Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888
www.vietnamvanhien.org
 www.vietnamvanhien.net



VẤN ÐỀ TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU VIỆT SỬ


Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu

Mục Lục

Phần I : Sách Sử Từ Thời Trung Cổ Trở Về Trước

Phần II : Việc Nghiên Cứu Thời Cận Đại (1800-1975)

Phần  III : Nghiên Cứu Thời Hiện Đại

Phần Phụ Bản : Các Thánh Lệnh Phân Chia Thế Giới


Ðầu Xuân Kỷ Sửu (25/1/2009) tôi khởi đầu việc hiệu đính phần tư liệu lịch sử Việt từ đời Ngô (938-965) tới đời Nguyễn (1802-1945). Ðây có lẽ là lần hiệu đính cuối cùng, và khá tốn thì giờ vì việc chuyển đổi từ lịch Ta qua lịch Tây.

Mặc dù đã hoàn tất việc sơ thảo ít năm trước, suốt năm qua, tôi chú trọng vào thời hiện đại, nhất là khía cạnh pháp luật hơn sử học.

Một trong những bài viết cần hiệu đính là bài “Tài Liệu Nghiên Cứu Sử” đã in trong Ngàn Năm Soi Mặt năm 2002. Chuyến du khảo Việt Nam từ tháng 11/2004 tới tháng 5/2005, với học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Mỹ, giúp thu thập thêm nhiều tài liệu quí, có cơ hội làm việc tại các văn khố và thư viện Việt Nam, du lịch từ Nam chí Bắc, tiếp xúc nhiều học giả và nhà nghiên cứu trong nước khiến nhiều chi tiết cần được cập nhật.

Là người nghiên cứu chuyên nghiệp, với tôi, chỉ có sự thực lịch sử mới quan trọng. Tôi không ngả theo, chiều chuộng một thế lực hay cá nhân nào, mà những điều đã và sẽ viết chỉ là sản phẩm của hơn 30 năm nghiên cứu, với hy vọng những thế hệ mai sau nhìn rõ chân diện dân tộc mình, hầu rút ra bài học hữu ích cho bản thân, cũng như những dự tính phục vụ đất nước, nhân loại.

Tôi không hề có tham vọng chính trị hay một mục đích nào khác hơn làm tròn trách nhiệm một người học sử. Hơn 2000 năm trước, Trang Chu từng viết: Ngọn gió thổi qua rừng núi, hang động, phát ra muôn vạn âm thanh khác nhau; thế nhân thường chỉ nhận hiểu được những tiếng vang trầm bổng, dị biệt ấy; ít ai tìm hiểu đến cái uyên nguyên của gió. Ðời sống nhân loại cũng vậy. Chúng ta chỉ thường được chứng kiến những màn ảo thuật trước mắt, ít ai tận tường những mưu mẹo, bàn định phía sau hậu trường.

Việt Nam không là một đại cường, nhưng cũng là một quốc gia không nhỏ, thiết lập được vị thế đáng nể trọng tại Ðông Nam Á và trên thế giới. Khả năng tự sinh tồn và ngày một phát triển, hùng mạnh hơn là công lao, xương máu của biết bao thế hệ. Không hiểu biết tường tận lịch sử dân tộc, đất nước mình mới nẩy sinh những tinh thần chia rẽ, hướng ngoại, hay nuôi dưỡng tham vọng độc tôn–thuận ta thì sống, nghịch ta thì diệt–của luật kẻ mạnh đã có hàng chục ngàn năm lịch sử với những cơn điên rồ tanh máu.

Ở những năm đầu một thiên niên mới không thể dấu diếm niềm ao ước của tôi về sự phục hưng của tinh thần yêu chuộng sử văn trong giới trẻ, và một chương trình giáo khoa mà sử học là một trong những tín chỉ bắt buộc cho các sinh viên đại học.

Ngoài ra, cũng mong giới đồng nghiệp trong nước khởi đầu–hoặc tiếp tục–chương trình sử dụng DNA để sớm giải quyết vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt. Chấm dứt tìng trạng “dĩ nghi truyền nghi” trong quốc sử về những tiếng “Hùng” hay “Lạc,”tránh được cảnh những người hồ đồ, thiếu kiến thức hăm hở “khỉ sự”xưng tội rằng tổ tiên mình là người Tàu!

Khi từ Việt Nam trở lại Mỹ, tôi đã có dự định tìm tài trợ cho kế họch này, nhưng sức khoẻ đột ngột suy yếu, đành bỏ dở cùng nhiều dự tính khác.

Houston, 1/2/2009

 

 

Người học sử Việt nào cũng bị đối mặt nhiều trở ngại nhức đầu. Nào là vấn đề tên nước, tên dân, nguồn gốc dân tộc. Nào là vấn đề ngày tháng, niên đại. Nào là những âm mưu hiểm độc của ngoại cường dưới chiêu bài khai hóa, tự do, dân chủ, trộn lẫn với tham vọng quyền lực, lợi danh của các phe nhóm bản xứ, với bảng hiệu đấu tranh giành độc lập, giải phóng, v.. v... Căn nguyên chính của chứng nhức đầu kinh niên trên là vấn đề tư liệu, hay thiếu tư liệu.

Mặc dù các sử quan Việt cho rằng nước cổ Việt xuất hiện từ năm 2879 Trước tây lịch [TTL], mãi tới thế kỷ XIII, nước ta mới có bộ quốc sử đầu tiên, tức Ðại Việt Sử Lược của Bảng Nhãn Lê Văn Hưu (1272). Hơn một thế kỷ sau tới bộ Việt sử cương mục (1386-1427) của Hồ Tông Thốc, hoàn thành vào cuối đời Trần (1225-1400). Nhưng hai bộ sử này bị thất lạc trong thời gian nhà Minh chiếm đóng nước ta (1407-1427). Vào đầu triều [Hậu] Lê, Phan Phu Tiên soạn Sử Ký Tục Biên (1455). Rồi dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), Ngô Sĩ Liên hoàn tất bộ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư (1479), gồm 2 phần: Ngoại kỷ (5 tập) và Bản Kỷ (10 tập). Các đời sau tiếp tục viết thêm (tục biên): Vũ Quỳnh (Ðại Việt thông giám), Lê Tung (Ðại Việt thông giám tổng luận, 1514), Phạm Công Trứ (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, Tục Biên, 1665), Lê Hi và Nguyễn Quí Ðức (Bản Kỷ, Tục Biên, 1697), Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Nguyễn Sá (Quốc sử tục biên), Nguyễn Nghiễm (Việt sử bị lãm), Lê Quí Ðôn (Ðại Việt thông sử, hay Lê triều thông sử, 30 quyển; và Quốc triều tục biên, 8 quyển). Ngoài ra, còn các bộ Trung hưng thực lục (1289?) của Trần Nhân Tông; Lam sơn thực lục (1431-1432) của Lê Thái Tổ; Thiên nam minh giám của họ Trịnh; [Lê triều] Trung hưng thực lục của Lê Tương Dực (1504-1509), hay các sách tư của họ Ngô, Lịch triều tạp kỷ của họ Cao [có lẽ là Ngô Cao Lãng] tại Ái châu [Thanh Hoa] và con là Siển Trai (Emile Gaspardone, BEFEO, số 34 (1934), tr. 1-167 tại 75) v.. v...

Tóm lại, quốc sử Việt mới chỉ xuất hiện từ thời Trung cổ. Và vì các điều kiện chính trị, chiến tranh, ý thức hệ (Khổng giáo), thiếu phương tiện bảo quản (giấy rách nát, mọt hoặc mối ăn, chiến tranh), không những sách của Lê Văn Hưu và Hồ Tông Thốc bị thất lạc, tuyệt bản, ngay đến bộ sử của Ngô Sĩ Liên cũng không còn nguyên vẹn. Nó đã bị sửa chữa, hiệu đính qua các lần sao chép, tục biên, v.. v... Bộ quốc sử cũ nhất mà chúng ta được đọc là bản in vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

Năm 1798, vua Quang Toản nhà Tây Sơn (1778-1802) cũng cho lệnh sử quan Bắc thành chép sử. Vì bộ Ðại Việt Sử Ký cũ nhất bị thất lạc, sử quan phải chép lại từ đời Hồng Bàng tới thập nhị sứ quân làm Ngoại kỷ, và mở đầu Bản kỷ bằng Ðinh Tiên Hoàng cho tới ngày bị Minh chiếm đóng [1407], gồm 17 quyển. Ngô Thì Nhiệm có lẽ chịu trách nhiệm sửa chữa và khắc bản.

Ðến đời vua Tự Ðức (1848-1883), quốc sử quán nhà Nguyễn hoàn tất bộ Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, nhưng chỉ khắc bản năm 1884 (đời Kiến Phước, 1883-1884). Ngoài ra, còn hai bộ Ðại Nam Thực Lục, từ chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến vua Ðồng Khánh (1885-1889), và Ðại Nam Liệt Truyện.

Tất cả các bộ sử này đều gây nhiều vấn nạn.

Từ thời Pháp thuộc đến nay, vấn đề biên soạn sử tiến bộ hơn, nhưng vẫn chưa có những nghiên cứu thực sự giá trị. Số người được huấn luyện chuyên nghiệp ngành sử học quá ít. Ða số những người nghiên cứu hoặc viết sử đều là nhà mô phạm, hoặc coi sử như một thứ giải trí thanh cao. Bởi thế, các tác phẩm giá trị nhất đều do học giả ngoại quốc hay học giả Việt ở hải ngoại soạn thảo. Một trong những lý do chính vẫn là thiếu sử liệu. Ngoài ra, còn những áp lực chính trị giai đoạn của chế độ cầm quyền, các tổ chức, phe phái có thế lực khiến sử gia không dám chép hết sự thực; hay thiếu phương tiện vật chất để hoàn thành các tác phẩm tốt, v.. v... Nhiều bộ “sử” chỉ thuần là tài liệu chiến tranh chính trị hoặc truyền giáo. Ða số tác giả, và từ đó người học sử đời sau, dễ bị lạc vào mê hồn trận của các hệ thống tuyên truyền cực kỳ tinh vi của nhiều phe phái, xà cừ mà tưởng lầm thành bạc.

Bài viết này chỉ chú trọng vào vấn đề tài liệu sử. Vấn đề phương pháp sử và triết lý sử sẽ dành cho một dịp khác.

 

  I. SÁCH SỬ TỪ THỜI TRUNG CỔ TRỞ VỀ TRƯỚC:

 

Nhiều người tin rằng với bốn ngàn năm văn hiến, dân Việt rất yêu thích lịch sử. Niềm tin này không được phản ảnh qua số sách sử hoàn thành hay việc bảo tồn các sử liệu. Tổng số sách sử còn được lưu truyền vỏn vẹn mươi tựa, vậy mà hầu hết đã tuyệt bản. Các sách sử chúng ta được đọc ngày nay chỉ khắc bản và ấn hành từ cuối thế kỷ XVII. Sách sử cũng thường chỉ tàng trữ tại Bí các (rồi Nội các) hay sử quán (Hàn lâm viện) của các triều đình, rất ít khi lọt ra ngoài. Một số gia đình nổi danh văn học và làm quan to, như họ Ngô ở Hà Ðông, mới tồn trữ được những bản tóm lược hay thông sử trong thiên hạ. Chiến tranh với Chiêm Thành, Trung Quốc, và những cuộc nội chiến cũng đóng góp một phần vào việc tàn phá số sách sử cổ thời vốn chẳng dồi dào này. Khí hậu ẩm thấp nhiệt đới, phẩm chất giấy và bản khắc xấu, mối mọt là yếu tố quan trọng khác. Ngoài ra, còn những loại tội ác văn hóa như các tân trào tiêu hủy sách vở của các chế độ bại trận (tài liệu nhà Lý, nhà Mạc, nhà Tây Sơn, v.. v...).

Mãi tới thế kỷ XVIII và XIX mới có hai học giả bỏ công ghi chép lại những sách sử đã ấn hành. Ðó là Bảng Nhãn Lê Quí Ðôn (1726-1784) [Ðại Việt thông sử, Nghệ văn chí; bản Việt ngữ Hà Nội, 1978, tr. 98-113], và Phan Huy Chú (1782-1840) [Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí; bản Việt ngữ Hà Nội 1992, 3:68-77]. Qua hai bộ bách khoa trên, hậu thế mới có được ý niệm tổng quan về các tựa sách đã xuất hiện. Người có công đầu trong việc giới thiệu sách sử Việt với Tây phương là các học giả Pháp vào đầu thế kỷ XX, đặc biệt là Emile Gaspardone. (“Bibliographie annamite” [Thư mục An-Nam]; BEFEO, 34 (1934), tr. 1-167)

Ðại cương, các sử quan Việt đều chỉ bắt chước sử quan Trung Quốc để biên soạn quốc sử. Mặc dù có những nỗ lực Việt hóa tư liệu Trung Quốc, nhưng vì thiếu sử liệu địa phương, lại bị gò bó trong “thánh Triết” Khổng học, và ràng buộc bằng miếng đỉnh chung cùng danh lợi, những bộ quốc sử Việt còn lưu truyền không chỉ thiếu sót mà đôi chỗ còn thiếu độ khả tín.

 

A. MÔ HÌNH TRUNG QUỐC:

Theo Bảng Nhãn Lê Quí Ðôn, nguồn gốc của phương pháp sử Trung Quốc là hai bộ Kinh Thư (được gọi tâng lên là Thượng thư), và Xuân Thu.

Kinh Thư chép mỗi việc riêng biệt, từ đầu đến cuối, nên còn gọi là “kỷ truyện.”

Kinh Thư có nhiều bản khác nhau. Theo lời truyền tụng, Khổng Khâu (hay Khưu, K'ung Ch'iu, 551-479 TTL) soạn một bản. Lại có nhiều người bình giải, sửa chữa theo ý mình. Khổng Khâu tự là Trọng Ni, người nước Lỗ (Lu), thuộc địa phận tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc, ngày nay. Thường được tôn xưng là Khổng tử, chí thánh hay Vạn thế sư biểu [ông thày vạn năm]. Theo truyền thuyết, ngoài Kinh Thư, Khổng Khâu còn soạn sách Xuân Thu, chú giải Kinh Dịch, v.. v.... (Có người cho rằng Khổng Khâu chẳng soạn được bộ sách nào cả) Muốn hiểu thêm Kinh Thư, người thông thạo ngoại ngữ nên đọc thêm Bernhard Karlgren, The Book of Documents (Stockholm: 1950); Saraphin Couvreur, Chou King: Les annales de la Chine (Paris: 1950); hay Clae Waltham, Shu Ching: Book of History (Chicago: 1971).

 

Xuân Thu (tức sử nước Lỗ), vẫn theo lời truyền thuyết, do Khổng Khâu soạn theo lối “biên niên.”

Xuân Thu được coi như nguồn gốc sử học Trung Hoa. Bộ Xuân Thu có ba bản chú giải: một của Tả Khâu Minh (Tso Ch'iu-ming, cùng thời với Khổng Khâu), gọi là Tả Thị Xuân Thu hay Tả truyện (có thuyết cho là của Tả Khưu, đời Tấn); một do Công Dương Cao (Kung Yang-kao, cuối đời Chu), thường gọi là Công Dương Truyện, và một của Cốc Lương Xích (Ku Liang-ch'ih, đời Hán), tức Cốc Lương truyện. Chính bản của Khổng Khâu và ba bản diễn nghĩa chỉ được truyền khẩu, ai muốn hiểu sao cũng được. Vì sợ va chạm với người quyền thế, sách bị dấu kín, chưa ai được thấy nguyên bản. Nhưng môn đệ Khổng Khâu (như Mạnh Kha) thích ca ngợi Xuân Thu “là việc của Thiên tử,” hay “Khổng tử viết xong Xuân Thu mà rồi loạn thần, tặc tử sợ.” (Xuân Thu Tam Truyện [Hoàng Khôi 1969], I:11) Chu Hy tán thêm: “Sách Xuân Thu căn cứ vào đương thời đại loạn, thánh nhân cứ thực sự chép ra. Còn như được hỏng, phải trái, đã có hậu thế luận bàn.” (Ibid., I:31) Nói cách khác, Xuân Thu cùng ba bản diễn nghĩa là một tổng hợp kiến thức nhiều đời; chẳng ai rõ chữ nào của Khổng Khâu, câu nào của người khác. Mãi tới thời nhà Hán (206 TTL-8 STL, 25-220), Ðổng Trọng Thư mới khởi dạy sách Xuân Thu. Từ đó, Xuân Thu còn tam sao thất bản hơn nữa.

Xuân Thu cùng ba bản giải thích của họ Tả, họ Công, họ Cốc đã được dịch qua tiếng Việt, gọi chung là Xuân Thu Tam Truyện (bản dịch Hoàng Khôi, 3 tập, Sài Gòn: 1969). Những câu ngắn ngủi như “ẩn công, Nguyên niên, Xuân vương chính nguyệt; tam nguyệt, công cập Châu Nghi Phủ minh vu miệt” [ẩn công, Năm đầu, mùa Xuân tháng Giêng [vua nhà Chu lên ngôi] vương; Tháng Ba, [Lỗ] Công [và] Châu Nghi Phủ thề ở đất Miệt], v.. v... thật tối tăm, khó hiểu với người đọc. Dù giống như thể ghi niên biểu sơ lược sau này–theo theo kiểu một chuỗi keywords [chữ chính] chắp nối với nhau, và không ai hiểu được ý nghĩa nếu không đọc thêm những lời bình giải. Nhượng Tống sử dụng những tiếng nặng nề như “băm nhau” để đánh giá Xuân Thu, nhưng nhận xét này hơi quá đáng. Nội dung hay kỹ thuật Xuân Thu chẳng có gì đáng kể, nhưng tính chất cổ thời và giá trị lịch sử là điều không ai có thể phủ nhận–một tác phẩm với hơn hai ngàn năm tuổi đời mà nội dung ngày một nhiều chi tiết hơn, tổng hợp quan niệm sử và chính trị của các nho gia Trung Quốc.

 

Shih chi [Sử Ký] của Sima Qian [Ssu-ma Ch'ien, Tư Mã Thiên,] (145-86 TTL), đời Hán–một trong 21 bộ “chính sử” của Trung Quốc trước thế kỷ XVII–cũng là khuôn vàng, thước ngọc của sử quan Việt. Sách này chép theo lối kỷ truyện. Sau Sử Ký, sử quan và văn gia Việt rất ưa chuộng các sách Tsu-chih t'ung-chien [Tư Trị Thông Giám] của Tư Mã Quang (1019-1086), và Thông Giám Cương Mục của Zhu Xi [Chu Hy, 1130-1200; còn được biết như Chu Tử, Trúc Ðình, hay Tử Dương (Chỉ nên tìm ra ý định [intentions] của tiên Thánh khi đọc kinh sách)]. Hai sách này cũng theo thể biên niên. (Lê Quí Ðôn, Ðại Việt Thông Sử, bản dịch Ngô Thế Long & Văn Tân [Hà Nội: 1978], tr. 19-20).

 

Các sử quan Việt thiên về phương pháp “biên niên,” nhưng đôi lúc cũng linh động áp dụng lối “kỷ truyện.” Bộ Ðại Việt Sử Lược của Lê Văn Hưu–soạn từ cuối đời Trần Thái Tông (1226-1258) tới năm Nhâm Thân (1272) đời Trần Thánh Tông (1258-1278) mới hoàn tất, gồm 30 quyển, từ đời Triệu Võ Vương (207-137 TTL) tới Lý Chiêu Hoàng (1226)–chép theo lối biên niên như Thông Giám Cương Mục của Chu Hy. Nhưng thỉnh thoảng có lời bình giống như Sử Ký của Tư Mã Thiên (kỷ truyện). (Theo Lê Tắc, Lê Văn Hưu sửa sách Việt Chí của Trần Tấn; ANCL, 1961:237)

Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên–dựa trên các bộ Ðại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu (1272), Ðại Việt Sử Ký Tục Biên của Phan Phu Tiên (1455) và Dư Ðịa Chí của Nguyễn Trãi (1435)–vẫn theo cách biên niên, nhưng thêm vào các mục, loại (tị sự), “chê, khen, phân biệt người hay kẻ dở” theo kiểu Xuân Thu của Khổng Khâu và Sử Ký của Tư Mã Thiên.(“ Biểu dâng sách;” Toàn Thư [Giu 1967], I:20)

Phan Phu Tiên sinh quán tại làng Vẽ (Ðông Ngạc), huyện Từ Liêm, Bắc Ninh. Ông có công sửa lại bộ Việt sử cũ (không chép tháng), từ Trần Thái Tông (1226-1258) tới năm 1427.([KÐ]VSTGCM, 18:29, I:970)

Nguyễn Trãi (1383-1442) là khai quốc công thần của nhà Hậu Lê; lưu lại hậu thế một sự nghiệp văn học đáng kể, đặc biệt là bộ Ức Trai Tập.

 

Như đã lược nhắc, bộ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư còn lưu truyền hiện nay không phải là nguyên bản của Ngô Sĩ Liên, mà đã được hiệu đính, sao chép lại nhiều lần.

Những người viết tục biên có:

(1) Ðầu thế kỷ XVI, Vũ Quỳnh viết Ðại Việt thông giám, hay Việt giám thông khảo. Chép từ đời Hồng Bàng tới Thập nhị sứ quân (966) làm Ngoại kỷ. Bản kỷ khởi từ Ðinh Tiên Hoàng (968-979) tới năm đầu [Hậu] Lê Thái Tổ (1428).(“ Phàm Lệ,” Toàn thư [Giu 1967], tr. 21)

(2) Lê Tung [Dương Bang Bản, 1452-?] viết Ðại Việt thông giám tổng luận, hay Việt giám thông khảo tổng luận (1514), tóm tắt bộ sử của Vũ Quỳnh cho vua Lê Tương Dực (1510-1516) đọc. (Toàn Thư [Giu 1967], I:39; KÐVSTGCM, q.26, tờ 11A)

(3) Ðầu đời Lê Huyền Tông (1662-1672), Phạm Công Trứ (1600-1675) soạn Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư Bản Kỷ, Tục Biên (1665), gồm 23 quyển. Chép từ thời Hồng Bàng tới Lê Thái Tổ, y theo sách Ngô Sĩ Liên và Vũ Quỳnh. Riêng phần Bản Kỷ, Tục Biên–từ Lê Lợi tới Lê Cung Hoàng (1522-1527), tức quyển 11-15, và từ Lê Trang Tông (1533-1548) tới Lê Thần Tông (1619-1643, 1649-1662)–dựa theo Thực lục. (Phan Huy Chú, (Hà Nội: 1992), 3:71; Gaspardone, BEFEO, số 34 (1934), tr. 59). Ðây là bộ sử đầu tiên được khắc bản, ấn hành. (Phan Huy Chú, (Hà Nội: 1992), 3:72) Tuy nhiên, bản khắc mới chỉ hoàn tất được 5, 6 phần mười.

(4) Trong thời Lê Hy Tông (1680-1705), Lê Hi (1648-1703) và Nguyễn Quí Ðức, soạn Sử ký Tục biên, chép tiếp đến cuối đời Lê Gia Tông (1662-1675). Gồm 5 tập Ngoại kỷ và 19 tập Bản kỷ Tục Biên (1697). Ðược khắc bản, ấn hành. Ðây là bộ sử còn lưu truyền đến hiện nay. (Xem bản dịch Cao Huy Giu [Hà Nội: NXB Khoa Học, 1967]; Ðào Duy Anh “hiệu đính, chú giải và khảo chứng.”)

(5) Ðời Lê Hiển Tông (1740-1786), Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Nguyễn Sá soạn Quốc sử tục biên. Gồm 6 quyển, chép từ Lê Hy Tông (1675-1705) tới Lê Ý Tông (1735-1740). (Phan Huy Chú, 1992, 3:73)

(6) Nguyễn Nghiễm (1708-1775) soạn Việt sử bị lãm. Gồm 7 quyển.

(7) Năm 1775, Nguyễn Hoản [Hoàn?] (1713-1792), Lê Quí Ðôn, Vũ Miên (1718-1788), v.. v... được lệnh soạn Quốc triều tục biên, 8 quyển, từ Lê Trang Tông (1533-1548) tới Lê Gia Tông (1671-1675). Bổ sung chỗ thiếu của sử cũ. [Theo KÐVSTGCM, chép thêm từ đời Lê Hy Tông (1676-1705) tới Lê Ý Tông (1735-1740). (CM. q.44, tờ 26)?].

(8) Ðến đời Tây Sơn, năm 1798 Quang Toản cho lệnh viết lại sử. Vì bộ Ðại Việt Sử ký bị mất, Ngô Thì Nhiệm (1746-1803?) thu góp tài liệu cũ viết từ đời Hồng Bàng đến thập nhị sứ quân (968) làm Ngoại kỷ, gồm 7 tập, và từ Ðinh Tiên Hoàng (968-980) tới năm Lê Lợi giải phóng Ðại Việt khỏi ách đô hộ của nhà Minh (1427) làm Bản kỷ, gồm 10 tập; tổng cộng 17 tập. Năm 1800, bản gỗ khắc xong, vua Quang Toản cho in với tựa Ðại Việt Sử ký tiền biên. (Gaspardone 1934:65, 73-74; bản dịch của Viện Hán Nôm Hà Nội năm 1997)

Hiện nay, có hai bản dịch Việt ngữ của Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư: Một của Nhượng Tống (chỉ có Ngoại kỷ), một của Cao Huy Giu (trọn bộ, 1967, dựa theo bản Lê Hi [1697])

Các tác giả Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục (1856 khởi viết, 1859 hoàn tất, hiệu đính từ 1871 tới 1878, in năm 1884) tự nhận đã theo phương pháp mà bảy thế kỷ trước Chu Hy dùng để viết cuốn Thông Giám Cương Mục. Sử kiện được thuật theo lối biên niên, trước hết tóm lược dữ kiện chính trong vài hàng (cương), rồi diễn giải rõ ràng chi tiết hơn (mục). Tuy nhiên, cách trình bày dữ kiện thì lại theo lối sách Xuân Thu của Khổng Khâu.

Bộ Ðại Nam Thực Lục của quốc sử nhà Nguyễn thì, cũng giống như Ðại Thanh Thực Lục, theo phương pháp biên niên sử. (Xem, chẳng hạn, Ta Ch’ing Jen Tsung Yue huang ti tu lu [Ðại Thanh Gia Khánh Huệ Hoàng đế thực lục] (Taipei: 1964)

 

B. GÁNH NẶNG “THÁNH GIÁO”:

Thứ hai, sợi giây xuyên suốt các nhận định (“đao bút”) trong các bộ quốc sử nhà Lê và Nguyễn nói trên là tinh thần Khổng học như thiên mệnh, chính thống, tam cương, ngũ thường, v.. v... vay mượn từ phương Bắc. Chỉ cần đọc “Phàm Lệ” của các sử quan trong bộ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, người ta thấy tinh thần đao bút Khổng giáo quá hiển lộ. Chính vì thế cách sắp xếp các triều đại thiếu tinh thần khoa học, đôi khi vô lý: Như trên thực tế, quân Minh chiếm đóng Ðại Việt suốt 20 năm, sử chỉ chép có 4 năm; những năm còn lại chia cho các vua Hậu Trần và thời kỳ kháng chiến của Lê Lợi để bảo tồn “quốc thống!” (Toàn Thư [Giu 1967], I:24) Hay con Lê Ðại Hành là Lê Trung Tông vừa lên ngôi được 3 ngày đã bị em là Lê Long Ðĩnh giết, nhưng sử quan chỉ cho Ngọa Triều lên ngôi 8 tháng sau “để định tội Ngọa triều cướp ngôi giết anh.” (Ibid., I:23) Lời “Bàn” hay “cẩn án” của các sử quan sau mỗi sự kiện cũng dựa theo nghi lễ và đạo đức Khổng giáo. Ðinh Tiên Hoàng (968-979), chẳng hạn, dù được coi như nối dòng chính thống của Hùng Vương (2879-255 TTL), bị chê trách đã lập đến năm hoàng hậu, vi phạm nguyên tắc “tam cương” của Khổng giáo, nên mất đi “thiên mệnh.” (Toàn Thư [Giu 1967], I:45-6, 55) Bộ Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục còn thêm lời “phê” của Tự Ðức (1848-1883). Những lời phê này được viết cao hơn văn bản (gọi là viết đề lên). Dù phản ảnh nhân sinh quan và vũ trụ quan của vua vào thế kỷ XIX, nhưng những lời phê trên không thoát khỏi khuôn khổ “chính giáo.” Các tác nhân lịch sử bị đặt lên chiếc giường “thánh giáo” ấy, thừa thì chặt bớt đi, ngắn kéo dài ra cho vừa với khuôn mẫu triết lý chính trị Nho giáo. Ðó là chưa kể đến sự thù hằn và lòng ghen tài với những người như Lê Quí Ðôn.

Lối viết sử kiểu nhị nguyên này đưa đến lối trình bày và nhận xét nhiều khi quá đơn, giản. Mọi tác nhân bị căng ra giữa hai đối cực chínhngụy. Ki-tô giáo, chẳng hạn, bị lên án là “tả đạo.” Các nhà truyền giáo và giáo mục, giáo dân bản xứ bị lên án là “ngụy” (giặc), “phiến gian thụ đảng” (tụ tập phe đảng làm loạn), “nam nữ hỗn loạn, hạnh kiểm như cầm thú” v.. v.... Ngay đến triều đại lập nhiều chiến công nhất trong lịch sử cận đại Việt như nhà Tây Sơn (1778-1802) cũng bị lên án là “ngụy,” với những cách diễn tả như “tiếm hiệu,” “tiếm ngôi,” “xâm phạm ... nước An-Nam” (khi tiến quân vào Nam truy diệt dòng giõi chúa Nguyễn, hay ra Bắc phò Lê, diệt Trịnh), v.. v... [Xem bài về nhà Tây Sơn]

Lịch sử trở thành tài liệu tuyên truyền, nhồi sọ “thánh giáo”–có thể gọi chung là tài liệu truyền giáo–hơn tấm gương soi mặt ngàn đời, để có thể từ đó rút ra những bài học hữu dụng cho tương lai mà các sử quan mong muốn. (Tổng luận của Lê Tung [1514], Toàn Thư [Giu 1967], I:39)

 

C. THIẾU SỬ LIỆU:

Tư liệu sử dụng để viết các bộ quốc sử Việt phần lớn dựa theo chính sử và dã sử Trung Hoa, được tăng bổ hay chế biến lại theo quan điểm “quốc thống.”

Vì mãi tới thế kỷ thứ X, nước Việt mới giành được quyền tự chủ, việc tìm lại quốc tổ quả thực nhiều vấn nạn. Năm thế kỷ sau, Ngô Sĩ Liên mới chọn Hùng Vương làm quốc tổ, và lấy Ngô Quyền (939-944) làm đầu mối phục hưng quốc thống của Hùng Vương. Vũ Quỳnh đồng ý Hùng Vương là quốc tổ, nhưng lại khởi viết bản kỷ Ðại Việt thông giám từ Ðinh Tiên Hoàng (968-979). (“Phàm Lệ,” Toàn thư [Giu], tr. 21) Sử quan các triều kế tiếp đều đồng ý chọn Ðinh Tiên Hoàng để mở đầu phần chính biên.

Công trình tái dựng nguồn quốc thống ngược lên tới nhà Hồng Bàng và Hùng Vương là một công trình cực kỳ khó khăn và phức tạp.

1. Các sử quan và văn nhân Trung Quốc, kể cả Khổng Khâu–do giới hạn kiến thức về thiên văn, địa lý, cùng tự tôn chủng tộc của thời đại họ–chỉ thấy Trung Quốc như tâm điểm của một vũ trụ hình vuông, các dân tộc hay sắc dân khác ở ngoài cái khung hình vuông ấy là “mọi rợ.”

Khổng Khâu sử dụng tới bốn tiếng Bắc địch, Nam man, Tây Nhung, Ðông di để gọi các dân tộc “mọi rợ” lân bang. (Seraphin Couvreur, Li Ki: Mémoires sur les bienseances et les cérémonies, 2 tập (Paris: 1913), I:295) Chẳng hiểu dựa theo tài liệu nào, Khổng Khâu còn phán [văn] rằng các dân “Nam man” nằm ngủ “chân, đầu lộn ngược” (để chân người này lên đầu người kia). Văn gia Trung Quốc thì hoang tưởng ra những truyện đại loại như “Quỉ Môn Quan” mà Mã Viện từng dựng bia khi chiến thắng quân Hai Bà Trưng trở về.

[Yo chih (Nhạc Sử) đời Tống (960-1279), trong cuốn Thái Bình Hoàn vũ ký, viết: Ðời Tần muốn tới đất Giao Chỉ phải qua Quỉ Môn Quan; mười người qua, chín người không trở lại. (Dẫn trong Lê Quí Ðôn, Vân Ðài Luận Ngữ [1772], bản dịch Phạm Vũ, Lê Hiền (Sài Gòn: 1972), tr. 145)]

 

Mãi đến hạ bán thế kỷ XVIII, Lê Quí Ðôn còn phải phản đối việc quan chức nhà Thanh gọi sứ đoàn Việt là “mọi” [di nam, di mục], nên nhà Thanh mới đồng ý đổi thành “An Nam cống sứ.” (Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 9) Nhưng nhà Thanh vẫn giữ nguyên tên “Trấn Nam Quan” cho cửa ải ở phương Nam, trong khi các văn gia Việt gọi nó bằng tiếng “ải Nam Quan” hay “ải Nam Giao.” Và, dù từ năm 1804 vua Gia Khánh nhà Thanh đã đổi quốc hiệu nước ta thành “Việt Nam,” nhưng sách sử giáo khoa Trung Quốc vẫn ghi “An-Nam,” một thuộc quốc của “thiên triều.” (Xem “An Nam chinh vũ ký” của Ngụy Nguyên (1842))

Cho đến thế kỷ XIX, XX người Trung Quốc vẫn chưa sạch lòng cao ngạo chủng tộc này. Họ thường gọi người Tây phương là “Bạch quỉ” hay rợ Tây (Tây di). Những bạch quỉ hay Tây di này chỉ ỷ vào vũ lực hùng mạnh, ăn hiếp một dân tộc văn minh duy nhất trên thế giới, biểu lộ qua việc cho quân sĩ xếp hàng dài theo biên giới Nga, tụt quần, chổng mông. Bởi thế, nhan nhản trong sử sách những lập luận như “Hán Vũ đế tru Lữ Gia khai cửu quận, thiết thứ sử dĩ trấn chi, tỉ Trung Quốc nhân tạp cư kỳ gian, sảo sử học thư, thô tri ngôn ngữ, sứ dịch vãng lai, quan kiến Lễ hóa...” [Hán Vũ Ðế giết Lữ Gia, mở 9 quận, đặt thứ sử để trấn áp, đưa dân Trung Quốc tới ở chung, giúp mở mang việc học, biết tiếng Trung Hoa một cách thô vụng, sứ đoàn đi lại, cho thổ dân biết được lễ nghĩa, phong hóa]. (KÐVSTGCM, Tiền Biên (Sài Gòn: 1970), III:6A). Chẳng khác gì Charles de Gaulle, vào năm 1945, vẫn khăng khăng Pháp “đã mở cửa cho dân Annamite vào thế giới văn minh,” và quyết mang súng đạn, xe tăng xin mượn của Bri-tên và Mỹ để đưa “con tàu lạc bến Ðông Dương” trở lại “vòng khai hóa.”

 

2. Nỗi khổ tâm của các sử quan Việt không chỉ giới hạn trong việc chống lại lối nhìn tiên thiên “mọi rợ” của sử quan và văn thi gia Trung Quốc để viết lại về tổ tiên mình [tương tự như lối diễn tả ước lệ chậm tiến, thế giới thứ ba, hay các nước đang mở mang hiện nay]. Họ còn phải tự trói trong khuôn khổ những “thánh ngôn” của Khổng Khâu và đệ tử mà họ đã bị nhồi sọ từ thuở để chỏm là thần thánh, vĩ đại, bậc thày hàng vạn đời [khoảng 100,000 năm] của nhân loại.

[Khổng Khâu là người đưa ra lý thuyết trái đất vuông, trời tròn, và chỉ khoảng 2,000 năm sau ngày ông ta chết, thuyết trên đã bị phá sản.

Sau này, khi các nhà truyền giáo Tây phương như Malteo Ricci (Lợi Mã Ðậu), Ferdinandus Verbiest (Nam Hoài Nhân, tác giả Khôn dư đồ thuyết), Guileo Aleni (Ngải Nho Lược), v.. v.. bàn và viết về đất tròn, biển tròn tại triều nhà Minh, Lê Quí Ðôn vẫn tìm được cách ngụy biện rằng “tiên nho” đã biết truyện trời tròn, đất tròn qua thuyết “Hỗn thiên” rồi! (VÐLN, 1972:60, 77, 78, 177-82)]

 

Và, nếu tin được Lê Tắc, đã có lần vua Trung Quốc hỏi một sứ giả Việt là phải chăng ở quận Nhật Nam, mặt trời mọc từ hướng Bắc!

 

3. Nỗi nhức đầu khác của các sử quan như Lê Văn Hưu hay Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, v.. v... là hầu hết chính sử Trung Quốc cung cấp rất ít dữ kiện về nước Việt. Ngay trong số dữ kiện hiếm hoi được ghi lại thì không chỉ sai lạc, mà còn đứng trên quan điểm một thượng quốc hay thiên triều đối với một thuộc quốc.

 

a. Không hoặc rất ít dữ kiện:

(1) Kinh Thư, chẳng hạn, chẳng nói gì về cổ Việt. Xuân Thu của Khổng Khâu chỉ nói về nước Lỗ.

Sự im lặng này có thể vì hai bộ Kinh ThưXuân Thu đã chịu cảnh tam sao thất bản sau hàng thế kỷ chiến tranh. Ðó là chưa kể ngọn lửa phần thư của Tần Thủy Hoàng (221-207 TTL) và Sở Bá Vương Hạng Vũ [Hang Yu] (hỏa thiêu thành Hàm Dương [Hien yang] năm 206 TTL). Mãi tới thời nhà Tiền hay Tây Hán (206 TTL-8STL), mới có những nỗ lực truy tìm cổ thư.

[Nhiều sách Việt từ thời Pháp thuộc sử dụng thuật ngữ “trước” và “sau Công Nguyên”để chuyển dịch những tiếng “trước Jesus”[B.C.] và”sau Jesus [AD]. Jesus, theo những biên khảo khả tín, không sinh vào năm thứ 1 Tây lịch]

 

Chi tiết cổ nhất về nước Việt trong kinh sách Trung Quốc là việc sứ Việt Thường tới cống chim trĩ trắng thời Chu Thành Vương (1115-1079 TTL) của nhà Tây Chu (1122-771 TTL). Chuyện này được Phúc Thắng ghi trong Thượng thư đại truyện (đầu đời nhà Hán). Rồi được lập lại trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, và Hậu Hán Thư (Nam Man Truyện, q. 116).

Tân Mão [1110 TTL, năm Chu Thành vương thứ 6]: Phía nam Giao Chỉ có họ Việt Thường, sau ba lần thông dịch, đến cống chim trĩ trắng.” (dẫn trong Cương Mục, TB [Sài Gòn: 1965], II:29-31. ANCL của Lê Tắc ghi là chín lần thông ngôn; q. 1, tr. 16 (Hán ngữ), tr. 23 (Việt ngữ); Toàn Thư [Giu 1967], I:313chú 5. [Cũng nhắc năm này, Tư Mã Thiên chép Hùng Huy vương đến cống chim trĩ trắng].

 

Các học giả ngày nay nghĩ rằng chi tiết trên liên quan đến sự chế tạo ra kim chỉ nam hay địa bàn hơn nói về nước Việt Thường. Nhưng năm 1804, trong chiếu sắc phong Nguyễn Chủng (vua Gia Long) làm Việt Nam Quốc Vương, Gia Khánh và triều thần nhà Thanh vẫn nhắc đến nước Việt Thường, để tỏ sự lâu đời của mối bang giao Hoa-Việt. Trong bộ Ðại Nam Nhất Thống Chí của nhà Nguyễn, tên Việt Thường được gán ghép cho rất nhiều địa danh, mà chẳng bận tâm chứng minh.

Từ đời Ðường (618-917), các văn gia Trung Quốc mới bàn nhiều về cổ Việt. Khổng An Quốc, khi chú thích Kinh Thư, diễn giải “Nam Giao” trong thiên Ðế điển thành “Giao Chỉ.” Qua đời Tống (960-1279), Thái [Sái] Trầm cũng lập lại luận cứ “Nam Giao” là “Giao Chỉ” trong Thư Kinh Tập Truyện. (CM,TB (Sài Gòn), 1965, II:27).

Thiên Nghiêu điển của kinh Thư chép: “Vua Nghiêu lại sai Hy Thúc đến ở Nam Giao tại phương Nam, sắp đặt theo thời tiết ở phương Nam, kính cẩn ghi bóng mặt trời ngày hạ chí, là ngày dài nhất [trong một năm] và xem sao Ðại hỏa để định cho đúng tiết trọng hạ [tháng 5 âm lịch]. Lúc đó dân cư tản mác, chim và thú thưa lông [vì nóng nực].

 

Cũng dưới thời nhà Tống, Cheng Ch'iao (Trịnh Tiều, 1104-1162) thượng-cổ-hóa hơn nữa mối liên hệ giữa Trung Hoa với cổ Việt. Trong cuốn Thông chí [T'ung chih] (in lại trong Thập Thông [Shih-t'ung] (Shanghai: Commercial Press, 1935), Trịnh Tiều cho sứ Việt Thường qua thông hiếu từ năm Mậu Thân [2352 TTL], tức năm thứ năm đời vua Ðường Nghiêu (2357-2258 TTL). Vật tiến cống là một con rùa thần [Ðường Nghiêu Mậu thân ngũ tải, Việt thường thị lai triều hiến thần qui]. Trên lưng con rùa này còn có chữ khoa đẩu ghi việc trời đất mới mở trở về sau. Nghiêu sai người chép lại, gọi là “quy lịch” (lịch rùa). (Cương Mục, Tiền Biên (Sài Gòn: 1965), II:28-9)

Cuối đời nhà Tống và đầu đời Nguyên (1279-1368), Kim Lý Tường (1232-1303) cũng lập lại chuyện cúng rùa thần trên khi dùng Kinh Thư để viết Thông Giám Tiền Biên tức phần Tiền Biên cho cuốn Tư trị Thông Giám của Tư Mã Quang đã nhắc ở trên.

 

(2) Bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên đời Hán chẳng nói gì nhiều về cổ Việt. Không hề nhắc chuyện nhà Hồng Bàng hay Thục vương. [Burton Watson, Records of the Grand Historian of China, from the Shih chi of Ssu-ma Ch'ien, 2 vols (New York: 1961). Sẽ dẫn: Tư Mã Thiên (Watson)].

Khi viết về Ngô Khởi và Triệu Ðà, Mã Thiên chỉ mơ hồ nhắc đến Bách Việt [Pai Yueh] ở phía Nam sông Dương tử.

[Sở Ðiện vương sai Ngô Khởi đánh dẹp đất Bách Việt ở phương Nam. (Toàn Thư [Giu 1967], I:313chú 4)]

Nhà Tần lại sai Úy Ðà, Ðồ Thư đem quân Lâu thuyền xuống Nam đánh đất Bách Việt, sai Giám Lộc đào cừ chở lương để vào sâu đất Việt. Người Việt bỏ trốn. Quân Tần trì cứu lâu ngày. Lương thực bị tuyệt và thiếu. Người Việt ra đánh. Quân Tần đại bại. (Toàn Thư [Giu 1967], I:315chú 27)

 

Tư Mã Thiên còn nhắc đến sứ Việt Thường cống chim trĩ trắng vào khoảng năm 1110 TTL, dưới thời Chu Thành Vương như đã nhắc ở trên.

Vào thế kỷ thứ II, khi chú giải Sử Ký (q. 31), Ứng Thiệu nói về tục vẽ mình của người Việt: “Vì ở trong nước nên người ta cạo tóc xâm mình để cho giống với giao long nên không bị giao long hại nữa.” (Toàn Thư [Giu], I:314chú 15)

Sáu thế kỷ sau, Tư Mã Trinh, trong Sử ký sách ẩn (chú giải Sử Ký của Tư Mã Thiên) mới nhắc đến cổ Việt với nhiều chi tiết hơn, dựa theo một đoạn trong Quảng Châu Ký của Ðào [Văn Hàm]. [Xem đoạn dưới]

(3) Hán Thư [Han shu] của Pan Ku [Ban Cố, 32-92] và những người khác, gồm 100 truyện, không nói đến cổ Việt.

(a). Tiền Hán Thư [Hsin Han shu, Annals of the Former Han, 206 TTL- 8 STL)] của Ban Cố chỉ nhắc đến Giao Châu trong “Mã Viện truyện.”

[Chúng tôi tham khảo bản Hán ngữ trong bản dịch Anh ngữ của H. H. Dubs, The History of the Former Han Dynasty by Pan Ku, 3 vols (Baltimore: 1938. 1944, 1955)]

 

(b). Hậu Hán Thư [Hou Han shu] của Fan Yeh (Phạm Việp, 398-446), có Nam Man truyện nói về sứ Việt Thường cống chim trĩ trắng dưới thời Chu Thành Vương đã lược nhắc. (CM, TB (Sài Gòn:1965), I:17n1. Don Luce dịch qua Mỹ ngữ) Ngoài ra, còn những truyện [cung văn] về danh tướng và quan chức Bảo hộ như Phục Ba Tướng Quân Lộ Bác Ðức, Mã Viện, Tích Quang, Nhâm Diên, v.. v....

 

Sự im lặng về cổ Việt này, ít nữa, có thể do một hay nhiều trong những nguyên nhân sau:

(a) Dân cổ Việt, tức tổ tiên chúng ta, chưa hề tiến tới trình độ thành lập một quốc gia; hoặc,

(b) Các văn gia Trung Quốc kiến thức hạn hẹp, không hề biết đến những nước lân bang; và/hoặc,

(c) Trong nỗ lực đồng hóa dân Việt, sử quan và văn gia Trung Quốc cố tình tảng lờ sự hiện diện của nước cổ Việt, mà chỉ thích bàn về công ơn khai hóa của các vua quan Trung Quốc; và/hoặc

(d) Do thiếu phương tiện bảo quản, sao đi chép lại phần lớn do trí nhớ, người sao chép chỉ giữ lại những gì mình ưa thích, nên các tư liệu bị mất mát.

 

b. Sai lạc về chi tiết:

Các chi tiết về cổ Việt, như đã lược nhắc, chỉ bắt đầu xuất hiện từ đời nhà Ðường (618-917), nhà Tống (962-1274) trở đi. Có lẽ vì nước Việt đã giành được quyền tự chủ, nên sử quan và văn gia Trung Quốc chú ý hơn về xứ thuộc địa Giao Châu, Giao Chỉ, Tĩnh Hải quân rồi An Nam Ðô hộ, Trấn Nam Ðô hộ cũ ở phương Nam. Hoặc, sự hiểu biết về các nước lân bang đã phong phú hơn.

Trong số các tác phẩm giai đoạn này, đáng kể nhất có:

(1) Thái Bình Ngự Lãm [T'ai-p'ing yu-lan] do Li Fang [Lý Phương] (925-996) và nhiều người khác biên soạn, gồm 1,000 truyện. In lại trong thời gian 1807-1812, dùng bản khắc cũ. [Có hai chữ Thái Bình vì soạn xong vào niên hiệu Thái bình hưng quốc (976-983), triều Tống Thái Tông (976-997)].

(2) Thái Bình Quảng Ký của Lý Phỏng [Phương?] (Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 46-7)

(3) Thái Bình Hoàn vũ ký của Yo chih [Nhạc Sử] đời Tống (960-1279). Gồm 200 quyển, nhưng nay chỉ còn 193 quyển. Mất các quyển 113 tới 119. Sách chuyên về địa lý cổ.

Dùng chi tiết “Hùng vương, hùng hầu, hùng tướng, hùng dân, hùng điền trong Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ V).

Ðất Giao Chỉ rất màu mỡ, người ta di dân đến ở, chính họ là người đầu tiên khai khẩn đất này. Ðất đen và xổi, hơi xông lên mùi hùng. Vì vậy người ta gọi ruộng đó là hùng điền, dân đó là hùng dân.

Phong châu là quận Thừa hóa, nước Văn Lang xưa.

Quỉ Môn Quan: Ðời Tần muốn tới đất Giao Chỉ phải qua Quỉ Môn Quan; mười người qua, chín người không trở lại. Mã Viện lập bia tại đây. (Lê Quí Ðôn, Vân Ðài Luận Ngữ, bản dịch Phạm Vũ, Lê Hiền, tr. 145)

(4) Thông chí của Trịnh Tiều (1104-1162):

Theo Kinh Thư, “Vua Nghiêu sai Hy Thúc sang Nam Giao lo việc làm ruộng mùa Hè ở phương Nam.” Nam Giao tức Giao Chỉ.

Năm Mậu Thân, năm thứ năm đời vua Nghiêu, họ Việt Thường vào cống con rùa thần, trên lưng có chữ khoa đẩu ghi việc trời đất mới mở trở về sau. Vua Nghiêu sai người chép lại, gọi là “quy lịch” (lịch rùa). (Cương Mục [Sài Gòn], 1965, II:28-9)

(5). Thông Giám Tiền Biên của Kim Lý Tường (1232-1303):

Năm Mậu Thân, năm thứ năm đời vua Nghiêu, họ Việt Thường vào cống con rùa thần. [Ðường Nghiêu Mậu thân ngũ tải, Việt thường thị lai triều hiến thần qui]

 
       c. Giọng điệu trịch thượng:

Sử liệu Trung Quốc về Việt Nam luôn mang giọng trịch thượng của thiên quốc đối với chư hầu. Trung Quốc tự hào là mặt trời soi sáng tứ phương; ân sủng vua Trung Quốc tắm gội vua quan Việt và các chư hầu khác.

Mỗi lần xuất quân xâm lăng Ðại Việt, Trung Quốc đều tự xưng là “chinh phạt,” hầu đưa vua quan và quốc dân Việt trở về vòng giáo hóa. Hễ thua trận rút về thì đổ tội cho thời tiết khó chịu, đau ốm, vua nước Việt xin tha tội. Thí dụ tiêu biểu nhất là đoạn viết về cuộc xâm lăng Ðại Việt năm 1077 dưới thời Lý Nhân Tông (1072-1128) trong Tống sử Cương Mục mà chính anh em Trình Di, Trình Hiệu phải cải chính trong Nhị Trình di thư.( Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 174-175)

Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái Tông, 976-997, em Triệu Khuông Dẫn) sai Vương Vũ Xứng viết cho Lê Hoàn vào tháng 9-10/980:

 “Trung quốc đối với các nước mọi rợ như mình với tứ chi, khi vận động co ruỗi là tùy tâm, cho nên nói bậc đế vương là trái tim. Một người có chân hay tay đau, mạch máu không thông, thì phải uống thuốc để trị lành bệnh. Nếu uống thuốc không hết thì dùng châm cứu vào chỗ đau. Không phải không biết rằng thuốc uống thì đắng miệng, châm cứu thì tổn hại ngoài da, nhưng thiệt hại chỉ ít thôi mà nhiều ích lợi hơn... .

Chức vi đế vương như ông thày chữa bệnh, trông thấy mọi rợ nào có chứng đau, thì tìm thuốc chữa.... Cho nên luyện đơn thuốc nhơn nghĩa, sửa soạn cái kim và mũi đá đạo đức, chữa bệnh nơi gần cho thật mạnh, rồi điều trị cả chín châu, bốn biển, chẳng còn đau ốm gì. [Cư đế vương chi vị, thị di địch chi bệnh... Ư thị, luyện nhơn nghĩa chi dược nhĩ, tu đạo đức chi châm biêm, đại liêu vu cận, nhi dũ cửu châu tứ hải, ký khương khả ninh]

[Xứ Giao Châu so với Trung Hoa chỉ như ngón tay, nhưng thánh nhân vẫn phải chữa].

Vì thế cần mở lòng ngu tối của ngươi để được thấm nhuần thánh giáo.” Vì lòng nhân từ trùm muôn nước, phải chữa trị cho [Giao Châu] khỏi đau, sớm thấm nhuần thánh giáo, bỏ thói “cắt tóc ngắn,” “uống nước bằng lỗ mũi,” “nói líu lo như chim.”

Nếu theo thì tha tội, nghịch lại thì ta đánh [hướng hóa ngã kỳ xá, nghịch mạng ngã kỳ phạt]. (Thư Vương Vũ Xương gửi Lê Hoàn [980]; ANCL, q. 5, 1961:115-116 [trích Tống Sử]; ÐVSKTT, 1967, I:162-163.

Người đưa thư là Lư Ða Tốn [CM, CB I:16, (Huế), 1998, I:250-251]

 

Việc phong tước hiệu cho vua Việt cũng phản ảnh thái độ trịch thượng cường quốc. Thoạt tiên, vua Trung Quốc chỉ phong cho vua Việt chức Tiết độ sứ, Tiết chế. Sau đó mới phong làm quận vương, hay Nam Bình vương. Mãi tới năm 1164 [hoặc 1175, nếu muốn], vua Tống mới phong cho Lý Anh Tông (1138-1175) chức An Nam Quốc Vương, tức nhìn nhận An Nam [Ðại Việt] là một nước chư hầu, mà không phải một phủ hay quận nữa.

Mặc dù trong nước các vua Việt tự xưng làm vua, đặt các chức vương, hầu, khanh, tướng, với vua Trung Quốc, ít nữa trên lý thuyết, vua Việt đã chỉ “tiếm đặt” các chức trên. Vì, với triều đình Trung Quốc, vua Việt đã tự nhận làm thuộc quốc vương, và dân Việt chỉ là một thứ “phục di, nhuộm răng, xâm mình.” Thập niên 1720, nhà Thanh dựng một bia đá phân chia ranh giới, với hai chữ An Nam. (Xem bia “Trùng tu Trấn nam quan [1725]” và “Ði tuần biên ải An Nam” [1746] trong Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 160-165) Năm 1804, nhà Thanh đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam, nhưng sách sử Trung Quốc vẫn giữ thói quen gọi nước Việt là Giao Chỉ, Giao Châu, Trấn Nam, hay An Nam (tức miền Nam đã được bình định).

 

Tưởng nên ghi thêm là qua văn thư của vua quan Việt gửi triều đình Trung Quốc, người đời sau không khỏi ngậm ngùi cho thái độ khúm núm quá mức của các nho gia Việt. Dù lối diễn tả của họ chỉ gồm những sáo ngữ ước lệ trích dẫn từ các kinh điển Khổng giáo, nhưng những sáo ngữ này tự hạ mình quá đáng, ví việc vua Việt thờ kính vua Trung Hoa như con với cha, “khúm núm” “run sợ” tâu trình, v.. v... Ngay đến thời Quang Trung, Càn Long vẫn còn muốn “Nguyễn Quang Bình” sớm qua Bắc Kinh làm lễ “bảo tất,” tức ôm đầu gối vua Thanh nhân dịp thượng thọ bát tuần (80 tuổi) hầu bày tỏ lòng trung hiếu! (Xem Ðại Việt Quốc Thư, cả hai miền Nam và Bắc đều đã chuyển ngữ qua tiếng Việt mới).

Ðáng ghi nhận là người chê trách Lê Quí Ðôn nặng lời nhất, tức “Hán Văn Ðế” ở Thuận Hóa, vào lúc cuối đời còn xin phụ thuộc vào nhà Thanh! (ÐNTLCB, IV, 35:89-91; Sogny, 1943:124-125)

Ngày 11/2/1882, Ðường Ðình Canh tới Huế, cùng Mã Phục Bôn [Bân]. Tự Ðức không tiếp, sợ Pháp nghi kị. Cho Nguyễn Văn Tường và Trần Thúc Nhẫn tiếp. Canh mật báo với Tường kế hoạch đánh Bắc Kỳ của Pháp, dưới chiêu bài đuổi Lưu Vĩnh Phúc, mà Tăng Kỷ Trạch đã trình về Yên Kinh.

Tự Ðức sai Tường yêu cầu nhà Thanh can thiệp. Ðề nghị làm thuộc quốc của nhà Thanh, đặt đại diện ở Yên Kinh và Quảng Ðông. Xin nhờ tàu Thanh đưa người Việt đi các nước Anh, Nga, Phổ, Pháp, Mỹ, Áo, Nhật Bản xem xét và học. [Theo tài liệu Trung Hoa: (1) Cho Ðại Nam cử một đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Yên Kinh, và gửi một số quan chức qua tập sự ở Tổng lý nha môn; (2) cho Ðại Nam cử nhân viên qua Bri-tên và Pháp, làm việc tại sứ quán Trung Hoa, để khẳng định quan hệ truyền thống giữa hai nước; (3) Cho Lưu Vĩnh Phúc tới Quảng Châu để tiếp tế súng đạn, quân nhu. Tháng 3/1882, Ðình Canh viết báo cáo gửi Lý Hồng Chương, nhưng Tổng lí nha môn không trả lời; Thọ, 1995:268).

Tự Ðức cũng viết thư cho Lý Hồng Chương, Trương Thụ Thanh. (ÐNTLCB, IV, 35:89-91) Vua Thanh trả lời: “Khả, sỉ bắc phong tái biên” [Nous prendrons des mesures dès l’arrivée du vent du nord.”] Ngày 24/11/1882, Rheinart đã có được bản sao thư trả lời của vua Thanh. (Sogny, 1943:124-125)

 

Những người đả kích Lê Tắc và tập An Nam Chí Lược [ANCL] chưa tham khảo, hay tảng lờ các chi tiết này.

Những tựa sách sau của Trung Quốc chưa được dịch qua Việt ngữ:

(1) [Lưu] Tống thư [Sung shu, hay History of the (Liu) Sung Dynasty (420-479)] của Shen Yueh (Thẩm Ước, 441-513), gồm 100 truyện [chuan], bản in Po-na.

(2) Lương Thư [Liang shu, hay Annals of the Liang Dynasty, 502-57] của Yao Ssu-lien (d. 637). Chuơng 54 nói về Nam Hải. Sách dẫn nhiều tài liệu về Fu-nan [Phù Nam].

(3) Tấn thư, của Phòng Huyền Linh (578-648). Gồm 130 cuốn.

Tôn Thịnh cũng viết bộ Tấn Xuân Thu, tức Tấn Dương Thu.

(4) Tùy Thư [Sui-shu, hay Annals of the Sui Dynasty, 581-618], của Wei Cheng (581-643), đặc biệt là chương 82 về Malaya.

(5) Ðường thư [T'ang shu]:

(a) Cựu Ðường thư [Chiu T'ang shu, hay Old Annals of the T'ang Dynasty, 618-917], của Liu Hsu (Lưu Hú, 897-946) và những người khác.

Sách này gồm 200 quyển, có phần nói về những nước miền Ðông Nam Á, như Kha lạc [Ko-lo], P'an P'an, Tan Tan, Lạc Việt [Lo yueh], Khả cô lạc [Ko-ku lo], Chieh-ch'a và Xích Thổ [Ch'ih t'u].

(b) Tân Ðường thư [Hsin T'ang shu, hay New Annals of the T'ang Dynasty], của Ou-yang Hsiu (Âu Dương Tu, 1007-1072), Sung ch'i (Tống Kỳ, 998-1061), và những người khác.

Phần lớn chép lại Cựu Ðường Thư, và bổ túc thêm. Gồm 225 tập, làm vào năm 1060.

(6) Tư trị Thông Giám của Tư Mã Quang. Chép từ thời Chiến Quốc (403-221 TTL) tới đầu đời Ngũ Ðại (907-960).

Cuốn Thông Giám này theo thể biên niên. Chu Hy dựa trên bộ Tư trị Thông Giám của Tư Mã Quang viết lại theo lối sách Xuân Thu, và đặt tên là Thông Giám Cương Mục (cương = nét chính của biến cố; mục= giải thích chi tiết), gồm 294 chuan [truyện hay chương], với lời bình của Hu San-hsing (Hồ Tam Trinh, 1230-1302).

(7). Nguyên sử:

Do Tống Liêm đòi Minh soạn. Những tư liệu về Ðại Việt rất sơ lược. Ðặc biệt là những cuộc xâm lăng Ðại Việt.

(8). Minh sử:

Gồm 336 cuốn, do Vương Hồng Tự hoàn tất dưới thời Thanh Khang Hy. Những tư liệu về Ðại Việt rất sơ lược. Kể cả cuộc xâm lăng và chiếm đóng Ðại Việt từ 1407 tới 1427.

(9). Thanh sử:

Những tư liệu về Ðại Việt rất sơ lược. Ðặc biệt là cuộc xâm lăng Ðại Việt năm 1788-1789.

 

D. DÃ Sử  TRUNG QUốC:

Vì thiếu tư liệu, sử quan Việt phải đi tìm dã sử Trung Quốc như nguồn tài liệu phụ. Những cuốn sách được nhắc nhở nhiều nhất có:

1. Hoài Nam Tử và/hay Hoài Nam Hồng liệt giải của Hoài Nam Vương Lưu An đời Hán.

Theo Lê Tắc (truyện “Việt vương thành” trong mục “Cổ tích”), năm 135 TTL, Lưu An (Hoài Nam Vương) viết biểu lên vua Hán như sau:

Ðất [Nam] Việt ở ngoài địa phương Trung Quốc, dân họ đều cắt tóc vẽ mình, không thể dùng pháp độ của nước mặc mũ áo mà cai trị.... Nam Việt không có thành quách, làng xóm, chỉ ở trong khe suối, hang đá và vườn tre, từ xưa tập luyện thủy chiến; đất đai ở sâu xa, tối tăm mà nhiều khe suối rất hiểm, sông núi cách trở gay go, cây cối rậm rạp, lui tới khó khăn không kể xiết. Mới trông qua như tuồng là dễ, mà muốn tới thì khó khăn. (Tắc, ANCL, 107)

 

Theo Lê Quí Ðôn, ở một đoạn khác, Lưu An còn viết:

Khí núi sinh nhiều con trai; khí đầm sinh nhiều con gái; khí nước sinh nhiều người câm; khí gió sinh nhiều người điếc; khí rừng sinh nhiều người yếu ớt; khí cây sinh nhiều người còng;. . . . (Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 41)

 

2. Giao châu ngoại vực ký: Nhắc đến Lạc điền, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng.

Hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy là Lạc dân, người cai quản dân ấy là Lạc vương, người phó là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và giải sắc xanh làm huy hiệu. [Vua nước Thục thường sai con đem ba vạn binh đi chinh phục các Lạc tướng. Nhân đó giữ đất Lạc mà tự xưng làm An Dương Vương. Triệu Ðà cử binh sang đánh. . . .]

[Tích vị hữu quận huyện thời, Lạc điền tùy triều thủy thượng hạ, khẩn kỳ điền giả vi Lạc dân, thống kỳ dân giả vi Lạc vương, phó vương giả vi Lạc tướng, giai đồng ấn thanh thọ. (Thục vương thường khiển tử tương binh tam vạn, hàng chư Lạc, nhân cử kỳ địa nhi vương, tự xưng An Dương vương. Triệu Ðà cử binh tập chi. . .)].( ANCL, q. 1, tr. 24 (Hán ngữ), 39 (Việt ngữ). Chữ Lạc dùng trong sách này có bộ “mã”].

 

Ðã tuyệt bản, dẫn trong Thủy Kinh Chú của Lịch [Lệ?] Ðạo Nguyên (thế kỷ III-IV hay VI?, q. 37, Diệp Du Hà), Quảng Châu Ký (thế kỷ III-IV), Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ V), Sử Ký sách ẩn của Tư Mã Trinh (thế kỷ VIII); An Nam Chí Lược của Lê Tắc (thế kỷ XIV, thiên Tổng luận và Cổ tích, q. 1).

Theo Henri Maspéro, Giao châu ngoại vực ký xuất hiện vào thời Ðông Tấn, 303-416 [205-420?], tức thế kỷ III-IV.

 

3. Quảng Châu Ký: Có nhiều bản.

a. QCK của Cố Vi đời Tấn (205-420),

Bản này có trong thư mục của Học Viện Viễn Ðông Pháp [Ecole Francaise d’Extrême-Orient, EFEO, thường dịch là Trường Viễn Ðông Bác Cổ].

 

b. QCK của Bùi Uyên [hay Tuyên] (thế kỷ V).

Một sách địa lý về Quảng Châu (sau khi tách ra khỏi Giao Châu vào thế kỷ thứ III). Dẫn trong Cương Mục, Tiền Biên. Theo Trương Bửu Lâm, Bùi Uyên không được ghi trong Trung quốc nhân danh đại tự điển. (CM, TB (Sài Gòn), II:63)

 

c. QCK của Ðào Văn Hàm (thế kỷ VIII?)

Ðất Giao Chỉ có Lạc điền, làm theo thủy triều lên xuống. Người ăn ruộng đó là Lạc hầu, [người ăn ở] các huyện gọi là Lạc tướng, có ấn đồng giải xanh, tức như quan lệnh ngày nay. [Con Thục vương đem binh đánh Lạc hầu, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở huyện Phong Khê. Sau Nam Việt Vương Úy Ðà đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ điển cai trị hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức là Âu Lạc vậy].

[Ðào thị án Quảng Châu Ký vân: Giao chỉ hữu Lạc điền, ngưỡng triều thủy thượng hạ. Nhân thực kỳ điền danh vi Lạc hầu, chư huyện tự danh vi Lạc tướng, đồng ấn thanh thụ....] Léonard Aurousseau (1923, trang 213, n3), cho rằng đoạn văn này thiếu, cần phải so sánh với Giao Châu Ngoại Vực Ký mới hiểu được; và Quảng Châu Ký có xuất xứ từ Giao Châu Ngoại Vực Ký, hoặc cả hai sách là từ một nguồn tư liệu thứ ba nào đó. Ðào thị ở đây, vẫn theo Aurousseau có thể là Ðào Văn Hàm, tác giả một cuốn Quảng Châu Ký.

Dẫn trong Sử Ký Sách ẩn (thế kỷ VIII) của Tư Mã Trinh.

 

4. Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ V). Dẫn Giao Châu Ngoại Vực Ký nhưng lại dùng “Hùng vương, hùng hầu, hùng tướng, hùng dân, hùng điền”:

Ðất Giao Chỉ rất màu mỡ, người ta di dân đến ở, chính họ là người đầu tiên khai khẩn đất này. Ðất đen và xổi, hơi xông lên mùi hùng. Vì vậy người ta gọi ruộng đó là hùng điền, dân đó là hùng dân.

Thái Bình Hoàn Vũ Ký (thế kỷ X) sử dụng tài liệu này.[ Xem supra]

 

5. Giao Quảng Ký của Hoàng Tham [Sam?]:

Giao Chỉ có ruộng Lạc điền. Người ăn thuế ruộng ấy gọi là Lạc hầu. Các huyện tự xưng là Lạc tướng. Sau con vua Thục đem quân đánh Lạc hầu, tự xưng là An Dương Vương. Ðóng đô ở Phong khê.

Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại kỷ, của Ngô Sĩ Liên (1479) dẫn sách này. Nhưng sửa “Lạc” thành “Hùng”. (Toàn Thư [Nhượng Tống], tr. 70, chú 2) [CM không nhắc đến]

 

6. Sử Ký Sách ẩn (Thế kỷ thứ VIII) của Tư Mã Trinh (chú giải Sử Ký của Tư Mã Thiên).

Dẫn Quảng Châu Ký. Ðích thân Tư Mã Trinh chưa được đọc sách này, nhưng dựa theo lời của Ðào Văn Hàm. [Xem supra]

 

7. Giao Châu Ký: Có nhiều bản.

a. Giao Châu Ký hay Giao Chỉ Ký của Tăng Cổn (Thế kỷ IX), một cựu quan chức ở Giao Châu.

Sách Việt Ðiện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên hay trích dẫn sách này.

Tăng Cổn còn có cuốn Việt Chí, chép: Giao Chỉ có lạc điền, tùy theo nước triều lên xuống. (Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 147)

 

b. Giao Châu Ký hay Giao Châu chí của Lưu Hân Kỳ. (Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 146; Lê Tắc, An Nam Chí Lược)

 

c. Giao Châu Ký của Lưu Trừng Chỉ. (Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 145)

 

8. Phiên Ngung tạp ký của Trịnh Hùng đời Ðường.

Ðất Giao Chỉ tốt, nhiều màu mỡ. Xưa có vua là Hùng Vương, tướng văn là Hùng hầu, tướng võ là Hùng tướng. (Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 147)

 

9. Thư Kinh Tập Truyện của Thái [Sái] Trầm, đời Tống (960-1279). Diễn giải kinh Thư.

Thiên Nghiêu điển của kinh Thư chép: “Vua Nghiêu lại sai Hy Thúc đến ở Nam Giao tại phương Nam, sắp đặt theo thời tiết ở phương Nam, kính cẩn ghi bóng mặt trời ngày hạ chí, là ngày dài nhất [trong một năm] và xem sao Ðại hỏa để định cho đúng tiết trọng hạ [tháng 5 âm lịch]. Lúc đó dân cư tản mác, chim và thú thưa lông [vì nóng nực].

Thái [Sái] Trầm ghi chú “Nam Giao” là “Giao Chỉ”. (CM,TB [Sài Gòn], 1965, II:27.

 

10. Lĩnh Ngoại Ðại Ðáp của Chu Khứ Phi, đời Tống (960-1279): Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận là đất cũ của Bách Việt.

[Henri Maspéro cho rằng Tượng Quận đời Tần nằm trong lãnh thổ Hoa Nam hiện nay]

 

11. Nam Trung Chí, dẫn trong An Nam Chí Lược của Lê Tắc.

 

12. Chư phiên chí [Chu fan chi] của Chau Jin-kua (Triệu Nhữ Quát), vào khoảng cuối nhà Tống.

Sách này ít tác giả nhắc đến, dù có giá trị cao về hàng hải. Triệu Nhữ Quát là dòng dõi đời thứ 8 của Tống Thái Tông. Ðáng chú ý đặc biệt là ba chương về Giao Chỉ, Chiêm Thành và Chân Lạp. Chúng tôi sử dụng bản dịch Anh ngữ của Friedrich Hirth & W. W. Rockhill (1911).

 

13. Lĩnh Nam Di Thư của Âu Ðại Nhâm [Ngũ Sùng Diệu?] (nhà Minh, 1368-1644). Dẫn trong Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Sài Gòn) (II:47).

Nói về một người Việt tên Sử Lộc chở lương thực cho Ðồ Thư đánh chiếm cổ Việt. [Theo Trương Bửu Lâm, Từ Hải chép rằng tác giả Lĩnh Nam di thư là Ngũ Sùng Diệu, không phải Âu Ðại Nhâm. (Ibid., II:47,chú 1)].

 

14. An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng (thế kỷ XVII):

Ðất Giao Chỉ lúc chưa chia ra quận huyện, có Lạc điền, tùy nước triều lên xuống [mà làm ruộng]; những người khai khẩn ruộng ấy gọi là Lạc dân, người cai trị dân ấy gọi là Lạc vương, những người phụ tá gọi là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dây xanh. Gọi là nước Văn Lang, lấy việc thuần hậu chất phác làm phong tục, dùng dây thắt nút để cai trị, truyền mười tám đời. (CM, TB [Sài-gòn 1965], I:16-7)

 
     E. VẤN ÐỀ NGÔN NGỮ:

Khó khăn thứ tư là vấn đề ngôn ngữ. Cho tới đời Khải Ðịnh (1916-1925), văn tự chính yếu trong nước ta là Hán ngữ (hoặc, đúng hơn, Việt Hán hay chữ Nho). Mãi tới năm 1918, triều đình Huế mới chấm dứt lối thi cử dùng Hán tự chọn quan lại. Bởi thế, muốn tìm hiểu về lịch sử Việt trước thời Pháp thuộc cần thông thạo Hán ngữ.

Từ thập niên 1860, một số tác giả Pháp đã khởi xướng việc viết lại lịch sử Việt bằng Pháp ngữ. Nhờ vậy, những tên tuổi như Théophile Legrand de la Liraye, Elician Luro, Henri Maspéro, Léonard Aurousseau, v.. v... trở thành những tên tuổi lớn. Một tác giả Việt, Petrus Key Trương Vĩnh Ký, cũng soạn xong hai cuốn Cours d’histoire annamite [Bài Giảng Lịch Sử An-na-mit] (1875-1879) dùng cho các trường tiểu học ở Nam Kỳ. Ngoài ra, còn những biên khảo về nhân chủng học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, v.. v... khá giá trị của Etienne Aymonier, Paul Pelliot, Léopold-Michel Cadière, v.. v.... Tuy nhiên, các tác phẩm Pháp ngữ này chỉ có những giá trị nhất định của thời đại “gánh nặng của người da trắng.” Kho sử liệu bằng Hán tự của nước Việt hầu như bị lãng quên trong một thời gian dài.

 

Mãi đến thập niên 1920, sau khi người Pháp đã dùng chữ viết dựa theo mẫu tự Latin làm quốc ngữ thay chữ Nho và chữ Nôm được hơn một thập niên, mới có phong trào nghiên cứu sử và phiên dịch sách cũ từ Hán ngữ hay chữ Nôm qua chữ Việt mới. Trong số những người có đóng góp giá trị phải kể học giả Trần Trọng Kim (tác giả bộ thông sử Việt Nam Sử Lược), Nguyễn Văn Tố (qua loạt bài so sánh giữa sử ta với sử Tàu và bộ Lịch sử đạo Thiên chúa), Ðào Duy Anh (Việt Nam Văn Hóa Sử Cương), Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (viết về vua Quang Trung, sau thuộc nhóm dịch giả [Khâm Ðịnh] Việt Sử Thông Giám Cương Mục, v.. v...), Hoàng Xuân Hãn (La Sơn Phu Tử, Lý Thường Kiệt, và một số tư liệu giá trị khác như bản dịch tư liệu của Lê Quýnh, Ngụy Nguyên, v.. v...). Tuy nhiên, phần đông chỉ tự học, không được huấn luyện chuyên môn về phương pháp cũng như triết lý sử, nên ít sách sử Việt trước năm 1954 đạt được tiêu chuẩn quốc tế.

Từ sau năm 1954, cả hai chế độ Bắc và Nam Việt Nam đều có kế hoạch chuyển ngữ tư liệu viết bằng Hán ngữ như An Nam Chí Lược của Lê Tắc, Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên et al [và những người khác]; Ðại Việt Thông Sử, Phủ Biên Tạp Lục, Vân Ðài Luận Ngữ của Lê Quí Ðôn; Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Ðại Nam Thực Lục, v.. v... Lối làm việc của các dịch giả miền Nam có vẻ khả tín hơn miền Bắc, vì các bản dịch phần lớn gồm ba phần nguyên bản chữ Hán, phiên âm, và diễn nghĩa, giúp người đọc có thể so sánh bản dịch với nguyên bản. (Ðồng thời còn là dụng cụ giúp những người muốn học Hán ngữ trau dồi kiến thức) Những công trình này giúp người nghiên cứu không rành Hán ngữ, hay không có dịp tham khảo các bản trên, những dữ kiện bác bỏ dần các biên khảo đầy tư tâm của các tác giả thuộc địa Pháp và cộng sự viên bản xứ.

Nhưng chẳng phải không có trở ngại. Nhiều dịch giả đã phiên dịch cả quan điểm của mình, tảng lờ nguyên tác. Trong khi dịch bộ Ðại Việt Sử Ký [Ngoại Kỷ] Toàn Thư, chẳng hạn Nhượng Tống dịch chữ Mị nương [công chúa đời Hùng Vương] thành Mệ Nàng. Khi dịch An Nam Chí Lược [ANCL] của Lê Tắc, Trần Kính Hòa dịch chữ “man” thành “Mường.” Trong bài Nam Việt hành của Chu Chi Tài, ông Hòa dịch hai câu: “Thái dịch trì nội hồng phù dung, Tự lân trích tại man yên trung” thành “Ao Thái dịch phù dung một đóa, Chốn khói Mường đầy đọa tấm thân” (ANCL, tr. 189 [Việt ngữ]). Trong bài Thơ cảm đề tại đền thờ Phục Ba [Mã Viện?], ông Hòa dịch “Man binh tị Uất Lâm” thành “Rừng Uất đuổi binh Mường” (tr. 259). Trần Kính Hòa cũng dịch “bách tính” thành “nhơn dân” Ðôi chỗ, có lẽ để làm vui lòng độc giả người Việt hoặc một thẩm quyền nào đó, ông Hòa đã dịch chữ “yêu đảng” ở đoạn nói về Bà Trưng thành “giành độc lập.” Trong các bản dịch bộ Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương MụcÐại Nam Thực Lục hay Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện do Hà Nội thực hiện thỉnh thoảng có những thuật ngữ như “nô lệ” hay “nhân dân” không hề có trong nguyên bản. Ðào Duy Anh, khi chú giải bộ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, đã sửa chữa ngay vào nguyên bản, thay vì để vào cước chú. (Toàn Thư [Giu 1967], I:318chú 318)

Ngoài ra, còn một số sai lầm đáng tiếc khác trong khi chuyển ngữ (như “Lục bát y” thay vì “Lục thù y” trong truyện Ðoàn Thượng; “kị binh” thay vì “kỳ binh” trong bản dịch Việt Ðiện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên do Lê Hữu Mục ấn hành năm 1961).

Chưa hết. Chữ Việt trong quốc hiệu Ðại Cồ Việt, Ðại Việt, hay Việt Nam có nghĩa gì? Sách sử Trung Quốc dùng đến hai chữ Việt [Yueh] khác nhau. Những chữ Xích Quỉ trong quốc hiệu Xích Quỉ thời Hồng Bàng, Văn [wen] và Lang [ hay ] trong quốc hiệu Văn Lang, Giao [ ] và Chỉ [ hay ] trong tên xứ Giao Chỉ, Hùng [ ] trong Hùng vương, Lạc [ hay ] khi nói về Lạc vương, Lạc tướng, Lạc dân, đều có thể tạo nên những cuộc tranh luận kiểu sẩm sờ voi. Hiển nhiên, đây chỉ là những tên Hán ngữ, không thể là tiếng Cổ Việt (mà chúng ta không, hoặc chưa, biết).

Vậy các tên trên là do người Trung Quốc đặt cho cổ Việt, hay văn gia Trung Quốc hoặc Việt đã Hán hóa tên cổ Việt bằng cách chuyển âm hay chuyển nghĩa? Thêm nữa, ngôn ngữ của bất cứ một dân tộc nào cũng đổi thay không ngừng qua các con triều văn hóa, kinh tế, chính trị. Chỉ một tiếng “Cồ” trong quốc hiệu “Ðại Cồ Việt,” chẳng hạn, đã tốn nhiều giấy mực tranh cãi. Những tên nước, tên dân nêu trên còn lưu lại được bao nhiêu phần trăm ý nghĩa thuở cổ thời? Ðây là những vấn nạn khó tìm đáp án. Lê Quí Ðôn hữu lý khi bày tỏ sự nghi hoặc của ông về địa danh, chức tước thời cổ Việt, mà theo ông, có lẽ các hậu nho đã thêm thắt vào. (Ðôn, VÐLN, 1972:167, 169)

Bởi thế, những tác giả Pháp như cựu Linh mục Legrand de la Liraye, hay Giáo sư Elucian Luro trong thế kỷ XIX, và rồi những Henri Maspéro vào đầu thế kỷ XX đã giới thiệu những nghĩa xấu nhất của các từ trên, mà hầu hết các tác giả đương thời khó thể bài bác (như Giao Chỉ là đặc tính hai ngón chân cái nghiêng cong vào nhau của người cổ Việt; Văn Lang là do chữ Dạ Lang mà ra, với chữ Lang bộ khuyển [ ]; v.. v...). Vì, sách Lễ Ký đã nhắc đến chuyện hai ngón chân cái giao nhau, sách Ðịa Dư chí cũng chép tương tự. Ngay đến Lê Quí Ðôn, người đã đọc và nhớ rất nhiều kinh điển Trung Quốc, cũng khó thể khẳng định người cổ Việt có đứng với tư thế hai ngón chân cái giao nhau hay chăng. (Lê Quí Ðôn, VÐLN, tr. 148)

Trong khi đó, các tác giả Việt tha hồ tìm cách giải thích những tiếng trên theo ý riêng mình, trong khung trời kiến thức thường rất ít thâm sâu về các bộ môn khoa học áp dụng cho ngành thượng cổ sử.

 

F. TÀI LIỆU TƯ NHÂN:

Ngoài quốc sử và dã sử Trung Quốc, còn có những biểu, tấu, hành hay thơ văn cảm khái của các sứ giả Trung Quốc từng qua phương Nam, hay những quan chức Bảo hộ ở Giao Châu, v.. v...

Chính qua những loại văn chương, thơ phú thư lại thường rất hoang tưởng [exotic] này chúng ta mới biết được những đặc thù, đặc sản của cổ Việt, dưới cặp mắt của người cổ Trung Quốc. Nào là Giao chỉ với nghĩa hai ngón chân cái nghiêng cong vào nhau của người cổ Việt; tục xâm mình, đã nhắc đến trong Lễ Ký, và câu thơ của Liễu Tư Hậu “Cộng lai Bách Việt văn thân địa;” nghĩa là, cùng đi tới đất Bách Việt là xứ người vẽ mình. (Lê Tắc, ANCL, q. 1, tr. 45 [Việt ngữ], 30 [Hán ngữ]). Tinh tinh ở đất Nghệ An, [cẩu hình, nhân diện, tại sơn cốc trung, hành vô thường lộ, bách bối vi quần; nhân dĩ tửu tinh thảo lý số thập tương liên kết, tri vu lộ gian, tinh tinh kiến chi, tức tri kỳ nhân tiên tổ tánh danh, . . ..”; (ANCL, q. 15, tr. 250)] Hay cảnh Thái hậu Cù Thị, vợ Triệu Minh Vương (124-113 TTL) và mẹ Ai Vương (113-112 TTL), buồn bã gõ trống đồng ở đất Nam Việt [Cẩm tán cao trương, kích đồng cổ], nên vừa gặp người tình cũ là đã âm mưu xin nhập Nam Việt vào cương thổ nhà Hán. (ANCL, q. 17, tr. 189 [Việt ngữ]) Trụ đồng do Mã Viện dựng lên sau khi đánh bại được Hai Bà Trưng (40-43), tái chiếm nước ta, với lời răn đe, “Ðồng trụ triết, Giao Chỉ diệt” (Trụ đồng gẫy đổ, xứ Giao Chỉ sẽ bị diệt); khí hậu ở Ðại Việt độc hại đến độ diều hâu đang bay trên trời bỗng rơi xuống đầm lầy [hạ lạo thượng vụ, độc khí huân chưng, ngưỡng thị phi diên, thiếp thiếp trụy thủy chung]. Ðó là chưa nói đến thái độ tự tôn chủng tộc của các văn gia như Ðỗ Phủ, Tô Ðông Pha, v.. v... qua những lời ca tụng “công đức” Mã Viện ở Giao Châu.( ANCL, q. 1, tr. 24-25 [Hán ngữ], 39-41 [Việt ngữ])

Trong số những người ra công sưu tập các tư liệu này, ở tiền bán thế kỷ XIV, có một người Việt từng làm quan dưới triều nhà Trần (1226-1400), sau đầu hàng nhà Nguyên, hai ba lần dẫn đường cho quân Mông Cổ qua xâm lược nước ta. Ðó là Lê Tắc [Trắc?], tác giả An Nam Chí Lược (1333?) đã nhắc và dẫn trên. Thập niên 1930, khi một nhà xuất bản ở Thượng Hải in lại tập ANCL, có người gay gắt chê trách nội dung ANCL và lên án Lê Tắc là phản quốc. Nhưng những cái mũ chính trị trên chẳng giúp gì cho việc đánh giá sử liệu chứa trong ANCL.

Thực ra, tác phẩm của Lê Tắc–chắc chắn đã bị “chấm câu,” sửa chữa, hiệu đính nhiều lần dưới tay các văn gia Trung Quốc trước khi được một nhà xuất bản Nhật ấn hành (xem phần cuối sách, q. 19)–phản ảnh trung thực quan điểm của văn gia Trung Quốc về Việt Nam: Những mắt nhìn từ đỉnh trụ đồng Mã Viện và đầu ngọn thương, mũi kích, lưng ngựa hay mũi chiến thuyền của một cường quốc đối với lân bang nhược tiểu. (Sử dụng những tài liệu này cũng nhức đầu như những nhà nghiên cứu hiện nay phải đối mặt những tác phẩm hoang tưởng của các tác giả Tây phương về bản thân họ hay các nhà truyền giáo Ki-tô và công chức thuộc địa Pháp như Pierre Retord, Paul Puginier, Francis Garnier, Paul Bert, v.. v...)

 

Các chiếu, hịch của vua quan Trung Quốc từ đời nhà Hán đến nhà Nguyên trích in trong An Nam Chí Lược còn cho thấy bản chất giả nhân, giả nghĩa của vua quan các triều đại quân chủ, phong kiến Trung Quốc. Ngạn ngữ Việt có câu già nắn, rắn buông. Hễ gặp cơ hội là vua quan Trung Quốc đánh chiếm đất nước ta, phân chia làm quận huyện, cắt đặt người cai trị. Nhưng sách sử, văn thư thì lúc nào cũng trang trọng những lời nhân nghĩa như khai hóa, phụ thuộc, phên dậu, nước nhỏ phụng thờ nước lớn để che đậy dã tâm luật kẻ mạnh (kiểu Ðặng Tiểu Bình tuyên bố tại Tokyo vào đầu năm 1979 là sẽ “dạy Việt Nam” một bài học, rồi Giang Trạch Dân bắt Ðỗ Mười và Lê Khả Phiêu phải cắt đất đổi hòa bình vào ngày 30/12/2000).

Mùa Xuân năm 1960, các học giả Việt ở miền Nam từng bị một phen nhức đầu tương tự vì một tác giả Ðài Loan. Do lời yêu cầu của Bộ trưởng Văn Hóa Trương Công Cừu trong một chuyến đi thăm Ðài Bắc–là đã đến lúc sửa lại sách giáo khoa lịch sử hầu cải thiện và phát huy liên hệ giữa hai nước–ngày 26/1/1960, Tưởng Quân Chương đáp ứng bằng một bài trên tờ Trung Ương Nhật Báo ở Ðài Bắc. Nhật báo Tự Do tại Sài Gòn cho người dịch lại để rộng đường dư luận. Ông Chương–chẳng hiểu vì muốn mỉa mai ông Cừu, hay vì kiến thức nông cạn–dạy ông Cừu (và trí thức Việt) dăm bài học phổ thông sử Ðài Loan như: các vua Việt phần đông gốc từ miền Hoa Nam; các triều đại phong kiến Trung Quốc chẳng hề xâm lăng nước Việt, mà chỉ ra tay trượng nghĩa, cứu giúp con cháu những dòng họ bị lật đổ hay cướp ngôi; năm 40, hai bà Trưng nổi dạy không do tinh thần độc lập mà chỉ vì muốn báo thù riêng, lại toan xâm phạm thiên quốc nên mới bị Mã Viện mang quân qua đánh bắt; năm 1788, Tôn Sĩ Nghị chỉ mang có “8,000 quân” đưa Lê Mẫn Ðế (Chiêu Thống, 1786-1789) về nước, trong khi “Nguyễn Văn Nhạc” (sic) sử dụng tới “100,000 quân” nên Nghị bị đại bại; người Pháp muốn chia rẽ hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam, nên đã khuyến khích tinh thần bài Hoa và sửa đổi lịch sử, v.. v... Nhiều tác giả Việt, kể cả các ông Nguyễn Hiến Lê-Nguyễn Ngu Í, và Lê Phục Thiện, chuyên viên Hán ngữ của Viện Khảo Cổ Sài Gòn, đã mượn tờ bán nguyệt san Bách Khoa trả lời ông Chương. Quí vị này nêu ra được một số lỗi lầm của ông Chương, nhưng phần lớn chỉ là tiểu tiết như không phải “8,000” mà tới “200,000” quân Thanh đã xâm chiếm Việt Nam, vua Quang Trung Nguyễn Huệ mà không phải Nguyễn Văn Nhạc đã đánh trận Kỷ Dậu (1789), v.. v...

Kiến thức sử học của Tưởng Quân Chương, tưởng cần nhấn mạnh, quá nông cạn. Trong giới sử gia về Ðông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, rất ít người biết đến ông Chương cùng các biên khảo của ông ta. Bài viết về lịch sử Việt Nam của ông Chương cũng chẳng có gì mới lạ, ngoài những lập luận hàm hồ đầy rẫy trong các tập sử phổ thông Ðài Loan (dành cho các lớp tiểu học, trung học). Sự thiếu hiểu biết của ông Chương, và chứng bệnh hàm hồ tương lân với sự thiếu hiểu biết ấy, đã được các tác giả Việt nêu ra trên tờ Bách Khoa ngay trong năm 1960.

Nhưng một trong những nhược điểm lớn của ông Chương chưa ai nêu lên là phương pháp sử. Khi đặt bút viết rằng hầu hết các vua Việt đều có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc, ông Chương đã lẫn lộn và mù lạc, không phân biệt nổi giữa Trung Quốc, với biên giới chính trị năm 1960, và các tiểu quốc với những nền văn hóa cổ Việt phía Nam sông Dương Tử khoảng hai ngàn năm trước. Tổ tiên một số vua quan Việt (như nhà Trần) có thể từ vùng Lưỡng Quảng, Quế Châu hay Vân Nam, nhưng cách đây khoảng 2,000 năm, đó không phải là lãnh thổ chính trị Trung Quốc. Các vùng đất này chỉ bị nhà Tần (221-206 TTL), nhà Hán (206 TTL-220 STL) chiếm đóng bằng vũ lực, rồi dần dần sát nhập vào biên cương chính trị Trung Quốc. Ngay đến cuối thế kỷ XX, qua bao nỗ lực Hán-hóa phương Nam, các chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đồng hóa nổi tất cả những sắc dân Lolo (Vân Nam), Mân Việt, Ðiền Việt, v.. v... Trong đời sống thường nhật, các sắc dân trên vẫn sử dụng tiếng nói riêng, có sinh hoạt văn hóa khác biệt với các tỉnh ở phía Bắc sông Dương Tử [văn hóa lúa mì]. Ngay đến thổ dân Ðài Loan, nơi Tưởng Giới Thạch xâm chiếm năm 1949, cũng không phải gốc người Hán, và không muốn bị coi là một tỉnh của Trung Quốc. Nói chi những xứ Nội Mông, Mãn Châu, hay Tây Tạng (Tibet) mà Trung Cộng đang nỗ lực đồng hóa.

Hơn nữa, chỉ cần có một kiến thức sơ đẳng về di truyền học và hội nhập văn hóa (acculturation) thôi, ông Chương hẳn sẽ không đủ can đảm viết xuống câu gốc người Hoa Nam (thực tế, ông Chương liệt kê từng tỉnh hiện thuộc về Hoa Nam). Ví thử một vị tổ của dòng họ nào đó có từ miền Lưỡng Quảng di cư xuống phía Nam, chỉ ba bốn đời sau, dòng dõi đương nhiên trở thành người Việt. Tại Bắc Việt, trước năm 1945, gia phả thường chỉ chép ngược lên tới đời thứ 9. Từ đời thứ 10, quê hương của tổ tiên ở xứ nào đi nữa cũng không kể. Hơn nữa, liên hệ giữa cổ Việt cùng Mân Việt, Ðiền Việt còn mở rộng cho những cuộc tra cứu trong tương lai. Giả thuyết về một hạt nhân văn hóa [cultural core] miền Nam (bao gồm các nước Việt, trải rộng tới miền Ðông Thái Lan hiện nay) không chỉ thuần là một giả thuyết.

Nhược điểm khác của ông Chương là việc dùng sử liệu. Dường như ông Chương không mấy chú ý đến tài liệu khảo cổ. Nếu nghiên cứu kỹ các tài liệu khảo cổ khai quật tại vùng Lưỡng Quảng hay Thái Lan mới đây, và được huấn luyện kỹ lưỡng về phương pháp sử học hoặc cổ sử học, hẳn ông Chương đã không cẩu thả hạ bút viết các vua Việt vốn gốc người Trung Quốc. (Một số nhà khảo cổ học hiện nay còn lý luận rằng cuộc giao lưu văn hóa giữa hạt nhân Hoàng Hà và phía Nam đi theo chiều từ Nam lên Bắc mạnh hơn từ Bắc xuống Nam như nhiều người lầm tưởng).

Sự yếu kém của ông Chương trong việc sử dụng tài liệu còn bộc lộ trong đoạn bàn về cuộc xâm lược nước Nam của Tôn Sĩ Nghị. Ông Chương có lẽ chỉ dựa vào tư liệu phổ thông Trung Qưốc, hơn so sánh và lượng giá nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Ông Chương khăng khăng cho rằng Nghị chỉ mang theo 8,000 quân vào Thăng Long mà chẳng trưng dẫn được sử liệu nào khả tín (như Châu bản nhà Thanh, Ðại Thanh thực lục đời Càn Long, biểu, tấu của Tôn Sĩ Nghị và Phúc Khang An, v.. v...)– một đòi hỏi cơ bản của người viết sử. Ðiều này chứng tỏ dù được Linh mục Raymond de Jaegher, Tổng Ðại diện Hội Thái Bình Dương Tự Do tại Viễn Ðông, cấp học bổng The Asia Foundation để nghiên cứu sách giáo khoa ở Nam Việt Nam, có lẽ ông Chương không phải là sử gia chuyên nghiệp. Tôi chưa được tham khảo các châu bản nhà Thanh, nhưng từng đọc một số tài liệu thời nhà Thanh tiết lộ rằng Tôn Sĩ Nghị mang cả quân thủy, bộ (biền binh) bốn tỉnh Hoa Nam xâm phạm Ðại Việt vào mùa Ðông Mậu Thân (1788-1789) [dưới danh nghĩa giúp Lê Mẫn Ðế chiếm lại ngai vàng]. Ngay đến Ngụy Nguyên, một người Thanh, tác giả An Nam Chinh Vũ Ký năm 1842, cho rằng Nghị mang khoảng 2 vạn (20,000) quân Thanh thuộc 4 tỉnh Hoa Nam sang xâm lăng (chinh phạt) Ðại Việt (An Nam), nhưng đánh tiếng là “phò Lê.” [Xem “Vấn đề nghiên cứu nhà Tây Sơn”]

Ông Chương cũng tảng lờ, hoặc không biết đến, tài liệu Việt và Tây phương. Các sử gia chuyên nghiệp thường phải đối chiếu các nguồn tài liệu khác nhau trước khi đi đến một kết luận sử học. Nếu chưa được tham khảo các tài liệu Tây phương thì phải có sự thận trọng tối thiểu là cần lưu ý độc giả của ông rằng những lập luận của mình chỉ có tính cách tạm thời, trong khi chờ đợi những tư liệu còn thiếu sót được bạch hóa. Ngay cả khi tìm được các tư liệu gốc (như thủ bút, thư từ của các tác nhân lịch sử) cũng phải phân giải ý nghĩa các tài liệu trên trong bối cảnh chung mà tác nhân đang sống và sinh hoạt. [Xem bài Petrus Key]

Về vấn đề người Pháp sửa lại lịch sử bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, ông Chương chỉ dựa theo “cảm nhận” hoặc thứ kiến thức nhồi sọ lúc thiếu thời (tức trút bỏ mọi tội lỗi cho bọn Tây di; cũng giống như dân Arab hiện nay trút mọi tội lỗi lên đầu đạo Ki-tô và người Tây phương về tình trạng nghèo đói, phân hóa, chậm tiến, tham nhũng và xa cách dần Allah) hơn nghiên cứu một cách nghiêm túc. Chẳng hiểu ông Chương đã được đọc các tài liệu về Tạm ước Bourée-Lý Hồng Chương (chia Bắc kỳ mỏ cho nhà Thanh, và Pháp lấy Bắc kỳ gạo); hay, đường dẫn đến Hòa ước Thiên Tân (11/5/1884 & 9/6/1885) chưa? Nếu chưa đọc, chưa nghiên cứu tường tận, mà đã viết thì sợ rằng ông Chương thiếu sự lương thiện trí thức. Nếu đọc rồi mà vẫn bẻ cong lịch sử thì ông Chương phạm tội ngụy tạo lịch sử, một thứ tội ác tinh thần. (Thế gian này không thiếu những người thích lập danh đường tắt bằng trò ngụy tạo lịch sử; bất kể quốc tịch, tôn giáo, tuổi tác, học vấn) Nói cách khác, kiến thức sử học của ông Chương về Việt Nam không những khiếm khuyết, mà còn sơ đẳng, lỗi thời.

[Ðáng buồn là phần nào do hậu quả của sự thiếu lương thiện trí thức hoặc tội ác tinh thần của ông Chương, vài người Việt đã “khải thắng,” “khỉ sự” (nguyên văn) rằng tổ tiên là người “Tàu” [Trung Quốc]. (Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Khai Sinh, 1965). Vài người khác có lẽ cũng đã ảnh hưởng trên cựu giáo mục Nguyễn Phương là nhà khảo cổ học Olov R. T. Janse, cùng các học giả Bảo hộ Léonard Aurousseau, Henri Maspéro].

 

G. TÀI LIỆU VIỆT:

Ngoài tài liệu Trung Quốc, sử quan Việt cũng sử dụng một số tư liệu trong nước.

Có 2 loại: truyền thuyết (cổ tích, tiểu sử các thần hoàng và văn miếu) và dã sử hay tác phẩm của các văn gia.

 

1. Truyền thuyết:

Truyền thuyết được sử dụng nhiều nhất cho phần Huyền sử hay Thượng cổ sử, tức từ thuở sơ khai tới thời Hùng Vương và Thục Phán. Truyền thuyết gây nhiều tranh luận sôi nổi là truyện Lộc Tục lấy Âu Cơ, sinh ra một bọc 100 trứng (đồng bào), nở ra trăm con trong phần “Ngoại Kỷ” của bộ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Cả Ngô Sĩ Liên và Ngô Thời Sĩ, trong Việt sử tiêu án, đã nhận hiểu sự “quái dị” của đoạn huyền sử trên, nhưng vẫn chép lại vì thiếu sử liệu, hoặc vì tin rằng vĩ nhân thời tiền sử “khác với người thường.” Ngoài ra, Ngô Sĩ Liên còn dẫn truyện Liễu Nghị của Trung Quốc làm ấn chứng về liên hệ “đời đời làm thông gia với nhau đã lâu” giữa Ðộng Ðình Quân và Kinh Xuyên hầu biện hộ cho cuộc nhân duyên giữa Kinh Dương Vương Lộc Tục, con cháu Thần Nông thị, và Thần Long, con gái Ðộng Ðình Quân, rồi sinh ra Lạc Long Quân.( Toàn Thư [Giu 1967], tr. 59-60) Nhưng vua Tự Ðức chỉ cho chép từ đời Hùng Vương vào phần Tiền Biên của bộ Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, dĩ nghi truyền nghi truyện trăm trứng, trăm con giữa Lạc Long Quân với Âu Cơ, vì nó quái dị, chẳng khác gì những ma trâu, thần rắn của huyền sử Trung Quốc trong Sơn Hải Kinh, Lã Thị Xuân Thu, hay Hoài Nam Tử (như Thần Nông mặt người, mình trâu; vua Vũ đi trị thủy, lấy người con gái họ Ðỗ Sơn làm vợ, bốn ngày sau thì sinh ra Khải; Ðỗ Sơn thấy Vũ hóa thân làm gấu, xấu hổ hóa đá, Vũ đòi lại con, đá bỗng nứt ra cho Khải trở lại trần thế với cha).

Xin lược kê một số truyện ma trâu, thần rắn khác của cổ sử Trung Quốc:

Bàn Cổ: Vua thứ nhất của Trung Hoa. Tương truyền, Bàn Cổ đã dựng nên Trời Ðất, rồi đến Tam Hoàng là Thiên Hoàng, Ðịa Hoàng, Nhân Hoàng (?)

Mẹ Phục [Bào] Hi [2852-2739 TTL] đi tắm sông, đạp vào dấu chân người khổng lồ mà mang thai ông quốc tổ của Trung Hoa này.( Thông Giám tập lãm, I:1; dẫn trong CM,TB, II:15n2)

Mẹ Kim Thiên [Thiếu Hạo, 2597-2512 TTL] là Loa Tổ cảm nhiễm ánh sao ở bờ sông Hoa chữ mà mang thai.

Mẹ Cao Dương [Xuyên hay Chuyên Húc, 2513-2435 TTL] cảm sao Dao mà sinh ra vua (kiểu Mẹ Ðồng Trinh).

Khánh Ðô, vợ Ðế Cốc, giao cảm với con Rồng đỏ mà thụ thai Ðế Nghiêu [Yao ti. 2356-2258 TTL].

Giản Ðịch, vợ Ðế Cốc, một hôm cùng em gái đi tắm ở Huyền Khâu; bỗng có chim én ngậm trứng bay qua và làm rơi một trứng; bà Giản Ðịch nuốt trứng ấy rồi có thai sinh ra ông Tiết [Khiết], làm quan Tư đồ cho vua Thuấn (Shun ti, 2255-2208 BC). Tiết [Khiết] giúp vua Vũ [Yu, 2205-2179 TTL] (nhà Hạ) trị thủy có công, được phong đất Thương (nay là huyện Thương, tỉnh Thiểm Tây), tức thủy tổ của nhà Ân-Thương [Shang, (1766-1154 TTL), ở phía Bắc Trung Hoa, đồ dùng bằng đồng, phát minh chữ viết]. (Shih Chi, XIII, tờ 7a; CM, TB (Sài Gòn), II:15]

Khương Nguyên dẵm phải dấu chân người to lớn mà có thai, sinh ra Hậu Tắc, làm quan đại nông đời vua Nghiêu (2356-2258 TTL), được phong ở đất Thai (nay là huyện Vũ công tỉnh Thiểm Tây), tức là thủy tổ nhà Chu (Chou hay Zhou, 1122-255 TTL). (Shih Chi, XIII, tờ 7b) [Lại có sách ghi tích này liên hệ đến vua Phục Hi].

Những sự tích Mẹ Ðồng Trinh sinh con (có tác giả gọi là The Virgin Birth) này đầy rẫy trong sử sách Trung Quốc.

 

Qua thế kỷ XX những người chỉ trích, như Nhượng Tống, cho rằng Ngô Sĩ Liên đã mang thần thoại Mường vào sử Việt để làm vừa lòng Lê Lợi, vốn xuất thân từ xứ Mường (Lam Sơn). Nhiều người đồng ý rằng truyện 100 trứng, 100 con giống như, nếu không phải lấy từ, truyền thuyết “Mo đẻ đất, đẻ nước” của người Mường. (Nguyễn Linh, “Về sự tồn tại của nước Văn Lang;” NCLS [Hà Nội], số 112 (7/1968), tr. 19-32). Mới đây, có tác giả còn cho rằng truyện 100 trứng, trăm con giống như truyền thuyết Cẩu chủa chang vừa của người Tày.

Lại có người cho rằng Ngô Sĩ Liên đã dựa theo Lĩnh Nam Chích Quái (1377?) của Trần Thế Pháp, do Vũ Quỳnh hiệu đính (1492). Như truyện Hồng Bàng thị, Phù Ðổng thiên vương (Uy Vũ miếu), Chử Ðồng Tử, v.. v... Ngoài ra, Ngô Sĩ Liên có thể lấy thêm một số chi tiết trong Việt Ðiện U Linh (ca 1329) của Lý Tế Xuyên, ghi chép về các vị thần miếu, thần sông, thần đất, v.. v.... (Xem thêm Gaspardone, “Bibliographie annamite;” BEFEO, số 34 (1934), tr. 126-30)

Hiển nhiên sử quan Ngô Sĩ Liên đã mang truyền thuyết vào phần Ngoại Kỷ của quốc sử. Ðây không hẳn là một lầm lỗi đủ để bị chỉ trích là “khỉ sư.” Truyền thuyết hay huyền thoại được coi như sử truyền khẩu [oral history], không thể gạt bỏ vội vã mà nên được nghiên cứu và lượng giá. Truyền khẩu sử còn rất quan trọng với một dân tộc không có sử thành văn như cổ Việt.

[Ngay đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, quốc sử Việt Nam vẫn chưa gột hết được tính chất huyền thoại. Những thành phần trung gian bản xứ hợp tác với Pháp, tiếp tay quân viễn chinh Pháp chiếm đóng Việt Nam từ năm 1858 tới năm 1945–kể cả tập đoàn thông ngôn Petrus Key, Nguyễn Trường Tộ, Ngô Ðình Khả, Nguyễn Hữu Bài, v.. v...– được ngợi ca, cung văn không tiếc lời. Hồ Chí Minh cũng được phong thánh với đủ loại thần rắn, ma trâu như “cha là một nhà nho yêu nước, không cam tâm phục vụ giặc Pháp;” từ năm 15, 16, Hồ đã bỏ học để đấu tranh chống Pháp; rồi đi tìm đường cứu nước từ cảng Sài Gòn bằng nghề phụ bồi tàu; tự mình tìm đến đất Nga; trọn đời không lấy vợ, sống độc thân, để phục vụ cách mạng, v.. v... Ngày nay, thì ai cũng rõ Phớ bảng Nguyễn Sanh Huy, cha Hồ Chí Minh (tên thực Nguyễn Sinh Côn), từng làm tri huyện đất Bình Khê, năm 1910 đánh chết người trong một cơn say nên bị cách chức, rồi lưu lạc vào Nam Kỳ; năm 1911, vừa tới Marseille, cậu Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) vội vã làm đơn xin vào trường Thuộc Ðịa Pháp (Ecole coloniale), hay đường ... kách mệnh là một chuỗi những năm tháng hoạt động tình báo cho Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, v.. v... (Xem Chính Ðạo, Hồ Chí Minh, 1892-1969: Con người & huyền thoại, 3 tập) Nhà văn Dương Hùng Cường, qua truyện phiếm “Nếu Chàng Trương Chi đẹp trai,” đã có dịp luận thêm về những huyền thoại lấy thân mình cản pháo ở Ðiện Biên Phủ, v.. v.... (Xem Tướng Về Hưu [Houton, Văn Hóa: 1991]) Về đường vợ con thì nào là người vợ gốc Hoa năm 1927, nào là “Fan Lan” Nguyễn Thị Vịnh, Ðỗ Thị Lạc. [Rồi mới đây còn có tin đồn con hoang của bà Nông Thị Zếnh cũng là sản phẩm cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 2001, tôi đã đề nghị nên dùng “lối thử nghiệm DNA” để biết rõ trắng đen, nhưng chắc Hà Nội chẳng bao giờ thực hiện. Ðáng lẽ ông Nông Ðức Mạnh nên âm thầm làm thử nghiệm DNA để biết rõ sự thực, hơn lối trả lời lưng chừng “chúng ta ai cũng là con cháu Bác Hồ.” Ít lâu sau, ông Nông Ðức Mạnh khai cha họ Nông, mẹ họ Hoàng. Ðó là chưa kể những chiến công “vĩ đại” của Võ Giáp (tức Ðại tướng Võ Nguyên Giáp), nhưng chỉ có trên danh nghĩa; việc bày mưu, định kế, cung cấp tin tình báo, vũ khí, đại pháo, tiếp vận và chỉ huy đều trong tay cố vấn Trung Cộng dưới quyền chỉ huy của những Trần Canh (Chiến dịch biên giới, 9-10/1950), Vi Quốc Thanh (Ðiện Biên Phủ, 1953-1954, v.. v..)]

2. Dã sử:

Dã sử là một nguồn tài liệu quan trọng. Dù là dã sử, các tác phẩm trên có giá trị khá cao, vì đa số tác giả đều văn hay, chữ tốt, hoặc thuộc những gia đình có truyền thống văn học.

Dùng cho giai đoạn tiền-độc-lập, còn các sách biên soạn từ thời nhà Lý (1009-1226), nhà Trần (1226-1400). Từ giai đoạn nhà Hậu Lê (1428-1527) trở về sau, tức thời Trung Cổ, có Dư địa chíỨc Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi; Ðại Việt thông sử, hay Lê triều thông sử của Lê Quí Ðôn [30 quyển, từ Lê Lợi (1418) tới Lê Cung Hoàng (1522-1527); nhưng hiện chỉ còn đời Lê Thái Tổ. Ðặc biệt, có nhiều chi tiết về nhà Mạc (1527-1592)]. Học giả Lê Quí Ðôn cũng còn các bộ Vân Ðài Luận NgữPhủ Biên Tạp Lục rất giá trị, phản ảnh kiến thức nho gia vào hạ bán thế kỷ XVIII, cùng những sử liệu về nhà Tây Sơn. Ngoài ra, còn Việt Sử Tiêu án của Ngô Thì Sĩ; Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái; Ðăng Khoa Lục của Nguyễn Hoan; Ðăng khoa bị khảo của Phan Huy Ôn; Ô Châu Cận lục của Dương Văn An; Cao Bằng Lục của Phan Lê Phiên, Lịch triều tạp kỷ của họ Cao [Ngô Cao Lãng] tại Ái châu [Thanh Hoa] và con là Siển Trai (Gaspardone, (1934), tr. 1-167 at 75)], v.. v....

Ðời nhà Nguyễn thì có Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, Quốc Sử Di Biên của Phan Thúc Trực, v.. v... Thời Pháp thuộc (1858-1945) thì có rất nhiều tài liệu dã sử. Các tên tuổi quen thuộc có Petrus Key, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Ðức Kế, Phạm Quỳnh, v.. v...

 

 H. TƯ LIỆU KHẢO CỔ:
Từ đầu thế kỷ XX, việc nghiên cứu sử học Việt Nam được thêm một nguồn tư liệu mới. Ðó là tài liệu khảo cổ học. Loại tài liệu này khiến vào đầu năm 1979, có người đã hân hoan viết trên báo Nhân Dân (Hà Nội): “Lật đất lên, bốn ngàn năm lịch sử.”

Trước hết, phải nhấn mạnh, tài liệu khảo cổ học, hay những di tích khảo cổ, cực kỳ quan trọng trong việc tái dựng dĩ vãng; nhất là giai đoạn huyền sử. Một xã hội nào cũng trải qua những hưng phế, dời đổi, do tai ương thiên nhiên như bão, lụt, hỏa hoạn, động đất, hay chiến tranh tàn phá. Chỉ nguyên việc nước biển gia tăng trên dưới 100 mét từ trước đến nay, cơn hồng thủy vào khoảng năm 4,000 TTL, hay việc bồi đắp các đầm lầy, cửa biển bằng phù sa, chưa nói đến việc con người dời núi, xẻ sông khiến xã hội và cư dân không ngừng biến đổi. Ngành khảo cổ bởi thế giúp người nghiên cứu dựng lại được phần nào đời sống tiền nhân, qua những di tích về nhà cửa, thành quách, đồ dùng, dụng cụ cày cấy ruộng vườn, vũ khí, hay tế lễ.

Công trình khảo cổ tại Việt Nam chỉ khởi đầu từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Chúng ta ai nấy đều đã nghe về trống đồng Ðông Sơn, Hòa Bình, hay những di tích tại Ốc Eo, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), v.. v...

1. Sơ lược về thuyết tiến hóa:

Ngày nay, ai cũng đã rõ trái đất của chúng ta nằm trong thái dương hệ (tức một chùm những hành tinh xoay quanh một định tinh là mặt trời). Thái dương hệ này chỉ là một trong hàng triệu hệ khác trong vũ trụ, mà đa số các nhà khoa học cho rằng đã tạo lập từ 15 tỉ tới 10 tỉ năm trước.

Trên trái đất của chúng ta, theo những nhà dân tộc học chủ trương thuyết tiến hóa, có 2 loại người tiền sử: Homo sapiens và Homo sapiens sapiens.

a. Homo sapiens xuất hiện khoảng 7-5,000,000 TTL.

Tại Phi Châu, có 3 loại người tiền sử:

(1) Australopithecus: 4-3,000,000 TTL, tuyệt chủng.

(2) Homo habilis: 2,500,000 TTL, sống thành từng bầy, hái lượm thực phẩm, chia nhau ăn.

(3) Homo erectus: 1,750,000 BC, bắt đầu tràn qua Âu và Ấ châu. Biết dùng lửa, và ngôn ngữ sơ khai.

b. Homo sapiens sapiens [xuất hiện giữa 500,000-50,000 TTL]: giống loài người hiện nay.

Dấu vết của người tiền sử là các dụng cụ sinh hoạt thường ngày, chỗ cư trú như ngọn cây, hang động, nhà cửa, thực phẩm và tế tự (nghi lễ, tôn giáo). Người ta đã khám phá ra các di tích chỗ ở lợp gỗ của người tiền sử ở Nice, Pháp, vào khoảng 400,000 TTL. Tới khoảng 200,000-30,000 TTL có loại người Neanderthal ở Châu Âu, Phi châu, Trung Ðông và Trung Á, với các dụng cụ như đồ đập (vồ, búa). Ngoài ra, còn có người Peking (Bắc Kinh) xuất hiện vào khoảng 500,000 TTL với các di tích tế lễ. Bởi thế, trong cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ và dân tộc học Tây phương bắt đầu đi tìm dấu tích người tiền sử tại Á châu nói chung, và Việt Nam nói riêng.

Cách làm việc của họ dựa theo những mẫu (mô thức) xã hội, phân loại, và định tuổi thông dụng ở Tây phương. Thí dụ như trước năm 10,000 TTL, người tiền sử đã biết dùng đồ đá, gọi là đồ đá cổ. Từ 10,000 tới 6,000 TTL, các dụng cụ thuộc về thời đá giữa. Từ 6,000 tới 3,000 TTL là thời kỳ đá mới, khi người tiền sử biết chế biến, mài đẽo đá thành các dụng cụ tinh vi, chuyên biệt cho việc mưu sinh hàng ngày (có người gọi là cuộc cách mạng đồ đá, đánh dấu thời điểm con người bắt đầu chinh phục để làm chủ thiên nhiên và môi sinh). Từ khoảng năm 4,000 TTL, tại vài nơi dân cư đã biết sử dụng đồ đồng. Sau đó, từ khoảng năm 2,000 TTL có nơi đã chế tạo đồ dùng bằng sắt.

Do khác biệt về kinh nghiệm sống, kiến thức và môi sinh, niên đại của các thời kỳ đá, đồng và sắt thay đổi tùy theo vùng được khảo cứu. Các nhà khảo cổ áp dụng hai lối phân tích: xếp hạng và nghiên cứu từng dụng cụ, và nghiên cứu, so sánh toàn thể các dụng cụ trên tại mỗi “di chỉ cư trú” (tức một khu vực như thôn, xã hay nghĩa địa, v.. v...).

2. Thời đại đồ đá:

Tại Việt Nam, thời đại đồ đá cổ còn di tích trên 10,000 năm TTL Người ta tìm thấy ở núi Ðọ số lượng khá lớn lưỡi rìu sơ kỳ (cleavers hay hachereaux) đồ đá cũ. Tuy nhiên, bị hoài nghi vì thật khó định tuổi những dụng cụ bằng đá quá cổ (do ảnh hưởng của thời tiết và thời gian, thường gọi là weathering). Ngoài ra, chưa tìm được đồ dùng thời đá cổ trung kỳ và hậu kỳ. (P. I. Boriskokii, “Viet Nam in Primevial Time;” Soviet Anthropology and Archeology (Moscow), Vols. 7, 8 & 9 (1968-1970; “Bình luận ý kiến của Per-Sfrensen [Sorensen] về địa điểm sơ kỳ đá cũ Núi Ðọ;” Khảo Cổ Học [Hà Nội], (1981), số 4, tr. 11-4).

Tại làng Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú, phát hiện một số dụng cụ đồ đá. (Phạm Văn Kỉnh, “Văn hoá Sơn Vi”)

Tại Việt Nam, có khá nhiều di tích thời Ðồ đá mới sơ kỳ (Early Neolithic Period, 6,000-3,000 TTL), tức đồ đá mài (song song với việc trồng trọt và nuôi gia súc tại các vị trí cố định).

Dấu tích thời “Ðồ đá mới” (xuất hiện vào khoảng 5,000 TTL) tìm thấy ở Hòa Bình và lưu vực sông Hoàng Hà [Huanghe]. Dụng cụ đồ đá mới xuất hiện nhiều nhất tại Bắc Sơn (6095( 60 B.P.) và Quỳnh Văn (4730 ( 75 B.P.). (R. B. Smith và W. Watson, Early South East Asia, (New York: Oxford Univ. Press, 1979), tr. 120). Ðó là công cụ hình hạnh nhân, hình dĩa của dân sống trong hang động. Mặc dù có trình độ chế biến cao, vẫn là đồ đá lớn (megalith), không có đồ đá nhỏ như ở Âu châu (ngoại trừ Indonesia). [Giả thuyết: Phải chăng vì người tiền cổ dùng tre, nứa?] Có dấu hiệu trồng trọt, nhưng chắc chỉ trồng củ.

Ðồ đá mới [hậu kỳ] [Late Neolithic Period] được phát hiện tại Quỳnh Văn năm 1963 (khác với rìu Bắc Sơn). Cư dân có thể đã biết trồng trọt. Chế tạo các đồ gốm thô [Mansuy cho rằng người Indonesian du nhập vào].

Ðồ đá mới, hậu kỳ, thấy ở Phùng Nguyên (xã Kinh kệ, huyện Lâm thao, tỉnh Phú Thọ). (Lan & Kỉnh 1968, tr. 36)

Theo Phạm Văn Kỉnh, trong thời tiền kỳ đá mới người Việt bắt đầu trồng những loại củ (tuber plants) và có thể lúa dại (wild rice). Vào thời hậu kỳ đá mới bắt đầu có trồng trọt, như tại Quỳnh Văn, nhưng căn bản vẫn là săn bắn và hái, lượm trái cây. (“Vài ý kiến về một số vấn đề khảo cổ học trong quyển Kinh tế thời nguyên thủy ở Việt Nam;” NCLS, số 136 (1/1971), tr. 45-52, 64).

3. Thời đại đồ đồng:

Từ khoảng năm 4,000 TTL, dân Sumnerian dùng những bảng đất sét để vẽ những hình (hoa văn) tại Mesopotamia, thung lũng sông Tigris-Euphrates (Trung Ðông hiện nay). Dân Sumnerian sống tại các thành phố lớn như Eridu, Uruk, Nippur, Kish, và Lagash. Tổ chức quanh các đền thờ với các giáo sĩ. Ðồng ruộng được tưới bón bằng hệ thống dẫn thủy nhập điền. Ðã biết dùng thuyền buồm, xe có bánh.

Tại cổ Việt, thời đại đồ đồng phát triển chậm hơn vùng Trung Ðông (hiện nay). Theo Hà Văn Tấn, thời đại đồ đồng gắn liền với văn hoá Phùng Nguyên (Kinh kệ/Lâm thao/Vĩnh Phú, 1480-1280 TTL), khai quật năm 1959-1960. Sau đó một số di tích khác ở Vĩnh phú (Gò Mun [1215-975 TTL], Ðồng Dậu [1220-1020 TTL]) và Hà Tây. Ngoài gần 70 trống loại Heger I, người ta còn tìm thấy hai lưỡi cuốc có vai [shouldered hoe] bằng đồng tại Bú Trăn, khoảng 17 cây số Tây Bắc Vinh. (Smith và Watson, Early South East Asia, 1979, tr. 126, 127, 128, 129, 130, 131, 133). Sau định lại niên đại vào khoảng 2,000-1,500 TTL (hậu kỳ thời đá mới), xếp thành “thời đồng thau.” (Lê Văn Lan cho rằng đó là cuối thời đá mới, đầu thời đồng thau. Tuy nhiên, nên nhớ nhược tiểu, chậm tiến, định niên đại rất phức tạp) Việc trồng trọt và nuôi gia súc mới phát triển qua việc phát hiện những lưỡi cày bằng đồng.

[Xem thêm Lê Văn Lan, “Tài liệu khảo cổ học và việc nghiên cứu thời đại các vua Hùng;” NCLS (Hà-nội), Bộ 124, số 7 (7/1969), tr. 52-79; Lê Văn Lan, “Về tục hỏa táng ở thời đại của các vua Hùng;” NCLS, số 132 (5-6/1970), tr. 74-80; Lê Văn Lan và Phạm Văn Kỉnh, “Di tích khảo cổ trên đất Phong châu, địa bàn gốc của các vua Hùng;” NCLS, Bộ 107, số 2 (2/1968), tr. 34-46].

 

Ðồng thau: làng Thọ Xuân, thị xã Việt Trì; Gò Mun, Thanh Ðình, Phú Hậu (Phú Thọ); Phượng Cách (Hà Tây); Văn Ðiển (Hà Nội). Ða số là di chỉ cư trú (Phùng Nguyên, An Ðạo, Yên Tàng, Văn Ðiển).

Các di chỉ đều nằm trên đồi hoặc gò cao (vùng trung du) [lưu ý: mực nước tăng lên sau đại hồng thủy]

 
     4. Thời đại đồ sắt:

Từ khoảng 2,000 TTL, các xã hội tân tiến bắt đầu dùng đồ sắt. Tại cổ Việt, theo Hà Văn Tấn, đồ sắt tìm thấy ở Ðông Sơn (C-14 định tuổi vào khoảng từ 350 tới 285 TTL) và gò Chiên Vậy ở Hà Sơn Bình (khoảng 400 TTL). (Smith và Watson, Early South East Asia, 1979, tr. 131). Lưỡi cuốc sắt [iron hoe] có lẽ nhập cảng từ phía Bắc. Nếu tin được sử Trung Quốc, một nguyên cớ đưa đến việc Triệu Ðà tự lập làm vua là Lữ Thái hậu không chịu bán đồ sắt cho Nam Việt.

[Xem thêm Diệp Ðình Hoa, “Sơ kỳ thời đại đồ sắt ở nước ta và vấn đề Hùng Vương-An Dương Vương;” NCLS (4/1969)].

 

Những di tích khảo cổ khai quật được tại Việt Nam, Hoa Nam, và đặc biệt là Thái Lan (Non Nok Tha), vào những năm 1960 và đầu thập niên 1970 (Smith và Watson, Early South East Asia, 1979)–song song với sự tiến bộ của các kỹ thuật định tuổi di vật bằng Radiocarbon (C-14 phóng xạ), phương pháp tỉ đối Flour/Uranium/Nitrogen, hay các vòng tuổi của cây–khiến đảo lộn từ rễ gốc nhiều lối phân tích từ trước tới nay (như người Việt là Tàu lai (Olov R.T. Janse, Archeological Research in Indochina, 3 vols [Cambridge: 1947]), hay di cư từ Trung quốc xuống (Léonard Aurousseau đề xướng; Ðào Duy Anh chế biến thêm với những hình khắc trên trống đồng, v.. v...); hoặc các dụng cụ được chế biến, nhất là kim loại, chỉ được nhập cảng từ ngoài vào (diffusionism). Người ta bắt đầu phác họa những thuyết về một chủng dân thật lớn ở Ðông Nam Á, đã có mặt tại vùng này từ trước ngày mặt nước biển dâng cao từ 80 tới 120 thước như hiện nay. Như một hệ luận, thuyết di dân (như các dân tộc ở Ðông Nam Á đã di cư từ Himalaya tới, hay ngược lại) bắt đầu bị thách thức và người ta đưa ra thuyết tiến hóa tại chỗ [local evolution].

Theo thuyết này, dân Bách Việt [Yueh] có những nhóm đã sống đời người thuyền [boat people], cắt tóc ngắn và vẽ mình. Phần đông những nhóm Bách Việt tại vùng nam sông Dương Tử dần dần bị dân Hán đồng hóa, nhưng một nhóm dân Việt tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã thoát nạn mà lập nên dân tộc Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa dân Việt (Hồng Hà) là một sắc dân thuần chủng, mà đã có sự pha trộn với nhiều giống khác, kể cả người [ở cổ] Trung quốc. (William Meacham, “The Archeology of Hongkong;” Archeology, 33:4 (7-8/ 1980), tr. 16-23; “Local Revolution and Continuity in the Neo-lithic of South China: A Non-Nuclear Approach;” Current Anthropology, 18 (1977), tr. 419-40. Xem thêm Karl L. Hutterer, “An Evolutionary Approach to the Southeast Asian Cultural Sequence;” Current Anthropology, 17:2 (June 1976), tr. 221-42).

 

Các di tích khảo cổ tìm được cũng giúp đặt lại vấn đề niên biểu của nhà Hồng Bàng cùng các vua Hùng. Người ta đề nghị rằng các vua Hùng xuất hiện đâu đó giữa thời khoảng 1,500 tới 600 TTL.

Tuy nhiên, sử dụng tài liệu khảo cổ không dễ. Mục tiêu hoặc khuynh hướng chính trị của các nhà khảo cổ chi phối nặng nề các giả thuyết về giai đoạn tiền sử. Nên không có gì ngạc nhiên khi thấy thuyết di dân và nhập cảng thống trị các nghiên cứu trước Thế chiến thứ hai, trong khi thuyết tiến hóa tại chỗ chỉ bắt đầu thăng tiến sau ngày các thuộc địa cũ giành được độc lập.

Các di tích khảo cổ cũng chỉ là những dữ kiện chết; không có dẫn giải hay phê bình. Thật khó để suy đoán nguồn gốc thực sự (ai sáng chế) của các di tích khảo cổ, nói chi thể chế chính trị hay sự hình thành quốc gia [state formation].

Vấn đề sinh hoạt tinh thần cũng gây nhiều bàn cãi. Một đề tài gây nhiều tranh luận nhất là vấn đề tô-tem hay vật tổ. (Emile Durkheim, Les formes élémentaires de la vie religieuse [Những hình thái sơ đẳng của sinh hoạt tôn gíáo]). Victor Goloubew dựa theo hình vẽ [hoa văn] trên trống đồng Ngọc Lũ ra sức chứng minh rằng vật tổ của người Việt là “chim hậu điểu.” (“L'âge du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam;” BEFEO, XXIX [1930], tr. 28) Ðào Duy Anh thì nghĩ rằng “tô-tem” (vật tổ) của người Việt là chim Lạc ở miền Giang Nam. (Cổ sử Việt Nam [Hà-nội: 1956], tr.86; dẫn trong Văn Tân 1959:15, 18)

Xem những hình thuyền chạm trổ trên thân trống đồng Ngọc lũ, người ta lại thấy rõ ràng đó là thuyền đi biển có cột buồm và bánh lái mũi. Những điểm ấy khiến chúng ta thấy rằng những người đúc trống ấy–người Lạc Việt–tất đã từng vượt biển. Những chim Hậu điểu ấy, người ta thấy khắc trên trống đồng ấy, tức là người Lạc Việt. Tìm ý nghĩa chữ [Lạc, ] hay [Lạc, ] là họ, tức tên thị tộc của người Lạc Việt, chúng ta thấy chữ ấy chỉ một loài Hậu điểu ở vùng Giang Nam. Xã hội học cho chúng ta biết rằng các thị tộc ở xã hội nguyên thủy thường lấy tên các vật tổ mà đặt tên. Như thế thì chữ Lạc chính là tên vật tổ, tức loài chim hậu điểu mà chúng ta thấy hình dung trên trống đồng Ngọc lũ.”

 

Văn Tân bài bác lập luận này; thay bằng “rồng rắn”, “một loài bò sát,” (như cá sấu = giao long), sau chuyển thành “rồng” kiểu Trung Hoa. (tr. 24-5) Hà Văn Tấn, qua bài “Ý kiến trao đổi: trở lại vấn đề tô-tem của người Việt” cho rằng tô-tem vừa có chim Lạc, vừa có giao long. Chim Lạc khắc trên đầu thuyền để trấn áp gió. Giao long là cá sấu (trên búa Ðông sơn nữa). (NCLS, tr. 66-79)

Cuộc bàn cãi, dĩ nhiên, sẽ chẳng bao giờ dứt.

Nhờ kỹ thuật định tuổi các di tích khảo cổ ngày một tân tiến, nhiều lập luận có vẻ khoa học của tiền bán thế kỷ XX (như đo sọ người) trở thành lỗi thời. Ngày nay, các nhà khảo cứu bắt đầu sử dụng phương pháp trắc nghiệm DNA (một hợp chất nucleic acid [gồm purines, pyrimidines, carbo-hydrates,phosphoric acid] chuyên chở đặc tính di truyền của tế bào) với mức chính xác rất cao.

Nhưng một số người, vì tín ngưỡng hoặc vì thành kiến, vẫn phủ nhận thuyết tiến hóa và các nghiên cứu khảo cổ học. Tin tưởng vào thuyết sáng tạo của Thượng đế (God hay Allah), cùng những cảnh giới gọi là thiên đường và địa ngục (mà Giáo hoàng John Paul II đã phủ nhận), đa số giáo mục và giáo dân với lòng cuồng tín Trung Cổ cực lực chống lại những điều mà họ mỉa mai là từ vượn lên người, hay duy vật. Trước viễn ảnh của khám phá mới về cloning [tái tạo], đang có khuynh hướng tân-Gallilei [neo-Gallileism]tân Tòa dị giáo [neo-Inquisition] để ngăn chặn bước tiến của khoa học.

 

I. TƯ LIỆU TÂY PHƯƠNG:

Từ thế kỷ XVI, ngoài tư liệu Trung Quốc và quốc sử quán Việt, người nghiên cứu có thêm hai nguồn tư liệu khác. Ðó là thư từ và báo cáo của các giáo sĩ, cùng những tay phiêu lưu mạo hiểm, kể cả thương gia Arab.

1. Giống như quốc sử quán Việt, hay tư liệu Trung Quốc, các tư liệu Tây phương không khách quan như những người tôn sùng phương Tây ngộ nhận.

a. Các nhà truyền giáo, chẳng hạn, chỉ nhìn đất nước và dân tộc Việt dưới mắt nhìn đầy tư tâm của sứ mệnh truyền giáo. Trang bị bằng các Thánh lệnh (Bulls) cho phép các đoàn thám hiểm và truyền giáo chiếm đoạt bất cứ vùng đất và hải đảo nào chưa thuộc quyền sở hữu của các vua chúa Ki-tô, tịch thu tài sản và bắt làm nô lệ bất cứ kẻ vô thần hay ngoại đạo [infidels], ác quỉ [evil-doers] nào không chịu nhìn nhận và tôn thờ Thượng đế Ki-tô, giấc mơ của các nhà truyền giáo chỉ có việc giương cao cây thập tự trên các nóc giáo đường bản xứ. [Xem Phụ Bản Phân Chia Thế Giới]

Những báo cáo về trung ương, thư từ trao đổi giữa các giáo sĩ với nhau, hoặc gửi đến các giới chức thẩm quyền thuộc địa cho thấy rõ sự thiếu khách quan này.

2. Những con buôn và các tay phiêu lưu Tây phương cũng vậy. Tư liệu của họ thường chỉ là những mắt nhìn hời hợt từ các boong tàu, pha trộn chút hơi hướng phiêu lưu mạo hiểm. Hoặc những lời cổ võ về sự giàu có, vàng bạc đầy đường, cất dấu dưới biển của các nhà cầm quyền bản xứ. Những câu chuyện hoang tưởng về thế giới của những giống người da tím, một mắt mọc giữa trán, cùng những cung điện nguy nga đầy châu báu, những con lộ cúi xuống nhặt được vàng một thời dấy gợi bao giấc mơ phiêu lưu mạo hiểm của tuổi trẻ lục địa Âu châu. Marco Polo với những ngôi nhà Nhật có mái lợp bằng bạc; hay các thương gia Arab với những kho vàng cất dấu dưới biển của các sultan [tiểu vương] Malay là một thí dụ khác.

[Theo Marco Polo, Polo tới Trung Hoa vào đời Hốt Tất Liệt (Qublai Khan hay Thành Cát Tư Hãn, 1260-1294), ở lại đây 17 năm. Polo được Hốt Tất Liệt cho chu du khắp vương quốc, rồi bổ nhiệm làm Tổng đốc Yangzhou (Dương Châu). Về nước, viết cuốn Description of the World [Những Kỳ quan của thế giới] trong tù. Tự nhận được Hốt Tất Liệt cử làm sứ giả gặp Giáo hoàng Ki-tô ở Roma.

Một học giả Mỹ cho rằng Polo đã bịa đặt, chưa bao giờ đặt chân tới Trung Quốc, và tác phẩm của Polo chỉ tổng hợp những huyền thoại nghe được tại Persia (Ba Tư). (Frances Wood, Did Marco Polo Go to China? [Boulder, Colorado: Westview Press, 1996], 154 trang) Theo Wood, Polo không nói lên được những đặc thù của Trung Quốc vào thời gian này: Vạn Lý Trường Thành, súng bắn đá và thành Tương Dương, những món đồ sứ của thế kỷ XIII, tục ưa ăn ngon của người Hoa, đặc sản của Suzhu (Tô Châu), v.. v... Wood ví Polo như một thứ Herodotus (480-425 TTL), “người chưa từng đặt chân tới những địa danh mà ông ta mô tả và trộn lẫn giữa sự kiện với chuyện hoang đường.” (tr. 150)

 

3. Từ thế kỷ XVII-XVIII, các tư liệu Tây phương còn có thêm chút hương hoa của sứ mệnh khai hóa, hay “gánh nặng của người da trắng.” Bởi thế cuộc xâm lăng và chiếm đóng Philippines [Phi Luật Tân] từ năm 1578 của người Espania hay “An Nam” của Pháp từ năm 1858 chỉ nhằm mục đích “mở cửa cho người bản xứ vào thế giới văn minh.” Nên chẳng có gì ngạc nhiên, khi thấy sau ngày Philippines độc lập, tại nơi từng dựng tượng tôn thờ nhà thám hiểm Ferdinand Magellan–thuyền trưởng Âu châu đầu tiên muốn đi vòng quanh thế giới–dân bản xứ đã dựng một bảng đồng, với lời ghi chú: “Ðây là nơi, ngày 27/4/1521, Lapulapu và chiến hữu đã đánh đuổi những tên xâm lược Espania, giết chết tên cầm đầu Ferdinand Magellan. Như thế, Lalupalu trở thành người Filipino đầu tiên đã đẩy lui sự xâm lược của Âu châu.” (Steinberg ed., In Search of Southeast Asia, tr. XI)

Tại Việt Nam, hàng triệu người phải hy sinh mạng sống hay bị phế tật, hàng chục ngàn làng mạc, ruộng nương bị tàn phá mới chấm dứt được giai đoạn “khai hóa” của Pháp. Nhưng người Việt rất độ lượng. Người ta vẫn tạc tượng thờ hay đặt tên đường phố để tưởng nhớ những Alexandre de Rhodes, v.. v... (Trong tương lai, có thể có tượng Puginier, Gauthier, Lefèbvre, Lê Hoan, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Petrus Key, v.. v...?)

 

  Houston 1/2/2009



  II. VIỆC NGHIÊN CỨU THỜI CẬN ÐẠI (1800-1975): 

Giai đoạn trước 1975, việc nghiên cứu sử học đã có nhiều nguồn tư liệu hơn để làm việc. Tài liệu đáng tin cậy nhất, dĩ nhiên, là tài liệu văn khố. Nhiều nhà nghiên cứu sử học chuyên nghiệp đã sử dụng tài liệu văn khố Pháp, Mỹ và Liên Sô. Mới đây, văn khố Hội truyền giáo Hải ngoại cũng đã mở rộng, sau nhiều thập niên “cho người chết ngủ yên.” Ngoài ra, người ta có thể sử dụng các báo chí đương thời xuất bản tại Ðông Dương, Nga, Trung Quốc, Nhật, hay Hong Kong. Một số hồi ký bằng Hán ngữ, Pháp ngữ, Anh ngữ và Việt ngữ cũng có thể sử dụng.

 

A. TÀI LIỆU VĂN KHỐ:

Văn khố có nhiều loại. Chính yếu và quan trọng nhất là những tài liệu do chính quyền thu thập và soạn thảo, được lưu trữ và bảo quản để tiện theo dõi sự thi hành các chính sách hoặc kế hoạch hoạt động thuộc mọi ngành. Ðây là những tài liệu cực kỳ quan trọng cho các nhà nghiên cứu. Mỗi cơ quan chính phủ đều có một văn khố. Những tổ chức, hội đoàn có cấu trúc chặt chẽ như Hội Truyền Giáo, nghiệp đoàn hàng hải, v.. v... cũng có văn khố riêng. Mỗi nhân vật tên tuổi cũng vậy. Mặc dù các viên chức hành chính hay quân sự, hay các tác nhân có thẩm quyền, vì những lý do dễ hiểu, đôi khi chủ quan, hoặc vì áp lực thư lại, có thể không viết hết sự thực, nhưng những kẽ hở này có thể loại bỏ hoặc bổ túc bằng các tài liệu khác, theo phương pháp tỉ đối (tức so sánh) và tổng hợp.

Ngoài ra, còn những thủ bút của các tác nhân lịch sử mà tính chất khả tín khó ai có thể bài bác. Hai lá thư xin nhập học trường Thuộc Ðịa của Nguyễn Tất Thành năm 1911, hay thư Giám mục Ngô Ðình Thục gửi Toàn quyền Jean Decoux ngày 21/8/1944 van xin Decoux nghĩ đến công lao hãn mã của Ngô Ðình Khả và họ Ngô mà nhẹ tay với Ngô Ðình Diệm, Khôi, Nhu, v.. v.. chỉ là vài thí dụ cụ thể. Toàn bộ báo cáo của Giám mục Paul Puginier gửi các viên chức thuộc địa Ðông Dương tại Văn khố Hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp là một thí dụ khác. Bởi thế, với những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, tư liệu văn khố được xếp loại ưu tiên và khả tín hàng đầu.

Văn khố Việt không được bảo quản cẩn thận. Bởi thế không những một số “Châu Bản” nhà Nguyễn bị mục nát dần, mà ngay tư liệu của các chế độ Quốc Gia Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa cũng chịu chung số phận. Những tư liệu của Ðảng CSVN, dĩ nhiên, chưa và có thể không bao giờ được giải mật. Thí dụ như những điện tín và văn thư giữa Bắc Kinh và Tuyên Quang-Thái Nguyên trong các chiến dịch Biên Giới (9-10/1950) hay Ðiện Biên Phủ (1953-1954) vẫn là tài liệu quốc cấm–và, sau hơn nửa thế kỷ, các nhà nghiên cứu mới chỉ có được những “hồi ký” của Trần Canh, Võ Nguyên Giáp, hay La Quí Ba, v.. v... Ðó là chưa nói đến những mật điện và tài liệu về những chuyến đi Nga 1950, 1952, 1954 của Hồ Chí Minh.

Mới đây đã có nỗ lực gửi các chuyên viên Việt ra ngoại quốc học tập thêm về kỹ thuật bảo quản và tổ chức văn khố. Hy vọng sẽ có những tiến triển tốt đẹp hơn. Ngoài ra, theo một học giả Nga, Anatoli Sokolov, văn khố Ðảng Cộng Sản Việt Nam làm được nhiều microfilm tư liệu tàng trữ tại các văn khố Nga và Pháp.

Do tình huống đặc biệt của Việt Nam, nơi nhiều siêu cường đã có mặt, tùy theo giai đoạn người ta có thể nghiên cứu thêm ở các văn khố Pháp, Mỹ, Bri-tên, Nga và Trung Quốc. Trong giai đoạn trước 1945, nguồn tư liệu quan trọng là văn khố Pháp, Nga, Trung Quốc, và Bri-tên.

Giai đoạn từ 1945 tới 1975 cũng vậy. Quan trọng nhất vẫn là tài liệu văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Bri-tên. Tuy nhiên, một số tư liệu trong giai đoạn này vẫn chưa giải mật. Cho đến năm 2001, chẳng hạn, văn khố Mỹ mới chỉ mở tới năm 1971. Mặc dù mỗi năm đều có thêm tư liệu giải mật, nhưng có những tài liệu vẫn chưa được tham khảo. Thí dụ như tư liệu về cuộc đảo chính 1963 tại Thư viện John F. Kennedy chưa mở hết, đặc biệt là các công điện và báo cáo của Henry Cabot Lodge. Thư viện Gerald Ford đã giải mật một số hồ sơ về cuộc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa–như báo cáo của Tướng Frederick Weyand ngày 9/4/1975, một số công điện của chiến dịch Frequent Wind—nhưng trên đại thể chưa đủ để dựng lại một bức tranh toàn diện. Văn khố Pháp thì nhiều tài liệu trong giai đoạn 1945-1954 phải chờ tới năm 2009-2010 hoặc có thể lâu hơn mới được tham khảo. Tài liệu Bộ Ngoại Giao cũng mới mở đến năm 1964. Tư liệu về Trần Ðình Lan chỉ giải mật năm 2029! Tài liệu Nga và Trung Cộng, vì được xếp hạng là liên quan đến an ninh quốc gia, hầu như không mở ra cho các học giả ngoại quốc.

Tại Mỹ, ngoài các Văn khố Quốc Gia, Văn khố các Bộ và nha sở, Văn khố các binh chủng, còn văn khố tại các thư viện Tổng thống Mỹ. Ðây là nơi tập trung các tư liệu có yếu tố quyết định cho chính sách ngoại giao cũng như nội trị của mỗi Tổng thống. Muốn có được một bộ sử chính xác về chiến tranh Việt Nam, không thể không làm việc tại các văn khố này; đặc biệt là các thư viện Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford và Jimmy Carter. Cho tới nay, tôi thường làm việc tại Văn khố Lyndon B. Johnson, trong khuôn viên Ðại học Texas ở Austin, Texas. Hầu như mỗi năm đều ghé qua một lần. Ðược tham khảo và làm phóng ảnh khá nhiều tư liệu đã từng công bố trong các tập Mậu Thân 68: Thắng hay Bại? (in lần thứ hai) và 55 Ngày & 55 Ðêm: Cuộc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa (in lần thứ 5) dưới bút hiệu Chính Ðạo. Toàn bộ những tư liệu văn khố trên sẽ được phổ biến đầy đủ hơn trong tập Việt Nam Niên Biểu I-D: 1964-1968, và nhất là bộ The Vietnam War, 1945-1975: Lost or Won? [Chiến Tranh Việt Nam, 1945-1975: Bại Hay Thắng?] bằng Anh ngữ, hoàn tất đã lâu, nhưng còn cần những hiệu đính nho nhỏ về chi tiết mỗi khi có tư liệu mới giải mật.

Bất cứ ai muốn tái tạo lịch sử cận đại Việt một cách tương đối trung thực không thể không làm việc tại Thư viện LBJ. Theo sự hiểu biết của tôi, chỉ riêng cựu Ðại tá Phạm Văn Liễu, chẳng hạn, đã có hàng chục tư liệu chưa được bạch hóa. Có lẽ chính ông Liễu cũng chẳng rõ lý do khiến ông bị cách chức Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia vào ngày 8/4/1966 (dù mãi tới ngày 21/4/1966 mới được công bố): Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia đã buộc tội ông Liễu tiếp tay cho cuộc tranh đấu miền Trung của Phật Giáo và Lực Lượng Tranh Thủ Tự Do (3-6/1966) vì một công điện ký tên giả mà ông Liễu chẳng bao giờ nhận được. Lãnh tụ “Baby Turks” Nguyễn Ngọc Loan đã chết, nhưng Tướng Nguyễn Cao Kỳ, cựu Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (1965-1967), có thể giải thích thêm việc này.

Trường hợp hai Tướng Huỳnh Văn Cao và Tôn Thất Ðính cũng vậy. Tướng Cao không bị chỉ định mà tình nguyện ra Ðà Nẵng thay Tướng Ðính làm Tư lệnh Quân đoàn I. Tướng Ðính thì có những lời tuyên bố khiến ông phải hối hận, sau này. Riêng Thượng Tọa Thích Trí Quang, giống như tôi đã trình bày trong tập Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967, là nạn nhân của chính ông. Người Mỹ hiểu rằng Thượng Tọa Trí Quang không là Cộng Sản, và cái mũ Cộng Sản đã bị những người Ki-tô cuồng tín–nhất là tàn dư Cần Lao-Nhân Vị của Ngô Ðình Nhu-Ngô Ðình Cẩn–và ngay cả các cán bộ Cộng Sản, chụp lên đầu ông. Thượng Tọa Trí Quang, qua những tin tình báo nhận được ở Tòa Bạch Cung, có tới ba loại người thù: Cộng Sản, Ki-tô cuồng tín hiếu chiến kiểu Trung Cổ, và phe kiêu binh, đại diện bằng những Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Nguyễn Bảo Trị. Khi chính phủ Johnson, qua đề nghị của nhóm Edward Lansdale và Bill Colby, quyết định cho giới Ki-tô trở lại thống trị chính trường miền Nam từ năm 1967-1968, ngày tàn giấc mộng kê vàng “quốc sư” của Thượng Tọa Trí Quang bắt đầu. Ngay đến Linh mục Hoàng Quỳnh, người chủ trương hòa đồng tôn giáo để chống Cộng, cũng bị nhóm Ðại Ðoàn Kết của Nguyễn Gia Hiến loại bỏ vì “đã già, mềm yếu với Phật giáo,” không còn xứng đáng cầm đầu các ủy ban “hành động” Ki-tô. Tướng Nguyễn Bảo Trị và Ủy viên Thanh niên Võ Long Triều cũng tự nhận đã ra công vận động giáo dân Ki-tô Hố Nai và Phú Nhuận xuống đường đương đầu với Phật giáo, ngăn chặn không cho Phật giáo thống trị các cơ quan dân cử và chính quyền. Niềm tin tôn giáo đã bị những kẻ tham vọng khai thác làm con đường tiến thân cho riêng họ. Những ai thích tin tưởng ở “thánh chiến” nên ghé văn khố LBJL ở Austin một lần, tìm đọc vài hộp tư liệu của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Mỹ [National Security Files (NSF), Vietnam Country File]. Từ những nhân vật như Ngô Ðình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Ðôn, v.. v... tới các tác nhân hạng hai, hạng ba như Bùi Diễm, Trần Văn Ân, Tôn Thất Thiện, Ðặng Ðức Khôi, v.. v... đều có dấu vết trong kho Tư liệu Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Mỹ dưới thời chính phủ Johnson. Phía sau sân khấu chính trị miền Nam, tại các tư dinh hay công sở Mỹ, các “lãnh tụ” Việt không cao lớn và uy quyền như họ muốn chúng ta phải tin. Bởi thế, mới có hai thành ngữ thời đại: sự “dốt nát hào nhoáng “ (the shining ignorance) và sự “lừa dối sặc rỡ” (the colorful lies).

Ðặc biệt có giá trị là những công điện trao đổi giữa Sài Gòn và Oat-shinh-tân trong giai đoạn 1964-1968. Một trong những tài liệu đáng chú ý là “sự hiểu ngầm” của Hà Nội trước khi Tổng thống Johnson tuyên bố ngừng oanh tạc Bắc Việt ngày 1/11/1968. Những báo cáo của Tướng Lansdale về các nhân vật Việt Nam cũng khiến cười ra nước mắt. Khó tin, nhưng có thực: Nhiều “lãnh tụ” đã lập công danh, kiếm tài lợi qua những “party” buổi tối hay giấc ngủ thiếp lả trên salon tư dinh Tướng Lansdale, với những “sứ mệnh” đủ loại. Nào là Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, nào là đoàn thanh niên, hay trại hè thiện chí. “Lãnh tụ thanh niên”, chẳng hạn, từng giao nạp hồ sơ bốn học sinh tình nguyện cứu trợ nạn nhân chiến tranh cho cơ quan an ninh vì tình nghi họ là Cộng Sản. Nhưng ác độc nhất là việc diễn giải tấm biểu ngữ cứu trợ nạn nhân chiến tranh của Phật giáo là “có khuynh hướng thân Cộng.” Cũng may, sau đó người Mỹ quyết định bỏ rơi miền Nam Việt Nam, bằng không chẳng hiểu chuyện gì xảy ra với những “lãnh tụ ... cổng hậu tư dinh quan tướng tình báo ngoại quốc này!”

Các “lãnh tụ” miền Nam, như Bùi Diễm, trong hồi ký In the Jaws of History, Trần Văn Ðôn, trong Our Endless War, và Nguyễn Cao Kỳ trong Twenty Years and Twenty Days chẳng thấy đá động gì đến những chi tiết phía sau hậu trường, chỉ thấy khoe mình tài, mình giỏi, mình quân tử. Việc quá nhỏ để nhớ hay nhắc đến trong hồi ký chăng?

Huỳnh Văn Lang, trong hồi ký Nhân Chứng Một Chế Ðộ (3 tập), và Y sĩ Ðặng Văn Sung, qua buổi phỏng vấn riêng của tôi năm 1997, ít tháng trước ngày ông từ trần, tự chứng tỏ lương thiện hơn nhiều người đồng thời. Cả hai đều thú nhận hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo Mỹ. Và không như nhiều người đóng vai ngụy quân tử, chụp mũ cho người khác là “CIA” hay “Xịa.”

Lật dở những trang tài liệu quản thủ kỹ lưỡng, khác hẳn với những hồ sơ dầy bụi thời gian của văn khố Pháp, hơn một lần tôi thoáng nhớ đến những chữ “Moise”, “Jacobs” và “giải phóng” trong thư “Petrus Key” gửi “Grand Chef” Jauréguiberry vào cuối tháng 3/1859 (do một linh mục ở Vĩnh Long chuyển) để thúc dục “những sứ giả của Thiên Chúa [Ki-tô]” này xâm lăng Ðại Nam cho nhanh; hay, ba chữ “bol de riz” (bát cơm) bảo hộ Pháp của dòng họ Ngô mà Ngô Ðình Khôi đã nhờ Ngô Ðình Nhu chuyển lời cho Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Paul Arnoux vào tháng 8/1944 trong các văn khố Pháp. (Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập III)

Cơ trí, ắt cơ tâm. Những “lãnh tụ” của hạ bán thế kỷ 20 có vẻ khôn ngoan và thông minh hơn những người của thế hệ trước. Những tấm lòng yêu nước ... Pháp và Mỹ mới (ít nữa thì trên đầu môi chót lưỡi) chẳng hiểu nên nhớ hay quên? Ðây mới là những “bí ẩn” lịch sử mà người ta cố che đậy, dấu diếm, chẳng khác gì người Cộng Sản cố tình tô lục chuốt hồng cho Hồ Chí Minh ... suốt đoạn đường “cứu nước” và “yêu nước” ... chủ nghĩa xã hội!

Sự khác biệt giữa người học sử chuyên nghiệp và những người thích “bí ẩn” là người học sử cố gắng xuyên suốt những dữ kiện chính xác thành một diễn giải lịch sử khoa học, khách quan tối đa; những người thích công bố “bí ẩn” thường mang tư tâm “xây dựng kỳ đài” hay “đào mộ” nào đó. “Bí ẩn” bởi thế thường chỉ là những câu chuyện bên tách cà-phê, ly ruợu mạnh, hoặc bàn mạt chược, chiếu xóc đĩa, chắn cạ nhằm xuyên tạc, mạ lÿ kẻ thù, xưng tụng, bái lạy chủ cũ bằng thứ lý luận “rẻ rách ... sinh chuột con.” (Ðáng buồn hơn nữa là dăm ba người có đôi chút học thức chuyên đi ăn cắp công trình nghiên cứu của người khác–nhất là những tài liệu do tôi phát hiện tại các văn khố–in vào “sách” của họ, rồi cao giọng chỉ trích–nhưng chỉ phơi bày rõ ràng hơn sự ngu dốt và điêu ngoa hào nhoáng của loài tinh tinh tân thời).

Ðáng tiếc là văn khố LBJL vẫn chưa giải mật một số hồ sơ. Như tài liệu về buổi gặp mặt giữa Tổng thống Johnson và Giáo Hoàng Paul VI ngày 23/12/1967. Tài liệu về vụ bà quả phụ Anna Chennault móc nối Bùi Diễm cùng Nguyễn Văn Kiểu để làm gió cho ứng cử viên Richard Nixon của Ðảng Cộng Hòa trong cuộc tranh cử Tổng thống 1968 cũng chưa có tính cách thuyết phục, vì chỉ là những ý kiến riêng của các nhân vật như McGeorge Bundy, Nguyễn Cao Kỳ, Bùi Diễm, v.. v... Hai thư viện Tổng thống khác sẽ lôi cuốn nhiều nhà nghiên cứu trong những năm tới là Thư viện Richard Nixon và thư viện Gerald Ford.

 

B. BIÊN KHảO:

Ðặc biệt giai đoạn cận đại có nhiều biên khảo bằng Việt ngữ cũng như ngoại ngữ khá giá trị. Những học giả nổi danh về Việt Nam có David G. Marr, Pierre Brocheux, Nguyễn Thé Anh, v.. v... Về các học giả Việt trong nước, một số đã được ra ngoại quốc tu nghiệp hay khảo cứu tại các văn khố. Nhưng đa số biên khảo trong nước còn bị hạn chế về tài liệu, tức thiếu những chi tiết chính xác về thời gian cũng như dữ kiện. Dĩ nhiên, cũng có những biên khảo chẳng nhắm mục đích gì khác hơn tuyên truyền, lập danh, hoặc vì đôi chút tài lợi.

Vì trước năm 1975, hầu hết tác giả Việt không được sử dụng tài liệu văn khố hay tư liệu nguyên bản, nên thường có tình trạng sao chép giây chuyền lỗi lầm của người đi trước. Trường hợp các Thánh lệnh của Giáo hoàng Ki-tô trong việc phân chia thế giới cho Portugal (Bồ Ðào Nha) và Espania (Tây Ban Nha) trong thế kỷ XV chỉ là một thí dụ nhỏ. Hay việc Pháp đưa Ðồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Ðịnh, Bảo Ðại lên ngôi, v.. v... dưới “thiên mệnh Ðại Pháp.”

Ngoài ra, vì ảnh hưởng của chế độ Bảo hộ Pháp cũng như các thế lực bản xứ, các nhà nghiên cứu không được tham khảo các tư liệu bất lợi cho mục tiêu khai hóa của người Pháp (tức biến Việt Nam thành một nguồn cung cấp vật liệu thô và nhân công rẻ tiền, đồng thời cũng là một thị trường đóng kín cho hàng hóa Pháp, và vùng đất để rao giảng đạo Ki-tô Vatican). Bởi vậy, hầu hết sử sách viết về giai đoạn này hiện đang lưu hành–ngoại trừ các bộ quốc sử triều Nguyễn–đều ca ngợi công lao khai hóa của người Pháp. Vài dòng ngắn ngủi của Trương Vĩnh Ký để kết thúc bộ Bài giảng sử An-Nam-Mít [Cours d’histoire annamite] là một thí dụ tiêu biểu.[ Xem bài Petrus Key].

Bởi thế, người ta thấy xuất hiện những loại văn sử không những chỉ sai lầm về dữ kiện mà còn méo mó nguy hiểm về lối giải thích hay lập luận (vì tác giả thuộc giới trung gian bản xứ, hoặc vì không dám làm mất lòng các quan chức bảo hộ cùng những nhà truyền giáo và giáo dân nặng mang tinh thần Trung cổ, nếu không phải với chủ đích cung văn những tác nhân trên). Ngay đến vài sử gia cũng tìm cách tránh đối diện những sự thực gai góc về phong trào trào thực dân Ki-tô/vật bản từ thế kỷ XVI tới thế kỷ XX. Bất cứ ai dám công bố những sự thực lịch sử do mình dày công sưu tầm thì lập tức bị vu cáo có dụng tâm “nói xấu” cá nhân này, tôn giáo nọ, hay “sai lầm.” Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy những người như Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) hay các công thần của chế độ Bảo hộ Pháp và con cháu họ (như Ngô Ðình Khả, Ngô Ðình Thục) thanh thản và mạnh bạo gọi những người chống lại chế độ Bảo hộ Pháp là “rebelles” (giặc hay phiến loạn). Giống như sáu trăm năm trước, Lê Tắc đã dùng những thuật ngữ “bản nghịch” (những tên phản loạn) hay “yêu đảng” để gọi hai Bà Trưng, Bà Triệu Ẩu, hay Lý Bí, Dương Thanh, v.. v...

 

C. BÁO CHÍ:

Các tài liệu báo chí cũng khá phong phú. Từ cuối thế kỷ XIX, báo chí đã lưu hành ở Việt Nam, đặc biệt là Nam Kỳ thuộc Pháp (Cochinchine). Những tựa báo quan trọng có Courrier SaigonaisGia Ðịnh Báo. Ngoài ra, còn các báo tư nhân như L’Avenir du Tonkin. Người nghiên cứu cũng nên tham khảo các báo Pháp ngữ tại chính quốc (Pháp) và Trung Hoa (như tờ Gazette de Peking).

Qua thế kỷ XX, báo chí được chuyên nghiệp hóa ở cả ba miền. Người nghiên cứu ít nhất phải tham khảo các tờ báo chính như Trung Bắc Tân văn, Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân ở miền Bắc; Tiếng Dân ở miền Trung; cùng các báo La tribune indigène, La tribune indochinoise, Nam Kỳ Lục Tỉnh, v.. v... ở miền Nam. Tuy nhiên, sử dụng các tài liệu này cần cực kỳ thận trọng. Nghề báo tại một nước bị Pháp xâm chiếm như Việt Nam khó thể nói đã trưởng thành và có được Ðệ tứ quyền. Ðó là chưa kể những dụng tâm chính trị của các chủ báo. Nên so sánh với các tài liệu văn khố của các cơ quan an ninh thuộc địa Pháp để hiểu thêm về chính sách truyền thông của người Pháp. Học giả David Marr là người đã sử dụng khá nhiều tư liệu báo chí.

 

D. HỒI KÝ:

Hồi ký là một kho tài liệu khá có giá trị. Hầu hết các viên chức cao cấp Pháp đều viết về những sinh hoạt của họ tại Ðông Dương. Tác nhân Việt thì rất ít người viết hồi ký. Mở đầu phong trào này là hai cuốn nói về chuyến đi sứ Pháp và Espania của Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ (1864). Rồi đến Chuyến đi Bắc Kỳ năm 1876 của Petrus Trương Vĩnh Ký, Ði Tây của Phạm Quỳnh. Phạm Duy Khiêm cũng có hai tập hồi ký nói về cuộc phiêu lưu sang Pháp làm thông ngôn cho lính thợ [ONS].

Hai cuộc chiến 1945-1954 và 1959-1975 sản xuất khá dồi dào hồi ký. Ða số nhân vật ngoại quốc (Nhật, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, v.. v...) đều viết hồi ký. Nhiều tác nhân Việt cũng có hồi ký, đặc biệt là phe Cộng Sản.

Dĩ nhiên, hồi ký không hoặc chưa là lịch sử. Chỉ là lời chứng trước tòa án lương tâm và dân tộc. Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ (1996), hay Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim (1969) là những thí dụ. Tác nhân lịch sử có thể sai lầm, trong khi kể lại các sự việc hay lý luận, nhưng đó là những điều khó tránh. Ða số dùng hồi ký để biện minh tâm trạng mình như Linh mục Cao Văn Luận, qua cuốn Bên Dòng Lịch sử (Sài Gòn: 1984) hay ông Ðỗ Mậu với hai tập Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi (tái bản năm lần, từ 1987 tới 1993) và Tâm Thư (tái bản một lần).

Huỳnh Văn Lang, qua 5 tập hồi ký về đá gà, đi săn, và hoạt động chính trị cũng rọi sáng vài ba sự thực lịch sử về chính phủ Ngô Ðình Diệm (1954-1963) và tâm trạng người trí thức Ki-tô miền Nam trong cuộc đảng tranh sắt máu 1945-1975. Những hồi ký khác của Tướng Nguyễn Chánh Thi, Trần Văn Ðôn, Nguyễn Cao Kỳ, Tôn Thất Ðính, Huỳnh Văn Cao, Lý Tòng Bá, v.. v... có những giá trị nhất định nào đó. Ngay đến cựu Hoàng Bảo Ðại cũng có một hồi ký do hai người Pháp viết, Le Dragon d’Annam (Paris: Plon, 1980). Hồi ký này đã được viết lại bằng Việt ngữ, nhưng nội dung chẳng mấy giá trị, nếu không phải chứa đựng nhiều tư liệu sai lầm. Và mục đích in hồi ký của Cựu Hoàng chỉ vì nhu cầu tài chính.

Trong số các hồi ký, tập Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi Tâm Thư của Tướng Ðỗ Mậu là một hiện tượng. Tập VNMLQHT được in lại nhiều lần ở hải ngoại. Ngay nhà xuất bản Công An của CSVN cũng sửa chữa, cắt xén in lại trong nước. Tại hải ngoại, vì vạch trần những sự thực không đẹp của chế độ Ngô Ðình Diệm và hàng lãnh đạo Ki-tô, ông Mậu đã bị đả kích một cách tàn nhẫn và thô tục suốt nhiều năm.

Cá nhân tôi cũng bị lôi cuốn vào chốn “giang hồ gió tanh mưa máu.” Có kẻ tung tin tôi đã tiếp tay hoặc giúp Tướng Mậu hoàn tất cuốn Tâm Thư của ông, dù chính tôi chưa hề biết mặt ông Mậu, và cũng không hề quen biết ở trong nước. Tôi đã giữ thái độ im lặng, vì chửi bới, vu cáo trên các tờ báo chợ là một thông lệ hơn biệt lệ ở hải ngoại. Tôi cũng quá bận rộn, không có thì giờ. Hơn nữa, theo tôi, sự thực chỉ là sự thực. Những lời chửi bới, vu cáo “rất chợ búa” Tướng Mậu, hay những người có can đảm công bố sự thực về gia đình Ngô Ðình Khả-Ngô Ðình Diệm (như ông bà Nguyễn Mạnh Quang) cùng những tập đoàn “trung gian bản xứ” khác chắc chắn không thể làm đẹp hơn cho họ. Và chắc chắn không thể làm giảm giá trị của những sự thực đã được công bố. Chẳng ai có thể gói lửa bằng giấy.

Riêng những hồi ký của các tác nhân Cộng Sản cũng không hoàn toàn vô giá trị như một số người muốn chúng ta phải tin và tuân lệnh. Các hồi ký của Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, Lê [Trịnh?] Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Trần Ðộ, Phạm Khắc Hoè, Lê Tùng Sơn, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Thập, Lê Văn Hiến, Hoàng Văn Hoan–hay hồi ký của những người ngoài đảng như Vũ Ðình Hoè, v.. v...– đều có chỗ dụng của chúng, nếu biết loại bỏ những khía cạnh tuyên truyền quá lộ liễu. Với chế độ Cộng Sản, không cần sự thực. Chỉ cần những mảnh vụn sự thực phục vụ cho mục tiêu chính trị giai đoạn. Ngay đến những tài liệu tự ca ngợi mình của Hồ Chí Minh, như Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (ký tên Trần Dân Tiên), hay Vừa đi đường vừa kể chuyện (ký tên T.L.) ít nữa cũng cho người đọc thấy cách vận chuyển của hệ thống tuyên truyền Cộng Sản.

Tôi nhớ đến tiếng “Vẹm” mà dân chúng miền Bắc đã từng sử dụng để gọi tổ chức Việt Minh. Không chỉ có những lời dối trá hào nhoáng, mà còn có những lưõi mã tấu sỉn máu để bắt mọi người phải coi những lời dối trá đó là khuôn vàng thước ngọc, phải sủng kính như Thánh kinh.

 

Với cương vị chủ bút nhà Xuất bản và Phát hành Văn Hóa, tôi đã cùng ông Nguyễn Xuân Phác thực hiện một số cước chú cho bản thảo hồi ký còn dở dang của cụ Nguyễn Xuân Chữ, và góp ý với tất cả những tác giả từng muốn nhờ chúng tôi xuất bản hay phát hành. Tôi cũng từng chia xẻ cho một số tác giả tư liệu văn khố thu thập được trong các chuyến du khảo, với hy vọng giúp người viết cũng như người đọc thấy được những sự thật không thể chối cãi của một số tác nhân lịch sử bấy lâu được tô hồng chuốt lục cho những mục tiêu chính trị giai đoạn nào đó. Tham vọng nhỏ bé của tôi là trả sự thực cho lịch sử. Vì chỉ có sự thực lịch sử mới giúp người Việt thoát được những cơn giông bão triền miên của thế cờ chiến lưọc quốc tế, cùng những tham vọng ngoại cường. Cá nhân tôi không hề có tham vọng chính trị, trước cũng như sau năm 1975.

Những điều cần làm, đã, đang, và sẽ làm, chỉ hướng về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và dân tộc nói riêng, cũng như sự cảm thông của nhân loại nói chung.

 

  III. NGHIÊN CỨU THỜI HIỆN ÐẠI

 

Việc nghiên cứu thời hiện đại, tức từ 1975 tới nay, vô cùng khó khăn. Các tư liệu thường rất hạn chế, phần lớn dựa theo tin tức tình báo và ngoại giao cùng báo chí.

Tuy nhiên, đôi khi, người nghiên cứu có được những tài liệu cực kỳ quí báu. Cuộc xâm phạm Việt Nam của Hồng quân Trung Quốc năm 1979, và cuộc chiếm đóng Kampuchea của Cộng Sản Việt Nam từ 1978 tới 1989 giúp người nghiên cứu nhiều tư liệu về liên hệ giữa Trung Cộng, Việt Nam và Kampuchea. Trong số những chi tiết đáng kể có việc Quân ủy Trung Cộng cùng các Tướng Trần Canh, Vi Quốc Thanh, v.. v... đã thực sự chỉ huy các trận đánh Cao Bằng-Lạng Sơn (1950) hay chiến dịch Ðiện Biên Phủ (1954); Chu Ân Lai ép buộc Hồ Chí Minh phải chấp nhận tạm thời chia đôi Việt Nam theo vĩ tuyến 17 tại Hội nghị Geneva (7/1954); hay, tháng 9 năm 1958, Hồ Chí Minh đã sai Phạm Văn Ðồng viết thư cho Chu Ân Lai, nhìn nhận lãnh hải do Bắc Kinh công bố để có quân viện đánh chiếm miền Nam.[ Xem Phụ Bản]

Nhưng cho tới năm 2009 này, các sử quan Cộng Sản hay “xã hội chủ nghĩa” vẫn nhất định nhắm mắt lại mà ca ngợi công ơn vĩ đại của những Karl Marx, Lenin, Stalin, Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai, hay Hồ Chí Minh. Các sử quan và văn nghệ sĩ trong nước từng được Trường Chinh Ðặng Xuân Khu nhiều hơn một lần dạy bảo rằng văn chương, thơ phú hay sử học phải bám sát và phục vụ mục tiêu chính trị giai đoạn của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Bất cứ ai không nhìn thấy được sự vĩ đại của Liên Sô, Trung Quốc, hay tư tưởng Hồ Chí Minh (khi cần thiết) đều bị xếp hạng là kẻ thù của “nhân dân,” phản động, và ngay cả Việt Gian. Bởi thế, sử sách Việt Nam bị ô nhiễm bởi những lời xưng tụng Stalin như cha già của Hồ Chí Minh, hay ông nội của thanh thiếu niên Việt trong thập niên 1950. Thứ “tinh thần Hồ Chí Minh” này có đáng nuôi dưỡng, phát huy để soi sáng cho quốc dân Việt trong thế kỷ 21 hay chăng?

Chưa một ai, nhưng chắc chắn sẽ có người, làm một cuộc so sánh những văn thư ngoại giao thời Việt Nam phong kiến với thư từ trao đổi giữa Ðảng Cộng Sản Việt Nam và Liên Sô hay Trung Cộng.

 

Một triết gia Tây phương từng viết: “Không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng nước.” Nhưng cổ nhân cũng dạy rằng: “Ði hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Ðại họa của thế nhân thường do không chịu học hỏi những bài học lịch sử. Ai nấy đều muốn quên đi những chuyện buồn dĩ vãng, gìn giữ những niềm vui, nỗi sướng cũ như một túi hành trang. Ðáng sợ hơn nữa là có nghĩ rằng mình đã “biết hết rồi!” những điều mà họ thực sự chẳng biết gì cả. Như huyền thoại người Mỹ đưa quân vào miền Nam để muốn độc chiếm quân cảng Cam Ranh, hay đào xới chất Uranium. Sự thực, từ những năm 1945-1946, Hồ Chí Minh nhiều hơn một lần “van nài” người Mỹ nhận hải cảng Cam Ranh, nhưng chính phủ Harry Truman (1945-1953) từ chối. [Xem Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, tập I-A & B] Cho tới đầu thế kỷ XXI, người Mỹ vẫn rất hững hờ trước lời mời gọi khai thác cảng Cam Ranh. Và, chưa một nhà khoa học Việt nào phát hiện mỏ Uranium ở Ðông Dương–ngoại trừ một quặng non ở Pia Ouac, do một chuyên viên “người Việt mới” gốc Nhật phát hiện trong giai đoạn 1947-1948. Mỏ Uranium này còn nằm trong lãnh thổ Việt, hay đã cắt nhượng cho Trung Cộng?

Với một dân tộc như dân tộc Việt–một dân tộc kiêu hùng bảo vệ sự sinh tồn của mình bằng máu và nước mắt từ nhiều ngàn năm qua–bài học dĩ vãng luôn luôn là tấm gương soi mặt ngàn năm. Nhờ vậy, dù không so sánh được với các cường quốc, tổ tiên ta đã để lại cho con cháu một giải giang sơn gấm vóc làm vốn liếng. Tàn phá những tư liệu lịch sử, hay không bảo quản đúng mức các kiến trúc cổ thời, các kho văn khố, là tội ác văn hóa khó tha thứ. Nói chi việc nổi lửa thiêu đốt văn hóa phẩm của miền Nam Việt Nam. Ðào xới các di tích khảo cổ đem bán làm đồng vụn, sắt vụn. Vì một chút tài lợi cỏn con mà ngụy tạo lịch sử, trắng đổi làm đen.

Một dân tộc thiếu sự lương thiện trí thức hẳn khó thoát cảnh nô lệ ngoại bang.

   Houston, 11/2000-1/2/2009


Phụ Bản: Các Thánh Lệnh Phân Chia Thế Giới

 

Các giáo hoàng đầu tiên của thời Phục Hưng [Renaissance] dùng thần quyền để phân chia những vùng đất “mọi rợ” mà Portugal và Espania bắt đầu đi xâm chiếm ở duyên hải Tây Phi Châu (1416) hay “lục địa đã mất” Mỹ châu (thập niên 1480-1490).

Ðó là các Thánh lệnh (bulls): Dudum cum ad nos (1436) và Rex Regum (1443) của Eugene IV (1431-1439, 1439-1447 [antipope Felix V (1439-1447]); Divino amore communiti (1452) và Romanus Pontifex (8/1/1454) của Nicholas V (1447-1455), Inter caetera (1456) của Callistus III (1455-1458), Aeterni Regis (1481) của Sixtus IV (1471-1484); và nhất là những Thánh lệnh (Papal bulls) của Alexander VI (1492-1503) trong hai năm 1493-1494, như Inter caetera ngày 3-4/5/1493, Eximiae devotionis ngày 3/5/1493, và Dudum siquidem ngày 23[26?]/ 9/1493. (Inter caetera ngày 4/5/1493 in trong Corpus của Luật tòa thánh Ki-tô, tức the Catholic canon law). (Luis N. Rivera, A Violent Evangelism: The Political and Religious Conquest of the Americas [Chính sách truyền đạo bằng bạo lực: Cuộc chinh phục chính trị và tôn giáo châu Mỹ] (Louisville, Kentucky: Westminster/John Knox Press, 1992), tr. 24-5, 28-9; H. Vander Linden, “Alexander VI and the Demarcation of the Maritime and Colonial Domains of Spain and Portugal, 1493-1494” [Alexander VI và sự phân chia lãnh hải và thuộc địa giữa Es-pa-ni-a và Pooc-tiu-gơn, 1493-1494]; American Historical Review [AHR], Vol. XXII, No. 1 (Oct 1916), pp. 1-20; John Fiske, The Discovery of America, 2 vols (Boston: Houghton, Mifflin & Co., 1892), I:324-6, 454-68; Phụ bản B, II:580-93).

[Bartolemi?] Las Casas, trong cuốn Historia de las Indias, nói đến việc năm 1442, sau khi Antonio Goncalves mang vàng và nô lệ từ Rio del Oro (Phi châu) về Portugal, triều đình Portugal và Hoàng tử Henry the Navigator xin Giáo hoàng “Martin V” ban cho một thánh lệnh độc quyền chiếm hữu đất đai và nô lệ, và sau đó các Giáo hoàng Eugene IV, Nicholas V, Calixto IV đều tái xác nhận. (I:185) Thực ra Las Casas bị lầm lẫn đôi chút, vì Martin V (1417-1431) đã chết trước đó 11 năm, và chính Eugene IV ban Thánh lệnh buôn nô lệ. (Fiske 1892, I:325n1) Nhiều tác giả đã sao lại lỗi kỹ thuật của Las Casas.

Thánh lệnh ngày 8/1/1454, ban cho vua Portuguese tất cả những lãnh thổ khám phá ra “trong vùng đại dương tới những vùng phía Nam và Ðông” mà các vua theo đạo Ki-tô chưa hề tìm thấy hay sở hữu. (Alguns Documentos do Archivo Nacional da Torre do Tombo [Lisbon: 1892], tr. 15-6; dẫn trong Linden 1916, tr. 12)

Thánh lệnh ngày 21/6/1481 của Sixtus IV lập lại những lệnh kể trên, và phê chuẩn hòa ước Alcacovas năm 1479 giữa Espania và Portugal. (Linden 1916, tr. 12n28)

Thánh lệnh của các giáo hoàng ban cho vua Ki-tô người Portuguese những “quyền” sau tại các vùng đất chiếm đóng được ở Africa: (1) chủ quyền lãnh thổ tại những vùng mới khám phá hoặc chiếm đóng; (2) quyền được giáo hội ban phép lành; (3) quyền thu thuế [tithes] tại những vùng đất mới; (4) quyền truyền giảng đạo Ki-tô; và (5) quyền bắt thổ dân làm nô lệ nếu “không trở lại đạo.” (Morales Padron 1979, 16; dẫn trong Rivera 1992:28).

Ngoại trừ điều khoản bắt thổ dân làm nô lệ trong các thánh lệnh trên, nội dung của bốn thánh lệnh mà Alexander VI ban phát (grant and donation in perpetuity) cho Espania cũng tương tự. (Leturia 1959:I:153-204, dẫn trong Rivera 1992:29).

Theo Manzano (1948, 8-28), Thánh lệnh trong hai ngày 3-4/5/1493 và [26?]/ 9/1493 như sau:

Thánh lệnh thứ nhất (Inter caetera ngày 3/5/1893) ban phát những vùng đất mới khám phá cho Espania;

thánh lệnh thứ hai phân chia vùng quyền hạn (jurisdictions) giữa hai vua Espania và Portugal để tránh tranh chấp (Inter caetera ngày 4/5/1893); và,

thánh lệnh thứ ba (Dudum siquidem ngày [26]/9/1493). nới rộng vùng đất ban phát tới Ðông An (Oriental Indies), mục tiêu đích thực của phong trào thám hiểm và khám phá (tức hạn chế Portugal tại những vùng đã chiếm được trước năm 1492).

Do yêu cầu của vua Ferdinand V và Isabella của Espania, Alexander VI còn ban hành một thánh lệnh khác, Eximiae devotionis đề ngày 3/5/1493 [chỉ gửi đi vào tháng 7/1493 (Register 879:234)], nhấn mạnh hơn cả hai thánh lệnh Inter caetera ngày 3-4/5/1493 [đã được gửi đi từ tháng 4 (Register 775:42 verso) và tháng 6/1493 (Register 777:192 verso)], và tổng hợp nội dung của hai Thánh lệnh trên.

Khi vua John của Portugal chống lại bốn Thánh lệnh trên, thương thuyết giữa hai nước bắt đầu từ ngày 18/8/1493. Ngày 7/6/1494, Espania và Portugal ký Hiệp ước Tordesillas, sửa lại đường phân chia thế giới. Espania đồng ý nhượng cho Portugal xứ Brazil (Brê-ziêu); tức đường ranh giới thế giới dời về hướng Tây thêm 10 kinh độ (từ khoảng 36.30 Tây tới 46.30 Tây, tương đương với 270 hải lý), cách bờ Tây quần đảo Cape Verde khoảng 370 hải lý]. Giáo hoàng Julius II (1503-1513) chấp thuận hiệp ước này bằng Thánh lệnh Ea quae năm 1506.

Bốn thánh lệnh của Alexander VI—Inter caetera “ (3-4/5/1493), Eximiae devotionis (3/5/1493), và Dudum siquidem ([26?]/ 9/1493)—được in lại trong nhiều tác phẩm Espania, như Marin Fernandez de Navarrete, Colección de los viages y descubrimientos que hicieron por mar los espanoles, desde fines del s. XV, 2 tập (Buenos Aires: Editorial Guarania, 1945), 2:34-49, 467-468, và Casas 1965 (2:1277-1290). Bản dịch tiếng Mỹ có thể tìm thấy trong Fiske, 1892, Appendix B; và Frances G. Davenport, European Treaties Bearing on the History of the United States and Its Dependencies to 1648, 4 vols. (Washington: Carnegie Institution, 1917) (1:64-70, 84-100, 107-11).

Mặc dù vài tư liệu đã bị gọi một cách sai lầm là “bulls” (Thánh lệnh hay Thánh luật), như Manuel Gimenez Fernandez nhận định (1944, xiii), chúng tôi dùng chữ “Thánh lệnh” như thường dùng (thay vì sắc chỉ, vì thuật ngữ này không sát nghĩa).

 

Có 3 khuynh hướng diễn giải về vai trò của Giáo Hoàng và Giáo Hội: (a) Giáo hoàng chỉ là trọng tài trong cuộc tranh chấp Espania-Portugual; (b) Giáo Hoàng là chánh án tối cao giải quyết sự tranh chấp giữa Espania và Portugal; và (c) Giáo hoàng chẳng có quyền lực gì, chỉ chấp nhận một thực tế. (Linden 1916:2-3).

Manuel Gimenez Fernandez (1944), người nghiên cứu về thư từ của Giáo hoàng—trong cách diễn tả khá khác thường so với các sử gia Ki-tô Vatican người Espania—cho rằng có cuộc trao đổi (simoniacal exchange) giữa Alexander VI và Fernando [Ferdinand] V, để có được những cuộc hôn nhân đầy lợi lộc cho các con ông ta (his sacrilegious sons), đặc biệt là gã vô lại (the bastard) Juan de Borgia, Quận công xứ Gandia (lấy Maria Enriquez, em họ Ferdinand V). Tác giả nhận định: “Như vậy, Inter caetera ngày 3/5 chỉ là bước đầu của liên hệ gia đình giữa các vua Aragon và con hoang của Alejandro Borgia [Thus the Inter caetera of May 3 is, then, but the first stage of the kinship between the monarchs of Aragon and the favorite sacrilegious son of Alejandro Borgia].” (Gimenez Ferniindez 1944, 86-7)

Sau Alexander VI, Ki-tô giáo được Espania và các quốc vương Ki-tô khác sử dụng như ý thức hệ nòng cốt của chính sách thực dân, tức tiếp nối tinh thần “thập tự quân” mới: Di chúc của Nữ hoàng Isabel (1504), Luật Burgos (1512), Yêu sách [Requerimiento] (1513), Tân Luật [Leyes Nuevas] (1542), cuộc tranh luận tại Valladolid (1550-1551), các sắc lệnh về những xứ và thành phố mới khám phá dưới thời Felipe II (1573), và cuối cùng Bộ Luật về thổ dân [Compilation of the Laws of the Indies] năm 1680 dưới triều Carlos II.

Thánh lệnh của Alexander VI trở thành căn bản “pháp lý” của những cuộc chinh phục Mỹ và á châu trong thế kỷ XVI-XVII. Năm 1530, chẳng hạn, vua Joao III viết cho Ðại sứ Pháp:

Tất cả những chuyến du hành thám hiểm trên biển và trên đất liền đều có cơ sở pháp lý [tức quyền sở hữu], căn cứ vào Thánh lệnh mà các Thánh Cha đã ban phát từ xưa . . . . dựa trên những pháp lý vững chắc, và vì thế [những vùng đất khám phá được] là tài sản hợp pháp của Ta và ngôi vua vương quốc [Espania], [chúng] đang yên ổn nằm trong quyền sở hữu của Ta; không ai có thể xâm phạm chúng trong lẽ phải và công lý. (Zavala (1971, 348) ]

 

Một số quốc gia Au châu không tán thành và không nhìn nhận những Thánh lệnh này. Năm 1540, vua Francis I của Pháp mỉa mai: “Ta sẽ rất hân hoan nếu thấy trong lời chứng của Adam có câu loại Ta khỏi một phần chia chác thế giới.” (Leturia 1959, 1:280). Jean Francois Marmontel, một nhà bách khoa tự điển Pháp, cáo buộc Thánh lệnh của Alexander VI là “tội ác lớn nhất trong số các tội ác của nhà Borgia.” (Hoffner 1957, 268)

Nữ hoàng Elizabeth I của Bri-tên cũng không dấu bất mãn, nhấn mạnh rằng

“Ta không thể tin rằng dân bản xứ là sở hữu hợp pháp của Espania, do Thánh luật của một giáo hoàng ở Rome, mà Ta không nhìn nhận quyền hạn về vấn đề này, và lại càng không tin hơn nữa rằng ông ta có thể ràng buộc các vua không thuần phục ông ta.” (Zorraqufn Becu 1975, 587)

 

1497: Vasco de Gama vượt qua Mũi Hảo Vọng.

1506: Francisco de Almeida thăm Sri Lanka (tức Ceylon hay Tích Lan), sau sát nhập xứ này vào đế quốc Portugal.

1508: Người Portuguese, Sequeira, tới Sumatra.

1510: Portugal chiếm Goa.

1511: Alfonso de Albuquerque (Portugal) chiếm Malacca (trên bán đảo Malaysia), một trung tâm truyền giảng đạo Islam và thương mại ở Viễn Ðông (1400-1511). Từ đây, Albuquerque cử sứ đoàn qua Ayuthia (Xiêm) và Molucca (trong quần đảo Spice). Pháo đài Malacca trở thành trung tâm thù nghịch của các tiểu vương Islam lân cận. Cuộc chiến tranh chống Portugal kéo dài tới năm 1587, do vua Acheh [Achin], trên đảo Sumatra (Indonesia ngày nay) lãnh đạo.

Thương gia Islam dời xuống Brunei (Borneo), chọn nơi đây làm trung tâm truyền giáo. Một cuộc thánh chiến mới diễn ra khốc liệt tại vùng đất của hồ tiêu, dầu, và nhất là vàng.

1517: Fernam de Andrade tới Quảng Châu, Nam Trung Hoa. (Fiske 1892, II:183)

1521: Ferdenand Magellan, trong ước muốn đi vòng quanh thế giới bằng tàu buồm, đã phát hiện ra quần đảo “San Lazaro” (tức Philippines ngày nay). 27/4/1521: Lapulapu, chúa đảo Mactan, giết Magellan. 6/9/1521: Tàu Victoria về tới San Lucar de Barrameda (Espania), hoàn tất chuyến đi vòng quanh thế giới.

1524: Ruy Lopez de Villabodos cùng với 5 tàu và 370 thủy thủ từ Mexico vượt biển trở lại Philippines. Một giáo sĩ dòng Augustin, Andres de Urdaneta, cũng chỉ huy một chiến hạm.

1529: Hòa ước Saragossa giữa Portugal và Espania: Phía Ðông Molucca 17 độ là thuộc Portugal.

1533: Theo sách Dã Lục, Y-nê-xu [Ignatio hay Ignace] giảng đạo Gia-tô tại xã Ninh Cường, Quần Anh, và Trà Lũ huyện Giao Thủy [Nam Dịnh]. (Theo L. Cadière, Gaspard da Santa Cruz tới Dàng Trong năm 1550).

1549 [1540?]: Ignace de Loyola thành lập dòng Jesuite (Jesus hay Tên) tại Espania.

1550 [1555?]: Theo Marcos Gispert [Giopert?], giáo sĩ Gasparde Santa da Cruz tới Ðại Việt.

1555: Người Portuguese lập nghiệp ở Macao (Ấo Môn).

- Gasparde Santa da Cruz, một giáo sĩ Dominican Portugal, đến Lovek (Chân Lạp).

1563: 900 người Portuguese lập nghiệp, và hàng vạn người sinh sống tại hải cảng Macao. Từ ngày này, người Portuguese dùng Macao làm địa bàn buôn bán với cả Ðàng Ngoài (Tonqueen) và Ðàng Trong (Kauchin Chine, hay Cochinchine).

1564: Miguel Lopez de Legaspi (?-1572) lại mang một đoàn chiến thuyền từ Mexico tới chiếm đóng Philippines. 4/1565: Lopez de Legaspi chiếm Cebu, lập khu định cư đầu tiên.

1568 [Mậu Thìn]: Người Espania chiếm Manila, và từ tháng 5/1571 lấy Manila làm thủ đô của Philippines. Các “friars” trở thành nhà cai trị (và được vua Espania trả lương) tại các vùng nông thôn.

1578: Sebastian bị giết ở Morocco.

- Pedro d'Alfaro, dòng Francisco [Phanxicô], lập tu viện ở Philippines và Macao. 1580: Vua Espania, Philip II, gồm chiếm đế quốc Portugal. Từ ngày này, Manila và Macao là hai trung tâm truyền giáo lớn nhất.

1580: - Luis de Fonseca, người Portuguese, và Grégoire de la Motte, người Pháp, thuộc giáo hội Malacca, đến Quảng Nam(?) truyền đạo. Ðuợc ít lâu bị Nguyễn Hoàng trục xuất. Fonseca bị giết; de la Motte bị thương nặng, rồi chết.

1581: Từ Macao, Linh mục Giovanni-Battista de Pesaro, gốc Italia, liên lạc với Mạc Mậu Hợp, xin qua giảng đạo. 1584: Bortholoméo Ruiz thuộc đoàn truyền giáo của d'Oropesa, gốc Espania, từ Manila đến Thăng Long gặp Mạc Mậu Hợp. Mang theo một phụ nữ thông dịch viên. Khi tàu Portuguese bỏ đi, chỉ có Ruiz ở lại. Giảng đạo bằng hình ảnh. Năm 1585, khi Ruiz rời Ðàng Ngoài, chỉ rửa tội được một em bé sắp chết. (Hồng Lam & Cadière, 1944:102-3)

1/5/1583: Linh mục Diego d'Oropesa, cùng Bortholoméo Ruiz, Pedro Ortiz, Francisco de Montila, và 4 phụ tá, dòng Francisco, từ Manila qua Ðại Việt. (Romanet du Caillaud 1915, tr. 34)

1583-1584 [1570?]: Lopo Cordoso và Joan Madeira tới Lovek. Vua Satha muốn nhờ Malacca chống vua Ayuthia (Xiêm) là Phra Naret.

1588: Hạm đội Espania bị thảm bại. Bri-tên, Pháp và Dutch bắt đầu giành giật thuộc địa của Portugal và Espania. Dutch đặc biệt chú ý đến á châu. Chiếm Jawa và Sumatra (Indonesia ngày nay).

1591: Theo Ordonez de Zevallos (Zeballos), trong cuốn Histoiria Y Viage del Monde [Lịch sử cuộc du hành thế giới], ông ta từng giảng đạo ở triều Hậu Lê, rửa tội cho công chúa Flora Maria [Mai Hoa]?, nhiếp chính đại thần của một ông vua mới 7 tuổi, nên bị trục xuất vào Ðàng Trong. Tại đây, rửa tội cho Nguyễn Hoàng (sic!). (Romanet du Caillaud 1915, tr. 83-144). Theo Borri, đây là chuyện bịa đặt. (Hồng Lam & Cadière, 1944:100-1)

1592: Nhật: Tokugawa thiết lập hệ thống tập trung việc thương mại với các nước Ấ Châu, gọi là “Red Seals.”

1593: Blas Ruiz de Hernan Gonzales và Gregorio Vargas Machuca từ Manila tới Chân Lạp.

1596: Diégo Adverte, thuộc dòng Dominican Espania, tới Ðại Việt. (Gosselin, 89)

- Người Dutch [công ty Vereenigte Oost-Indische Compagnie, hay VOC] tới Jawa.

1602: Sir James Lancaster thiết lập sở buôn English East India Company tại Bantam, phía Tây Jawa.

1607: Dutch chiếm quần đảo Moluccas.

1614 [Giáp Dần]: Jean de la Croix, người Portuguese, lập lò đúc súng ở Thuận Hoá. (Maybon & Russier, Notion d'histoire d'Annam).

18/1/1615: Hai linh mục dòng Tên gốc Italia, Francesco Buzomi và Diego Carvalho, cùng Antonio Diaz (Portuguese) và 2 người Nhật (Paul & Joseph) từ Macao tới Faifo. (Huồn 1965, I:46) Carvalho ở khu phố Nhật một năm rồi sang Nhật, chết ở đây (1624). Buzomi hoạt động ở vùng Cửa Hàn (cho tới năm 1639; (Khiêm 1959:46)

1617: Chúa Sãi trục xuất Buzomi và Pina. Hai người lén lút ở lại, lập thêm được họ đạo Nước Mặn ở phủ Hoài Nhân (Qui Nhân).

1618 [Mậu Ngọ]: Chúa Sãi cho phép giảng đạo lại. Giám mục Macao gửi thêm Pedro Marquez và Christoforo Borri, cùng một thuyền buôn nhiều hàng hoá tới “Cacchian” [Quảng Nam] và Faifo (Hội An). (Pinkerton 1811:IX:795-97; Lamb 1970:21). Theo Borri, thị trấn Faifo khá lớn; chia làm hai khu vực người Hoa và người Nhật. (Cochin-China [London:1633]; reprinted in 1970 by Da Capo Press, NY, tr. I-3)

1620 [Canh Thân]: Chiến tranh Bắc-Nam khởi sự.

2/1623: Dutch đánh phá sở buôn English East India Company tại Amboyna, Moluccas.1654 [Giáp Ngọ]: Dưới áp lực của chúa Nguyễn, người Dutch phải bỏ Faifo, tập trung ở Phố Hiến. (Lamb 1970:26)

12/1624: Thêm 5 cố đạo tới Ðàng Trong. Trong số này có lẽ có Alexandre de Rhodes (1593-1660), 3 giáo sĩ Portuguese, 1 Italia, và 1 Nhật (Michel Marchi).

1645: Portugal chiếm Brazil của Dutch.

2/8/1650: Rhodes tuyên bố với Bộ truyền giáo Roma là cần ít nhất 300 giáo sĩ để cai quản 300,000 giáo dân, và mỗi năm tăng lên 15,000 người. Innocent X (1644-1655) đồng ý, cử Rhodes làm Giám mục Ðại Việt, nhưng Rhodes từ chối. Sau đó Rhodes qua Pháp, tìm người đi Ðại Việt. Chết ở Iran ngày 5/11/1660. (Huồn 1965, I:129)

1659: Giáo hoàng Alexandre VII (1655-1667) cử Francois Pallu (1626-1684) và Pierre de la Motte-Lambert (1627-1693) làm đại diện giáo triều Vatican tại Trung Hoa và vùng lân cận, một bước cơ bản cho việc thiết lập Hội truyền giáo hải ngoại Pháp vào năm 1663.

1659 [Tháng 9 Kỷ Hợi]: Sau cuộc làm loạn ở Cao Mại của tín đồ Ki-tô, Trịnh Tạc cấm đạo. Cho lệnh Onofrio Borgès, người Switzerland, phải triệu tập các cố đạo về Hà Nội, rồi trục xuất lên Macao, ngoại trừ Borgès và Tissanier, một cố đạo gốc Pháp. (Huồn 1965, I:123).

1663: Trịnh Tạc cấm đạo.

1715: Clement XI (1700-1721) cấm giáo dân dự lễ cúng Khổng tử và thờ kính ông bà tổ tiên, vì đó là dị đoan. 1742: Benedict XIV (1740-1758) ra sắc dụ Ex quo Singulari, lập lại giáo lệnh của Clement XI tuyệt cấm giáo dân dự vào lễ cúng Khổng tử và thờ kính ông bà tổ tiên, vì đó là dị đoan. [1939: Pius XII (1939-1958) ra dụ Summi Pontificus, cho phép tham dự những lễ nghi kể trên. (Huồn 1965, I:319) 1962: Công đồng II đồng ý. Nhưng chỉ áp dụng tại Việt Nam từ 1974]

Houston, 11/2000-1/2/2009
 
  Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu


Nguồn: http://www.chuyenluan.net



                       

                   Giới Thiệu Sử Gia Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu


Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu
(ảnh của PBase.com)

Chính Đạo là một trong hai  bút danh của  Vũ Ngự Chiêu. Bút danh kia là Nguyên Vũ, rất nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975.  Trước 1975, Vũ Ngự Chiêu phục vụ trong binh chủng Pháo Binh Dù, QLVNCH, và đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản. Sau khi ra hải ngoại, ông vừa tiếp tục cầm bút vừa đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp Tiến Sĩ Sử tại Đại Học Wisconsin-Madison năm 1984, sau khi cùng gia đình di chuyển về Houston, ông là Giám Đốc nhà xuất bản Văn Hóa và tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Houston năm 1999.  

    Những tác phẩm của Vũ Ngự Chiêu xuất hiện trước năm 1975 dưới bút danh Nguyên Vũ gồm có  Đời Pháo Thủ (bút ký), Những Cái Chết Vô Danh (tập truyện), Trở Về Từ Cõi Chết (truyện), Vòng Tay Lửa (trường thiên), Thềm Địa Ngục (truyện), Đêm Hưu Chiến (truyện), Sau Bảy Năm Ở Lính (bút ký), Đêm Da Vàng (trường thiên), v.v.  Tại hải ngoại, Vũ Ngự Chiêu đã in thêm các tập Xuân buồn thảm: Cuộc Sụp Đổ của Nam Việt Nam (bút ký), Trận Chiến Chưa Tàn (truyện), Giặc Cờ Đỏ (trường thiên), cùng hai tâm bút Paris: Xuân 1996, và Ngàn Năm Soi Mặt.  

    Về nghiên cứu sử học, ông đã in ba tác phẩm bằng tiếng Anh dưới tên thực, và 10 biên khảo bằng Việt ngữ với bút danh Chính Đạo. Biên khảo duy nhất bằng Việt ngữ ký tên thực của ông là bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1883-1945, gồm ba tập. Những tác phẩm ký tên Chính Đạo thường được viết cho độc giả không chuyên môn, dễ đọc hơn, không quá khô khan như các biên khảo đúng yêu sách bác học.  

   Ông vừa xuất bản tác phẩm mới nhất với tựa đề Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, 1945-1975, tập I, gồm 5 phần: Sơ lược tiểu sử Tổng thống Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897-1963); Từ Điện Biên Phủ tới Geneva; Cuộc truất phế Bảo Đại; Mùa Phật Đản đẫm máu (1963); và “Phiến Cộng” trong Dinh Gia Long.  

    Sau năm 1975 ở hải ngoại, có những dòng thác ngụy tạo ngụy biện nhằm vặn méo sử kiện để chạy tội và biện minh cho sự vô minh của mình, Vũ Ngự Chiêu đã dần dần xuất hiện như  một nhà sử học khai sáng và can trường. Giá trị tinh thần của người trí thức không chỉ là tôn trọng sự thật mà còn nói lên sự thật và chấp nhận hậu quả của quyết định can trường đó. Đó là một sự đổi đời tâm linh có ý nghĩa đã hình thành nơi Vũ Ngự Chiêu. Huyền thoại và huyễn mị lịch sử đã làm cho người Việt xa nhau, chỉ có sự thật mới làm cho người Việt gần lại với nhau, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những tác phẩm mới của Vũ Ngự Chiêu là một đóng góp sáng giá và có ý nghĩa trong chiều hướng đó.   

 
Trích Từ : http://www.chuyenluan.net


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Vấn Đề Tài Liệu Nghiên Cứu Lịch Sử
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi lưu trữ và phổ biến những biên khảo, sáng tác và ý kiến của quý vị và các bạn nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa và phục hồi nền an lạc & tự chủ của Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt