời đại Thượng cổ; (2) từ năm sinh của Jesus Christ tới năm 966 là thời kỳ chuyển tiếp (période de transition); và (3) từ năm 968 tới nhà Nguyễn gọi là thời hiện đại (temps moderne)? Cái năm số “0” hay số “1” này–tức năm mà nhiều người tin là năm sinh của Jesus Christ–chẳng hề dính nhập đến một biến cố quan trọng nào ở cổ Việt; và Jesus Christ hay các nước Tây phương cũng chưa hề biết về, nói chi có ảnh hưởng đến, những “xứ mọi rợ” không hề hiện hữu bên ngoài trái đất hình vuông tại Âu châu. (Cho tới đầu thế kỷ XV dân Âu châu vẫn còn tin chuyện tiếng hát nhân ngư và vực thẳm đầy sương mù bên ngoài ranh giới trái đất hình vuông) Một giả thuyết để nghiên cứu thêm [working thesis] có thể là Petrus Key nuôi dụng tâm viết lại và phân chia lịch sử Việt theo lịch sử truyền giáo Ki-tô Vatican, như một dấu mốc văn hóa của tân trào.

   Một  điểm độc đáo khác là Petrus Key không hề  nhắc đến những cuộc kháng chiến của dân quân miền Nam trong cuộc xâm lăng của Pháp; mà chỉ ca ngợi các quan Tướng Pháp đã khiến dân Nam Kỳ thương yêu và kính trọng. Tội nghiệp cho hồn thiêng của những anh hùng dân tộc như Thiên Hộ Dương, Trương [Công] Ðịnh, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, v.. v... cùng hàng chục ngàn anh hùng vô danh khác. Việc người Pháp chiếm đóng ba tỉnh miền Tây năm 1867 được biện minh là do các tỉnh này đã gây nên “những rắc rối thường trực và sâu xa” cho ba tỉnh miền Ðông của Pháp. (Ibid., II:276) [Một độc giả vô danh nào đó hạ bút phê vào dưới đoạn văn trên như sau: “Hay quá!”]

   Ngoài vấn đề phân định giai đoạn dòng sử Việt, phần thông tin tương đối chính xác là những đoạn có lẽ rút ra từ Ðại Việt Sử Ký  Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên và các sử  quan nhà Lê. Tuy nhiên, ngày tháng phần lớn sai lầm–tác giả không biết rằng tháng cuối của năm âm lịch thường lấn sang năm mới tây lịch. Thí dụ như Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng ngày 20/1/1226, mà không phải 1225; quân Trịnh tiến vào Huế trong tháng 1/1775 mà không phải 1774 [tr. 181]; Lê Dụ Tông cai trị từ 1505 tới 1506 mà không phải 1505 [tr.37]; hai chúa Nguyễn cuối cùng chết năm 1777, không phải 1776 [tr. 184]. Nhiều nữa. Petrus Key đáng lẽ phải hiểu rằng viết những bài sử lớp đồng ấu hay tiểu học rất khó khăn vì cần được viết một cách nghiêm túc và chính xác, nhưng lại cần đơn giản cho đối tượng dễ thu nhận.

   Ðể tạm kết thúc về mục tiêu viết “sử” của Petrus Key, xin trích thêm đoạn kết của cuốn Cours d’histoire annamite:

       Ðề đốc Lafont lên thay Ðềả đốc Duperré ngày 16/10/1877. Giống như những người tiền nhiệm, ông đã tích cực áp dụng những biện pháp mà ông tin rằng đích đáng để bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho đất mới của Pháp. Ông rời chính quyền thuộc địa ngày 7/6/1879.

       Ông [Lafont] chấm dứt một loạt các Thống đốc quân sự mà  sự tận tâm, nghị lực và sự khôn khéo thận trọng đã cho phép bình định gần như toàn thể xứ này trong vòng 20 năm, đã khiến cho dân chúng của đất Nam Kỳ xưa thương yêu và kính trọng những nhà bảo hộ mới của họ, quốc gia mới của họ; và cuối cùng tạo điều kiện để thực hiện một việc làm đáng kể và lợi ích cho tiền đồ của xứ ta là sự thành lập chính phủ dân sự của ông Le Myre de Vilers, nhiệm chức từ ngày 7/6/1879.

    [Nguyên văn: Le Contre-Amiral Lafont succeda au Contre-Amiral Duperré le 16 Octobre 1877. Comme ses prédécesseurs, il s’ờoccupa activement des mesures qu’ờil croyait les plus propres à assurer la paix et la prospérité de la nouvelle terre francaise. Il a quitté le gouvernement de la colonie le 7 juin 1879.

    Avec lui prend fin la série de gouverneurs militaires dont le dévouement, l’énergie et la prudente habileté ont permis d’arriver en vingt années à peine à la complète pacification du pays, à faire aimer et respecter aux habitants de l’ancien pays de Nam-kỳ leurs nouveaux protecteurs, leur nouvelle patrie; à rendre possible enfin et capable d’exercer une action considérable et bienfaisante sur les destinées du pays, le gouvernement civil, inauguré le 7 juin 1879 par M. Le Myre de Vilers. (Ibid., II:277-78) 

   Chỉ  một đoạn kết này–có lẽ đã được thêm vào ở phút chót, hoặc ở lần tái bản năm 1879–tự nó nói lên quan điểm chính trị của Petrus Key.

   Tóm lại, vì nhu cầu tài liệu huấn luyện các thông ngôn và cổ võ việc “bảo hộ” và “bình định” của Pháp, Cours d’histoire annamite của Petrus Key không những thiếu phương pháp sưu tầm tài liệu, thiếu phương pháp viết sử, mà còn thiếu sự khách quan cần thiết. Thật khó thấy một dấu vết nhỏ của “science, conscience, modestie” như Nguyễn Văn Tố–người cùng Linh mục Léopold Cadière chịu trách nhiệm soạn thảo bộ Lịch sử đạo Thiên chúa ở Việt Nam năm 1944–đã ca ngợi.

       Năm 1877 [1879], trong tập sách lịch sử  bằng Pháp ngữ dành cho các trường ở Nam Kỳ, Petrus Trương Vĩnh Ký  dùng tiếng “Tonquinois”để  chỉ người Ðường Ngoài [Tonquin]. Có  lẽ chữ Tonkin và  Tokinois, Annam và Annamites chưa thông dụng. Những người chủ trương “tự trị” sau này thường dùng “người Bắc” để chỉ cả dân miền bắc Trung Kỳ; Idem., Cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse-Cochinchine, 2 vols (Sai Gon: Imprimerie du gouvernement, 1877 [1879], pp. 144 [Tonquinois], 181 [Les Tonquinois en Cochinchine], 179 [Ðường Ngoài [Tonquin] v/s Ðường Trong [Cochinchine], [249 [Gia Long, roi de Cochinchine)

       Ðây có lẽ là ấn bản thứ hai, vì  ở hai trang cuối, Petrus Key nhắc đến Lafont ở Sài Gòn từ 16/10/1877 đến 7/6/1879 [pp. 277-78] 

   Kết từ:

   Dù  muốn dù không, Petrus Key đã thủ vai một tác nhân lịch sử, gắn liền với cuộc xâm lăng của Pháp. Khởi  đầu sự nghiệp bằng nghề thông ngôn cho quân viễn chinh Pháp, 26 năm sau, Petrus Key xuất hiện tại Huế  như một “ẩn sĩ” đặc phái viên tín cẩn của Tổng Trú sứ Bert, giữa lúc ngọn lửa Cần Vương (rebelles, theo lối diễn tả của Petrus Key) đang hừng hực từ Bình Thuận tới Hà Nội. Sau đó, phục vụ tại một số Hội đồng bản xứ Nam Kỳ.

   Trong dòng lịch sử quốc dân, vì lý do nào đi nữa, Petrus Key và số thông ngôn hay quan lại đương thời–cùng những Trần Bá Lộc, Huỳnh Công Tấn, Trần Lục, Vũ Văn Báo, Hoàng Cao Khải, Ngô Ðình Khả, Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Thân, Cao Xuân Dục, v.. v...– sẽ được xếp hạng chung là hợp tác với Pháp từ buổi đầu. Cách này hay cách khác, họ đã trở thành và được người Pháp nhìn nhận như những khai quốc công thần của chế độ Bảo hộ Pháp.

   Trường hợp Petrus Key, công trình sáng tác và trước tác khá  đồ sộ, lại có cả sách bằng Pháp ngữ, nhưng chưa ai thực sự kiểm kê và lượng giá  toàn bộ công trình của ông. Cần những nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp–không bị ràng buộc bởi mục tiêu chính trị giai đoạn hay lòng yêu ghét cá nhân, và đủ can đảm gạt bỏ thứ lý luận viển vông về những bản thảo không còn lưu truyền–làm việc trong một thời gian trên các tác phẩm còn lại của Petrus Key, mới đủ căn bản để lượng giá. Petrus Key, tôi nghĩ, chỉ là một thông ngôn giỏi và được tin cậy trong thời ông, hơn một nhà ngôn ngữ học.

   Riêng tác phẩm khá dày của Petrus Key về “bài giảng sử” bằng Pháp ngữ, khó thể gọi là một công trình sử học. Nó không có được giá trị của những cuốn thông sử như bộ Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát mà Petrus Key sử dụng để viết từ thời Thượng cổ tới nhà Lê, hay Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Ða số chi tiết đều là tin đồn, ngày tháng hỗn loạn. Khoảng thời gian từ nhà Tây Sơn đến vua Tự Ðức–vì sử dụng truyền khẩu sử của các nhà truyền giáo Pháp và trên quan điểm hợp thức hóa tân trào–đầy rẫy sai lầm kỹ thuật cũng như sai lầm có tư tâm, bất chấp sự thực lịch sử. Nét độc đáo duy nhất là Petrus Key lấy năm sinh của Jesus Christ–đúng hơn, năm khởi đầu Tây lịch (thường gọi là dương lịch hay công nguyên)–làm một dấu mốc phân chia thời đại của dòng lịch sử Việt. Sự phân chia này không những vô nghĩa, phi lý, chẳng dính nhập gì với dòng sử cổ Việt, mà còn hàm chứa tư tâm về tôn giáo hoặc thiết lập “tân trào” của Petrus Key. (Hy vọng rằng sẽ không có ai cung văn rằng Petrus Key đã biết sử dụng phương pháp “so sánh sử thế giới” [comparative world history] qua việc phân chia thời đại nói trên)

   Về  những tựa sách khác, dù phẩm chất của khối tác phẩm này ra sao đi nữa, chúng trực hay gián tiếp là  công cụ của kế hoạch xâm lăng văn hóa của Pháp và các nhà truyền giáo. (Là một công chức của chế độ Bảo hộ Pháp, Petrus Key được trả  lương để soạn thảo chúng, hay được bảo trợ bằng cách mua sách để sử dụng trong các lớp học). Và khi biên soạn các sách trên, Petrus Key chỉ nhằm chủ đích “biến đổi và đồng hóa dân An-nam-mít” thành người Pháp, và nhồi sọ thanh thiếu niên Việt lòng biết ơn công khai hóa của Pháp. (Thư ngày 12/1/1882, Petrus Key gửi Hội đồng Quản hạt; Phiên họp năm 1882 của Conseil Colonial, 15/11/1882, tr. 14-5; Osborne 1969:137; Bùi Kha, “Trương Vĩnh Ký là ai?;” Giao Ðiểm, số 42 (Hè 2001), tr. 54-5)

   Nhưng cũng cần nhấn mạnh, muốn đánh giá vai trò lịch sử của Petrus Key, phải đặt Petrus Key vào khoảng không thời mà ông ta đang sống, hơn chỉ sử dụng những khuôn thành kiến, phê bình cứng ngắc chính trị tính của thế hệ chúng ta như xấu và tốt, “ái quốc” hay “Việt gian.”

   Ðánh giá về vai trò văn hóa và giáo dục của Petrus Key, cũng cần thật công tâm, lý luận và sử dụng tài liệu một cách khoa học. Việc chữ quốc ngữ [tức quốc âm, theo chữ cái Latin] hiện nay được chấp nhận, không có nghĩa những người sáng chế ra nó, ở dạng thức rất đơn sơ, phải được tôn xưng để “uống nước nhớ nguồn.” Các giáo sĩ Portugal đã chỉ phát minh ra chữ quốc âm hiện nay cho mục đích truyền giáo của họ. Cũng cần khẳng định thêm Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ “quốc ngữ.” Trước Rhodes đã có ít nhất vài linh mục khác. Thêm nữa, những tác phẩm quốc ngữ đầu tiên của Petrus Key hay “Hùinh Tịnh” Paulus Của, v.. v... tự bản chất cũng chẳng khác gì những tác phẩm của nhóm Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, v.. v... sau này. Họ đã ăn lương chính phủ Bảo hộ Pháp để soạn thảo, phổ biến, ấn hành, hoặc hoàn tất chúng với mục đích thương mại (bán cho chính phủ Bảo hộ Pháp). Nên cũng thật dễ hiểu khi Petrus Key và nhiều người đương thời đứng trên quan điểm của người Pháp mà nói về “sự bình định xứ Nam Kỳ,” “những nhà bảo hộ mới,” hay “quốc gia mới” (nước Pháp). Nhưng quả thực có vẻ khó nghe khi Petrus Key tảng lờ cuộc kháng chiến chống Pháp hay gọi những lãnh tụ kháng chiến là “rebelles” [phiến loạn] trong các báo cáo bằng Pháp ngữ. Giống như Lê Tắc nhiều thế kỷ trước từng liệt kê các anh hùng dân tộc như Trưng Trắc, Triệu Ẩu, Lý Bí (Bôn) v.. v... vào hàng ngũ “Bạn nghịch” [những kẻ phản nghịch].

    [“Trắc oán, dữ muội Trưng Nhị  phản, công lược lục thập ngũ  thành, tự lập vi vương, Mã  Viện trảm chi;” “Cửu Chân, Quân Ninh huyện nữ  tử, thiếu bất giá, nhũ  trường tam xích, trí ư  bối ngoại, trước kim hạt xỉ  lý, thừa tượng đấu dữ  địch chiến, cư sơn trung, tụ đảng vi đạo, Giao châu thứ sử Lục Duệ tru chi;” “Bí phản, Tư bôn Quảng châu. Bí tiếm hiệu, trí quan kiến Vạn Xuân đài cư chi;” Lê Tắc, An Nam Chí Lược, bản dịch Trần Kính Hòa (Huế: Viện Ðại học Huế, 1961), tr. 240-41] 

   Khoảng 50, 60 năm sau, một đạo hữu của Petrus Key là Ngô Ðình Thục, xuất thân từ một gia đình trung gian bản xứ tại miền Trung, cũng lập lại tiếng “rebelles” này để chỉ phong trào Cần Vương của cụ Phan Ðình Phùng và khoe thành tích hãn mã cho chế độ Pháp của cha mình là Ngô Ðình Khả, chánh thông ngôn của Tòa Khâm sứ Huế. (Chính Ðạo, VNNB, I-A: 1939-1946 [Houston: Văn Hóa, 1996], tr. 200)

   Nói cho cùng lý, Petrus Key và bao người đồng thời khác chỉ là sản phẩm của chế độ thực dân  Âu châu nói chung, và trực hoặc gián tiếp là nạn nhân của chính sách thực dân Ki-tô/vật bản của Pháp. Chính vì thế mà mới có những trăn trở cuối đời Petrus Key về “công và tội,” khi thức ngộ được rằng dẫu có “đưa cả hai tay ra mà nắm lấy người Pháp” thì mình vẫn chỉ một thứ “người bản xứ được khai hóa” để phục vụ quyền lợi Pháp và Hội truyền giáo. Bài học “người bản xứ được khai hóa,” “văn minh hóa” hay “Pháp hóa” này quốc dân Việt sẽ còn phải suy gẫm suốt thế kỷ XXI, nếu không phải lâu hơn.

   Houston, 11/2000-Việt Nam, 1/2005-Houston, 2/2010

Nguyên Vũ

   © 2002, 2010 by Chieu N. Vu All Rights Reserved 
 
 
 

Phụ  Bản:

Phụ  Bản I

MỘT SỐ  TƯ LIỆU MỚI

 

A. Chủng viện Pinang [Collège Général de Pinang]:

    30/12/1853-28/1/1854 [Tháng Chạp Quí Sửu]:

    Học sinh Việt  ở Pinang

    Ðàng Ngoài Nam: 1

    Ðàng Trong Bắc: 9

    Ðàng Trong “Giữa”: 4

    Ðàng Trong Tây: 4; (Col. Géné., 340A:22).

    2/1854: Trường Pinang có 107 học sinh.

    Ðàng Trong Giữa: 5 (có 4 người mới vào)

    Ðàng Trong Tây: 7 (6 người đã xong năm thứ 1 thần học)

    Nhận thêm: 28 học sinh; (Col. Gené., 340A:38).

    Học sinh phần lớn là dân Annamites:

    19 Ðàng Ngoài Nam; 28 Ðàng Trong Bắc; 24 Ðàng Trong Giữa; 25 Ðàng Trong Tây

    6 Xiêm

    1 Miên

    22/4/1857: Trong số  149 học sinh ở Penang, 117 người thuộc Cochinchine, và  đa số thuộc địa phận của Cuénot. (LC 22/4/1857:5)

    1/3/1864: 30 chủng sinh được gửi qua Pinang.

    Nguyên Sohier đã gửi 18 người. (Laigre gửi Osouf; AME (Paris), 340A:168) 

B. UB Cochinchine: Phiên họp thứ bảy (18/5/1857).

    1. Vấn  đề “pháp lý” (droit): UB Cochinchine nhìn nhận rằng trên quan điểm luật pháp thông thường, hiệp ước 1787 quá “bất toàn vẹn” (trop imparfait) để đòi hỏi việc thực thi chặt chẽ. Tuy nhiên, không thể hiểu lầm ảnh hưởng của Giám mục d'Adran, những sĩ quan Pháp, và sự yểm trợ của vua Louis XVI trên những biến cố mà Nguyễn Ánh và những người kế vị đã hưởng lợi, UB Cochinchine có ý kiến là Hiệp ước 1787 có một giá trị nào đó.

    2. Nước Pháp cần thiết lập nền bảo hộ (protectorat) Ðại Nam, vì các cường quốc Âờu Mỹ đang chiếm cứ hầu hết Á Châu, và biên cương Âu Châu gần như đã ổn định.

    3. Việc chiếm đóng rất dễ dàng.

    4. Ðại Nam có đất đai phì nhiêu, nhiều tài nguyên thiên nhiên.

    5. Sử dụng các “thày giảng”  (catéchistes) để thiết lập một guồng máy hành chính tân trào, với sự trợ lực của 600,000 giáo dân Ki-tô.

    6. Thiết lập một đoàn quân viễn chinh khoảng 2,600 người, với chi phí 4 triệu quan (GG2 44, carton 3). 

III. Hoạt  động của các giáo sĩ:

27/12/1857: Vatican: Pie IX cho phong thánh 94 người: 83 Triều tiên, 5 Cochinchinois, 2 Tonkinois, 3 Trung Hoa, và  1 ở Océanie (LC 15/7/1858:48).

1858: Theo một tài liệu Pháp, từ  1833 tới 1858, nhà Nguyễn giết hại 7 giám mục (1 Pháp, 6 Tây Ban Nha) và 15 linh mục (gồm 12 Pháp). (“L'Indochine;” CAOM [Aix], INF, carton 368, d. 3924).

   Tình trạng các giáo phận:

    - Ðàng Ngoài Tây: 2 GM (Retord), 8 LM (missionaires), 1 trường (collège, 180 học sinh), 81 LM (prêtres) bản xứ. Ngân quĩ: 33,536 francs

    - Ðàng Ngoài Nam: 1 GM (Gauthier), 4 LM, 1 trường: 90 học trò, 47 LM bản xứ. Ngân quĩ: 19750 francs.

    - Ðàng Trong Bắc: 2 GM (Pellerin), 1 LM, 15 LM bản xứ. Ngân quĩ: 23,575.

    - Ðàng Trong Ðông: 1 GM (Cuenot), 5 LM và 6 tháng của Roy, 23 LM bản xứ. Ngân quĩ: 20,085 francs.

    - Ðàng Trong Tây: 1 GM (Lefèbvre), 4 LM, 21 LM bản xứ. Ngân quĩ: 19010 francs.

    - Cambodge: 1 GM (Miche?), 4 LM, 1 trường. Ngân quĩ: 26245 francs (LC 1858, tr. 42-43)

    Sẽ  đi nhận nhiệm sở: Puginier, Paul Francois, d'Alby, qua Tây Ðàng Ngoài (LC 1858:47).

24/10/1858: Tourane: Giám mục Pellerin viết thư  giới thiệu Petrus với Jauréguiberry [để giúp phỏng vấn tù binh?]. Petrus còn bị bệnh. Pellerin yêu cầu cho Petrus tiếp tục uống rượu vang có quinine.

    14/2/1859: Gia-Ðịnh: Hạm đội Pháp bị chặn lại ở Soài Rệp. Pháp phá hàng rào cản và bắn phá hai đồn.

    14/2/1859: Giám mục Lefèbvre của Ðàng Trong Nam (Cochinchine Méridionale) lên tàu trú ẩn, và tiếp tay quân Pháp.

*** 6/3/1859: Giám mục Lefèbvre báo cáo là  đã có thông dịch viên [Petrus Key], nhưng bị đau chưa tới đồn Pháp được. (GG2 99:2)

24/3/1859: Linh mục Henri Borelle viết thư  cho Giám mục Lefèbvre, nói gián  điệp của triều Nguyễn  đã xâm nhập quanh Lefèbvre, dù  Giáo hay Lương.

    Tại Long Hồ và Mỹ Tho, quan lại gia tăng các biện pháp chống lại giáo dân, nhất là các giáo dân không được di chuyển vì quan lại đặt thập tự giá tại các trạm thuế. Người Lương cũng không dám đi mua bán vì quan lại trưng thu thuyền bè. Lúa chín không gặt được vì mưa. Dân chúng, kể cả người Lương, đều muốn quân Pháp xuống ổn định tình hình. Theo họ chỉ cần hai tàu chiến Pháp đã đủ. (GG2 99:2) “Chú Ký” [Petrus Key] đã lên đường, nhưng không hiểu đã đến được Gia Ðịnh hay chưa. Chú Ký đã về tới Vĩnh Long năm 1858. (Không thấy nhắc gì đến mẹ hay gia đình) [Xem 6/3/1859]

    Tạm lược dịch:

                  Ngày 24/3 [1859] 

   Giám Mục Tsauropolis [Lefèbvre] 

   Bẩm  Ðức Cha:

   Ngày hôm kia, Cha [Nguyễn Văn] Lựu (một trong những giáo mục của chúng ta) đã chuyển cho tôi thư [Honorée] ngày 15 của Ðức Cha mà ông ta cũng đã trao tận tay cho Giám mục Pernot, và Cha Lựu đã trở lại đây với hồi âm của giáo hữu của Ngài. Bởi thế, mặc dù bị cúm nhẹ [pas mal grippé], tôi tự nhủ phải có bổn phận viết đôi dòng. Có vẻ là chúng tôi đang bị kết án phải chôn chân chịu hành hạ ở đây [rester en purgatoire] vài tháng nữa, cho đến lúc mà tàu chiến của chúng ta có thể mang đến tự do cho chúng tôi. Nếu chỉ có chúng tôi bị khổ sở, cũng chẳng khó khăn gì để giữ gìn đạo hạnh. Nhưng những tín đồ tội nghiệp đang [sẽ] rơi vào tình trạng cực kỳ gian nan vì các quan viên đang nghiến xiết hàm răng chống lại tín đồ Da-tô mãnh liệt hơn bao giờ hết, và không ngừng tuyên bố rằng chúng ta là nguồn gốc của mọi thảm bại mà họ gánh chịu ở Gia Ðịnh (Sài Gòn). Có vẻ là những người vây quanh Ngài không chú tâm vừa đủ trong việc canh chừng bọn gián điệp của triều đình đang luồn lách tới sát Ngài. Trong số này có kẻ được Ðại nhân ban phước và đã hôn kính nhẫn [Giám mục] của Ngài, và chúng trình bày Ngài như một nhà Bảo hộ lớn [vĩ đại] của tất cả những kẻ đào ngũ [transfuges], dù là tín đồ Da Tô, hay ngoại đạo, bên cạnh người Pháp. Chúng đã báo cáo với các quan lại những cộng tác [dịch vụ] mà người Da tô [Xtiens] đã cống hiến cho người Pháp và các ông quan này đã thề là sẽ trả thù trên đầu tất cả dân Da tô, chẳng cần phân biệt khinh trọng. Mỗi ngày, họ đưa về các tỉnh Mỹ Tho và Long Hồ [Vĩnh Long] những biện pháp ngày càng nghiêm ngặt chống lại tín đồ Da tô và trên hết kiểm soát gắt gao. Chỉ cần hơi nghi ngờ thôi là họ tra tấn liền. Ngày hôm qua ông Huyện Ba Vát [Xát?] đột ngột đến xét nhà Cả Lễ và điều tra, khám xét tỉ mỉ, rồi trở về cũng đột ngột như khi đến.

   Tôi không hiểu quan Huyện có nghĩ rằng ông ta có  thể tìm ra nổi một giáo sĩ Âu Châu [“Thầy Tây”] hay một đạo trường bổn quốc [giáo mục bản xứ], hay lấy cớ rằng thầy Quang đã bị buộc tội là từng qua “học bên Tây”, dù rằng họ chưa bắt giữ [Thầy Quang].

   Ðau khổ nhất là tất cả các tín đồ Da Tô không được phép di chuyển, dù chỉ để tìm thực phẩm cho năm nay, vì người ta đã đặt thánh giá tại các trạm kiểm soát thuế; số trạm thuế cũng đã gia tăng nhiều lần. Ngay đến những người lương thiện cũng không dám mạo hiểm đi buôn bán vì các quan đã trưng thu tất cả tàu thuyền của dân. Lúa đã chín, có thể rụng xuống gốc vì người làm mùa và người mua đều đau khổ, và chẳng thiếu gì người lương đã bày tỏ ý muốn thấy tàu Tây sớm đến đánh chiếm các tỉnh để chấm dứt cảnh lính tráng cướp bóc, tàn phá ruộng vườn, và chấm dứt mọi vấn đề [việc].

   Trước đây Cả Thiện và một số người nhìn xa thấy rộng có ý kiến rằng nếu các tầu chiến chỉ  đến để chiếm các tỉnh và rồi đặt chúng ta ở đó họ cảm thấy tốt hơn là không dính líu, nhưng ngày nay họ thích chịu đựng các hậu quả vô chính phủ hơn là chịu đựng sự oán giận [retentissment] của ông Thượng, người chắc chắn sẽ trút mọi sự tức giận lên đầu giáo dân Da tô.

   Tại  đây, ai nấy đều run sợ cho tính mạng họ. Trong khi mà nếu các tỉnh bị tàn phá, và nếu có phương tiện đưa xuống đây 1 hay 2 chiến hạm, người ta chẳng mong gì hơn là ngăn chặn ăn cướp và mỗi làng sẽ có 1 cơ quan hành chính riêng, và nếu giáo dân Da tô [được ở lại làng cũ] thoát khỏi cảnh săn giết, thương mại sẽ bắt đầu trở lại và mỗi gia đình sẽ có khả năng sản xuất thực phẩm đủ dùng trong năm. Ngay đến những người lương cũng sẽ tri ơn Pháp. Tại đây, các làng xã không còn vựa lúa nữa, người ta phải đi vay mượn. Và trong cả họ đạo người ta chỉ còn khoảng 400 hộc [mesures] lúa. Nếu có được 1 con đường khả dụng từ đây đến Gia Ðịnh, Ðức Cha Pernot có thể lên tâm sự với Ngài vì tôi lo rằng vị thế của Ngài rất nặng nề, nhưng đó là điều chưa làm được cho tới khi Ðại nhân đã chiếm được con Rạch Cắt, ở đó có 1 đạo quân [Việt]. Bến Lức, Sơn Cần Ðốt, Vũng Già và Rạch Chanh Gò Ðen. Tại tất cả các đồn trên đều có 1 đạo quân và 1 cây thánh giá để bước qua, như 1 điều kiện bắt buộc [sine que non] để có thể đi qua. Tôi không rõ chú Ký (người thông ngôn) có thể đến được chỗ Ngài hay chăng nhưng tôi biết rằng chú ta suýt nữa đã bị bắt ở 1 trong những đồn trên và chú ta sẽ rất vui mừng khi người ta cho chú tiếp tục đi bằng đường bộ.

   Thật may mắn là Chỉ huy trưởng Jauréguiberry, có  lẽ do ông ta được đào tạo khá hơn [tout pourtant qu’ờil est soit de meilleure composition], và đối xử với Ngài dễ dãi [déférence] hơn là Ðề đốc, điều này có thể có ích cho chúng ta trong các tỉnh dưới. Còn lại, Ðức Cha có thể tin được rằng tôi đặt kỳ vọng trên sự đoàn kết chặt chẽ của tất cả thành viên khổ sở trong họ đạo. Vì tôi không chút hoài nghi rằng Giáo hội chẳng bao giờ bỏ dân [....].Sự kiên nhẫn cho phép Ngài chỉ huy tàu đến cứu giúp chúng tôi.

   Trong khi chờ đợi thượng đế chiếu cố sức khỏe Ngài và những phương tiện để bồi hoàn lại [de réparer in quantum], sự không hành động có nghĩa là sự kết án tất cả các nhân viên của họ đạo...

   Ðức Cha cao cả

   Kẻ  tôi tớ hèn mọn và vâng lời nhất

   H[enri] Borelle, Tổng Quản lý 

   [Viết thêm]

   Cha Thường vẫn bị đau và  có thể chết trong tù nếu không sớm được phóng thích.

   Cha Quí bị cướp [indisposé] khá  nặng, nhưng đã khá hơn tất cả  các cha [confesseurs] khác thuộc 3 tỉnh.

   Những việc chối đạo [apostasies] xảy ra hàng ngày vì  tất cả các tín đồ Da tô  một khi bị bắt, hoặc  ở trạm kiểm soát thuế, hoặc tại làng xã, đều bị ép chối đạo [faux pas] vì sợ chết hay bị tra tấn trong những tình cảnh hiện nay.

   Hai chú Bộ và Ðính, tôi bắt buộc phải gửi trả về gia đình vì  hai chú này không giữ  được lời thệ [vocation]. Ðây là 2 đối tượng bị  mất.

   (Chú Cam [?]cùng về với chú Ký năm ngoái [1858] hiện trở thành tay nghiện cờ bạc và ăn trộm lớn, và tôi cũng chẳng ngạc nhiên lắm. Chú ta đã từng bị trừng phạt ở trường Pinang vì tội trộm cắp).

   Tôi tin rằng 8 lá thư gửi ra ngoại quốc nhân dịp người đưa thư Khiêm, có phải vậy không thưa Ðức Cha? Tất cả những họ đạo ở hai tỉnh trên họ có dịp tham gia vào việc người Pháp có mặt ở Cá Trê? Liệu các giáo mục có được tham gia vào guồng máy hành chính như dự định trước?

   Ở đây, tất cả chúng tôi đều bị kết án biệt lập tuyệt đối. Chẳng có 1 huyện nào ở đó người ta dám gọi giáo dân Da-tô lên để dự lễ sinh tế (?) 

    28/3/1859: Giám Mục Lefèbvre báo cáo với Jauréguiberry là khoảng 2,000-2,500 quân Nguyễn tập trung tại vùng Lăng Cha Cả. (GG2 99:2)

    29/3/1859: Sài-Gòn, sáng sớm: Jauréguiberry cho một toán thám báo thị sát nhánh sông dẫn tới Bazar Chinois.

    - Lefèbvre yêu cầu Jauréguiberry bảo vệ giáo dân Ki-tô tại Chợ-quán. (GG2 99:2)

    - Trả  lời một lá thư của Lefèbvre, Jauréguiberry than phiền là chẳng cung cấp tin tức giá trị nào  về lực lượng địch, khoảng cách, các chướng ngại vật, các địa điểm. Các giáo dân bản xứ cũng chỉ kể lại những chuyện mông lung (vague), trái ngược nhau (contradictoires), sai lầm (erroné) đến độ chẳng có thể tin tưởng được (qu'il impossible de leur accorder la moindre confiance; GG2 99:1).

    30/3/1859: Sài-Gòn: Lefèbvre viết thư cho Jauréguiberry, tố  cáo “Biện Xương” từng tham dự những vụ  đốt nhà và làm tiền. (GG2 99:2)

    31/3/1859: Sài-Gòn: Rigault de Genouilly mang chiến hạm trở lại cửa Hàn.

    - Lefèbvre dịch cho Jauréguiberry những tuyên cáo của quan Việt.

    Thứ  Bảy, 2/4/1859: Sài-Gòn: Jauréguiberry chỉ thị cho tổ chức lễ mỗi sáng chủ nhật tại  đồn Sài-gòn hay trên tàu Durance. (GG2 99:1)

Thứ  Bảy, 2/4/1859: Jauréguiberry báo cáo tình trạng chung ở Sài-Gòn.

    Có  80 quân nhân phải nghỉ bệnh. Quân Việt đang tập trung khoảng 10,000 người quanh khu vực Lăng Cha Cả, có voi trận. Ðãờ bắt giữ một số Hoa kiều vì tội cung cấp thực phẩm cho Pháp.

    Số  dân quanh đồn Pháp ngày một gia tăng. Tuy nhiên, thiếu thực phẩm tươi.

    Có  người tới đề nghị cung cấp 50 cu-li để di tản thương binh hay khuân vác đồ vật, nhưng Jauréguiberry thoái thác. Jauréguiberry cũng thoái thác việc cung cấp võ khí.

    Gửi ra Tourane 2 tù binh bị dân bắt.

    Gửi kèm theo báo cáo “lá thư dài, chẳng có gì  quan trọng, của viên thông ngôn đã chờ đợi bấy lâu (Petrus Key),” và bản dịch một số cáo thị của quan lại Việt trong tuần qua (GG2 99:1).

    Trong thư đề tháng 3/1859, gửi  “Grand Chef et Vous Tous, très honorables officiers de la flotte francaise” này, Petrus Key [dược biết và tự nhận như Trương Vĩnh Ký sau này] viết:

       Ayez pitié de nous; Ayez pitié  de nous. Vous êtes nos libérateurs et la main des ennemis nous a touchés! Hala! The wearer knows very well where the shoe pincheth (?).Nous savons aussi que “qui trop embrasse mal étreint;” Et cependant nos souffrances nous poussent à invoquer votre puissance et à vous exposer du fond du coeur tout ce que je vient de soumettre à votre prudence et à votre sagesse.” (GG2 99:2).

    5/4/1859: Rigault de Genouilly thả neo ở Cap St Jacques trên đường ra Tourane.

    6/4/1859: Sài-Gòn: Jauréguiberry thư cho Rigault de Genouilly:

    “J'ai recu les piques que vous avez bien voulu m'envoyer mais, avant d'en faire usage je tacherai d'être mieux édifié sur le degré de confiance que l'on peut accorder aux Chrétiens annamites.– S'il faut en croire ces derniers, les forces de l'armée ennemie vont chaque jour en croissant seize mille hommes. Sont, dit-on, échelonnés entre un point fortifié situé à 1/2 lieue au S.O. de la Citadelle et le tombeau de Mgr d'Adran! Ces troupes s'avancent fréquemment jusque dans les villages bordant la rivière afin d'empecher les populations de nous apporter des vivres frais. On prétend même que des Chinois dénoncés comme ayant entretenu des relations avec nous, ont été saisis et mis à mort. – Un chrétien indigène est venu se mettre à ma disposition pour nous conduire à Bien hoà. D'après lui, on trouve à basse mer, dans l'endroit le moins profond, 9m30 d'eau. Les annamites qui retirent de cette localité les armes et les munitions dont ils ont besoin, ont établi sur le bras de la rivière y conduisant deux barrages et six fortins.

    J'ai été  visiter hier, avec l'Alarme et l'El Cano, la Sous-Préfecture au Nord de Saigon détruite par M. le Chef d'Etat-Major. Je n'ai appercu, ni sur ma route ni aux environs de la ville, aucune trace de fortifications et de brulôts.

    73+19 malades.

    Nói về  lá thư nhận được của Lefèbvre. (GG2 99:1) 

    8/4/1859: Sài-Gòn: Jauréguiberry viết cho Chef d'Etat-Major: “Je crois avec vous qu'il ne faut accorder qu'une confiance très limitée aux renseignements fournis par l'Evêque. Aussi n'ai-je pas cru devoir accéder aux nombreuses et déraisonables demandes d'expédition qu'il ma faites depuis le départ de l'Amiral. Il est pour moi évident que tous les missionnaires sans exception ont un but non avoué qu'il veulent atteindre en nous compromettant de telle sorte que nous ne puissions plus reculer (GG2 99:1).

    10/4/1859: Sài-Gòn: Lefèbvre báo cáo là đã lập thêm một làng Ki-tô.

    11/4/1859: Sài-Gòn: Jauréguiberry thư cho Lefèbvre:

    Trước khi lên đường trở lại Tourane, Rigault de Genouilly đã quyết định:

    1. Không chấp thuận cho các giáo dân được chia bất cứ  phần lãnh thổ nào dưới sự che chở của  đại bác Pháp; nhưng cho họ mượn tạm [l'emprunt] các nhà cửa và đất gần đó.

    2. Muốn làng mới mở rộng về diện tích theo chiều dài. (GG2 99:1)

    15/4/1859: Quảng-Nam: Rigault de Genouilly trở lại cửa Hàn.

16/4/1859: Sài-Gòn: Lefèbvre, Giám mục d'Isauropolis, thư  cho Jauréguiberry.

- Borelle là phụ tá của Lefèbre, phụ  trách bốn tỉnh Tây Nam Nam kỳ.

    - Nếu tình trạng này tiếp tục, giáo dân Ki-tô sẽ bị chết đói vì lệnh cấm di chuyển.

    - Người ta bắt đầu than thở rằng người Pháp không đến đây để giải cứu giáo dân Ki-tô khỏi sự đàn áp, mà chỉ đến để tìm những lợi nhuận nhất thời. Yêu cầu Jauréguiberry cho biết rõ hơn ý định của Pháp: Ðềạ Ðốc Rigault de Genouilly sẽ đánh Huế ngay hay còn chần chừ? Quan lại Việt đang tập trung tài sản ở Sa-đéc, cửa ngõ vào Châu-đốc, và muốn bỏ rơi các tỉnh miền Ðông.

    - Một cố đạo bị bắt ở Mỹ-tho với một giáo dân. Ba người khác đến thăm họ cũng bị bắt luôn. Như thế, tổng số tù nhân Ki-tô ở Mỹ-tho lên tới 20 người; Long-hồ, 4; và, Châu-đốc, 13.

    Cải chính tin Lefèbvre đã cho lệnh giáo dân nổi lên cưóp bóc.

    Việc làm đường bị đình trễ vì thiếu dụng cụ

    Rigault de Genouilly than phiền rằng giáo dân Ki-tô không tích cực yểm trợ là không đúng: Việc đòi hỏi 100 cu-li bản xứ chuyển đến trưa ngày Chủ-nhật, Lefèbvre phải cho lệnh làng Chợ-quán, và ngày thứ Hai, lệnh này mới được niêm yết, rồi ngày thứ Tư mới có đủ 100 người, kể cả đàn bà, trẻ con. Lại có lộn xộn về vấn đề trả tiền công, và thái độ không đẹp của các thủy thủ và binh sĩ. (GG2 99:2)

    - Jauréguiberry trả lời: Sẽ chuyển cho Rigault de Genouilly tóm lược lá thư của Borelle. Muốn thấy lòng tốt của giáo dân Việt chứng tỏ bằng hành động hơn lời nói. “Jusqu'à présent lis sont loin d'avoir mérité nos éloges.”

    - Sẽ  trả cho mỗi cu-li một ligature một ngày, gấp 3 lần giá thông thường. (GG2 99:1)

    17/4/1859: Quảng-Nam: Rigault de Genouilly cử Linh mục Maru làm thông dịch của Jauréguiberry; và, tuyên úy của tàu Gironde thay Pelletier làm Tuyên úy Sài-gòn. (GG2 99:2) 

5/6/1859: Tourane: Théophile Le Grand de la Liraye viết cho Libois.

    Báo tin Linh mục Galy đã lên đường ra Bắc bằng thuyền, cho một sứ mệnh đặc biệt nào đó của Giám mục Gauthier. Galy cùng một chủ thuyền đã ra khơi, tới đảo Hòn Mắt hay Nhãn Sơn [ngoài khơi Nghệ An], cho một sứ mệnh nào đó. Trước khi ra đi, Galy gặp Rigault de Genouilly. Theo Le Grand de la Liraye, đa số các giáo sĩ ở Ðại Nam đều muốn lật đổ Tự Ðức, chiếm đóng Việt Nam. Họ yểm trở nhóm người như Tạ Văn Phụng để thực hiện mục đích, và chống lại việc thương thuyết một hòa ước.

    Le Grand de la Liraye cho biết Pierre Phụng mới viết thư cho biết sẽ qua Macao, vì y đã bị thất sủng với GM Pellerin. Le Grand de la Liraye sợ rằng Phụng rồi sẽ lợi dụng danh tiếng Ðềả đốc Rigault de Genouilly như hắn đã lợi dụng tên tuổi Retord trước đây, tung ra những cáo thị, với đầy đủ ấn tín [mạo danh họ Lê]. Yêu cầu Libois bảo thẳng với Phụng điều trên. (SME, tr. 93) 

Nguyên Vũ

   © 2002, 2010 by Chieu N. Vu All Rights Reserved



Giới Thiệu Sử Gia Nguyên Vũ


Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu
(ảnh của PBase.com)

                                                         

Chính Đạo là một trong hai  bút danh của  Vũ Ngự Chiêu. Bút danh kia là Nguyên Vũ, rất nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975.  Trước 1975, Vũ Ngự Chiêu phục vụ trong binh chủng Pháo Binh Dù, QLVNCH, và đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản. Sau khi ra hải ngoại, ông vừa tiếp tục cầm bút vừa đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp Tiến Sĩ Sử tại Đại Học Wisconsin-Madison năm 1984, sau khi cùng gia đình di chuyển về Houston, ông là Giám Đốc nhà xuất bản Văn Hóa và tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Houston năm 1999.  

    Những tác phẩm của Vũ Ngự Chiêu xuất hiện trước năm 1975 dưới bút danh Nguyên Vũ gồm có  Đời Pháo Thủ (bút ký), Những Cái Chết Vô Danh (tập truyện), Trở Về Từ Cõi Chết (truyện), Vòng Tay Lửa (trường thiên), Thềm Địa Ngục (truyện), Đêm Hưu Chiến (truyện), Sau Bảy Năm Ở Lính (bút ký), Đêm Da Vàng (trường thiên), v.v.  Tại hải ngoại, Vũ Ngự Chiêu đã in thêm các tập Xuân buồn thảm: Cuộc Sụp Đổ của Nam Việt Nam (bút ký), Trận Chiến Chưa Tàn (truyện), Giặc Cờ Đỏ (trường thiên), cùng hai tâm bút Paris: Xuân 1996, và Ngàn Năm Soi Mặt.  

    Về nghiên cứu sử học, ông đã in ba tác phẩm bằng tiếng Anh dưới tên thực, và 10 biên khảo bằng Việt ngữ với bút danh Chính Đạo. Biên khảo duy nhất bằng Việt ngữ ký tên thực của ông là bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1883-1945, gồm ba tập. Những tác phẩm ký tên Chính Đạo thường được viết cho độc giả không chuyên môn, dễ đọc hơn, không quá khô khan như các biên khảo đúng yêu sách bác học.  

   Ông vừa xuất bản tác phẩm mới nhất với tựa đề Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, 1945-1975, tập I, gồm 5 phần: Sơ lược tiểu sử Tổng thống Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963); Từ Điện Biên Phủ tới Geneva; Cuộc truất phế Bảo Đại; Mùa Phật Đản đẫm máu (1963); và “Phiến Cộng” trong Dinh Gia Long.  

    Sau năm 1975 ở hải ngoại, có những dòng thác ngụy tạo ngụy biện nhằm vặn méo sử kiện để chạy tội và biện minh cho sự vô minh của mình, Vũ Ngự Chiêu đã dần dần xuất hiện như  một nhà sử học khai sáng và can trường. Giá trị tinh thần của người trí thức không chỉ là tôn trọng sự thật mà còn nói lên sự thật và chấp nhận hậu quả của quyết định can trường đó. Đó là một sự đổi đời tâm linh có ý nghĩa đã hình thành nơi Vũ Ngự Chiêu. Huyền thoại và huyễn mị lịch sử đã làm cho người Việt xa nhau, chỉ có sự thật mới làm cho người Việt gần lại với nhau, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những tác phẩm mới của Vũ Ngự Chiêu là một đóng góp sáng giá và có ý nghĩa trong chiều hướng đó.   


Trích Từ : http://www.chuyenluan.net


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi lưu trữ và phổ biến những biên khảo, sáng tác và ý kiến của quý vị và các bạn nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa và phục hồi nền an lạc & tự chủ của Việt tộc.

Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt