Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888

www.vietnamvanhien.net 

                                          

 TÁO QUÂN

 Đông Biên

 

     Mỗi năm đến ngày 23 tháng chạp, người ta làm lễ cúng Táo Quân chầu Trời. Người ta tin rằng cứ đến 23 tháng chạp thì Táo Quân lại lên trời tâu trình mọi việc trần gian mắt thấy tai nghe trong cả năm để Thượng Đế định liệu thưởng phạt. Táo Quân theo tiếng dân gian cũng gọi là ông Công ông Táo.

   Lễ vật gồm có rượu, hoa quả, xôi, gà hoặc giò heo. Người ta hóa vàng, đồng thời cũng đốt cả cỗ mũ năm trước và thay cỗ mũ mới. Người ta lại mua tặng Táo Quân một con cá chép để Táo Quân cưỡi lên chầu Trời. Khi cúng xong, con cá này sẽ được phóng sinh ra sông hoặc xuống ao. Con cá sẽ hóa rồng đưa ông Táo chầu Trời.

   Lễ vật trên thường thấy nơi các gia đình miền Bắc. Miền Nam lễ vật có vẻ giản dị hơn, nhưng phải có đồ ngọt hối lộ ông Táo để ông ăn cho thơm miệng mà ăn nói ngọt ngào chống đỡ cho gia chủ nơi Thượng Đế. Lễ vật ngon ngọt đó là “thài lài cứt chuột” tức là kẹo đậu phọng và kẹo mè đen hoặc trắng.

   Cỗ mũ của Táo Quân gồm có mão, áo và hia, không có quần. Không hiểu tại sao. Vì thế, mở một tờ báo xuân nào, người ta cũng thấy hình Táo Quân đội mão, mặc áo đại trào và mang hia, không có quần nên chân cẳng lông lá mọc lia chia, cầm tờ sớ dài thòng đang tâu trình lên Thượng Đế . Một nhà văn đã có câu thơ trào phúng : “…Đội mão đi hia chẳng mặc quần !”

   Cỗ mũ của Táo Quân mỗi năm một màu khác nhau hợp với ngũ hành của năm đó, như năm Quý Mão thuộc hành Kim thì áo mão hia màu trắng, năm tới Đinh Hợi thuộc hành Thổ nên áo mão hia màu vàng.

   Táo Quân là Vua Bếp. Vua Bếp không chỉ  có một ông mà tới hai ông và một bà. Như thế Vua Bếp có ba ngôi, một bà và hai ông, có nghĩa là một vợ hai chồng. Vua Bếp tượng trưng là cái kiềng ba chân hay ba ông đầu rau dùng để bắc nồi nấu cơm. Ca dao nói : “Dù ai nói ngã nói nghiêng, thì tôi cũng vững như kiềng ba chân”.

    Sự tích Táo quân có nhiều dị bản, nhưng đại khái được dân gian kể như sau : Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo đến nỗi phải bỏ nhau. Người vợ về sau lấy được  người chồng khác giàu có. Còn người chồng trước thì phải đi ăn mày. Một hôm người vợ thấy một người vào xin ăn, nhận ra là người chồng cũ thì động lòng cảm thương, đem cơm gạo tiền bạc cho. Lúc đó người chồng mới đi về, người vợ sợ chồng mới biết nên đem chồng cũ dấu vào đống rơm. Người chồng sau về, nhớ là chưa bón phân cho ruộng lúa, mới đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Vì ngủ quên nên người chồng trước bị chết cháy. Vơ cảm kích cho là vì mình mà chồng trước bị chết cháy nên nhảy vào lửa tự thiêu để tỏ lòng hối hận, người chồng sau thương vợ cũng nhảy vào cùng chết cháy. Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy ba người cùng có nghĩa phong cho làm vua Bếp, tức là bộ ba Táo quân hay cũng gọi là ông Công ông Táo.

 

  Chế độ Mẫu hệ.

  Câu truyện Vua Bếp, hai ông một bà nhắc ta nhớ tới thời kỳ loài người sống dưới chế đô mẫu hệ và thời kỳ con người mới tìm ra lửa.

   Loài người từ khi thành hình đã trải qua hàng nghìn hàng vạn năm chịu sự thay đổi thời tiết. Trải qua bốn lần băng tuyết từ Bắc cực đổ xuống bao phủ nửa châu Âu, nửa châu Á rồi lại lui về Bắc Cực. Khí hậu đương nóng hoá lạnh, họ phải tìm cách thích ứng với hoàn cảnh thay đổi, họ lột da thú để che thân, làm chòi che mưa nắng và tìm ra lửa để sưởi.

  Lửa đã giúp loài người chống lạnh, nấu chín thưc ăn, làm cho mãnh thú sợ hãi phải tránh xa. Họ dùng lửa đốt rừng để trồng lúa, bắp, họ dùng lửa làm nứt phiến đá, nấu chảy đồng, chảy sắt để chế tạo mọi thứ đồ dùng.

   Vì vậy tổ tiên ta sùng bái lửa, tôn người tìm ra lửa vào bậc thần thánh. Chính vì vậy mà bộ ba ông Táo được tôn sùng.

  Thời kỳ này, các người cùng quyền lợi, cùng chung một nghề nghiệp kết hợp thành thị tộc, như người trồng trọt ở thung lũng kết thành thị tộc rồi bộ lạc định cư định canh, những người chăn nuôi gia súc cần có đồng cỏ nuôi súc vật kết thành bộ lạc du mục phải thay đổi chỗ ở luôn luôn để kiếm cỏ cho súc vật ăn.

  Các thị tộc rồi bộ lạc lúc đầu do đàn bà nắm quyền kinh tế, chỉ huy. Con cái chỉ biết có mẹ, không biết cha là ai. Con cái cùng mẹ nhưng có thể có nhiều cha khác nhau. Bộ ba Táo quân chắc hẳn phát sinh từ thời kỳ này. Chế độ một vợ nhiều chồng còn sót lại nơi một vài bộ lạc Tây Tạng.

  Chế độ mẫu hệ hiện còn thấy nơi người Chàm và các bộ lạc ở vùng Cao Nguyên Trung Phần (Tây Nguyên). Ở tỉnh Vân Nam nước Tàu có sắc tộc Mosuo còn theo chế độ mẫu hệ nguyên thủy.

  Chế độ mẫu hệ cũng được nói đến trong Kinh Thánh: “Bởi thế mà đàn ông bỏ cha mẹ và khắn khít với vợ mình và chúng sẽ trở nên một thân xác” (Gen. 2:24)

   Chế độ Mẫu hệ Chàm.

  Hiện nay người Chàm vẫn còn theo chế độ mẫu hệ vì thế việc cưới hỏi đều do nhà gái chủ động. Nhà gái có con đến tuổi thành hôn cậy ông mai đi đánh tiếng với nhà trai, hoặc cũng có khi cô gái thấy ưng ý cậu trai nào thì cho người đi ngỏ ý cưới. Khi hai bên ưng thuận rồi thì  nhà gái đem bánh trái đi chạm ngỏ nhà trai. Nếu người con trai bằng lòng thì nhận bánh, trái lại từ chối thì nhà gái mang về chờ ngày khác sẽ đi nói lại.

  Nếu hai bên ưng thuận thì tiến tới lễ hỏi. Tuy nhiên người Chàm có hai tôn giáo là đạo Bà La Môn và đạo Hồi, nên việc cưới xin cũng có hai nghi lễ khác nhau.

  Đám cưới theo đạo Hồi.

Người con gái theo đạo Hồi muốn kết hôn phải qua một lễ gọi là lễ Ka-rớk (lễ Hãm Mình). Nếu chưa qua lễ này, người con gái bị coi là gái Ta-bung, gái cấm, không được nghĩ đến hôn nhân.

   Lễ Ka-rớk thường làm tập thể cho các cô gái đến 15 tuổi. Muốn làm lễ, người ta cất hai cái rạp, cái lớn làm bàn thờ thánh Âu-lóali (Allah), cái nhỏ cho các người chịu lễ thay quần áo và ăn ở trong suốt thời kỳ hành lễ. Các thày hành lễ ít nhất phải có ba vị. Thày chánh gọi là pô Crù, hai thày phụ là pô I-mum và pô Ca-típ. Các thày nhận lễ, tiệc của gia chủ và cầu kinh. Kể từ bấy giờ trở đi, các thiếu nữ chịu lễ phải ở luôn trong rạp, không được ra ngoài bất cứ lý do nào.

  Sau một đêm, các cô mặc quần áo chỉnh tề, bước ra khỏi rạp, ngồi trước bàn thờ chờ các thày ban phép. Các thày đọc kinh rồi từng cô vào quỳ trước mặt, thày pô Crù để vào lưỡi thiếu nữ vài hạt muối rồi cầm kéo cắt một lọn tóc trên đĩnh đầu và cho uống ngụm nước phép. Lễ xong, người nhà và họ hàng mặc toàn đồ trắng đến chào người con gái, họ ngồi đối diện nhau, hai tay áp vào nhau mấy lượt rồi trao tặng phẩm cho cô gái dùng làm của riêng tính việc tìm người chồng. Kể từ đó người con gái mới có quyền nghĩ đến việc cưới chồng.

  Đám cưới của người theo đạo Hồi rất phiền phức và tốn kém nên chỉ những nhà khá giả mới có thể cử hành ngay khi chàng rể về nhà mình còn thì thường thường, người ta để hai người chung sống với nhau ít lâu cùng đồng lao cộng tác kiếm tiền rồi mới làm đám cưới. Vì thế, có nhiều đám cưới người ta thấy có vài ba đứa nhỏ đi dự đám cưới của cha mẹ chúng.

  Đám cưới làm tại nhà thờ. Lễ cưới có ý dĩễn lại hôn lễ của con gái thánh Mư-hăm-mách (Mahomet) là Pha-ti-mư (Fatima) với A-li (Ali). Trong hôn lễ này, thày pô Crù đóng vai thánh Mư-ha-mách, ông I-mum, ông Ca-tip đóng vai thánh Ô-bu-ba-ke và  thánh  Omar (Abou-Bekr, bố vợ Mahomet, người kế vị sau khi Mahomet chết. Omar, kế vị Abou-Bekr, người đã chiếm, Syrie, Ba Tư, Ai Cập, đốt thư viện Alexandria, thiêu hủy các sách vở trái với giáo lý đạo Hồi. Tên thánh Omar này làm ta nhớ đến giáo sĩ Omar, thủ lãnh quân Taliban ở A phú Hãn đã phá hủy các pho tượng Phật  và xa hơn trong lịch sử nước nhà, tướng Omar tức Ô Mã Nhi bị đức Trần Hưng Đạo giết khi quân Mông Cổ xâm lăng nước ta), cô dâu đóng vai nàng Pha-ti-mư, chú rể đóng vai chàng Ali.

  Sau khi đã đọc các kinh bằng tiếng Ả rập, thày I-mum hỏi cô dâu:
-   Này Pha-ti-mư, vâng lệnh thánh Mu-ha-mách, ta hỏi nàng có bằng lòng lấy A-li không?

  1. Thưa con bằng lòng lắm ạ ! cô dâu trả lời.
  2. Đây A-li trao cho con chiếc nhẫn và những tặng vật này ! thày I-mum tiếp.
  3. Vâng, thưa con xin nhận ạ !

 Tức thì hày I-mum liền nói lớn tiếng cho mọi người nghe :

  1. Pha-ti-mư đã bằng lòng lấy A-li.

 
Thày cả pô Crù cầm tay chú rể đặt vào tay cô dâu và đọc kinh rồi truyền cho hai thày phụ dẫn chú rể theo cô dâu về nhà. Theo tôn giáo hai người đã thành vợ chồng.

  Về nhà người vợ lại còn nhiều thủ tục tôn giáo và tập tục cổ truyền. Khi trong buồng chỉ còn hai vợ chồng, người vợ lấy một miếng trầu bỏ vào miệng chồng như có ý nói từ nay nàng sẽ lo liệu đầy đủ sự ăn uống cho chàng và người chồng lấy vạt áo của mình phủ lên người vợ ngụ ý bảo chàng sẽ lo bảo vệ nàng cho đến khi đầu bạc răng long.

  Một lúc sau, hai vợ chồng cùng ra ngoài làm lễ tạ thày và người chồng mới chính thức ra mắt cha mẹ cùng họ hàng nhà vợ. Hai người nhận được những lời chúc mừng và tặng phẩm của mọi người. Sau hết mọi người vui vẻ vào tiệc để ăn mừng mối nhân duyên của hai người.

  Đám cưới theo đạo Ba La Môn.

Tới ngày cưới, nhà trai làm tiệc lễ cáo tổ tiên, cầu trời chứng giám rồi mời họ hang ăn uống. Sau đó tất cả đến nhà gái. Đi đầu là ông mai, tới chàng rể, đàn bà, con gái rồi mới đến đàn ông, con trai. Đúng giờ mới được vào nhà gái. Mọi người nhà trai được nhà gái rửa chân rồi mới vào nhà.

  Trầu nước xong, hai ông mai đưa chú rể vào buồng cô dâu. Trong phòng kê một cái phản đã ếm bùa chú, cô dâu ngồi sẵn chờ đợi. Hai ông mai, ông nhà trai đứng phía đông, ông mai nhà gái đứng phía tây cùng cầm chiếc chiếu đập xuống phản ba lần rối trải chếc chiếu xuống phản của cặp tân nhân. Kế đó hai ông mai mỗi ông ôm một chiếc gối ra hiệu cho cô dâu chú rể ngồi xuống cạnh ông mai của mình. Lúc đó người nhà đem vào một mâm lễ tơ hồng có trầu cau, bánh trái, hoa quả và rượu, để vào giữa hai người rồi mời thày cả vào đốt nến làm đèn bổn mạng, khấn vái các vị thần thánh cùng ông bà tổ tiên chứng giám cho hôn lễ này và trịnh trọng lấy một lá trầu xé làm hai đưa cho mỗi người một nửa. Chàng rể nhận nửa lá trầu rồi lấy quả cau bửa làm đôi đưa cho cô dâu một nửa. Kế đó cô dâu lấy một ít vôi bôi vào trầu của chú rể và của mình rồi cùng ăn.

  Thày cả rót rượu khấn vái, đưa cho cô dâu chú rể cùng uống đoạn lấy nhẫn để hai người đeo lẫn cho nhau. Lễ xong, chú rể ra ngoài tiếp khách còn cô dâu vẫn ngồi yên trong phòng.

  Sau tiệc, họ hàng về hết, chú rể mới được vào phòng cô dâu, mỗi người nằm một bên phản, mâm lễ tơ hồng với ngọn đèn sáp để ở giữa không được xê dịch đi. Hai người cứ ở luôn trong đó ba ngày liền, cùng nằm chung một phản nhưng chỉ nói chuyện chứ không được làm gì khác vì phản đã có yểm bùa, làm trái đi có tội lớn.

  Sau ba ngày, nhà gái sửa soạn bánh trái hoa quả để vợ chồng về nhà trai bái biệt cha mẹ cùng biếu quà bánh cho họ hàng. Dịp này cha mẹ, họ hàng nhà trai cho hai người những tặng phẩm, tiền bạc, nữ trang, trâu, ngựa mang về nhà vợ làm của hồi môn. Của hồi môn này rất quan hệ vì nếu chàng trai có lười biếng thì nhà vợ cũng không kêu ca vì đã có trâu ngựa làm thay rồi. Nếu không có gì mang về nhà vợ mà lại làm biếng thì bị bắt lỗi không làm thịnh vượng cho nhà vợ.

   Chế độ Mẫu hệ người Thượng.

   Người Thượng ở Cao nguyên Trung phần có hai nhóm, một nhóm theo chế độ mẫu hệ, một nhóm theo chế độ phụ quyền. Nhóm theo chế độ mẫu hệ gồm các sắc tộc Djarai, Rhadé, Koho, Maa, Chru, Sré, M’nong… Chế độ mẫu hệ các sắc dân Cao nguyên cũng giống như người Chàm : con gái đi cưới con trai, chồng về ở nhà vợ. Đám cưới các sắc dân theo chế độ mẫu hệ có phần giống nhau.

     Đám cưới người Rhadé (Rađê)

Người con gái lớn lên lo để ý tìm chồng. Nếu nàng ưng ý cậu trai nào thì nói với cha mẹ nhờ mai mối đánh tiếng. Hai bên bằng lòng thì làm lễ hỏi gọi là “trao vòng”. Nhà gái gởi nhà trai một chiêc vòng đồng, nhà trai cũng nhờ bà mối trao cho nhà gái một chiếc vòng khác. Sau lễ trao vòng, trước đám cưới, người con gái phải đến “làm dâu” nhà trai năm ba tháng hay một vài năm.

  Sau khi “làm dâu”`xong, người con gái về nhà cha mẹ mình và hôn lễ bắt đầu. Nhà gái phải nạp đủ đồ sính lễ theo nhà trai đòi như : trâu, bò, thanh la, rượu… Lễ cưới tổ chức trong hai ngày liền. Ngày đầu tại nhà trai khi bên nhà gái đến rước rể, ngày hôm sau nhà trai kéo sang nhà gái, mỗi lần như thế nhà trai hay nhà gái đều ngả trâu bò làm tiệc  đãi dân làng ăn uống no say.

  Sau đám cưới, đôi vợ chồng không có động phòng hoa chúc trong nhà mà đi hưởng tuần trăng mật bên bờ suối. Họ đưa nhau vào rừng, đến bên bờ suối, tìm một tảng đá lớn bằng phẳng hay vị trí thuận tiện, lấy lá lót để hợp cẩn gọi là “bắt cái nước chút chút” rồi xuống suối tắm. Họ ngủ dưới muôn vì sao, có mặt trăng soi sáng, đúng với nghĩa tuần trăng mật. Ban ngày họ về nhà làm công việc nhà hay nương rẫy, Đêm sau họ lại ra suối hát khúc tình ca : “Suối mơ bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ …”.Cứ như thế suốt năm đêm, từ đêm thứ sáu trở đi họ về ngủ tại nhà nàng.

   Trường Ca Đamsan

Trường ca Đamsan của người Rađê thuộc loại Khan tức là bài hát thần thoại có bộ điệu. Đây là một bài thơ nói rõ về tổ chức của xã hội mẫu hệ cùng tục lấy chồng của người đàn bà Rađê. Tác phẩm vĩ đại này của dân vùng Cao Nguyên Trung Phần có thể đem so sánh với bất cứ bản anh hùng ca nào trên thế giới mà không sợ thua kém.

  Chúng ta theo rõi một đoạn của bản trướng ca Đamsan :

 Khởi đầu câu truyện. Nàng H’Ni cất tiếng gọi các anh đang ở ngoài làng :

  - Bớ Y Đinh, Y Linh, Y Đang, ngoài làng ta hôm nay có cuộc lễ tế sống một người lạ mặt nào đâu, Các anh Y Su, Y Sa ơi về đây với em.

  Y Đinh : Có việc gì mà em gọi anh về thế ?

  H’Ni : Em  gọi các anh về để hỏi các anh một việc không xa lạ gì, em gọi các anh hỏi một chuyện không phải là  đâu đâu, mà là một chuyện rõ ràng ai cũng biết, sờ sờ như trái núi, một truyện mà nhiều người đồng ý, đàng đông đàng tây đều nghĩ như vậy. Em nghe người ta nói giòng họ H’Ni với H’Bi chúng em đông người lắm, nhiều như lá cây rừng. Nếu đúng thế, tại sao các em lại phải ở một mình ? Tại sao lại phải sống cảnh trơ trọi này ? Tại sao chúng em chưa có chồng ?

  Y Đinh : Nếu quả như thế, lòng em đã rung động vì ai, lòng em đã tơ tưởng tới ai hở H’Ni ?

  H’Ni : Làm sao em biết được hở anh cả của em ? Các anh thương người nào có lẽ em sẽ yêu người đó, các anh muốn người nào chắc em cũng muốn lấy người đó, em không muốn cãi lại lời các anh.

  Y Đinh : A, thế thì hai anh em nhà kia, người anh vẫn mang giáp sắt, người em hay đeo mộc, Y Quát và Y Muất, xem ra đường đường là hai tay dũng sĩ, gan dạ, hùng mạnh hơn người, lại mưu trí đầy đủ, em có yêu hai người đó chăng ?

  H’Ni : Em ấy à, em không yêu hai người ấy, anh cả à, em không thích hai người đó, anh cả ạ. Họ là nhà giàu thiếu gì cồng vời chiêng nhưng em nào có ham.

  Y Đinh : Vậy em yêu ai, nếu không bằng lòng người trai có giáp sắt, hở em gái của anh ?

  H’Ni : Anh hỏi em yêu ai hở anh cả ? Em yêu người chồng mà bà nội đã chỉ định, ông nội đã lựa chọn cho em. Từ ngày bà em, H’Klu mất đi, ông em, tù trưởng Y Kla trông nom săn sóc em. Em đã thay bà mà lấy ông.

  Em làm sao quên cho được, ông bế em trên đùi, còn trên vai thì cõng Đamsan. Ông em làm lễ tế trâu đã nguyện rằng : “Ta không thể ăn đời ở kiếp với cháu ta, ta nào có sống được mãi để chăm nom cháu gái ta. Ta chỉ là một dân núi rừng già lão, dốt nát, một viên tù trưởng tới thời kỳ suy yếu tàn tạ, một cây kèo bị mối ăn gần gẫy”. Ông em nói với em như thế đấy. “Đến khi hai cháu đây lớn lên, hai cháu sẽ kết đôi chung sống với nhau, cháu Đamsan ta đang cõng trên vai đây. Nếu lớn lên Đamsan đi lấy một người đàn bà khác ở một làng phía tây, một xóm phía đông nào đó, thì đời nó chỉ làm một thằng đầy tớ cho H’Ni, đi quét cứt ngựa, cứt voi cho H’Ni, nếu nó nhớ lời nguyền này mà cưới H’Ni, cháu ta, nó sẽ trở nên giàu có, nhà đầy cồng đầy chiêng. Còn H’Ni, nếu nó lấy chồng làng đông, xóm tây thì nó sẽ phải làm con ở giữ heo, làm kẻ tôi tớ chăn gà cho Đamsan – ông em đã nói như thế đấy – Nhưng nếu H’Ni lấy Đamsan, nó sẽ trở nên giàu có, có nhiều cồng, nhiều chiêng”. Đó là những lời nguyền ước tốt đẹp, ý bà em muốn thế, ông em nhắc lại, vậy anh cả giúp em đi kiếm Đamsan hỏi xem anh ấy còn nhớ lời ước hẹn thuở nào nữa chăng ? (Trường ca Đamsan còn rất dài, xin xem Việt Nam Văn Học Toàn Thư của Hoàng Trọng Miên)

  Chỉ một đoạn trên, đã cho biết tục cưới chồng và tục “chuê nuê” của người Rađê. Tục “chuê nuê” nghĩa là nối giây. Khi người chồng chết, thì gia đình người chết phải chọn người khác thay thế làm chồng hay làm vợ người còn sống, và cứ tiếp tục mãi như vậy để cho gia đình không bị đứt giây, người sống không bị lẻ đôi. Do đó có khi một đứa bé phải lấy một ông già như H’Ni trong truyện này, ban đầu lấy cụ Y Kla, rồi sau lấy Đamsan, đến khi Đamsan chết thì lấy cháu Đamsan đang còn ngồi trên đùi mẹ. Đây là tục lệ phải  luôn luôn nối tiếp, luôn luôn thay thế người chết để có con nối dõi, khỏi tuyệt giống.

   Trong sử Tàu người ta đọc thấy ở các dân tộc vùng Trung Á (Tây Vực) cũng có tục lệ này:

  Công chúa nhà Hán về Hung nô.

  Đời Hán Vũ đế Lưu Triệt (141-87 trCN) đã gả công chúa Tế Quân cho vua nước Ô Tôn là Côn Mạc, đồ sính lễ là 1000 con ngựa tốt ( Hán Vũ Đế rất ham giống ngựa Đại uyển của Tây Vực). Côn Mạc năm đó đã già vào tuổi 70, còn Tế Quân chỉ mới 18, 19 tuổi. Bốn năm sau, Mạc Côn thoái vị vì quá già yếu, truyền ngôi cho cháu nội duy nhất là Sầm Tâu. Theo phong tục người Ô Tôn, Côn Mạc gả hai bà vợ là Tả phu nhân và Hữu phu nhân lại cho tân vương. Tế Quân là Hữu Phu nhân, nay trở thành vợ của người cháu ! Câu truyện chưa hết. Tế Quân chết vào tuổi 30. Sầm Tâu cho phái đoàn đi báo tang đồng thời xin Hán Vũ Đế gả cho một công chúa khác, lần này đồ sính lễ tăng gấp đôi, hai ngàn con ngựa quý và một vạn dê bò. Thế là công chúa Giải Ưu được Hán Vũ Đế gả cho Sâm Tâu thay thế Tế Quân đã chết !

  Giải Ưu lấy Sầm Tâu được bốn năm thì Sầm Tâu mất. Trước khi chết, Sầm Tâu di chúc cho người em con chú tên là Ông Quy Mỵ lên ngôi. Theo phong tục Ô Tôn thì các vơ của vua trước nay thuộc về ông vua đương ngôi. Thế là Giải Ưu công chúa nhà Hán vợ trước của Sầm Tâu nay trở thành Hữu Phu Nhân của Ông Quy Mỵ, Giải Ưu có với Ông Quy Mỵ 3 trai 2 gái. Giải Ưu đang mưu tính cho con trai là Nguyên Quy Mỵ lên kế vị thì Ông Quy Mỵ lăn đùng ra chết không kịp di chúc. Triều đình Ô Tôn đưa người con của Ông Quý Mỵ có với Tả Phu Nhân người Hung Nô là Nê Mị, khùng khùng điên điên lên làm vua mà người Tàu gọi là Cuồng vương. Thế là Giải Ưu công chúa đã gần 60 tuổi lại phải lấy cháu, vừa là con ghẻ của mình làm chồng và bà đã có với Nê My một đứa con trai tên là Xi Mi. Rồi triều đình Ô Tôn làm đảo chánh đưa Ô Tựu Đồ, một người con của Ông Quý Mỵ với người vợ Hung Nô lên làm vua. Theo phong tuc Ô Tôn, Giải Ưu công chúa có lại phải lấy ông vua con chồng này không? Không thấy sử viết gì về bà công chúa này nữa.

   Nhân câu truyện nhà Hán gả công chúa cho Hung nô cũng cần kể luôn cả truyện  Chiêu Quân cống Hồ nữa cho đủ bộ. Nàng Chiêu Quân với ông vua Hán Nguyên đế khóc thương thảm thiêt như thế nào do các văn nhân thi sĩ thêu dệt không cần bàn tới, chỉ biết rằng Chiêu Quân được gả cho Thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà và được phong làm Hoàng hậu. Chiêu Quân sinh với ông vua này một con trai nhưng chết non và không may Hô Hàn Tà cũng chết trong năm đó. Thế là con trai của Hô Hàn Tà là Phúc Chu Lũy lên ngôi Thiền Vu. Rồi lại cũng theo phong tục Hung Nô, Chiêu Quân lấy con ghẻ. Chiêu Quân có với Thiền vu Phúc Chu Lũy hai đứa con gái.

  Trong khi các công chúa Tế Quân, Giải Ưu, Chiêu Quân phải lấy đi lấy lại nhiều chồng từ cha tới em, tới con, tới cháu, họ có viết thư cầu vua nhà Hán can thiệp, nhưng chỉ được trả lời: “Nhập gia tùy tục, xuất giá tòng phu ”! Cũng nên biết là không chỉ có 3 công chúa này (đều là công chúa dởm, phần nhiều là cung phi hay tôn thất được phong làm công chúa) được gả cho các Thiền vu Hung nô mà ngay từ thời Hán Cao Tổ Lưu Bang đã gả công chúa cho vua Hung nô rồi, nhà Hán đã gả tất cả 12 công chúa cho các Thiền vu, đến nỗi Thiền vu Mao Đốn đòi cưới cả Lữ Hậu vợ Hán Cao Tổ Lưu Bang nữa ! Sau đó nhà Tùy, nhà Đường đều có gả công chúa cho Hung Nô hay Tây Tạng. Ở đây chỉ nói đến 3 công chúa vì họ phải theo tục Hung nô mà sử Tàu nói đến là lấy cha rồi lấy con, lấy cháu, giống như tục “chuê nuê” của người Rađê.

  Luật Lêvi của người Do Thái về anh em chồng giống tục “chuê nuê” của người Rađê: anh em trong nhà đều có vợ có chồng nhưng chẳng may có một người chết đi mà chưa có con trai nối dõi tông đường thì một người anh hay em trai phải lấy người góa phụ. Đứa con trai đầu tiên sẽ thuộc về người quá cố và lãnh phần gia tài của người quá cố. Luật này cũng thấy nơi người Assyri và Hittit có mục đích duy trì nòi giống và của cải của gia đình. (Thánh Kinh:  Gen. 38:1-30. Deu. 25:5-9. Ruth 4:6)

  Chế độ mẫu hệ của bộ tộc Mosuo.

 Tại châu Lệ Giang (Lijian) thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Hoa, có một sắc tộc tên là Mosuo (Nạp Tây). Tộc này sống ở quanh hồ Lugu, giáp với Tứ Xuyên và Tây Tạng. Đó là nước của đàn bà, họ còn giữ chế độ mẫu hệ nguyên thủy. Họ không có chế độ cưới hỏi dù đàn bà cưới đàn ông hay đàn ông cưới đàn bà. Họ giữ một chế độ gọi là “Du Hôn”  (Walking married), trai gái gặp nhau rồi thì thôi, coi như không quan hệ gì với nhau cả.

  Khi người con gái đến tuổi 13 hay hơn thì được có một phòng riêng gọi là “phòng hoa” để tiếp đàn ông. Người mẹ sẽ dạy cho con gái biết cách thức đối xử với đàn ông, chiều chuộng, làm tình với đàn ông như thế nào. Họ rất cởi mở không e lệ như người Hán.

  Người Mosuo thích ca hát nhảy múa. Họ có tới gần một trăm vũ điệu khác nhau. Họ thường tụ tập nhảy múa. Trong những lần ca hát nhảy múa như thế, trai gái nắm tay nhau cùng nhảy vòng vòng. Cô gái thấy thích chàng trai nào thì nắm tay nhảy múa và lấy ngón tay bấm vào lòng bàn tay chàng trai, có nghiã là phòng hoa đã mở sẵn mời chàng vào. Tối hôm đó chàng trai sẽ đến phòng hoa cô gái. Và hôm sau chàng sẽ được mời trở lại nếu cô gái thích, còn không, cô gái lại sẽ tìm một anh chàng khác. Đứa bé sanh ra sẽ không bao giờ biết đích thực cha mình là ai, nó chỉ biết có mẹ. (Xem phóng sự truyền hình Himalaya của ký gỉa đài BBC Michael Palin)

   Bộ Ba Ông Táo : Âu Cơ, Lạc Long Quân, Đế Lai.

  Truyện Táo quân có lẽ bắt nguồn từ sự tich bà Âu Cơ lấy Đế Lai và Lạc Long Quân. Đó là thời kỳ mẫu quyền, đa phu, một bà hai ông hay hơn. Truyện kể :

  Đế Lai là cháu Đế Minh, nhân lúc rãnh rỗi, nhớ xưa ông nội đi xuống phương nam lấy được tiên, nên cũng nổi máu giang hồ cùng vợ là Âu Cơ “đi tuần thú phương nam” hay nói theo kiểu bây giờ là “du Giang nam”. Âu Cơ ở lại cung đình Lạc Long Quân còn Đế Lai đi du sơn du thủy tìm tiên. Lạc Long Quân cũng vừa đi kiếm tiên về tới. Âu Cơ thấy Lac Long Quân tướng tá bệ vệ uy nghi đem lòng hâm mộ nên lấy luôn làm chồng. Thế là bà Âu Cơ có hai chồng, mà Lạc Long Quân vai vế lại là chú của Đế Lai. Từ sự tích này, dân gian đã thần thoại hóa thành bộ ba Táo quân.

  Chế độ mẫu hệ thời Hùng Vương được chứng tỏ nơi tích truyên công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, sự tich Trương chi, Mỵ nương mê tiếng sáo nhưng chê xấu khiến Trương Chi ôm mối tình tuyệt vọng mang xuống tuyền đài chưa tan. Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, Hùng Vương kén chồng cho Mỵ Nương…

  Chế độ mẫu hệ rất phổ biến ở vùng Dương Tử giang tức vùng đất Bách Việt như nước Việt, nước Ngô, nước Sở, Mân Việt, Đông Việt… Tần Thủy Hoàng, theo chế độ phụ quyền, đánh chiếm Bách Việt, ông này quyết diệt trừ chế độ mẫu hệ nên ra lệnh bắt tất cả các “rể thừa” tức các chàng trai ở nhà vợ phải xung vào lính hay đi làm nô dịch khuân tải quân lương cho 500 ngàn quân đi đánh Lĩnh Nam.

  Trọng Thủy đi ở rể tại Âu Lạc tức Mỵ Châu cưới Trọng Thủy theo tục mẫu hệ. Khi Hán Vũ đế đánh chiếm nước Nam Việt thì dân Lạc Việt cũng bị đô hộ từ đấy. Nhà Hán cai trị bãi bỏ các tập tục cổ truyền của dân Việt trong đó có cả tập tục mẫu quyền.

  Dân Lạc Việt tỏ ra giân dữ phản đối mạnh mẽ bằng việc khởi nghĩa đánh đuổi quân Tàu dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng và sau đó bà Triệu cũng nổi lên chống đối sự áp đặt chế độ phụ quyền Bắc phương. (Thái tử Lý Hiền nhà Đường chú thích Hậu Hán Thư của Phạm Việp trong đoạn viết về Hai Bà Trưng như sau: “Giao Chỉ thái thú Tô Định dĩ pháp thằng chi, Trắc oán nộ cố phản”. (Thái thú Giao chỉ là Tô Định dùng luật pháp trói buộc nên (bà) Trắc tức giận làm phản) chữ pháp dùng ở đây không nhất định chỉ là “luật lệ” mà có thể hiểu là về chính trị, luật pháp, kinh tế, văn hóa, phong tục. Phong tục mẫu quyền của dân Lạc Việt bị Tô Định bắt bỏ cũng như Tần Thủy Hoàng bắt tù  các “rể thừa”, Tô Định cũng bắt Thi Sách phải bỏ bà Trưng, Thi Sách chống đối nên Tô Định giết đi. Hai Bà Trưng phẫn nộ nổi lên đánh đuổi Tô Định được toàn thể dân Lĩnh Nam, gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Quế Châu và Hải Nam hưởng ứng, chứng tỏ cả vùng Lĩnh Nam thời đó còn chế độ mẫu quyền).

  Nhưng sau đó dân Lạc Việt bị đàn áp dữ dội và bị áp đặt phải theo chế độ phụ quyền. Sử chép, Thái thú Nhâm Diên bắt dân ta phải theo giáo hóa Bắc phương, dựng vợ gả chồng cho dân Việt, có lúc hàng ngàn cặp cùng cưới tập thể theo nghi thức Tàu. Suốt ngàn năm bị đô hộ, dân ta đã bỏ chế độ mẫu hệ thay thế bằng chế độ phụ quyền.

  Tuy nhiên, tập tục mẫu hệ vẫn còn tiềm ẩn trong dân gian với tục ở rể. Nhà gái không còn bắt rể về ở nhà vợ như trước thì bắt chàng trai phải đi ở rể làm công cho nhà gái hàng năm ba tháng hay hai ba năm trước khi cho cưới. Tục làm rể đươc miêu tả một cách trào phúng trong câu ca dao :

          Công anh làm rể chương đài,
        Anh ăn đã hết mười hai vại cà.
        Giếng đâu thì giắt anh ra,
        Kẻo anh chết khát vì cà nhà em !

  Những tàng tích của chế độ mẫu hệ, của tự do luyến ái còn tiềm ẩn trong dân chúng qua các tục lệ của các đám Hội ngày Xuân.

  Ngày xưa, thuở sơ hoang, mùa đông đã qua, xuân quang tiếp đến, trai gái nắm tay nhau ra ngoài đồng, bãi cỏ, bờ sông, nơi ngàn hoa đua nở, chim hót líu lo, nắng xuân rực rỡ, họ ca hát nhảy múa rồi cùng nhau hợp thân.

   Ngày nay, một số sắc tộc như người Mán thường tới phiên chợ Tết 25 tháng chạp ở xã Tam Lộng, tỉnh Vĩnh Yên, Bắc Việt để trai gái gặp gỡ nhau, cất tiếng hát ân tình, trao lời hẹn ước. Họ gặp gỡ nhau ở chợ. Họ đứng túm tụm trên nền chợ, xen lẫn váo các người bán hàng, họ đứng túm tụm bên bờ ruộng, ven bờ sông, dưới một vài gốc cây bên chợ : Đây một cặp trai gái đang nỉ non tình tự, kia một chàng trai khẩn khoản biếu một sơn nữ một món quà kỷ niệm. Mặc cho gió bấc cuối năm căm căm rét, mặc cho mưa phùn giá lạnh lấm tấm rơi, họ vẫn đứng ngay giữa trời. Bầu trời đông đối với họ không ảm đạm, cây cỏ đang đâm chồi nẩy lộc như chào mừng họ. Đó là phiên chợ cưới nổi tiềng của đồng bào người Mán.

  Tai nhiều làng miền Bắc Việt Nam ngày nay,  qua các lễ Hội Xuân, trai gái ca hát và tự do luyến ái, vào dịp này, cô gái nào có bầu, cô ấy có quyền bắt anh chàng nào cô thích phải cưới cô. Nếu chàng nào từ chối sẽ bị dân làng phạt vạ. Có làng tháo khoán cho trai gái được tự do luyến ái trong vòng 3 tháng kể từ mùng 6 tháng 2 tới mùng 6 tháng 5. Cô nào thụ thai trong thời kỳ này được làng thưởng 3 quan tiền và chàng trai nào cưới vợ trong dịp này không phải nạp cheo.

   Mũ ông Công ông Táo.

Ông Công là Thổ Công, Ông Táo là Táo Công cũng gọi là Táo Quân. Lễ vật cúng Táo Quân vào ngày 23 tết bao giờ cũng có bộ mũ ông Công ông Táo. Người ta đã so sánh mũ ông Công ông Táo với mũ trên trống đồng thì thấy rất giống nhau.

  Ở miền Bắc sau thời kỳ bị cấm, ngày nay người ta lại phục chế mũ ông Công ống Táo để cúng. So sánh những bộ phận cơ bản chiếc mũ ông Công ông Táo và phần đầu của hình người trên trống đồng hoàn toàn giống nhau.

  Cũng nên biết, hình vẽ hình người trên trống đồng, trong ngôn ngữ hội họa gọi là hình “cách điệu” và những hình vẽ này cũng như các hình trên trống đồng đều mang tính biểu trưng cao, bởi vậy hình đầu rồng và đầu phượng được vẽ rất lớn và như được mọc trong đầu hình người này. Mũ đầu rồng cho vua đội còn mũ đầu phượng cho các lạc tướng lạc hầu.

  So sánh phần đầu của hình người trên trống đồng và chiếc mũ ông Công ông Táo ta thấy rất giống nhau :

  1. Hai vạch dài ở trên đầu người trên trống đồng giống hai cánh mũ
  2. Hai chóp phía sau đầu người trên trồng đồng giống phần chóp mũ.
  3. Đặc biệt hình đầu rồng là dấu ấn khẳng định sự liên quan giữa mũ ông Công ông Táo ngày nay và hình trống đồng thời Văn Lang cũng như Rồng là vật biểu của dân Việt Nam từ xa xưa.

 

  Có thể có khác một vài chi tiết nhưng tất cả những bộ phận chính trên trống đồng và mũ ông Công ông Táo đều rất giống nhau. Qua đó chúng ta có thể khẳng định rằng chiếc mũ ông Công ông Táo còn lưu truyền trong dân gian phản ảnh những nét căn bản chiếc mũ của những nhà lãnh đạo của vương triều Văn Lang.

  Kết luận

Ông Công ông Táo hay Táo Quân tưởng chỉ là một tín ngưỡng có phần mê tín của dân gian nhưng tìm hiểu kỹ thì nó hé lộ ra cả một  truyền thống, một khởi nguyên của dân tộc.

  1. Gốc tích dân tộc với mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân cùng Đế Lai đã được         thần thoại hóa thành bộ ba ông Công ông Táo.

 

  1. Thời sơ khai, dân tộc ta sống dưới chế độ mẫu quyền. Mẹ Âu Cơ lấy Đế Lai rồi sau đó lấy Lạc Long Quân. Người đàn bà là chủ gia đình mà đàn ông chỉ như con bướm qua đường rồi thôi. Bởi vậy mới thấy Đế Lai ở với Âu Cơ một thời gian rồi “đi tìm tiên” nơi khác. Lạc Long Quân đến với Âu Cơ có con cái đùm đề rồi cũng bỏ đi biền biệt. Âu Cơ lo liệu mọi công việc, nuôi các con và đặt con trưởng làm vua hiệu Hùng Vuong lập ra nước Văn Lang.
  1. Vật Tổ Rồng thể hiện rỏ ràng nơi mũ Táo quân và hình trên trống đồng. Trống đồng có từ thời Hùng Vương. Trống đồng có trước thời Bắc thuộc, có thể lên đến ngàn năm. Như vậy, chứng tỏ Rồng là vật linh thiêng của dân Lạc Việt, chẳng phải mượn của một dân nào khác, mà trái lại chính những dân tộc ấy mượn cúa dân ta rồi cả vú lấp miệng em tự nhận là của họ.

 

  1. Mũ Táo quân và hình trống đồng  cũng chứng tỏ dân ta, các Hùng Vương, các Lạc tướng  Lạc hầu đều có áo mão lễ phục chứ không đóng khố ở truồng như có dã thuyết nêu ra.
  1. Bộ ba Âu Cơ, Lạc Long Quân, Đế Lai được dân chúng thiết lập bàn thờ trong mọi gia đình. Trong thời kỳ Bắc phương đô hộ bị cấm vì chính sách đồng hóa dân tộc ta không muốn dân ta còn nhớ nguồn gốc quốc tổ nên dân chúng đã thần thoại hóa bộ ba quốc tổ Âu Cơ, Lạc Long Quân, Đế Lai thành bộ ba ông Công ông Táo để che mắt bọn đô hộ Băc phương.

 

Chúng ta tỏ lòng tôn kính Tổ Tiên qua ông Công ông Táo, đừng nhìn ông Công ông Táo một cách trào phúng qua hình ảnh Táo quân đội mũ lêch lạc, mặc áo không quần cầm tờ sớ dài lê thê tấu trình Thượng Đế.

Nguồn: http://www.taphopdongtam.org



Trở Lại Trang Mặt